Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/8/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/8/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Bắc Kạn đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường 2020

Đến nay công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu ban hành kế hoạch và tổ chức các hội thảo tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn đến các ngành, các cấp huyện, xã và các doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã tổ chức hội nghị tập huấn Luật Bảo vệ môi trường 2020 với 300 đại biểu thuộc các sở, ban ngành, tổ chức chính trị – xã hội; các Ban Quản lý dự án; UBND huyện, thành phố, xã phường, thị trấn, cơ sở kinh doanh.

tm-img-alt

Nhiều hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng các sự kiện thường niên về bảo vệ môi trường, như: Tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền tổ chức lễ hội xuân, tổ chức thu gom rác thải; tổ chức các hoạt động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023; tuyên truyền biển, đảo năm 2023; hưởng ứng Ngày đất ngập nước thế giới năm 2023; hưởng ứng Giờ trái đất năm 2023; hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2023; tổ chức các hoạt động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2023; hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường.

Qua các hoạt động triển khai thực hiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 đã thu hút hơn 2.000 lượt người dân tham gia với phương châm “vì lợi ích của Nhân dân, thực hiện bằng sức dân và dân tự quản”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, Sở phối hợp với Vụ môi trường tổ chức tập huấn tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền về một số điểm mới, quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư đồng thời nâng cao nhận thức, chấp hành quy định trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay.

tm-img-alt
Nhiều các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường được triển khai ở các địa phương

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động liên quan tới công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng dân cư trên địa bàn…

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, các địa phương đã tích cực tham gia xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư văn minh”, “Khu dân cư xanh, sạch, đẹp”; “Khu dân cư nông thôn mới”; Khu dân cư thực hiện giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường… Đến nay toàn tỉnh đã có trên 70 mô hình tự quản hoạt động hiệu quả, qua đó ý thức của người dân về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên.

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa bàn, đơn vị tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, trong công tác bảo vệ môi trường…/.

Phụ nữ thành phố Bắc Ninh hành động “Vì môi trường sạch”

Thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, Nghị quyết 05-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường; Nghị quyết 06/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về “Tăng cường công tác vệ sinh môi trường giai đoạn 2018 – 2022”, các cấp Hội Phụ nữ thành phố thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, phong trào “Mỗi người dân – Mỗi ngày một việc góp phần bảo vệ môi trường”, “1 phút làm sạch thành phố”, phân loại rác thải và ứng dụng IMO trong xử lý rác thải hữu cơ… thông qua sinh hoạt hội viên, sinh hoạt CLB, hội nghị chuyên đề, trên hệ thống loa truyền thanh cũng như trên website, zalo, fanpage của Hội.

Hội LHPN thành phố triển khai 35 lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại hộ gia đình và ứng dụng IMO trong xử lý rác hữu cơ, làm hơn 4.000 kg vi sinh IMO gốc tặng cho các hội viên, phụ nữ.

Năm 2023, Hội LHPN thành phố đăng ký và thực hiện khâu đột phá với việc trồng đường hoa phụ nữ trên bùn đã xử lý ô nhiễm làng nghề sản xuất bún và chăm sóc bằng vi sinh IMO tại khu Sơn, phường Khắc Niệm.

Nhằm nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cơ sở Hội tiến hành rà soát các gia đình chưa đạt để có biện pháp hỗ trợ kịp thời đồng thời đăng ký thực hiện ít nhất 1 công trình, phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cụ thể: Hội LHPN phường Vũ Ninh làm điểm mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”; Hội LHPN phường Hòa Long, Vạn An thành lập 4 tổ Phụ nữ thực hiện phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn và xử lý rác hữu cơ đã phân loại bằng vi sinh IMO; tuyên truyền, vận động các gia đình trong khu Đương Xá 1, phường Vạn An ký cam kết thực hiện phân loại rác tại gia đình và ứng dụng IMO trong xử lý rác thải hữu cơ, sản xuất nông nghiệp.

Hội LHPN phường Phong Khê dọn vệ sinh và trồng hoa tại Cụm công nghiệp Phong Khê 1, thu gom hơn 4 tấn rác thải; Hội LHPN phường Đại Phúc, Thị Cầu, Kinh Bắc tổ chức Ngày hội tái chế, thu gom được 1.870 kg phế liệu, đổi 180 suất quà trị giá gần 4 triệu đồng…

Phụ nữ thành phố Bắc Ninh hành động “Vì môi trường sạch”

Phụ nữ phường Kinh Bắc thu gom rác tái chế để gây quỹ hoạt động từ thiện.

Hưởng ứng phong trào “Mỗi người dân – Mỗi ngày một việc góp phần làm sạch môi trường giai đoạn 2022-2027”, Hội LHPN thành phố lắp đặt các thùng đựng rác tái chế tại 4 điểm di tích (đền Bà chúa Kho, đền Quan, đền Giếng, chùa Dạm) để tuyên truyền, nâng cao ý thức của du khách và gây quỹ từ thiện. Hội LHPN phường Suối Hoa, Thị Cầu, Đại Phúc, Ninh Xá, Khúc Xuyên, Vạn An, Võ Cường, Khắc Niệm phát động và duy trì hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền”, gây quỹ hoạt động, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hội viên phụ nữ và nhân dân.

Phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế

Theo đó, Kế hoạch phải phù hợp với chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2050. Phát triển vật liệu xây dựng phải đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái… Không ảnh hưởng tới khu vực an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Không tác động tiêu cực tới môi trường, đời sống sinh hoạt của dân cư và không chồng chéo với các kế hoạch, quy hoạch khác. Tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, sản xuất vật liệu xây dựng có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu.

Khuyến khích phát triển công nghệ sạch, công nghệ sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành khác làm vật liệu xây để giảm ô nhiễm môi trường. Từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường… Từng bước sắp xếp lại các cơ sở sản xuất vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu sử dụng các loại phế thải, chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.

Phát triển ngành vật liệu xây với công nghệ sản xuất đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, cải tạo công nghệ hoặc dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, năng lượng và gây ô nhiễm môi trường theo quy định.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đa dạng nguyên liệu, nhiên liệu; sử dụng, tận dụng tối đa các loại chất thải công nghiệp, khai thác mỏ để sản xuất vật liệu xây, vật liệu san lấp. Ưu tiên các dự án, chuỗi dự án sản xuất vật liệu xây tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại, tiêu hao nhiên liệu và năng lượng thấp, tỷ lệ nội địa hóa cao về thiết bị trong sản xuất.

Dự kiến, đến năm 2030 ngành sản xuất vật liệu xây của tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt được trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất vật liệu xây đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, trong vùng, xuất khẩu một phần đối với những sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Định hướng đến năm 2050, ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh được tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất và trở thành ngành công nghiệp xanh, bền vững.

Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế tổ chức công bố Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đã được phê duyệt. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định để trình chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng thuộc đối tượng phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch.

Thêm một huyện ở Đắk Nông xuất hiện nhiều vết nứt đất kéo dài

Chiều 2/8, trao đổi với PLO ông Ngô Đức Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song (Đắk Nông) xác nhận mưa lớn kéo dài làm sạt lở đất, sụt lún tại một số địa bàn ở huyện.

Theo đó, tại vực xóm 5, thôn 11, xã Nam Bình có hiện tượng nứt sụt lún khu vực rẫy của ba hộ dân. Vết nứt trên rẫy kéo dài khoảng 300m, độ sâu từ 20cm đến 2m, khu vực này không có dân sinh sống. Hiện, UBND xã Nam Bình đã thông báo, cảnh báo khu vực nguy hiểm đến các hộ dân trong vùng chủ động nắm bắt và phòng ngừa.

Trong khi đó, tại khu vực đồi thôn 8, xã Trường Xuân cũng xuất hiện một vết nứt dài khoảng 300 m.

tm-img-alt
Vết nứt đất trong khu rẫy của một hộ dân ở xã Trường Xuân. Ảnh: ĐT

Ngay sau sự việc xảy ra, UBND xã Trường Xuân đã kịp thời huy động lực lượng cắm biển cảnh báo và tổ chức di dời hai hộ dân ở gần vết nứt ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, địa phương tổ chức theo dõi diễn biến, sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp.

Đợt mưa lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8, xã Trường Xuân có 30 căn nhà bị ngập, 50 ha cây trồng bị thiệt hại và gần 100 ao hồ nuôi cá bị nước cuốn trôi.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong những ngày qua, tại huyện Đắk Song có xuất hiện mưa vừa và mưa to, lượng mưa đo được từ 186 mm đến 213mm. Do đó mực nước tại các sông, suối nhỏ và ao hồ dâng cao gây ra ngập úng ở một số nơi trên địa bàn huyện.

Mưa lớn làm một người dân ở huyện Đắk Song bị nước lũ cuốn mất tích; ngập úng đã gây thiệt hại về cây cối, hoa màu, ao cá và các loại tài sản khác…

Như vậy, sau huyện Tuy Đức và TP Gia Nghĩa, huyện Đắk Song cũng xuất hiện hiện tượng sụt lún đất kéo dài.

Đồng Nai: Tìm nguyên nhân gây ngập cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây

Ngày 2/8, Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho biết đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn khảo sát điểm ngập tại lý trình km 25+419 trên tuyến Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Sau khi khảo sát toàn bộ điểm ngập, đơn vị mới xác định nguyên nhân và có hướng xử lý cụ thể.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi làm việc với đơn vị liên quan tìm giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước trên Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây tại lý trình km 25+419.

Theo Ban Quản lý Dự án Thăng Long, nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập nước cục bộ được cho là do lượng mưa lớn, liên tục, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu, tràn ra đường cao tốc.

Tại khu vực hạ lưu cống km 25+419 có mương, suối hiện hữu (ngoài phạm vi dự án) thoát nước ra cầu Sông Phan km 24+384; thời điểm trên ghi nhận thực tế mực nước dâng đến vị trí đáy xà cầu Sông Phan.

Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng 533 – đơn vị tư vấn thiết kế – cho rằng một phần nguyên nhân gây ngập do dòng chảy sông Phan bị thu hẹp và việc phải hạ thấp cốt nền để không ảnh hưởng từ lưới điện cao thế khiến đoạn cao tốc bị thấp. Bên cạnh đó, đập Sông Phan xả nước với lưu lượng 90 m3/giây cùng mưa lớn khiến nước không thoát kịp, gây ngập.

Tuy nhiên, các đơn vị liên quan cho rằng, dòng chảy của sông Phan vốn tồn tại từ lâu và không có tác động gây thu hẹp.

tm-img-alt
Đoàn khảo sát kiểm tra điểm gây ngập Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây tại lý trình km 25+419 đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Đại diện Công ty Truyền tải điện Bình Thuận cho biết theo kỹ thuật, khoảng cách từ dây dẫn điện đường dây 550kV xuống mặt đường chỉ cần 14m là đảm bảo an toàn, còn thực tế tại điểm ngập khoảng cách hơn 22m. Do vậy, việc làm đường cao tốc tại đây không bị khống chế bởi đường dây 550kV.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long chủ trì, phối hợp với đơn vị vận hành, nhà thầu thi công, tư vấn và các cơ quan địa phương xử lý triệt để nguyên nhân sự cố, bảo đảm ổn định lâu dài đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Đồng thời, Ban Quản lý Dự án Thăng Long kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt là tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra.

Đồng Tháp: Trao tặng “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa” cho 300 hội viên phụ nữ

Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Sa Đéc phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Sa Đéc trao tặng “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa” và thùng rác hộ gia đình cho 300 hội viên phụ nữ ở phường An Hòa, Phường 2 và xã Tân Khánh Đông.

tm-img-alt
Trao tặng thùng rác bảo vệ môi trường cho hội viên phụ nữ

Trong đó, mô hình “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa” được thực hiện tại ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông; 300 thùng rác bảo vệ môi trường được trao tặng cho 300 hộ tại các xã: Tân Phú Đông, Tân Quy Tây và Tân Khánh Đông. Tổng kinh phí thực hiện trên 44 triệu đồng. Dịp này, Hội LHPN Phường An Hòa và Phường 2 ra mắt Câu lạc bộ “5 không, 3 sạch” khóm Tân Bình và khóm Hòa Khánh.

Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Qua đó, vận động mọi người thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và thân thiện môi trường, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

TP.Tân An (Long An) hướng đến phân loại rác tại nguồn

Bắt đầu từ tháng 6/2023, cứ đều đặn vào lúc 16 giờ 30 phút ngày thứ Sáu hàng tuần, một nhóm người dân phường 1 lại ra quân thu gom rác, vệ sinh, chăm sóc cây xanh,… trên các tuyến đường. Đó là những hoạt động của mô hình Giờ cộng đồng. Những người tham gia mô hình đều “khoác” lên mình chiếc áo màu cam với hình ảnh chiếc đồng hồ mang thông điệp, được in Logo và Slogan của thành phố. Đây là mô hình tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường được khối Vận phối hợp UBND phường 1 thực hiện.

TP.Tân An hướng đến phân loại rác tại nguồn
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh, các điểm công cộng đều đặt những thùng rác có ghi chú để mọi người có thể bỏ đúng từng loại rác

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, đến nay, phần lớn các hộ gia đình, nhà hàng, dịch vụ buôn bán, cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn phường 3, một số tuyến đường thuộc phường 1, phường 7 giáp ranh phường 3, người dân cũng tham gia thực hiện tốt việc PLRTN, giao rác đúng lịch và đúng thời gian.

Theo bà Lê Huỳnh Phương Anh (phường 3), ban đầu, nhiều người cảm thấy phiền với việc phân loại rác nhưng sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động, hiểu được những lợi ích của việc PLRTN là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống nên người dân vui vẻ chấp hành. Thay vì bỏ tất cả rác vào chung một thùng như trước đây thì người dân dần hình thành thói quen phân loại rác.

Phân loại rác thải vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Nếu các gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, việc PLRTN cũng gặp một số khó khăn. Đó là vẫn còn tình trạng một số người dân, hộ kinh doanh ăn uống, nhà trọ chưa thực hiện tốt việc PLRTN, giao rác thải hỗn hợp, chưa đúng thời gian và nơi quy định. Việc này kéo theo tình trạng ở một số điểm rác không phân loại bị tồn đọng trước nhà, trên đường phố, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị,…

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích