Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/10/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 3/10/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/10/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/10/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Bão Koinu mạnh cấp 15, giật cấp 17 đang hướng vào Biển Đông
Lúc 7h sáng nay, vị trí tâm bão Koinu ở trên vùng biển đông bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17.
Hiện bão đang di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km/h. Dự báo đến sáng mai, tâm bão ở vùng biển phía bắc đảo Luzon, cường độ bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17.
Sau đó, bão Koinu tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, hướng vào vùng biển phía nam Đài Loan, cường độ bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.
Dự báo khoảng sáng 5-10, bão Koinu đi vào khu vực phía đông bắc Biển Đông và chạy dọc theo vùng biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Do ảnh hưởng của bão Koinu, ở vùng biển phía đông bắc của khu vực bắc Biển Đông từ đêm 3-10 có gió mạnh dần lên cấp 6-7.
Từ đêm 4-10 mạnh lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-13, giật cấp 16, biển động dữ dội.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Koinu, ngày 3-10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Koinu, rà soát, thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.
Rà soát lực lượng, phương tiện, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Tuyên Quang giải trình về việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
Dự phiên họp giải trình có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố.
Thường trực HĐND tỉnh đã nghe các nội dung giải trình việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thực hiện từ ngày 1-1-2021 đến hết tháng 6-2023. Mục tiêu nhằm làm rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng trong công tác quản lý nhà nước, phương hướng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Các đại biểu đã tập trung nêu câu hỏi để các cơ quan chức năng trả lời liên quan đến vấn đề như: chậm rà soát, bổ sung quy hoạch để thực hiện đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và vệ sinh môi trường; chưa triển khai các thủ tục để nhà đầu tư thi công xây dựng nhà máy rác thải với công nghệ tiên tiến tại khu xử lý rác thải xã Nhữ Khê.
Cùng với đó là tình trạng tập kết rác không đảm bảo quy định về quy chuẩn, nhiều điểm tập kết rác tự phát; các điểm tập kết rác thải, điểm trung chuyển rác lựa chọn địa điểm chưa phù hợp, không đảm bảo vệ sinh; tình trạng ùn ứ rác xảy ra gây ô nhiễm môi trường; tại các vùng nông thôn việc quản lý, xử lý rác thải còn chưa được thực hiện đồng bộ, quy trình xử lý chưa đảm bảo quy chuẩn, đặc biệt là phân loại, xử lý rác thải rắn.
Các đại biểu cũng nêu các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng đơn giá, kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đên địa bàn đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chỉ đạo các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và thực hiện trang bị phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường…
Kết luận phiên giải trình, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, đơn giá và các nội dung liên quan sao cho thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch các khu xử lý rác ở các vùng, có quy chế vận hành đối với các khu xử lý rác; sớm ban hành phê duyệt các khu tập kết rác ở tất cả các huyện, thành phố; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đồng chí yêu cầu lãnh đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường trách nhiệm đối với công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác xử lý rác thải, cải thiện môi trường sống ngày một tốt hơn.
Gia Bình (Bắc Ninh): Chung tay làm sạch môi trường
Nhà nhà thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vệ sinh đồng ruộng, xây dựng nếp sống văn minh gắn với bảo vệ môi trường… Khẳng định sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ môi trường, xây dựng Nông thôn mới sáng, xanh, sạch đẹp.
Để thay đổi nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường, thì tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường luôn được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Theo ông Vũ Văn Văn, Phó trưởng Phòng TN & MT huyện: Từ năm 2022 đến nay, Phòng TN & MT tham mưu UBND huyện dồn trọng tâm đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành vào cuộc sống. Bằng việc tuyên truyền đầy đủ, kịp thời nội dung, quy định của Luật đến với mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện; thông tin thường xuyên, liên tục các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về bảo vệ môi trường trên hệ thống truyền thanh ở các thôn, xóm để nhân dân biết, chấp hành; tổ chức rầm rộ, kêu gọi sự hưởng ứng tích cực của nhân dân tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch giờ trái đất, Ngày môi trường thế giới, Quốc tế Đa dạng sinh học và Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực nâng cao ý thức làm sạch môi trường của các tầng lớp nhân dân. Thực tế đã chứng minh, Gia Bình là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình.
Phong trào tạo sự lan toả mạnh mẽ và đạt hiệu quả tích cực. Điển hình là sự tham gia, hưởng ứng đồng loạt của các cấp Hội Phụ nữ trong huyện. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo Hội phụ nữ các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ các chi hội phân loại rác, làm vi sinh IMO gốc, nhân vi sinh IMO, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Đến nay, toàn huyện làm được 239.597 lít vi sinh; 58.667 kg IMO đậm đặc; duy trì 23.284 gia đình hội viên phân loại rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn xử lý được 21 lượt bãi rác thải tập trung bằng công nghệ vi sinh IMO với lượng rác thải xử lý là 593m3 (chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay), góp phần làm xẹp rác, hạn chế phát tán mùi hôi ra môi trường; triển khai ký cam kết phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình tới 100% hội viên hội Phụ nữ.
Huyện Đoàn với lực lượng đoàn viên thanh niên đông đảo cũng đẩy mạnh thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; thực hiện mô hình “Hố rác dân sinh” trên địa bàn; Chi đoàn thanh niên tại các thôn thành lập các Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ việc đào hố rác tại vườn cho các hộ gia đình, kết hợp tuyên tuyền, nhắc nhở nhân dân cách thức phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn.
Chỉ trong 6 tháng năm 2023, đoàn thanh niên đào được 84 hố rác dân sinh và thu gom được 541 kg rác tái chế; 100 % Đoàn các xã, thị trấn hướng dẫn cho học sinh các trường Tiểu học, THCS cách thức phân loại rác thải và ý nghĩa việc bảo vệ môi trường; 100% chi Đoàn các trường khối THPT, Trung tâm GDNN- GDTX huyện có thùng rác để phân loại rác thải; triển khai ký cam kết phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình tới 100% đoàn viên thuộc các cơ sở Đoàn toàn huyện; 5.251 đoàn viên thanh niên ký cam kết phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Mặt trật tổ quốc và các tổ chức thành viên tham gia tích cực vào công tác làm sạch môi trường, bằng việc làm điểm mô hình cấp huyện về phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình; triển khai ký cam kết phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và đẩy mạnh phong trào hội viên nông dân làm sạch đồng ruộng, duy trì 100% cánh đồng không có vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, không rác thải đồng ruộng; tổ chức phát động và duy trì phong trào làm sạch trụ sở cơ quan, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, tối thiểu 1 lần/tuần; nạo vét, vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy các kênh, mương; duy trì hoạt động ổn định các tổ vệ sinh môi trường nông thôn; trồng cây xanh, đường hoa để tạo cảnh quan môi trường; triển khai việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết, trung chuyển, bãi chôn lấp trên địa bàn huyện bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO… dần tạo ý thức, thói quen làm sạch môi trường của mỗi người dân trong huyện.
Bắc Giang: Quan tâm thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật
Theo đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, TP triển khai thực hiện Đề án; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP thực hiện; tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo số liệu thống kê, tổng lượng thuốc BVTV của tỉnh dao động từ 130-140 tấn/năm. Trong quá trình sử dụng nhiều người dân còn vứt bao gói thuốc BVTV bừa bãi ngoài đồng ruộng, khoảng 88% khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường đất, nước, giảm chất lượng nông sản và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đề án thu gom, vận chuyển xử lý bao gói thuốc BVTV trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 được xây dựng đã đánh giá thực trạng phát sinh, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể trách nhiệm cho các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền, địa phương, tổ chức, cá nhân.
Mục tiêu của Đề án là: Tỷ lệ bao gói thuốc BVTV được thu gom và xử lý đúng quy định đạt 95% vào năm 2025 và 97% trở lên vào năm 2030. Tỷ lệ bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh bảo đảm quy định đạt 95% vào năm 2025 và 100% vào năm 2026.
Kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là 44,675 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước 37,675 tỷ đồng, còn lại là kinh phí xã hội hóa.
Đề án là cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, người sử dụng thuốc BVTV là chủ thể chính.
Đà Nẵng: Tăng cường các giải pháp phòng, chống ngập úng đô thị trong mùa mưa
Theo nội dung Công văn số 5395/UBND-SXD gửi Sở Xây dựng, UBND các quận huyện, ban quản lý dự án, chủ đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, trong thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sát đến từng địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố và các đơn vị đã tích cực triển khai, cao điểm là vào các ngày 10-9 và 23-9-2023.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch UBND thành phố nhận thấy các đơn vị vẫn chưa hoàn thành công tác khơi thông, nạo vét cửa thu, cống thoát nước theo phạm vi phân cấp quản lý; còn nhiều cửa thu, mương thu đầy bùn đất, hoặc bị xây bít, che đậy, trám lấp… Các đơn vị hầu như mới chỉ tập trung ưu tiên nạo vét, khơi thông tại những khu vực ngập úng.
Do đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện; Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng và các chủ đầu tư (đối với các dự án, công trình chưa bàn giao hạng mục thoát nước) triển khai quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả công tác ra quân khơi thông cửa thu, mương thu nước và nạo vét cống rãnh trong thời gian đến, tránh hình thức dẫn đến không có kết quả cụ thể.
UBND các quận, huyện cần kết hợp giữa nhà thầu duy tu, nạo vét cống thoát nước của đơn vị và các lực lượng hiện có tại địa phương, bảo đảm hoàn thành việc khơi thông 100% cửa thu, mương thu nước trên toàn thành phố trước ngày 15-10-2023.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị xem đây là nhiệm vụ chính trị phải được quan tâm triển khai thường xuyên, liên tục; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của hệ thống thoát nước (từ hố ga đến cống thoát nước), không để tái diễn tình trạng trám lấp cửa thu sau khi được khơi thông, nạo vét.
Trong quá trình khơi thông cửa thu, mương thu nước và nạo vét cống thoát nước, nếu phát hiện hư hỏng cửa thu, hố ga…, các đơn vị khắc phục ngay tại hiện trường, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường và vỉa hè dành cho người đi bộ. Các đơn vị cũng thành lập các tổ ứng trực để kịp thời xử lý các khu vực xuất hiện ngập úng cục bộ.
UBND các quận, huyện nghiêm túc triển khai công tác thống kê sơ bộ cửa thu nước thuộc phạm vi quản lý, gửi về Sở Xây dựng trước ngày 10-10-2023 để có đầy đủ số liệu tổng hợp, báo cáo UBND thành phố nhằm đánh giá tình hình thực hiện của từng đơn vị.
Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng… vận động người dân không xây bít hoặc che đậy cửa thu nước trước nhà; tuyên truyền nhấn mạnh rõ tầm quan trọng của cửa thu nước khi xảy ra mưa lớn để người dân được nắm và đồng thuận với chính quyền thành phố trong công tác xử lý ngập úng đô thị; có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, địa phương về quy trình kỹ thuật nạo vét mương thoát nước, hố ga, cửa thu nước…
Đắk Nông: Xử lý Công ty Tấn Lộc Vinh sử dụng đất chưa đúng ranh giới giao đất
Văn bản cho hay, UBND huyện Đắk G’long nhận được Công văn số 186/CV-CSĐT ngày 09/6/2023 và Công văn số 290/CV-CSĐT ngày 16/8/2023 của Công an huyện Đắk Glong về việc đề nghị xử lý đối với diện tích Công ty TNHH Tấn Lộc Vinh sử dụng đất nằm ngoài ranh giới giao đất, cho thuê đất.
Ngày 02/6/2023, UBND huyện đã cử các đơn vị có liên quan, phối hợp theo đề nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Đắk Glong tiến hành kiểm tra, xác minh vị trí xây dựng trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Tấn Lộc Vinh.
Theo Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 14/6/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông thì diện tích UBND tỉnh cho Công ty TNHH Chăn nuôi Tấn Lộc Vinh thuê đất để đầu tư dự án trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản tập trung là: 94.273,0 m2.
Kết quả kiểm tra thể hiện tại Sơ đồ lồng ghép kết quả đo đạc do Chi nhánh VPĐK đất đai Đắk Glong xác nhận ngày 06/6/2023 như sau:
+ Tổng diện tích Công ty TNHH Tấn Lộc Vinh sử dụng (theo hiện trạng sử dụng đất được đo đạc theo ranh giới tường rào mà Công ty TNHH Tấn Lộc Vinh đã xây dựng): 97.346,8 m2.
+ Tổng diện tích đã xây dựng tường rào nhưng nằm ngoài ranh giới giao đất, cho thuê đất: 8.532,8 m2.
+ Tổng diện tích đã xây dựng tường rào nằm trong ranh giới Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 14/6/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông: 88.812,87 m2.
Căn cứ vào kết quả nêu trên, thì diện tích Công ty TNHH Tấn Lộc Vinh sử dụng đất ngoài thực địa không đúng theo các điểm ranh giới mốc mà UBND tỉnh Đắk Nông đã cho thuê đất tại Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 14/6/2018.
Do vậy, UBND huyện Đắk G’long đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cử phòng, ban chuyên môn thực hiện việc kiểm tra lại ranh giới, mốc giới tại thực địa (khi thực hiện thủ tục bàn giao diện tích đất cho Công ty TNHH Tấn Lộc Vinh vào năm 2018) để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Về nội dung này, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phản ánh, Công an huyện Đắk G’long đã 2 lần có Công văn gửi Chủ tịch UBND huyện đề nghị, chỉ đạo Cơ quan chuyên môn làm việc với Công ty TNNHH chăn nuôi Tấn Lộc Vinh để thiết lập hồ sơ vi phạm, xử lý theo quy định, đồng thời buộc Công ty TNNHH chăn nuôi Tấn Lộc Vinh dỡ bỏ, thu hồi phần diện tích xây dựng không đúng với trích đo bản đồ địa chính kèm theo Quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Đắk Nông.
Ngoài ra, vào năm 2022, Công ty TNHH chăn nuôi Tấn Lộc Vinh cũng bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông xử phạt 120.000.000 đồng với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, như:
Thực hiện không đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cụ thể: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải không đúng thiết kế và quy trình theo báo cáo đánh giá tác động mỗi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Không lập, gửi Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi thực hiện dự án và cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, cụ thể: Đưa vào vận hành các công trình bảo vệ môi trường nhưng không lập, gửi Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đắk Nông.
Lập báo cáo không đầy đủ thông tin về hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan có thẩm quyền, cụ thể: Không thực hiện đầy đủ kết quả phân tích chất lượng nước của các giếng khai thác, chỉ lấy mẫu tại 01 giếng.
Môi trường và Đô thị Việt Nam vẫn tiếp tục thông tin sự việc./.
Sạt lở đất đá, An Giang tạm đóng đường lên núi Cấm
Ngày 3/10, UBND thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã phát đi thông báo tạm thời đóng đường lên, xuống núi Cấm để khắc phục sự cố.
Theo đó, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài nên khoảng 1h30 cùng ngày, tuyến đường chính lên, xuống núi Cấm (thuộc ấp Thiên Tuế, xã An Hảo) xảy ra sạt lở đất đá.
Qua khảo sát, vụ sạt lở đã gây thiệt hại mái taluy đường, hộ lan cứng và sập rào chắn lưới chắn B40. Diện tích ảnh hưởng ngang 20m, dài theo mái dốc khoảng 40m với khối lượng đất đá khoảng 40 đến 60m3.
Chỗ liền kề tại vị trí sạt lở phát hiện có 1 khu vực khoảng 20m2 có nguy cao sẽ sạt lỡ tiếp. Lực lượng chức năng đã chốt trực, cảnh báo người tham gia giao thông. Ngoài ra, các đơn vị tư vấn đã khảo sát dọc sườn núi 2 lần trong 5 ngày qua và phát hiện có gần 400 vị trí có nguy cơ và nguy cơ cao sạt lở đá.
UBND thị xã Tịnh Biên đã tạm thời đóng đường lên, xuống núi Cấm trong 4 ngày (kể từ hôm nay cho đến ngày 7/10) để khắc phục sự cố.
Hạn hán kéo dài, kênh đào Panama tiếp tục giảm lượng tàu lưu thông
Cơ quan quản lý kênh đào Panama (ACP) cho biết nước này đang đối mặt với lượng mưa thấp và trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất lịch sử. Điều này làm giảm lưu lượng nước tại các hồ nước nhân tạo Alajuela và Gatún, vốn đóng vai trò điều tiết lưu lượng nước chảy qua kênh và ảnh hưởng tới hoạt động của các tàu thuyền qua lại tại đây.
Quyết định giảm lượng tàu thuyền trên nhằm mục đích đạt hiệu suất tối đa của nguồn nước hiện có và duy trì giới hạn mớn nước của tàu ở mức 44 feet (khoảng 13,40 m) vốn được áp đặt từ tháng 1 năm nay.
Trong số lượng tàu được phép lưu thông, 9 chiếc thuộc loại tàu container neo-Panamax, trong khi 22 chiếc khác là các tàu Panamax có thể chở hàng hóa nặng 4.500 TEU (đơn vị đo sức chứa hàng hóa). Tàu Neopanamax là thế hệ tàu chở hàng mới được thiết kế đặc biệt để đưa hàng hóa qua kênh đào Panama mở rộng. Loại tàu này có thể chở gấp 3 số lượng container so với tàu Panamax cỡ nhỏ hơn.
Theo ACP, đến ngày 1/10, 95 trong số 163 tàu đang xếp hàng chờ trên biển để đến lượt đi qua kênh đào Panama.
Từ đầu năm tới nay, ACP đã nhiều lần giảm lượng tàu thuyền qua kênh đào Panama do biến đổi khí hậu dẫn tới hạn hán và thiếu nước.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị