Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/6/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/6/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Mưa dông ở miền Bắc kéo dài đến khi nào?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay mưa dông duy trì ở miền Bắc cả ngày. Mưa tập trung ở Đông Bắc Bộ, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 60mm.
Thời gian xảy ra mưa tập trung vào chiều tối và đêm. Đợt mưa này ở miền Bắc được dự báo kéo dài hết ngày 27/6, sau đó khu vực trở lại trạng thái khô ráo, oi nóng. Nắng nóng có thể trở lại vào đầu tháng 7.
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng khu vực trũng, thấp.
Mưa cường độ lớn trong thời gian ngắn cũng có thể gây ngập úng tại khu đô thị. Dự báo mưa nhiều ở Bắc Bộ cũng như Thanh Hóa, Nghệ An còn kéo dài cho đến thứ 4 (28/6). Từ thứ 5 (29/6) nắng nóng quay trở lại.
Đợt nắng nóng này sẽ bắt đầu từ 27-28/6 tại Trung Trung Bộ, sau mở rộng dần ra Bắc Bộ từ khoảng 29-30/6. Tại miền Bắc, nắng nóng không gay gắt và có xu hướng bị xé lẻ, đứt quãng, không kéo dài, nhiệt độ cao nhất là 35-37 độ C.
Nắng nóng ở Trung Bộ có khả năng kéo dài hơn (có thể đến trung tuần tháng 7), nhiệt độ có thể lên đến 38 độ C hoặc có nơi cao hơn, nhưng không quá dài và rất ít khả năng kéo dài đến cả tháng như năm 2014, 2015, 2019, 2020 hay 2021. Gần như không có khả năng xuất hiện các mức nhiệt như trong tháng 5 nữa. Dự báo nắng nóng vẫn còn xảy ra trong các tháng 7-8 và 9, tuy không kéo dài nhưng xu hướng kết thúc muộn.
Mưa lớn làm 1 người chết và sạt lở ở Sơn La
Tin trên VietNamNet, Chiều ngày 26/6, ông Vì A Sềnh, Chủ tịch xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) cho biết, anh Vừ A V. (SN 2005, thường trú ở bản Xá Nhá B), khi đi làm đồng về gặp trời mưa, đứng trú dưới 1 gốc cây to, không may bị sét đánh trúng dẫn đến tử vong.
Liên quan tới thời tiết bất thường, Sở GTVT tỉnh Sơn La cho biết, khoảng 22h ngày 25/6, trên Quốc lộ 279D tại Km74+520, địa phận bản Két, xã Tạ Bú, huyện Mường La xảy ra sạt lở; hàng trăm khối đất đá tràn xuống mặt đường khiến giao thông bị ùn tắc.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở GTVT tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ huy động lực lượng, máy móc, trang thiết bị để khắc phục, dọn dẹp điểm sạt lở.
Đến sáng ngày 26/6, vị trí sạt lở đã được khắc phục, các phương tiện có thể lưu thông.
Theo ông Lò Văn Bước, Chủ tịch UBND xã Tạ Bú, nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Đây là tuyến đường duy nhất đi từ huyện Mường La ra TP Sơn La và ngược lại.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức phòng tránh nhằm giảm thiểu các thiệt hại…
Một người chết, hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng do mưa lớn kéo dài ở phía Bắc
Tin trên ANTĐ, theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), mưa lớn kèm giông lốc trong 2 ngày 24 – 25/6 tại các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang đã gây thiệt hại về người và tài sản.
Cụ thể, 1 người mất tích do trượt chân và bị nước cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn lúc 16 giờ 30 ngày 24/6. Nạn nhân được xác định là anh Hoàng Văn Hiên (41 tuổi, trú xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn).
40 ngôi nhà hư hỏng do sạt lở đất và sét đánh (Bắc Giang 7 ngôi nhà, Lạng Sơn 33 ngôi nhà), 365 ha lúa và hoa màu tại Lạng Sơn bị ngập úng.
Ngay sau đó, chính quyền các địa phương đã tổ chức tìm kiếm người mất tích; huy động lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.
Trước đó, ngày 25/6, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai vừa cảnh báo người dân không được chủ quan khi xuất hiện hình ảnh về chiếc xe khách bất chấp nước chảy xiết và đi qua ngầm tràn tại Phúc An (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).
“Đã có rất nhiều trường hợp coi thường tính mạng khi đi qua ngầm tràn mùa mưa lũ và để lại hậu quả thương tâm. Đề nghị người dân không được chủ quan, tuyệt đối tránh đi qua các ngầm tràn, đánh bắt cá, vớt củi trên sông… vào mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn”, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai nhấn mạnh.
Cùng ngày, đoàn công tác của Văn phòng thường trực ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng, làm trưởng đoàn đi kiểm tra sạt lở tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; kiểm tra thực địa tại một số điểm sạt lở tại xã Tân Đức (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) và làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau.
Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 26/6, ở phía Đông Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 80mm; khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm (thời gian xảy ra mưa giông tập trung vào chiều và tối).
Trong mưa giông, có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Cần đề phòng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều khu vực miền núi do mưa lớn đã kéo dài nhiều ngày.
Lang Chánh: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn huyện
Năm 2022, UBND huyện đã xây dựng các kế hoạch, ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tham gia hoạt động BVMT trên địa bàn, cụ thể như: Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 19/01/2022 về tổ chức, thực hiện tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 09/02/2022 kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện năm 2022; Công văn số 66/UBND-TNMT ngày 19/01/2022 của UBND huyện về việc tăng cường quản lý chất thải y tế; Công văn số 101/UBND-TNMT ngày 25/01/2022 về việc triển khai Luật BVMT và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT…
Công tác thẩm định, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường được chú trọng, đáp ứng được về mặt thời gian và chất lượng. Đảm bảo yêu cầu 100% các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải trên địa bàn phải có đầy đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường theo quy định. Năm 2022, UBND huyện đã tiếp nhận và giải quyết 02 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường dự án đầu tư, UBND các xã đã tiếp nhận 03 hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường được tăng cường thực hiện. Năm 2022, UBND huyện đã kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường thường xuyên đối với 04 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 01 đơn vị khai thác khoáng sản, 01 cơ sở chế biến lâm sản, 03 cơ sở y tế; kiểm tra đột xuất 02 đợt đối với 02 đơn vị khai thác khoáng sản.
Tổ chức tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác bảo vệ môi trường thông qua đường dây nóng và tiếp nhận trực tiếp. Năm 2022, UBND huyện đã tiếp nhận 01 phản ánh của người dân, tổ chức về việc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Trường Thành, 01 ý kiến phản ánh về công ty chăn nuôi lợn tại xã Trí Nang và các hộ chăn nuôi trong khu dân cư không đảm bảo môi trường, gây ô nhiễm mùi hôi. UBND huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra xác minh, xử lý vụ việc và đã yêu cầu doanh nghiệp khắc phục theo kiến nghị của nhân dân.
Chỉ đạo Công an huyện tăng cường đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý các loại phương tiện cơ giới tham gia giao thông gây ô nhiễm môi trường
Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường được tăng cường thực hiện với nhiều hình thức như tổ chức treo băng zôn, tập huấn, phát các bản tin về môi trường trên phương tiện truyền thanh của huyện, của xã.
Trong năm 2022, huyện đã tổ chức 04 lớp tập huấn, tuyên truyền nội dung, giải pháp trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường đến 316 lượt cán bộ, công chức xã, thôn, bản, đại diện các doanh nghiệp, các hộ dân. Thông qua các ngày lễ trong năm, ngày lễ về môi trường như: Dịp tết nguyên đán, Ngày Nước Thế gới 22/3, Ngày Môi trường thế giới 5/6, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn với nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường đã được thực hiện như: tổ chức lễ phát động ra quân hưởng ứng các phong trào BVMT; treo băng zôn, khẩu hiệu; huy động người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, trồng cây xanh… đã tạo khí thế sôi nổi trong công tác bảo vệ môi trường trong nhân dân. Duy trì thường xuyên phong trào tổng vệ sinh môi trường vào chiều thứ 6 hàng tuần, trên địa bàn toàn huyện…
UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ gia đình trên địa bàn phân loại, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải đồng ruộng, chất thải nguy hại, xử lý ô nhiễm môi trường trước, trong, sau thiên tai, lụt bão, xử lý môi trường do dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi tái chế rác thải nhựa cho học sinh các khối trường tiểu học và trung học cơ sở qua đó tạo thói quen, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh về BVMT, khơi dậy các ý tưởng sáng tạo trong học sinh…
Để tổ chức, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác BVMT năm 2023, ngày 06/02/2023, UBND huyện Lang Chánh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác môi trường năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác BVMT năm 2023 đến các cơ quan, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn.
Trong đó tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản của trung ương và của tỉnh về bảo vệ môi trường; Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; Tiếp tục giám sát chặt chẽ và xử lý các điểm có nguy cơ cao ô nhiễm môi trường như cụm công nghiệp Bãi Bùi, bãi rác khu vực thị trấn, các cơ sở, trang trại chăn nuôi tập trung tại xã Trí Nang, Giao An.
Thực hiện tốt công tác quản lý chất thải từ hoạt động nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, y tế, chất thải nguy hại; Đầu tư, hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ môi trường trong xây dựng xây dựng nông thôn mới đối với khu vực nông thôn; Thực hiện tốt công tác thẩm định, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, dịch vụ. Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, công chức làm công tác môi trường trên địa bàn huyện. Sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả…
TP. Vũng Tàu phát động trồng rừng, trồng cây xanh năm 2023
Đại diện UBND TP.Vũng Tàu cho biết, với chủ trương phát triển kinh tế – xã hội phải đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã quan tâm đầu tư nhiều công trình trồng rừng, trồng cây xanh, phát triển và chỉnh trang mảng xanh đô thị. Năm 2023, TP. Vũng Tàu dự kiến thực hiện trồng 3.405 cây xanh thuộc nhiều hạng mục, trong đó bao gồm thực hiện trồng cây nâng cao chất lượng rừng núi Lớn, núi Nhỏ, trồng cây xanh đô thị. Ngoài ra, thành phố luôn khuyến khích các nguồn lực xã hội hóa đồng hành cùng chung tay phát triển rừng, trồng cây xanh đô thị trên địa bàn.
Theo ông Tharna Sanee – Tổng Giám đốc LSP, kể từ năm 2018 khi bắt đầu thực hiện dự án Hóa dầu Long Sơn, LSP đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy mục tiêu bảo vệ môi trường, bao gồm các hoạt động liên quan đến xây dựng và vận hành cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung. Trong khuôn khổ dự án trồng rừng, LSP đã tiến hành rất nhiều hoạt động như: triển khai khu bảo tồn 24,3ha rừng ngập mặn bên trong khu Tổ hợp Hóa dầu, phối hợp với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trồng 400 cây xanh trên núi Lớn tại địa phận TP.Vũng Tàu và 300 cây xanh dọc các tuyến đường vào LSP.
Trong năm nay, để chuẩn bị cho việc đi vào vận hành toàn bộ khu Tổ hợp hóa dầu, LSP đã phối hợp với các nhà thầu EPC, Hyundai Engineering và TTCL phát triển dự án “Con đường xanh và sạch” bằng cách trồng hơn 1.300 cây xanh nhằm phủ xanh và tạo cảnh quan cho lối vào vào khu Tổ hợp hóa dầu LSP.
Trước đó, ngày 10/6, Công ty CP Phát triển Công viên Cây xanh và Đô thị Vũng Tàu (UPC) tổ chức lễ trồng cây 350 cây huỳnh liên tại dải phân cách đường 2/9 với chiều dài khoảng 1,5km nhằm đồng bộ hệ thống cây xanh, tạo cảnh quan tươi đẹp cho tuyến đường này.
Cũng trong tháng 6 này, UPC đã thực hiện trồng 540 cây me tây bổ sung trên đường 3/2 (TP.Vũng Tàu) với chiều dài khoảng 1,5km nhằm thực hiện chiến lược phát triển đô thị xanh của TP.Vũng Tàu.
Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 6 đã có hơn 2.000 cây xanh được trồng trên các tuyến đường của TP.Vũng Tàu.
TP.Vũng Tàu: Hơn 900 tình nguyện viên dọn rác, làm sạch biển Bãi Dâu
Sáng 25/6, UBND phường 4 và phường 5, TP.Vũng Tàu phối hợp tổ chức ra quân dọn vệ sinh khu vực biển Bãi Dâu nhằm hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tháng hành động vì môi trường và Tuần lễ Biển, Hải đảo năm 2023.
Ngay từ sáng sớm, hoạt động đã thu hút sự tham gia của hơn 900 người là cán bộ, công chức, viên chức người lao động, Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân sự trên địa bàn và nhân dân phường 4, phường 5, TP Vũng Tàu đã cùng tiến hành thu gom rác thải trên hơn 1km dọc theo khu vực bờ biển Bãi Dâu, TP Vũng Tàu. Thời điểm này, ở bãi biển Bãi Dâu, rác thiên nhiên là lục bình, quả dừa và rác thải nhựa… từ các cửa sông theo dòng hải lưu tràn vào bờ biển tạo thành lớp dày, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và mỹ quan bãi biển.
Toàn bộ số rác thu gom được vận chuyển về các điểm tập trung rác ở Bãi Dâu để xử lý. Tham gia hoạt động, các tình nguyện viên đã tích cực thu gom hàng chục tấn rác, trả lại cảnh quan môi trường sạch, đẹp cho bờ biển.
Những ngày qua, tình trạng rác đại dương trôi dạt dày đặc vào bờ biển của TP Vũng Tàu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân và du khách.
Sau những cơn mưa lớn đầu mùa, lục bình, rác từ các cửa sông ở khu vực TPHCM, Đồng Nai… theo dòng hải lưu dạt vào bãi biển từ tháng 5 đến nay. Khu vực bị ảnh hưởng khoảng hơn 10 km từ các đường Trần Phú, Quang Trung và Hạ Long thuộc các khu vực Bãi Dâu, Bãi Trước TP Vũng Tàu.
Trước tình trạng trên, thời gian qua các đơn vị lực lượng BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu trên địa bàn đã tích cực, nỗ lực chung tay, chung sức cùng với chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực cụ thể như chương trình “Hãy làm sạch biển”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện” nhằm mang lại mỹ quan xanh, sạch, đẹp.
Từ đó, tạo nên phong trào thu gom rác thải thường xuyên, chung tay làm sạch bãi biển, góp phần nâng cao sức khỏe con người và thu hút đầu tư, phát triển du lịch biển một cách bền vững hơn, góp phần quan trọng trong việc triển khai nhiệm vụ “Phát triển TP Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế”.
Chi hơn 5.000 tỉ đồng cải tạo, kênh Tân Hóa – Lò Gốm vẫn chưa hết ô nhiễm
Theo ghi nhận, dọc hai bên kênh Tân Hóa – Lò Gốm là những hàng cây xanh mát, các dụng cụ tập thể dục, ghế ngồi được lắp đặt phục vụ đời sống của người dân. Dọc theo tuyến kênh cũng treo rất nhiều pano, bảng hiệu,… về việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi.
Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh sạch sẽ khang trang trên bờ là dưới lòng kênh nước đen ngòm, bốc mùi tanh hôi. Vào những ngày nắng nóng, dòng kênh này càng bốc mùi hôi nồng nặc.
Chị Ngọc – buôn bán ở vỉa hè ven kênh, đoạn gần đường Hồng Bàng (Quận 6) cho biết: “Những ngày nắng nóng, kênh bốc mùi thối không chịu nổi. Dân ở đây ngửi riết cũng quen chứ khách vãng lai chắc chắn bị mùi này ám ảnh. Cách đây mấy năm, kênh được cải tạo, người dân ai cũng mừng, nhưng sau một thời gian, nước kênh lại đen dần, hôi dần”.
Sinh sống hơn nửa đời người bên kênh, ông Lê Trọng Nam chia sẻ: “Đừng nói những người ở đây xả rác xuống kênh, giờ dân ở đây toàn là người thuê nhà để buôn bán. Họ không để ý đến môi trường xung quanh, cứ bạ đâu vứt đó nên giờ con kênh này mới hôi hám, nhếch nhác trở lại”.
Theo ông Nam, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, nhưng ý thức của một số người dân chưa thay đổi. “Họ vẫn vứt rác xuống kênh. Những người làm vệ sinh môi trường cũng vẫn thường xuyên vớt rác nhưng không hết. Mùa nắng hay mưa thì nước kênh vẫn bốc mùi hôi” – ông Nam nói.
Rác thải cộng với nguồn nước bị ô nhiễm khiến mặt nước bị đặc sánh lại và sủi bọt trắng. Đây không chỉ là nguồn cơn của ô nhiễm môi trường mà còn là nơi lý tưởng để các loài kí sinh như ruồi, muỗi, chuột… có cơ hội sinh sống và phát triển mầm bệnh.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện chỉ có nước thải sinh hoạt được thu gom bằng hệ thống cống dọc tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất tại khu vực này vẫn đổ trực tiếp ra kênh. Do đó, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận hành, xử lý nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn quận quản lý.
Về lâu dài, Sở Xây dựng cho biết TPHCM cần sớm đầu tư Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa – Lò Gốm nói riêng và các nhà máy khác theo quy hoạch nói chung.
Đến nay, TPHCM mới xây dựng, vận hành được 3 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất xử lý 171.000 m3/ngày – tương ứng 13% lượng nước thải trên địa bàn TPHCM.
TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3, mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải còn lại.
Hạn hán kỷ lục khiến người dân Nam Mỹ khốn đốn
Uruguay đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 74 năm qua. Nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Montevideo – nơi có dân số khoảng 2 triệu người cùng các khu vực lân cận do thiếu nước hồi đầu tuần này. Hai hồ chứa nước là nguồn cung cấp nước chính cho các khu vực kể trên đã gần như cạn khô. Nhiều cư dân đang đổ xô tìm mua nước đóng chai.
Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou cam kết chính phủ nước này sẽ nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch cho người dân, đồng thời khẩn trương xây dựng một hồ chứa mới.
Hạn hán cũng đang gây thiệt hại nặng nề cho nước láng giềng Argentina. Sản lượng lúa mì và đậu tương tại Argentina – một trong những nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới tiếp tục trên đà giảm mạnh.
Sự thiếu hụt hàng hóa nông sản này là yếu tố góp phần dẫn tới sự mất giá của đồng peso, cộng thêm lạm phát tăng trong tháng 5 lên tỷ lệ hàng năm là 114%, gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của nhiều người dân Argentina.
Một yếu tố quan trọng được cho là nguyên nhân dẫn đến hạn hán nghiêm trọng và lượng mưa thấp là vì Nam Mỹ hiện đang chịu ảnh hưởng của La Nina năm thứ ba liên tiếp. Khu vực này cũng đang trải qua những đợt nắng nóng gay gắt, với biến đổi khí hậu gia tăng về tần suất, cường độ và thời gian.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị