Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Hai trường học sinh thái và hai nhà vô địch sinh thái trẻ của Việt Nam được vinh danh
Theo đó, Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, thành phố Cần Thơ được vinh danh ở hạng mục Trường tiểu học; Trường Trung học Cơ sở Yên Lạc, Vĩnh Phúc vinh dự đạt giải ở hạng mục Trường trung học. Đây là các trường đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi và giải giải thưởng do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức như giải thưởng Trường học sinh thái ASEAN Việt Nam, Giải thưởng Greentech… Đồng thời, đây cũng là những trường đã tích cực tổ chức nhiều các hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường và giáo dục môi trường phong phú thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên và học sinh.
Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1 đã tham dự Cuộc thi Trường học sinh thái ASEAN Việt Nam năm 2019 do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức và đạt thứ hạng cao trong Cuộc thi này.
Trường Trung học cơ sở Yên Lạc với nhóm “Đại sứ môi trường” đã giành giải Nhì tại Cuộc thi Greentech do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường tổ chức năm 2020-2021. Đặc biệt, các giáo viên và học sinh nhà trường đã có nhiều sáng kiến về giáo dục môi trường, cụ thể như bộ truyện tranh “Tứ phương du ký” có cả bản tiếng Việt và tiếng Anh nhằm mục đích bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa (bộ truyện đã được tặng miễn phí đến thư viện sách các nhà trường trên địa bàn huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc và đăng tải trên website của Sở giáo dục đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc và fanpage của Trường THCS Yên Lạc). Trường cũng đã xây “Bức tường xanh” với diện tích 250m2 từ rác thải nhựa tái chế. Trường cũng đã thực hiện thành công 2 đề tài khoa học thực nghiệm, bao gồm “Thuốc diệt ốc bươu vàng thân thiện với môi trường”, “Chế tạo màu vẽ từ rác thải nhựa”, sản phẩm đạt giải Ba trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhiên nhi đồng do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. Trường cũng đã giành một số giải thưởng khác.
Cũng tại Lễ trao giải năm nay, Nguyễn Hồng Minh, nghệ sỹ tự do đã được vinh danh là Nhà vô địch sinh thái ASEAN trẻ cho lứa tuổi trưởng thành (26-35 tuổi) và Nguyễn Châu Bảo, trưởng nhóm Act-Now được vinh danh cho lứa tuổi thanh thiếu niên (18-25 tuổi).
Nguyễn Hồng Minh được biết đến là nhà hoạt động chuyên về bảo tồn rùa biển, người sáng lập và triển khai dự án tái chế giấy cũ và chai nhựa Simple Heart và một số dự án bảo vệ môi trường. Cụ thể, Nguyễn Hồng Minh đã tham gia Chương trình bảo tồn rùa biển vào các năm 2015, 2016, 2017 và 2023 với các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương và hỗ trợ rùa con mới nở, tăng tỷ lệ sống sót của rùa; tham gia theo dõi, di dời an toàn 132 ổ trứng với hơn 13 nghìn quả trứng rùa; thả về biển 1307 rùa con; hỗ trợ cải tạo thay thế, gia cố hàng rào ấp trứng rùa, vệ sinh ao ấp và ổ trứng rùa sau khi nở, theo dõi các ổ gần trứng nở và chẻ cọc tre ghi chép số liệu. Bên cạnh đó, Nguyễn Hồng Minh cùng các tình nguyện viên đã hướng dẫn, giới thiệu về cứu hộ rùa biển và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho 625 lượt khách; tham gia thu gom và xử lý rác thải tại bến và bãi biển, tái chế, sử dụng một số vật liệu từ phế thải để làm pa nô tuyên truyền về bảo vệ môi trường và bảo tồn rùa biển.
Thông qua dự án từ thiện vẽ tranh tường Yêu Đời (năm 2018), nhóm nghệ sỹ của Nguyễn Hồng Minh đã tuyên truyền đến học sinh và người dân vùng nông thôn ý thức trách nhiệm với môi trường. Tại các tỉnh: Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Nguyễn Hồng Minh và các bạn trong nhóm đã tu sửa 10 điểm trường tiểu học ở các bản nghèo, vùng khó khăn, vẽ hơn 40 bức tranh tường khổ lớn với các chủ đề về quê hương, truyền thống địa phương, giáo dục và học tập, đặc biệt là về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế, không sử dụng đồ nhựa một lần và góp phần giảm thiểu các tệ nạn như bỏ học, tảo hôn… ở khu vực miền núi phía Bắc.
Nguyễn Hồng Minh cũng là người khởi xướng dự án Simple Heart – Tái chế giấy bồi và chai nhựa dùng một lần. Theo đó, bắt đầu từ năm 2018, Hồng Minh đã biến những vật liệu bỏ đi thành những tác phẩm nghệ thuật về động vật biển có kích thước thật. Những tác phẩm này được trưng bày trong dự án “Rục Rà Rục Dịch” – thuộc Gốc Lab, được triển lãm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hội An trong suốt năm 2020, sau đó được quyên góp cho một dự án giáo dục thanh thiếu niên tại thành phố Hòa Bình.
Nguyễn Châu Bảo, từng đoạt giải nhất Greentech, hiện là Trưởng nhóm Act-Now, quy tụ nhiều bạn trẻ tham gia chiến dịch chống xả rác trong cộng đồng ở thành phố Đà Lạt, qua đó đã truyền cảm hứng cho lối sống bền vững với hơn 40 sự kiện cộng đồng (20-60 người) được tổ chức hàng tuần và hơn 10 chợ tiết kiệm (400 người) được tổ chức hàng tháng. Chiến dịch cũng khởi động các chiến dịch truyền thông sáng tạo, thu hút hơn 4000 người theo dõi trên mạng xã hội.
Năm 2021, Nguyễn Châu Bảo đã thành lập On the Boil (OTB) – Climate Change Newsletter and Learning Hub – Bản tin và Trung tâm Học tập về Biến đổi khí hậu (https://www.instagram.com/otbclimate/?hl=en). Đến nay, OTB là trang thông tin tổng hợp về khí hậu với các bản tin có kích thước vừa phải và các bài đăng trên Instagram, giới thiệu các cơ hội việc làm xanh; với 04 buổi học hàng quý về các chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu, đây là kênh truyền thông quan trọng về khí hậu, thu hút hơn 600 người theo dõi hữu cơ trên Instagram với hơn 200 người đăng ký nhận bản tin (tỷ lệ mở trung bình là 40%).
Chương trình thu gom vỏ hộp giấy tái chế: Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam
Ước tính khoảng 15 tỉ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng (tương đương 150.000 tấn) mỗi năm tại Việt Nam (theo báo cáo năm 2018 được chia sẻ bởi Báo Tài Nguyên & Môi Trường). Năm 2020, ước tính tại Thủ đô Hà Nội, trung bình mỗi ngày có trên 1 triệu trẻ em uống sữa, phát sinh ra ít nhất 1 triệu vỏ hộp sữa tương đương với 10 tấn rác thải mỗi ngày.
Nếu không được phân tách riêng để tái chế hoặc xử lý phù hợp, vỏ hộp sữa lúc này sẽ trở thành “rác chết” đi vào các bãi chôn lấp hoặc thải bỏ ra môi trường. Trong khi 100% vỏ hộp giấy (thành phần khoảng 75% bột giấy, 21% polymer và 4% nhôm) có thể tái chế, giúp giảm lượng rác thải, tránh lãng phí nguồn tài nguyên và góp phần sử dụng nguồn nguyên liệu giấy một cách bền vững.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) tại Việt Nam, lượng vỏ hộp giấy đã không ngừng tăng theo nhu cầu tiêu dùng.
Trước thực trạng này, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã đồng lòng thúc đẩy chương trình thu gom và tái chế vỏ hộp giấy nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng môi trường kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Chương trình thu gom vỏ hộp giấy nhận được sự tham gia mạnh mẽ từ nhiều tổ chức, đơn vị, cơ quan và nhà sản xuất. Đặc biệt, chương trình Sữa học đường và nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em đã thúc đẩy hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy trong hệ thống giáo dục. Sự ủng hộ tích cực từ phía thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh đang tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thói quen phân loại rác từ nguồn trong cuộc sống hàng ngày.
Dự án trường học xanh được thực hiện bởi Môi trường Á Châu, cung cấp các giải pháp đồng hành cùng Nhà trường các cấp trong hoạt động giáo dục – đào tạo về bảo vệ môi trường, xây dựng trường học thân thiện môi trường bằng các hoạt động giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế nhằm tuần hoàn và nâng cao giá trị chất thải; cuối cùng, hướng đến xử lý chất thải bằng các phương pháp bền vững cho môi trường.
Chương trình thu gom vỏ hộp giấy là chương trình được lồng ghép trong dự án Trường học xanh và các dự án phân loại rác tại nguồn và mở rộng đến tất cả các Cơ quan, Tổ chức, Cá nhân,… có phát sinh vỏ hộp giấy như: hệ thống bệnh viện; mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ xã hội; chuỗi kinh doanh F&B, trung tâm thương mại, văn phòng, …
Các loại hộp thu gom: Vỏ hộp sữa giấy, vỏ hộp giấy đựng nước trái cây, vỏ hộp giấy đựng thức uống khác,…
Trong vỏ hộp sữa giấy, ước tính bao gồm khoảng 75% bột giấy, 21% polymer và 4% nhôm. Sau khi chuyển giao, vỏ hộp giấy được tái chế thành nguyên liệu “tuần hoàn” thành sản phẩm hữu ích. Có thể kể đến: bột giấy (sản xuất cuộn giấy thành phẩm, thùng giấy, giấy sản xuất tập vở,…); hỗn hợp lõi nhôm, nhựa được tái chế thành tấm lợp, gạch; tiếp tục được lắp ghép, gia công thành các sản phẩm khác như thùng rác,..
Khi tái chế 1 tấn giấy, ước tính, chúng ta góp phần giảm khai thác tương ứng 17 cây xanh trưởng thành (hoặc từ 4.1 – 4.3 tấn gỗ), tiết kiệm 26,000 lít nước, hơn 4000 Kwh điện, tiết kiệm khoảng 2.5m3 không gian bãi chôn lấp và giảm phát thải khí nhà kính tương đương 1 tấn các
Tái chế vỏ hộp giấy có một chuỗi quá trình chính gồm bốn bước: thu gom vỏ hộp sau khi sử dụng, tách riêng các phần như nắp vặn và ống hút, làm dẹp và xếp gọn vỏ hộp để bảo quản, cuối cùng là bàn giao điểm thu gom để vỏ hộp được tái chế thành sản phẩm hữu ích.
Ngoài việc thúc đẩy thu gom và tái chế vỏ hộp giấy, trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) cũng là một bước tiến quan trọng. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất tham gia vào việc thu gom và tái chế sản phẩm bao bì giấy. Quy định này được thể hiện trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, nêu rõ rằng bao bì giấy phải được thu gom và tái chế kể từ ngày 1/1/2024.
Môi trường Á Châu không chỉ tập trung vào chương trình thu gom vỏ hộp giấy mà còn thúc đẩy nhiều dự án môi trường khác nhằm hướng tới tính bền vững. Điều này bao gồm việc truyền thông về giảm thiểu và phân loại rác tại nguồn, thu hồi sản phẩm sau sử dụng và nâng cao giá trị chất thải thông qua tái sử dụng và tái chế, nhằm xây dựng một môi trường thân thiện và không gây ô nhiễm thứ cấp.
Miền Bắc sắp nắng nóng diện rộng
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây nên ngày mai (26/8), các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-35 độ, có nơi trên 35 độ.
Ngày 27/8, Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.
Thủ đô Hà Nội, trong hai ngày 26-27/8, trời ít mây, oi nóng, nhiệt độ trong ngày dao động từ 27-35 độ.
Dự báo, nắng nóng ở các tỉnh miền Bắc kéo dài đến hết 27/8. Từ đêm 27 đến 28/8, miền Bắc khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.
Trước khi đón nắng nóng, trong chiều tối và đêm nay (25/8), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ cũng có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 70mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp và lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Nhiều tuyến đường ở Hà Giang hư hỏng nặng sau mưa lũ
Tin trên Báo Giao thông, đợt mưa lũ kéo dài nhiều ngày trên tỉnh Hà Giang gây thiệt hại theo ước tính ban đầu khoảng hàng chục tỷ đồng.
Theo thống kê từ các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, mưa lớn kéo dài trong suốt 1 tuần qua (từ 17-24/8) gây lũ quét cục bộ, cộng với địa hình đồi núi dốc khiến hàng chục km đường từ xã Thái An huyện Quản Bạ đi xã Đường Thượng huyện Yên Minh bị phá hủy hoàn toàn.
Ghi nhận thực tế, nền đường bị nước cuốn trôi, hai rãnh thoát nước bị phá hủy, đất đá tràn lên mặt đường. Nhiều khu vực bị sạt lở khiến trong buổi sáng 23/8 giao thông ách tắc cục bộ.
Chia sẻ với PV, anh Sùng Mí Giàng, thôn Séo Lủng 2, xã Thái An, huyện Quản Bạ cho biết: Trận mưa khiến nhiều nhà bị sạt lở, gây thiệt hại về tài sản, đường sá đi lại rất khó khăn.
Theo tổng hợp nhanh của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Giang, tuyến đường tỉnh từ xã Tráng Kìm huyện Quản Bạ đi xã Đường Thượng huyện Yên Minh bị khoảng 6.000m3 đất, đá tràn ngập mặt đường. Diện tích mặt đường đá răm láng nhựa bị xói trôi khoảng 8.000m2. Cầu bản gần trung tâm xã Thái An, huyện Quản Bạ bị nước lũ cuốn trôi 1 bên móng, mố cầu, làm sập cầu.
Đường tràn liên hợp gần trung tâm xã Đường Thượng, huyện Yên Minh đất đá lấp toàn bộ cống bản và xói lở làm sập 1/2 móng, thân cống phía hạ lưu. Ước kinh phí để sửa chữa, khắc phục sau đợt mưa lũ khoảng 10 tỷ đồng.
Thủy điện Trị An đóng đập tràn, người dân được mùa bắt cá ‘khủng’
Vào lúc 13 giờ ngày 25/8, nhà máy Thủy điện Trị An (tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đóng cửa đập kết thúc việc xả tràn.
Theo Công ty Thủy điện Trị An, mực nước hồ đo được lúc 7 giờ ngày 25/8 là 60,79m, lưu lượng nước về hồ là 750m3/s. Căn cứ vào tình hình thủy văn trên lưu vực sông Đồng Nai và lưu lượng nước xả từ các nhà máy thủy điện bậc thang trên về hồ, Thủy điện Trị An quyết định ngừng xả tràn.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2023, do lượng nước từ thượng lưu về nhiều, ngày 10/8, Thủy điện Trị An đã xả nước qua tràn với lưu lượng 150 m3/s và lưu lượng nước qua tua bin phát điện 800m3/giây. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du là 950m3/giây để đảm bảo dung tích phòng lũ, kết hợp đợt triều cường hạ du sông đang giảm dần.
Lòng hồ thủy điện Trị An có diện tích 323 km2, thuộc địa phận 4 huyện của Đồng Nai gồm: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán. Hồ đón nhận lượng nước từ 2 nhánh sông là sông Đồng Nai và sông La Ngà. Hằng năm vào khoảng tháng 8, tháng 9, khi mưa lớn, lượng nước về nhiều, thủy điện Trị An thường xả tràn để đảm bảo an toàn cho đập.
Như thường lệ, ngay sau khi nhà máy thủy điện ngưng xả tràn, là hàng trăm người mang theo nhiều loại ngư cụ ào xuống chân đập để bắt cá.
Rất nhiều các loại cá chép, lăng, mè, trắm có có trọng lượng từ vài kg đến hơn chục kg đã được người dân đánh bắt.
Đắk Nông: Huyện Đắk Song ra mắt mô hình “ Thu gom phế liệu”
Hướng đến chào mừng 20 năm ngày tái thành lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004-01/01/2024) và xuất phát từ thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, với các loại phế liệu như vỏ lon, chai nhựa… sau khi sử dụng thường được vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường.
Từ lý do trên, ngày 24/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Đức An, huyện Đắk Song đã triển khai ra mắt mô hình “Thu gom phế liệu” nhằm gây quỹ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo vươn lên ổn định cuộc sống và thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” góp phần bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Đến nay, Hội đã xây dựng 6 ngôi nhà thu gom phế liệu tại 6/6 tổ dân phố, đặt tại những điểm nơi đông người qua lại.
Cà Mau: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển tại 6 đoạn
TTXVN đưa tin, ngày 25/8, tin từ UBND Cà Mau cho biết, tỉnh vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển với 6 đoạn bờ biển, tổng chiều dài hơn 29.000m tại ba huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi.
Theo đó, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây sạt lở trong thời gian dài, làm cho nhiều đoạn của đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu, lở hàm ếch vào phía trong. Đặc biệt trong mùa mưa bão hiện nay, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn làm phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn bờ biển, tổng chiều dài khoảng 29.150m.
Cụ thể, các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm: Đoạn cửa biển Hốc Năng, chiều dài 2.500m; Kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, chiều dài 4.100m; Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy, chiều dài 7.150m; Kiến Vàng đến Ông Tà, chiều dài 6.400m; cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (đoạn L3) chiều dài 1.000m; Hố Gùi đến Bồ Đề, với chiều dài 8.000m.
UBND tỉnh Cà Mau nhận định, diễn biến sạt lở ngày càng gia tăng, với tốc độ sạt lở như hiện nay nếu không được xử lý kịp thời có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư tập trung xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); các trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, hệ thống công trình lưới điện, diện tích đất sản xuất của người dân, đặc biệt là công trình hạ tầng quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và Đầm Dơi khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở.
Cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở nêu trên theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Đối với các địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; cấm mọi tác động vào các khu vực này, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị