Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/4/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/4/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Phát động Chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và cá nhân về bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội.

Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nhằm giới thiệu kịp thời các tập thể, cá nhân, các mô hình , kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, các công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, vận động các tầng lớp nhân dân thủ đô cùng hưởng ứng, tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Điểm nhấn trong Chương trình truyền thông về Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 là “Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội”. Bài viết với thể loại: Nghiên cứu, phản ánh, ghi chép, phóng sự, phỏng vấn, chân dung nhân vật, longform… được đăng trên báo in và báo điện tử của báo Kinh tế và Đô thị, các báo Trung ương và Hà Nội từ 1/7/2022 đến 31/8/2023.

tm-img-alt
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Phát động Chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo Ban Tổ chức, tác phẩm tham dự Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023” tập trung vào các chủ đề: Phản ánh, biểu dương các tổ chức, cá nhân, những điển hình, mô hình tiên tiến trên địa bàn TP Hà Nội đang có các hoạt động nổi bật bảo vệ môi trường; Giới thiệu các mô hình tiên tiến, sáng kiến kỹ thuật và đề xuất các giải pháp, ý tưởng mới về bảo vệ môi trường cho TP Hà Nội; Phản ánh các vấn đề về môi trường, như: ô nhiễm không khí, xả thải sai quy định, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải nguy hại, rác thải nhựa và túi ni lông, bếp than tổ ong, đa dạng sinh học, phát triển đô thị xanh… Qua đó, phát hiện, phản ánh các hành vi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường; hủy hoại cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái; đe dọa sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của Thành phố Hà Nội, nhằm đưa ra những cảnh báo; nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, tổ chức và người dân trong việc bảo vệ môi trường TP.

Bên cạnh cuộc thi viết, TP cũng tổ chức các sự kiện tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư về cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu và trách nhiệm bảo vệ môi trường; Tổ chức Hội thảo, tọa đàm về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp với các tổ chức, cá nhân để tuyên truyền, tổ chức các chiến dịch, hoạt động cụ thể, thiết thực tại các khu vực ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đảm bảo vệ sinh môi trường dịp nghỉ Lễ 30/4 – 1/5

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết đã yêu cầu các xí nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, thống nhất thời gian, khối lượng tăng cường về việc phục vụ kỳ nghỉ lễ, báo cáo  với UBND các quận, huyện và công ty để triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong các ngày phục vụ nghỉ lễ tăng cường công tác duy trì vệ sinh đường phố ban ngày trên các tuyến phố chính thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm.

Cùng với đó, bố trí các phương tiện đảm bảo duy trì VSMT, thu gom, vận chuyển hết đất thải, rác thải phát sinh trong ngày và sẵn sàng huy động lực lượng phương tiện kịp thời tham gia thực hiện các nhiệm vụ đột xuất của UBND TP, UBND các quận, huyện, Sở TN&MTHà Nội.

tm-img-alt
URENCO đã yêu cầu các đơn vị thành lập Ban chỉ đạo, tiểu ban phục vụ kì nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 – 1/5, điều hành sản xuất 24/24 giờ. Ảnh minh họa

Đồng thời, chuẩn bị các nhà vệ sinh công cộng lưu động để lắp đặt tại nơi vui chơi công cộng và sẵn sàng đưa ra lắp đặt phục vụ khi có yêu cầu. Lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn và duy trì sạch sẽ nhà VSCC. Kiểm tra và sửa chữa ngay các nhà VSCC hư hỏng. 100% công nhân đi làm phải đảm bảo đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động theo quy định.

Công nhân phải đeo phù hiệu theo quy định và thực hiện công tác tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân không đổ rác ra đường. 100% các thiết bị, phương tiện, các thùng rác, hòm đồ… phải đảm bảo sạch sẽ, mỹ quan TP. Phối hợp cùng Chi nhánh Cầu Diễn, trạm trung chuyển Lâm Du, Vân Đồn, Hoàng Cầu lập phương án đổ rác dự phòng phục vụ dịp lễ và các phương án tăng cường xử lý.

Lạng Sơn phát động học sinh tham gia hoạt động bảo vệ môi trường

Qua đó, 100% cơ sở giáo dục đều hưởng ứng thực hiện phong trào chống rác thải nhựa bằng nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường (BVMT), chung tay hạn chế rác thải nhựa, mỗi cấp học lại có những chương trình, hoạt động phù hợp.

Cụ thể, ở cấp học mầm non các trường đã lồng ghép nội dung về BVMT vào chương trình dạy học cho trẻ, giúp trẻ được học cách phân biệt, phân loại rác thải; tận dụng nguyên vật liệu vỏ chai nhựa, giấy, bìa caton… đã qua sử dụng để tạo ra đồ dùng, đồ chơi trong hoạt động dạy và học và trưng bày tại các góc hoạt động của trẻ. Ở cấp tiểu học, THCS, ngoài công tác tuyên truyền, các trường còn tích cực thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ, khuyến khích đội viên, thiếu nhi quyên góp giấy vụn, phế liệu, vỏ đồ uống, đồ hộp có thể tái chế để xây dựng công trình măng non BVMT. Theo đó, từ năm học 2019 – 2020 đến nay, qua hoạt động quyên góp, lao động và các hoạt động khác của đội viên, thiếu nhi, đã góp phần hỗ trợ xây dựng được hơn 300 công trình măng non như: bồn hoa, vườn rau, tranh tường, sân bóng mini, dụng cụ thể dục, thể thao… ở các trường học, khu vui chơi cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

tm-img-alt
Đoàn viên thanh niên Lạng Sơn tham gia vệ sinh môi trường. Ảnh: ITN

Điển hình như trong học kỳ I năm học 2022 – 2023 vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lạng Sơn đã tổ chức phát động “Ngày hội bảo vệ môi trường”. Tại ngày hội, ban tổ chức đã trưng bày tranh vẽ của học sinh về BVMT, giảm thiểu rác thải nhựa và phát động học sinh hưởng ứng. Em Đỗ Tuệ Anh, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khi được thầy cô tuyên truyền và tham gia ngày hội đã giúp em thêm hiểu về những tác động của con người đến môi trường, nhất là rác thải nhựa, bởi đó là những chất khó phân hủy, khi không được thu gom đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Do đó, em sẽ tích cực tuyên truyền người thân, bạn bè khi bỏ rác cần phân loại rác thải, trong đó có rác thải nhựa, túi nilon…

Đối với trường khối THPT, trường chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, cùng với công tác tuyên truyền, đoàn trường còn thường xuyên tổ chức các đợt tình nguyện như: ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, huy động học sinh tham gia hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh trường học, các điểm di tích… Thầy Nguyễn Đình Văn, Bí thư Đoàn Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan cho biết: Hiện nay, trường có 27 chi đoàn học sinh với hơn 900 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Trong năm học, cùng với tuyên truyền cho ĐVTN ý thức phân loại rác tại nguồn, Đoàn trường còn thường xuyên phát động ĐVTN tham gia dọn dẹp vệ sinh, làm đẹp cảnh quan trường học. Cùng đó, vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn Đoàn trường lại huy động ĐVTN đến các điểm di tích tượng đài đồng chí Lương Văn Tri, khu vực nghĩa trang liệt sĩ để quét dọn…

Bắc Ninh: Mối lo ô nhiễm ở làng giấy Phong Khê

Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường ở đây vẫn chưa được giải quyết triệt để, bắt buộc phải thực hiện nghiêm chủ trương chuyển đổi, di dời vào tháng 12 năm 2029 theo đúng lộ trình của Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê giai đoạn 2022-2030”.

Làng giấy Phong Khê vẫn còn mối lo ô nhiễm
Sản xuất hơi thương phẩm tại phường Phong Khê.

Thực tế kiểm tra cho thấy, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất có biểu hiện đối phó, xả trộm, xả lén lút chất thải ra ngoài môi trường. Nhận thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thấp dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Hầu hết các cơ sở sản xuất chưa lập các thủ tục hành chính về môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy phép môi trường…do nguồn gốc đất chủ yếu là đất ở, đất nông nghiệp…

Một số cơ sở đã có ý thức xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, tuy nhiên không vận hành thường xuyên và các công trình xử lý môi trường chưa bảo đảm quy chuẩn theo quy định. Việc quản lý, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại hiện gặp rất nhiều khó khăn về đơn giá, phương án xử lý… Khối lượng và chất lượng nước thải sản xuất biến động thường xuyên, nồng độ chất ô nhiễm cao do vậy khó vận hành hiệu quả Nhà máy xử lý nước thải tập trung. Lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng… Đó là những tồn tại ở làng giấy Phong Khê hiện nay, khiến ô nhiễm môi trường vẫn luôn ở mức báo động, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng uỷ phường Phong Khê: Thành phố Bắc Ninh, phường Phong Khê đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo về xử lý ô nhiễm môi trường; thành lập nhiều Đoàn kiểm tra, kiểm tra việc xả nước thải, đốt rác thải công nghiệp, chốt chặn các xe chở nguyên, vật liệu để kiểm soát việc vận chuyển chất thải vào các cơ sở sản xuất; đình chỉ hoạt động bằng hình thức tạm ngừng cung cấp điện, niêm phong nhà xưởng, máy móc… của các cơ sở sản xuất giấy, sản xuất hơi trên địa bàn phường (đã có hơn 400 lượt trường hợp vi phạm bị xử phạt, đình chỉ sản xuất).

Thành lập Tổ tự quản, Tổ công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và ký cam kết đến 100% các doanh nghiệp, hộ sản xuất không xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, không đốt các loại chất thải rắn, các loại nguyên liệu gây khói, mùi, bụi làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân trên địa bàn.

Thanh Hóa phát động Hội thi “Nhận thức kết hợp tuyên truyền về môi trường” năm 2023

Sáng 25/4, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phát động Hội thi “Nhận thức kết hợp tuyên truyền về môi trường” năm 2023.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh đã công bố các quyết định thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và thông qua thể lệ, kế hoạch thực hiện hội thi.

tm-img-alt
Quang cảnh lễ phát động

Hội thi “Nhận thức kết hợp tuyên truyền về môi trường tỉnh Thanh Hóa năm 2023” dành cho cán bộ, hội viên/nông dân đang tham gia công tác tại Hội Làm vườn và Trang trại các xã, phường, thị trấn có hộ khẩu tại địa phương. Hội thi dự kiến tổ chức vào tháng 8-2023 với 3 phần thi gồm: Lời chào; Cùng nhau giải đáp và Năng khiếu. Ban Tổ chức Hội thi sẽ trao 27 giải thưởng, trị giá 36,5 triệu đồng cho các đội tham dự.

Hội thi nhằm tạo môi trường đoàn kết, gắn bó và nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe của bản thân, cộng đồng; tìm hiểu các nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường. Từ đó, tích cực hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quảng Ngãi: Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước

Đó là, dự án Cấp nước thô cho Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất (Khu liên hợp); cải tạo, nâng cấp kênh chính Bắc, kênh B7 hệ thống kênh thủy lợi Thạch Nham. Đây là 2 dự án quan trọng đảm bảo cấp nước phục vụ hoạt động cho 2 nhà máy lớn trong KKT Dung Quất, gồm sản xuất gang thép và sản xuất bột giấy. Đồng thời, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho các nhà máy khác khi có nhu cầu.

tm-img-alt
Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất tại Quảng Ngãi. Ảnh: ITN

Dự án Cấp nước thô cho Khu liên hợp do Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất làm chủ đầu tư, được cấp chủ trương đầu tư năm 2017, công suất 150 nghìn mét khối/ngày, đêm. Đến nay, UBND tỉnh thống nhất cho điều chỉnh quy mô công suất lên 350 nghìn mét khối/ngày, đêm. Đối với dự án Cải tạo, nâng cấp kênh chính Bắc, kênh B7 hệ thống kênh thủy lợi Thạch Nham, được cấp chủ trương đầu tư năm 2016, do Công ty CP Môi trường nước Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Mục tiêu là cấp nước thô cho Nhà máy Bột – Giấy VNT19, nước sinh hoạt và nước sản xuất cho KKT Dung Quất. UBND tỉnh hiện đã cho phép điều chỉnh quy mô công suất thiết kế từ 3,2m3/s lên gần 5,6m3/s, tổng mức đầu tư từ 487 tỷ đồng lên 518 tỷ đồng.

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 800 công trình thủy lợi (gồm 126 hồ chứa nước, 528 đập dâng, 7 đập ngăn mặn và 139 trạm bơm) được đưa vào khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Trong đó, có 2 hồ chứa dung tích lớn nhất tỉnh, vừa phục vụ sản xuất điện năng, vừa vận hành, đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du, là hồ chứa nước Nước Trong (gần 290 triệu mét khối) và hồ thủy điện Đăkđrinh (gần 249 triệu mét khối). Ngoài ra, 2 hồ chứa này còn được tận dụng để nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, bước đầu được đánh giá có hiệu quả.

Những năm qua, Quảng Ngãi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để duy tu, cải tạo, nâng cấp, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hồ chứa ở các vùng khô hạn như TX.Đức Phổ và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Tỉnh cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng mới hồ chứa nước Hố Sâu tại xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh). Riêng tại huyện Lý Sơn có dự án Hệ thống trữ nước sinh hoạt trên đảo, với tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 người, tạo nguồn cấp bổ sung nước ngầm và cấp nước tưới tiết kiệm cho 100ha đất nông nghiệp…

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, ngành điện cũng đã đưa ra chủ trương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước phát điện. Cụ thể, các thủy điện chỉ được phát đúng công suất đã thiết kế và ngành điện cũng chỉ ghi nhận sản lượng đến theo công suất hợp đồng 2 bên đã ký kết. Theo lý giải của ngành điện thì, việc phát đúng công suất sẽ nâng cao khả năng dự trữ nước phục vụ phát điện vào mùa khô, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ vào những tháng cao điểm nắng nóng, khô hạn. Và cũng từ sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, mỗi năm các nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Ngãi đã phát điện thương mại, đóng góp ngân sách từ 300 – 400 tỷ đồng.

Khánh Hòa tập huấn kỹ năng tuyên truyền bảo vệ môi trường cho đoàn viên thanh niên

Ngày 25/4, Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền bảo vệ môi trường và kỹ năng xử lý, thu gom, phân loại rác thải cho đoàn viên, thanh niên, các câu lạc bộ bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Hơn 100 đoàn viên, thanh niên, thành viên các câu lạc bộ bảo vệ môi trường tại các trường tham dự buổi tập huấn

Tại hội nghị tập huấn, hơn 100 đoàn viên, thanh niên, thành viên các câu lạc bộ bảo vệ môi trường tại các trường được tuyên truyền, cung cấp những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phân loại và xử lý rác thải; bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển, rừng; bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch; nâng cao kỹ năng tuyên truyền trong công tác vận động cộng đồng cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi, tài nguyên…

Nỗ lực dập tắt các đám cháy rừng tại Lào

Hàng trăm bộ đội, công an và người dân địa phương tại tỉnh Viêng Chăn (giáp với thủ đô Viêng Chăn) đang được huy động để dập đám cháy rừng tại huyện Keo-oudom sau khi lửa bùng phát tại các bản Khamxang và Chengsavang và lan nhanh trong các ngày 20-21/4.

Ngoài bộ đội, công an và người dân, giới chức Lào còn huy động lực lượng không quân đưa trực thăng Mi -17 khảo sát khu vực cháy và tham gia chữa cháy. Giới chức tỉnh Luang Prabang, Bắc Lào, cũng đã huy động bộ đội tham gia dập lửa tại một đám cháy rừng khác. Một số đám cháy ở thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh Luang Prabang, Khammuan và Borikhamxay hiện đang ngoài tầm kiểm soát.

tm-img-alt
Các đám cháy rừng vẫn đang xảy ra tại nhiều nơi ở Lào. Ảnh: TTXVN

Do thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục nắng nóng trong thời gian tới, Ủy ban Quản lý thiên tai Trung ương Lào đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trên cả nước, đặc biệt là ở những nơi có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn cao, hết sức quan tâm tới công tác phòng ngừa và giám sát các đám cháy rừng, chuẩn bị nhân sự, phương tiện, thiết bị, ngân sách và các vật liệu cần thiết để đối phó với hỏa hoạn một cách kịp thời.

Đầu tháng này, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã có cuộc hội đàm trực tuyến với những người đồng cấp Thái Lan và Myanmar trong nỗ lực chung nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, hiện đã tăng đến mức nguy hiểm ở nhiều khu vực của ba nước láng giềng.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Lào đã cam kết phối hợp với Myanmar và Thái Lan để giải quyết vấn đề khói mù xuyên biên giới, tuân thủ và thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và Kế hoạch hành động ASEAN về ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích