Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/3/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/3/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Tuổi trẻ Hoà Bình ra quân phát động trồng 525 nghìn cây xanh

Vừa qua, tại xã Văn Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã diễn ra Lễ ra quân phát động trồng rừng “Vì một Việt Nam xanh” với sự tham gia của 21 đơn vị Đoàn thanh niên trực thuộc khối Doanh nghiệp Trung ương.

tm-img-alt
Các Đoàn thanh niên tham gia trồng cây tại lễ phát động. Ảnh: ITN

Theo Chương trình trồng mới 525 nghìn cây xanh, các Đoàn thanh niên Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam sẽ trồng 500 nghìn cây, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trồng 10.000 cây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 3.000 cây, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam trồng 2.000 cây…

Làm rõ nguyên nhân, xử lý sạt lở bãi soi Ninh Tào, Hiệp Hòa (Bắc Giang)

Về sự cố sạt lở bãi soi Ninh Tào, thôn Ninh Tào (xã Hợp Thịnh), chiều 27/3/2023, ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết, UBND huyện đã có công văn đề nghị đơn vị đo đạc sớm có kết quả đo đạc hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản của doanh nghiệp để xác định nguyên nhân, xử lý vi phạm.

Theo UBND xã Hợp Thịnh, ngày 17/3, địa phương nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty cổ phần Đầu tư Đức Long, Thái Nguyên khai thác cát, sỏi lòng sông gây sạt lở đường đi khu vực bãi soi Ninh Tào nên tiến hành kiểm tra.

sạt lở; sông Cầu; Hợp Thịnh; Hiệp Hoà; Bắc Giang
Khu vực sạt lở.

Qua kiểm tra, tổ công tác của xã xác định, phần đường đi khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân tiếp giáp với mỏ khai thác khoáng sản (cát, sỏi lòng sông) của Công ty cổ phần Đầu tư Đức Long bị sạt lở.

Chiều 20/3/2023, trong khi chờ cơ quan chức năng huyện kiểm tra, Công ty cổ phần Đầu tư Đức Long cho máy xúc gạt bỏ phần đất sạt lở để tôn, cạp lại thì bị người dân phản đối. Ngay sau đó, tổ công tác của UBND xã lập biên bản yêu cầu doanh nghiệp dừng việc tôn, cạp.

Để xác định nguyên nhân gây sạt lở, ngày 21/3, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện mời Công ty TNHH một thành viên Kim Hoàn tiến hành đo đạc hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản tại bãi soi Ninh Tào và xác định vị trí cắm mốc giới khai thác của Công ty cổ phần Đầu tư Đức Long. Đến nay, chưa có kết quả đo đạc.

Cấp phép môi trường cho Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa

Giấy phép số 28/GP-UBND do PCT UBND tỉnh Lê Đức Giang ký nêu rõ: Cấp phép cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của “Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa”. Địa điểm hoạt động: Số 181, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

tm-img-alt

Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cấp phép môi trường cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Loại hình sản xuất kinh doanh, Hoạt động khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân. Phạm vi, quy mô, công suất của cơ sở, Dự án đầu tư nhóm II, đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ. – Tổng diện tích: Tổng diện tích sử dụng đất 66.076,0 m 2 . – Quy mô: Dự án nhóm A (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công). – Công suất hoạt động: 1.200 giường bệnh.

Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa được phép xả nước thải sau xử lý ra môi trường và thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Giấy phép này; Được phép xả khí thải ra môi trường và thực hiện yêu cầu quản lý về bảo vệ môi trường quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Giấy phép này; Bảo đảm giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung và thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Giấy phép này;  Yêu cầu về quản lý chất thải, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Giấy phép này; Yêu cầu khác về bảo vệ môi trường quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Giấy phép này.

Huế: Điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng tại huyện Nam Đông

Ngày 28/3, ông Lê Ngọc Tuấn – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với công an, chủ rừng và các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, xác minh các đối tượng vi phạm liên quan đến vụ phá rừng tại xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông.

Trước đó, Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông cùng các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng Công an đã tổ chức kiểm tra hiện trường, phát hiện 12 cây gỗ gồm đào, trám, chò vừa bị cưa hạ và 7 cây gỗ khác đã bị cưa hạ từ lâu.

tm-img-alt

Những cây bị chặt hạ có đường kính từ 40 – 60cm; đây là khu vực thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, rừng cộng đồng thuộc thôn 2, thôn 4 xã Thượng Quảng và UBND xã Thượng Quảng quản lý.

Được biết, số cây bị cưa hạ tập trung rải rác ở 4 khu vực cách xa nhau, hầu hết số gỗ cưa xẻ được vận chuyển ra khỏi rừng. Hiện chỉ còn lại 1 cây trám chưa bị cưa xẻ, vị trí các cây bị cưa hạ cách xa khu dân cư, nơi xa nhất đi bộ khoảng 6 giờ.

Theo Hạt Kiểm Nam Đông, bước đầu xác định được danh tính 1 đối tượng và đang tiếp tục xác minh những người liên quan đến vụ phá rừng này. Kiểm lâm đang phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp nếu đủ điều kiện thì khởi tố hình sự vụ án.

Quảng Nam tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 189/UBND-KTN ngày 10/01/2020.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: Tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc môi trường định kỳ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quan trắc môi trường tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 – 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 12/01/2021

Thực hiện việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường tại Quyết định số 1459/QĐ-TCMT ngày 12/11/2029 về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (CV_AQI)

Tổng hợp, đánh giá, công bố kết quả quan trắc môi trường (trong đó có môi trường không khí) hằng năm đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của UBND tỉnh, đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn báo chí theo dõi, tiếp cận và đưa tin. Trường hợp xảy ra ô nhiễm không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe, kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân;

Tổng hợp danh sách các cơ sở công nghiệp phát sinh khí thải thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu (được sửa đổi, bổ sung tại điểm 2, khoản 23, Điều 3 Nghị định số Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường).

Hướng dẫn các Dự án, cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục khẩn trương thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ.

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh và bền vững

Vừa qua, Hội thảo “Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở Việt Nam” đã diễn ra tại TP. Nha Trang.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và lấy ý kiến đóng góp về quy định pháp luật và chính sách liên quan đến thành lập và quản lý khu bảo tồn biển, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bàn giải pháp quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển. Đồng thời cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2012 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển nhằm đạt mục tiêu 3% diện tích vùng biển Việt Nam đến 2025 và 6% đến năm 2030.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Trước đó, các đại biểu cũng được tập huấn Tích hợp nâng cao năng lực quản lý hiệu quả mạng lưới Khu bảo tồn biển, vườn quốc gia  tại Việt Nam. Với việc kết hợp hại hoạt động tập huấn và hội thảo, ngoài những kiến thức kỹ năng được tập huấn, đại diện các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia trên cả nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi chia sẻ thông tin kinh nghiệm và hợp tác, đồng thời đóng góp ý kiến cho các quy định và đề án nói trên.

Sự tham gia của mạng lưới khu bảo tồn biển và vườn quốc gia trên trong quá trình tham vấn nhằm giúp cho cơ quan quản lý có thêm những đóng góp từ kinh nghiệm thực tiễn, góp phần thúc đẩy hiệu quả quản lý mạng lưới các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia trên tại Việt Nam.

Đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, kinh tế biển xanh hiện đã được hầu hết các quốc gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững biển và dần đưa thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, chính sách phát triển. Kinh tế biển xanh được hiểu là “sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển, đại dương”.

Nghị quyết số 36 ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam cũng xác định kinh tế biển xanh là nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

Các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển…

T.Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích