Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/6/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/6/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Miền Bắc chuẩn bị đón mua dông dài ngày

Về diễn biến mưa dông, đêm qua và sáng sớm nay (20/6), ở khu vực vùng núi Bắc Bộ cục bộ có mưa to đến rất to; lượng mưa tính từ 19h ngày 19/6 đến 07h ngày 20/6 có nơi trên 60mm như: Nậm Loỏng (Lai Châu) 86.6mm, Tả Lèng (Lai Châu) 69.8mm, Quản Bạ (Hà Giang) 64.4mm,… Dự báo: chiều tối và đêm 20/6, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Trong những ngày nắng nóng, vào chiều tối ở Bắc Bộ và vùng núi khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Bắc Kạn thiệt hại nặng vì hạn hán

Tin trên Nhân dân, nắng nóng kéo dài những ngày qua đã gây ra tình trạng khô hạn tại Bắc Kạn. Một vài cơn mưa nhỏ không đủ giải hạn cho cây trồng trên địa bàn. Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 2.400ha cây trồng bị thiệt hại vì hạn hán.

Tại xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, thông thường tại thời điểm này các diện tích dong riềng đã phát triển khá cao. Tuy nhiên, vì hạn hán kéo dài nên nhiều diện tích dong riềng ở đây chậm phát triển, dự kiến năng suất sẽ rất thấp. Tại một số thôn vùng cao, gần như toàn bộ diện tích ngô đồi đã mất trắng.

tm-img-alt
Sông Cầu nhiều thời điểm từ đầu năm tới nay cạn trơ đáy. (Ảnh: NGỌC TÚ)

Theo Ủy ban nhân dân xã Phúc Lộc, năm nay, toàn xã trồng được khoảng 250ha ngô và 100ha cây dong riềng nhưng hiện có từ 80% diện tích đứng trước nguy cơ mất trắng. Trong đó, 4 thôn vùng cao người Mông phụ thuộc chủ yếu vào cây ngô nguy cơ thiếu hụt lương thực rất cao. Đây là năm đầu tiên, xã Phúc Lộc đối mặt với hạn hán cục bộ, 16 thôn có cây nông nghiệp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Kạn, tính đến ngày 15/6, toàn tỉnh có 2.474ha cây trồng bị hạn. Trong đó, cây lúa bị ảnh hưởng 615ha với 325ha bị thiệt hại 30-70%; có 194ha thiệt hại 70% và 131ha lúa mùa không thể gieo cấy.

Ngoài ra, có 1.178ha cây ngô, 419ha cây lâm nghiệp bị chết hoặc héo lá và 262ha cây trồng khác cũng chịu thiệt hại vì hạn hán.

Nguyên nhân hạn hán là do thời gian qua, trên địa bàn Bắc Kạn xuất hiện nắng nóng, lượng mưa ít.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 5 đều thiếu hụt so trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước từ 61-85%. Trên các dòng sông, suối cũng thiếu hụt dòng chảy từ 20-40% so cùng kỳ.

Nắng nóng quay lại, lưu lượng nước về các hồ thủy điện xuống thấp

Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, ngày 20/6, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện thấp. Trong đó, khu vực Bắc Bộ ổn định; Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với ngày 19/6.

Về mực nước, các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ mực nước dao động nhẹ; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Mực nước các hồ khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành.

tm-img-alt
Thủy điện Lai Châu.

Cũng theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường, lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện hiện vẫn đang ở mức thấp. Dự báo lượng nước về các hồ trong thời gian tới chưa cao, các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.

Hiện còn 3 hồ xấp xỉ mực nước chết (giảm 1 hồ so với ngày 19/6): Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3. Có 2 hồ mực nước thấp: Thác Mơ, Hủa Na.

Còn 7 thủy điện phát điện cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp (giảm 1 thủy điện so với con số ngày 19/6): Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Hủa Na, Thác Mơ, Đồng Nai 3.

Nguyên nhân của sự giảm này là do đêm qua và sáng sớm 20/6, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ cục bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa tính từ 19h ngày 19/6 đến 7h ngày 20/6 có nơi trên 60mm như: Nậm Loỏng (Lai Châu) 86.6mm, Tả Lèng (Lai Châu) 69.8mm,…

Mưa lớn, nhiều tuyến phố ở TP Hải Dương bị ngập

Trận mưa to kéo dài từ hơn 19 giờ đến gần 20 giờ tối 19/6 khiến một số tuyến đường ở TP Hải Dương bị ngập úng.

Các tuyến đường Khúc Thừa Dụ, Vũ Hựu, Ngô Quyền, Đỗ Ngọc Du, Lê Quý Đôn, Thái Bình… bị ngập, có đoạn ngập sâu. Đường Nguyễn Lương Bằng ngập từ đoạn giao với đường Đức Minh đến ngã tư đèn đỏ giao với đường Ngô Quyền. Đầu đường Nguyễn Thị Duệ giao với đường Nguyễn Lương Bằng cũng bị ngập. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng ở các tuyến đường này không kéo dài.

tm-img-alt

Sau khi ngớt mưa, công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương đã đến các điểm ngập úng, mở nắp cống để nước thoát nhanh và đặt biển cảnh báo cho người dân di chuyển qua.

Đồng Tháp: Người dân sống bên rạch Ông Ấu ‘kêu trời’ vì nước ô nhiễm

Tin trên TTXVN, dòng nước dưới rạch Ông Ấu thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bỗng đổi màu đen kịt, nổi váng và bốc mùi hôi thối khiến đời sống, hoạt động sản xuất của nhiều hộ dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn.

Hơn 2 tuần nay, nguồn nước trong rạch Ông Ấu thuộc địa bàn hai xã Mỹ Thọ và Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) “bỗng dưng” chuyển sang màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, khiến sinh hoạt, sản xuất của hàng chục hộ dân ở nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Suốt nhiều ngày, ao nuôi ếch rộng 1.000m2 của gia đình anh Nguyễn Văn Phong (xã Mỹ Thọ) đã không được thay nước mới vì nguồn nước dưới rạch Ông Ấu ô nhiễm.

Anh Phong xót xa nhìn những con ếch chết dần và mỗi ngày 2 lần, anh phải vớt xác ếch mang đi xử lý. Nhận thấy không thể cầm cự trước tình hình này nên anh xuất bán ếch “non,” sớm hơn kế hoạch gần 20 ngày.

tm-img-alt
Anh Huỳnh Ngọc Nhuận cũng như nhiều người dân sống dọc bên rạch Ông Ấu bức xúc vì nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống và sản xuất. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Anh Phong chia sẻ nước rạch Ông Ấu ô nhiễm nên ảnh hưởng nhiều rất việc nuôi ếch. Đợt này, ếch bị chết nhiều, anh phải bán sớm nên thiệt hại về sản lượng hơn 50% (giảm khoảng 1 tấn) so với bình thường. Anh đang “treo” ao, chưa dám thả nuôi lứa ếch giống mới.

Anh Huỳnh Ngọc Nhuận (người dân xã Mỹ Thọ) bức xúc khi cho biết màu nước dưới rạch Ông Ấu đen kịt, trên mặt nước nổi váng, hôi thối. Những lúc nước cạn, quá ô nhiễm, anh không dám tưới rau bằng nước ở rạch.

Trước đây, người dân trong xã sử dụng nước dưới rạch phục vụ sinh hoạt nên đỡ một phần chi phí tiền nước hằng tháng, còn bây giờ chỉ sử dụng toàn nước máy.

Anh rất mong chính quyền địa phương và ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc, giải quyết trình trạng ô nhiễm nguồn nước ở rạch Ông Ấu.

Liên hợp quốc thông qua hiệp ước lịch sử về bảo vệ các vùng biển quốc tế

Đa số các nước đã hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả, ngày 19/6 và thể hiện ý định sớm ký và phê chuẩn để Hiệp định sớm có hiệu lực, được thực thi đầy đủ và hiệu quả.

Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gọi sự kiện thông qua hiệp ước này là một “thành tựu lịch sử”, theo đó tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế, vốn chiếm 60% diện tích các đại dương trên thế giới.

Ông Guterres cho rằng việc thông qua hiệp ước diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi các đại dương đang bị đe dọa về nhiều mặt. Ông cho biết biến đổi khí hậu đang thay đổi các kiểu thời tiết và dòng chảy đại dương, làm tăng nhiệt độ nước biển, “làm thay đổi hệ sinh thái biển và các loài sống ở đó”. Ông cũng nhấn mạnh sinh học biển “đang bị tấn công do đánh bắt, khai thác quá mức và acid hóa đại dương”.

Ông Guterres nhấn mạnh hiệp ước này rất quan trọng để giải quyết các mối đe dọa với đại dương. Ông kêu gọi tất cả quốc gia nỗ lực hết mình để đảm bảo hiệp ước được ký kết và phê chuẩn càng sớm càng tốt.

Hiệp ước sẽ tạo ra một cơ quan mới để quản lý việc bảo tồn sự sống ở đại dương và thiết lập các khu bảo tồn biển ở vùng biển quốc tế. Hiệp ước cũng đặt ra các quy tắc cơ bản để đánh giá tác động môi trường của các hoạt động thương mại trên đại dương.

Văn bản của hiệp ước đã được các bên thống nhất vào tháng 3 vừa qua, sau 15 năm thảo luận và 4 năm đàm phán chính thức. Kể từ đó, các chuyên gia pháp lý và các biên dịch viên của LHQ đã tích cực rà soát và chuyển ngữ để đảm bảo truyền tải chính xác, nhất quán và trọn vẹn nội dung văn bản thông qua 6 ngôn ngữ chính thức của LHQ. Sau khi được LHQ thông qua, hiệp ước cần được tối thiểu 60 nước thành viên LHQ phê chuẩn để có hiệu lực áp dụng.

tm-img-alt
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN 

Hiện nay, các nhà khoa học ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các đại dương đối với sự sống con người. Đây là nơi tạo ra hầu hết lượng khí oxy mà con người hít thở hằng ngày, đồng thời giúp hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ khí thải CO2. Ngoài ra, đại dương còn là “ngôi nhà” của các khu vực đa dạng sinh học, với các loài sinh vật có kích thước vi mô. Trên tạp chí The Lancet, một nhóm nhà khoa học đã nhấn mạnh rằng: “Các đại dương trong lành, từ vùng nước ven biển đến vùng biển cả và vùng đáy biển sâu, là không thể thiếu đối với sức khỏe, sự an lành và sự sống còn của con người”.

Hiện tại, hầu hết các khu vực biển được bảo vệ đều nằm trong lãnh hải của các nước thành viên Liên hợp quốc. Hiệp ước sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia, vốn đo bằng 200 hải lý (370 km) tính từ đường cơ sở. Hơn 60% đại dương nằm bên ngoài vùng EEZ. Hiệp ước cũng yêu cầu nghiên cứu tác động đối với môi trường từ các hoạt động như thăm dò, khai thác vùng biển sâu.

Văn kiện này cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30×30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ða dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal (Canada) tháng 12/2022.

Hiệp ước cũng thiết lập các nguyên tắc chia sẻ lợi ích của “nguồn gene biển” (MGR) được thu thập qua nghiên cứu khoa học ở vùng biển quốc tế. Đây là một điểm mấu chốt gần như đã khiến các cuộc đàm phán đổ vỡ vào phút cuối hồi tháng 3 vừa qua.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn đàm phán, khẳng định kết quả thành công ngày hôm nay thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Hội nghị trong việc đạt được một văn kiện nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

tm-img-alt
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ đánh giá Hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) – bản Hiến pháp của đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển; tăng cường chủ nghĩa đa phương, là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ LHQ về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.

Nhằm mục đích đảm bảo tôn trọng sự toàn vẹn của UNCLOS, trong quá trình thực hiện Hiệp định sau này, liên quan đến quy định về việc Hội nghị các thành viên ký kết Hiệp định xem xét, đề nghị phân vùng để áp dụng biện pháp bảo tồn, đại diện Việt Nam cùng một số nước nhấn mạnh cách giải thích một số điều khoản mà Hội nghị liên Chính phủ đã nhất trí, như thể hiện trong Báo cáo của Hội nghị liên Chính phủ.

Việc LHQ thông qua Hiệp định đem lại nhiều cảm xúc, đặc biệt là đối với những người trực tiếp tham gia thương lượng, trong đó có đoàn liên ngành Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ trì cùng đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam…, phối hợp với Phái đoàn Việt Nam tại New York, bởi đây là kết quả của một quá trình lâu dài và phức tạp, nhiều lúc cực kỳ gay gắt.

UNCLOS quy định quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá trên biển cả ngoài vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời quy định khoáng sản trong vùng đáy biển trên thềm lục địa của các nước, là di sản chung của nhân loại; thành lập cơ chế cấp phép, phân bổ lợi ích từ khai mỏ dưới đáy biển khơi, song chưa có cơ chế tương tự đối với nguồn gien biển. Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vùng ngoài quyền tài phán quốc gia cụ thể hóa và phát triển UNCLOS trên khía cạnh này. Đây là hiệp định thứ 3 thực thi UNCLOS, sau văn kiện về đàn cá di cư và văn kiện nhằm thực thi Phần XI của Công ước.

Hiệp định gồm 17 Chương, 76 Điều, 2 Phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: (i) Chia sẻ lợi ích nguồn gien biển; (ii) Thiết lập vùng bảo tồn biển; (iii) Đánh giá tác động môi trường; (iv) Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; và (v) Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính…

Giới quan sát nhận định hiệp ước trên sẽ không khó để nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 60 quốc gia thành viên LHQ. Mặc dù hiệp ước là một bước tiến lớn trong việc thiết lập quản lý các vùng biển quốc tế, song còn nhiều vấn đề phải thảo luận liên quan việc thực thi hiệp ước này.

Hiệp ước sẽ được mở ký vào ngày 20/9, trong cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng LHQ. Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau khi được 60 quốc gia phê chuẩn.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích