Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/7/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/7/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/7/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/7/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Hội Phụ nữ Yên Bái đẩy mạnh truyền thông về xử lý rác thải tại nguồn

Bà Lê Thị Thanh Hoài – Trưởng ban Ban Tuyên giáo – Chính sách, Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Qua các video, trò chơi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, chúng tôi tập trung tuyên truyền lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn; hướng dẫn việc phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình. Qua đó, nâng cao nhận thức và hành động của hội viên phụ nữ và gia đình tích cực phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần, tăng cường tái chế sản phẩm nhựa…”.

Bà Bồ Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trấn Yên tuyên truyền cho người dân xã Minh Quán việc phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ bằng thùng ủ và men vi sinh.
Cán bộ Hội LHPN huyện Trấn Yên tuyên truyền cho người dân xã Minh Quán việc phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ bằng thùng ủ và men vi sinh.

Thời gian qua, Hội LHPN huyện Trấn Yên cũng phối hợp tổ chức trên 20 buổi truyền thông “Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người” cho trên 2.000 hội viên. Đồng thời, Hội phối hợp triển khai mô hình điểm hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và ủ rác hữu cơ thành phân bón bằng thùng ủ và men vi sinh tại tổ dân phố số 2, thị trấn Cổ Phúc rồi nhân rộng ra nhiều tổ dân phố của thị trấn; đến nay, tiếp tục nhân rộng ra nhiều xã toàn huyện.

6 tháng đầu năm, các cấp Hội LHPN đã phối hợp triển khai 41 buổi truyền thông “Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người”; duy trì và nâng cao chất lượng các câu lạc bộ “Không sử dụng túi nilon”; mô hình “Ngôi nhà xanh bảo vệ môi trường”, “Ngôi nhà xanh gây quỹ Hội”; “Tái chế rác thải nhựa thành các đồ dùng tiện ích”…

Từ tháng 5/2023, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh phát động Phong trào thi đua “Phụ nữ Yên Bái chung tay thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” tới 100% các cấp Hội. Phong trào nhằm thực hiện thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần, tái chế sản phẩm nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải phù hợp với điều kiện địa phương tại khu vực đông dân cư… và phát động đợt thi đua đặc biệt “Phụ nữ Yên Bái hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần” từ tháng 5-9/2023.

Yên Bái thu gần 40 tỷ đồng từ cấp quyền khai thác khoáng sản

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được tăng cường, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã phê duyệt 10 báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp 4 giấy phép môi trường; tiếp tục rà soát đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về việc thực hiện đóng cửa mỏ, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. 6 tháng, số tiền thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 36,3 tỷ đồng, bằng 24,2% dự toán tỉnh giao.

tm-img-alt
6 tháng đầu năm, số thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn Yên Bái đạt 36,3 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đánh giá việc thực hiện các chỉ số về môi trường theo kế hoạch; tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và chỉ đạo xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, 6 tháng đầu năm, đã có 29 tổ chức được ký hợp đồng giao đất, thuê đất với tổng diện tích 520.554,2 m2, với tổng số tiền hợp đồng và phụ lục hợp đồng thuê đất các đơn vị ký trên 25,56 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường; tập trung triển khai các dự án về đo đạc, lập bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu về đất đai; quản lý biến động đất đai; kiểm soát chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản, nhất là bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Thành đoàn Thái Nguyên tổ chức ra quân “Ngày Chủ nhật xanh tình nguyện vì môi trường”

Tại Chương trình, đoàn viên, thanh niên các đơn vị đã dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các tuyến đường Bắc Sơn, Dương Tự Minh; xóa các biển, mẩu quảng cáo, rao vặt gây mất mỹ quan đô thị… Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư không rác, xanh – sạch – đẹp.

tm-img-alt
Các đoàn viên thanh niên tham gia thu gom rác, dọn vệ sinh môi trường

Ngày Chủ nhật xanh là phong trào ý nghĩa được Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh triển khai thường xuyên, nhằm chung tay giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ.

Gần 30.000 người ở 5 tỉnh Bắc Bộ sẽ được sơ tán nhằm tránh cơn bão số 1

Sáng ngày 17/7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, người đang làm nhiệm vụ trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ban, ngành và các tỉnh thành Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An để chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 1.

Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã thông báo rằng để ứng phó với cơn bão số 1, dự kiến các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định sẽ cấm biển từ 12h ngày 17/7, trong khi Hải Phòng dự kiến sẽ cấm biển từ 21h ngày 17/7.

Các địa phương khác tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão để đưa ra quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình dự kiến sẽ sơ tán gần 30.000 người để đảm bảo an toàn trong cơn bão.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hiện nay, theo đánh giá của các địa phương, cơ bản công tác chuẩn bị là rất chủ động, tích cực. “Chúng ta có điểm thuận lợi là các địa phương có kinh nghiệm, nhưng chính điều này cũng rất đáng lo ngại vì có thể phát sinh tâm lý chủ quan…” – Phó Thủ tướng lưu ý.

tm-img-alt
Bão số 1 có cường độ cuối cấp 11-12, giật cấp 15, cách bán đảo Lôi Châu 310 km về phía đông đông nam. (Ảnh: Internet)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, để ứng phó với bão số 1, các địa phương cần tập trung triển khai nghiêm túc Công điện số 646/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, lưu ý 4 vấn đề: Thứ nhất, không chủ quan lơ là; thứ hai, chủ động linh hoạt trong xử lý tình huống; thứ ba, phối hợp chặt chẽ trong ứng phó, và thứ tư là chuẩn bị chu đáo nhất có thể để ứng phó bão.

“Các bộ ngành, địa phương huy động mọi nguồn lực để ứng phó bão số 1. Tinh thần và mục tiêu chung là không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất những thiệt hại về kinh tế do bão số 1…” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Thái Bình thực hiện cấm biển từ 12 giờ ngày 17/7

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.008 phương tiện với 2.894 lao động đang làm ăn trên biển.

Trong đó, có 8 phương tiện với 50 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh; 19 phương tiện với 83 lao động hoạt động ven biển Thái Bình; 942 phương tiện với 2.511 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 39 phương tiện với 250 lao động đã vào neo đậu tại các bến ngoài tỉnh.

Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm.

tm-img-alt
Đường đi của bão số 1.

Toàn tỉnh hiện có 1.154 chòi ngao với 1.194 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.150 đầm với 1.600 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà.

Toàn tỉnh có 692 lồng, bè trên sông, trong đó huyện Hưng Hà có 287 lồng, huyện Quỳnh Phụ có 220 lồng… Về sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 16/7 trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích lúa mùa đã gieo cấy 68.302 ha đạt 90% kế hoạch đề ra; cây màu hè đã thu hoạch 8.570 ha chiếm 79% diện tích cây màu hè đã trồng…

Dự báo từ đêm 17/7 đến ngày 21/7, do ảnh hưởng của bão, sau ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, khu vực các huyện phía Bắc (Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Đông Hưng) lượng mưa phổ biến từ 200-250mm, các huyện còn lại phổ biến từ 150-200mm.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 1, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, ông Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tại Công điện khẩn số 01 hồi 17 giờ 30 phút ngày 14/7 và Công điện khẩn số 02 hồi 16 giờ 30 phút ngày 15/7.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 12 giờ 00 ngày 17/7/2023; bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.

Trước 18 giờ 00 ngày 17/7/2023, phải hoàn thành việc di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông.

Ngoài ra, để tập trung bảo vệ diện tích lúa mùa mới cấy, các đơn vị quản lý thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24h theo dõi mực nước, kịp thời đóng cống tưới, mở cống tiêu, chủ động tiêu nước đệm trong hệ thống qua các cống dưới đê; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng kích hoạt tiêu nước.

Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khẩn trương khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước trên mặt ruộng phục vụ bảo vệ cho lúa mới cấy, hoa màu và các khu vực trũng, thấp.

Nam Định: Yêu cầu hoãn các cuộc họp chưa cấp bách để tập trung phòng chống bão số 1

Ngày 17/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã có Công điện số 15/CĐ-UBND gửi: Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định; Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi về việc triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 1 năm 2023.

Cấm biển; hoãn các cuộc họp chưa cấp bách để tập trung phòng chống bão số 1 - Ảnh 1.

Theo đó, để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 03/CĐ-BCH hồi 18 giờ ngày 15/7/2023 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định; đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khí tượng thủy văn của tỉnh, trung ương để cập nhật và thông tin kịp thời diễn biến cơn bão.

Hai là, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; Hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 18 giờ ngày 17/7/2023.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích