Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Thiên tai chưa bao giờ cực đoan, khó đoán như hiện nay. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần tuyệt đối không chủ quan.
Phó Thủ tướng đánh giá: “Cộng đồng các địa phương đã rất trách nhiệm để hạn chế thiệt hại. Công tác phòng ngừa được chú trọng nhiều hơn. Việc tập huấn cũng đã sát hơn với thực tế. Công tác cảnh báo, dự báo có nhiều chuyển biến. Công tác ứng phó ngày một kịp thời. Việc khắc phục có sự tham gia của nhiều người, nhiều lĩnh vực hơn, trong đó có tổ chức quốc tế”.
Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả tích cực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Thủ tướng chỉ ra những hạn chế. Đáng tiếc nhất là vẫn còn người thiệt mạng và mất tích vì thiên tai. Theo Phó Thủ tướng, tổn thất này là rất lớn vì sinh mạng con người là vô giá.
Ngoài ra, kế hoạch phòng, chống thiên tai có nơi chưa sát thực tế, có nơi còn chủ quan. Công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thái thiên tai chưa có độ tin cậy cao. Khả năng chống chịu trên tổng thể của Việt Nam cũng yếu hơn trước đây, nguyên nhân lớn là đầu tư cho công tác ứng phó thiên tai không tăng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ ngành, địa phương sẵn sàng tâm thế là công tác phòng, chống thiên tai sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư chưa được cải thiện, cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai.
Đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt 4 giải pháp. Cụ thể, thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh các chủ trương, chính sách về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tập trung cho công tác phòng ngừa nhiều hơn.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Tỉnh Bắc Ninh triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023
Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố dự.
Năm 2022, thiên tai trong nước diễn ra phức tạp, khó lường, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế – xã hội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và sự tham gia chủ động, tích cực của người dân, công tác PCTT đạt nhiều kết quả toàn diện, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản. Cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai, làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển (trong đó ngay cuối tháng 3 xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hoà Bình), làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng. Trên cơ sở phân tích báo cáo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả công tác PCTT và TKCN; chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cũng như các giải pháp lâu dài trong công tác PCTT và TKCN.
Trước dự báo tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng, triển khai phương án PCTT và TKCN đồng bộ, phù hợp với thực tiễn; Tăng cường công tác cảnh báo, dự báo theo hướng chính xách, kịp thời; nâng cao năng lực PCTT.
Ngoài ra, các địa phương cần ưu tiên bố trí kinh phí, bổ sung phương tiện, vật tư phục vụ công tác PCTT, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bắc Ninh: Hội LHPN Từ Sơn ra mắt mô hình điểm “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”
Mới đây, Hội LHPN thành phố Từ Sơn tổ chức ra mắt mô hình điểm “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” tại phường Đông Ngàn.
Phường Đông Ngàn có hơn 2.600 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu, kinh tế – xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Năm 2022, phường có 2.236 gia đình (95,5%) đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 6/6 khu phố đạt Khu phố văn hóa. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,56%.
Năm 2023, Đảng bộ phường ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng đô thị văn minh nhằm “Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị và văn hóa, giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. 6/6 khu phố đã được tập huấn phân loại và sử dụng vi sinh IMO vào xử lý rác thải hữu cơ; 100% hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện phong trào “Sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”.
Hội nghị thông qua Quyết định, ra mắt Ban điều hành mô hình; tập huấn, hướng dẫn thực hiện mô hình cho Ban điều hành và hội viên, phụ nữ toàn phường.
Thời gian tới, Hội tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí của mô hình; triển khai mô hình đến 100% khu phố trên địa bàn; phấn đấu mỗi năm giúp thêm được ít nhất 5 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí của mô hình.
Bắc Giang: Rừng sản xuất góp phần tích cực giảm nghèo bền vững
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Kiểm Lâm Bắc Giang cho biết, theo quy hoạch cây lâm nghiệp Bắc Giang có trên 140.000 ha, diện tích rừng trồng khoảng 110.000 ha, và quy hoạch khoảng 80.000 ha là rừng sản xuất tập trung.
Được biết, năm 2022, Bắc Giang khai thác được 1.070.825 m3 gỗ các loại, trong đó khai thác 10.239 ha rừng trồng tập trung, được 1.052.084 m3 và 18.741 m3 gỗ khai khác từ cây trồng phân tán. Sản lượng gỗ bình quân đạt khoảng 104 m3/ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2022 (theo giá so sánh 2010) đạt 1.183 tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2021. Cũng trong năm, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án: “Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang”. Trong đó, xây dựng 1 trung tâm nuôi cấy mô công suất 10 triệu cây giống/năm.
Ông Hậu cho biết thêm: Bắc Giang có hơn 9.000 ha đã được cấp chứng chỉ FSC, tạo thuận lợi cho chế biến, xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Qua thống kê tỉnh có 992 cơ sở chế biến gỗ, 60 doanh nghiệp chế biến có đăng ký và 11 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp đã qua chế biến ra nước ngoài.
Hiện nay, Bắc Giang đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp tham mưu xây dựng cơ chế chính sách trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn, đến năm 2030 sẽ chiếm 20% diện tích rừng trồng. Cùng với đó, phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Ấn Độ hứng chịu hàng loạt hiểm hoạ khí hậu và thời tiết cực đoan
Trong nghiên cứu mới được công bố mới đây, nhóm nhà học giả do ông Ramit Debnath thuộc Đại học Cambridge làm chủ nhiệm, cho biết kể từ năm 1992, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.000 người, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí và đẩy nhanh tốc độ tan băng ở khu vực miền Bắc Ấn Độ.
Nghiên cứu cũng lưu ý Ấn Độ đang đối mặt với hàng loạt hiểm họa khí hậu, với thời tiết cực đoan xảy ra gần như mỗi ngày trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm ngoái.
Ông Debnath cảnh báo có tới 90% tổng diện tích của Ấn Độ hiện nay nằm trong vùng nhiệt độ vô cùng cao trong khi nước này không có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn.
Ông cho rằng Ấn Độ đã triển khai tương đối nhiều biện pháp nhằm đối phó với sóng nhiệt, song vẫn cần tối ưu hóa tốc độ thực hiện các kế hoạch này. Các biện pháp thích nghi được ông đánh giá là khá mạnh mẽ, song mới chỉ dừng lại trên văn bản mà chưa có sự thực hành phù hợp.
Văn phòng Thời tiết quốc gia Ấn Độ dự báo nước này có khả năng trải qua các đợt nắng nóng từ tháng 3 đến tháng 5. Trong tháng 2, nhiệt độ tối đa trung bình nhất trên khắp Ấn Độ là 29,5%, mức cao nhất trong hơn 120 năm qua.
Đầu tháng 4, Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, phần lớn đất nước sẽ trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng từ nay tới tháng 6. Cuộc sống của người dân Ấn Độ và nước láng giềng Pakistan sẽ dễ bị ảnh hưởng trước cái nóng khắc nghiệt.
Chính quyền nhiều bang tại Ấn Độ đã đóng cửa trường học trong một tuần sau khi nhiệt độ tăng cao tới hơn 40 độ C.
Ghi nhận mùa hè 2022 là nóng nhất trong lịch sử tại châu Âu
Hiện tượng này hoàn toàn có thể lặp lại trong bối cảnh châu Âu đang ấm lên với tốc độ gần gấp đôi so với tỷ lệ toàn cầu.
Báo cáo cập nhật hằng năm của C3S cho thấy 2022 là năm nóng thứ hai và có mùa Hè nóng nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập từ những năm 1950. Đáng chú ý, khu vực châu Âu đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp đôi so với mức trung bình thế giới, cụ thể ở mức 2,2 độ C trong vòng 5 năm qua so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mực nước của 2/3 số con sông tại châu Âu đã giảm xuống dưới mức trung bình và 5 km3 băng đã biến mất khỏi các dòng sông băng trên dãy Alps do tuyết rơi ít và nhiệt độ mùa Hè tăng mạnh.
Phó Giám đốc C3S, bà Samantha Burgess cho rằng với nồng độ khí thải nhà kính trong bầu khí quyển tăng cao, nhiều khả năng châu Âu sẽ tiếp tục nóng lên trong nhiều năm tới. Trong đó, chất lượng đất khu vực Nam Âu sẽ trở nên cực kỳ khô trừ khi có mưa nhiều vào mùa Xuân năm nay. Điều này tác động đáng kể đến vụ mùa và làm giảm sản lượng cây trồng trong năm.
Trong khi đó, Giám đốc C3S, ông Carlo Buontempo cho biết nhiệt độ kỷ lục năm 2022 đã tác động đáng kể đến hệ sinh thái và cộng đồng sinh sống trên toàn châu lục, khiến tình trạng hạn hán ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Cụ thể, châu Âu có mưa và tuyết ít hơn mức trung bình vào mùa Đông 2021-2022, sau đó là hàng loạt đợt nắng nóng mùa Hè kéo dài. Điều này không chỉ gây ra cháy rừng mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, năng lượng và vận tải đường sông, khiến lượng khí thải carbon trên toàn EU tăng mạnh nhất kể từ năm 2017.
Theo C3S, lượng khí thải nhà kính trong bầu khí quyển năm 2022 đã chạm mốc cao nhất được ghi nhận trong lịch sử. Tổ chức tư vấn khí hậu Ember dự báo lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2023.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã cam kết cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm đưa mức phát thải ròng về 0 để kiềm chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị