Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/3/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/3/2023
Theo dõi MTĐT trên
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Hội thảo giảm phát thải cacbon trong các ngành sản xuất công nghiệp
Sáng 16/3, tại TP. HCM, tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp với Hiệp hội Thép, Xi măng và Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức hội thảo “Giảm phát thải cacbon trong các ngành sản xuất công nghiệp xi măng, thép và nhựa”.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam trình bày về xu hướng giảm phát thải cacbon trong các ngành công nghiệp trên thế giới, khu vực, hiện trạng tại Việt Nam. Đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm và thảo luận về những thách thức, cơ hội và giải pháp khả thi và tiếp cận tài chính cho các dự án khử/giảm cacbon ở các nước trong khu vực và Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sỹ Linh – Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày những điểm chính về “Giảm phát thải trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam: Chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn”. Trong đó, việc giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ các-bon thấp, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển thị trường Carbon trong nước và các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bên lề hội thảo, ông Linh cho biết, năm 2016, Việt Nam phát thải ra môi trường khoảng 316 triệu tấn khí nhà kính đứng thứ 27 trên thế giới và đứng thứ 3 khu vực sau Đông Nam Á thì theo sau sau Indonesia và Malaysia.
Số liệu này do Bộ Tài nguyên Môi trường đã tính toán và xin ý kiến của các bên liên quan thẩm định số liệu. Hiện nay Bộ Tài nguyên Môi trường đang xác minh để công bố số lượng Việt Nam phát thải khí nhà kính trong năm 2020.
Quảng Trị: Đẩy nhanh tiến độ việc cấp phép thăm dò, khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vừa có chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) rà soát quy trình thủ tục để đẩy nhanh tiến độ việc cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp sau khi trúng đấu giá.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Sở TN&MT phải khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trong việc trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết trong việc thực hiện cơ chế cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp đối với các dự án trọng điểm, dự án động lực của tỉnh.
Rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ đất khẩn trương làm thủ tục cấp phép khai thác; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh thu hồi đối với những doanh nghiệp không nộp hồ sơ theo quy định. Phối hợp kiểm tra chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp.
Ngoài ra, các ngành chức năng liên quan cần xây dựng và ban hành giá đất làm vật liệu san lấp sát giá thị trường. Tiến hành thanh tra, kiểm tra giá vật liệu san lấp tại các điểm mỏ, xử lý nghiêm những trường hợp không bán đúng giá niêm yết…
Được biết, hiện nay nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang tăng cao khi trên địa bàn tỉnh này đang triển khai những dự án động lực và trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường ven biển đi qua tỉnh, sắp tới là đường tránh thành phố Đông Hà…
Theo tính toán sơ bộ của Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị, trong năm 2023, qua rà soát, nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp ước tính tổng nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp năm 2023 trên địa bàn tỉnh khoảng 4,2 triệu m3.
Nghệ An: Điều tiết lưu lượng hồ chứa thủy điện để chống hạn vùng hạ du
Tin trên Báo Nghệ An, ngày 17/3, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 1802UBND-NN, đề nghị các Công ty thủy điện Bản Vẽ, Công ty Cổ phần phát triển điện lực Việt Nam; Công ty cổ phần thủy điện Chi Khê về phương án điều tiết lưu lượng các hồ chứa thủy điện.
Theo đó, UBND tỉnh thống nhất phương án điều tiết lưu lượng các hồ chứa thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê trong thời gian từ nay đến hết ngày 31/3/2023 như đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 853/SNN-TL ngày 16/3/2023.
Cụ thể: Trong thời gian từ ngày 17/3/2023 đến hết ngày 22/3/2023, hàng ngày, các hồ chứa thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê vận hành xả nước xuống hạ du như sau: Hồ Bản Vẽ vận hành bảo đảm tổng lưu lượng xả trung bình không nhỏ hơn 160,0 m3/s; hồ Khe Bố vận hành xả nước liên tục không ít hơn 12 giờ/ngày phải đảm bảo lưu lượng xả không nhỏ hơn 230,0 m3/s, thời gian còn lại đảm bảo lượng xả không nhỏ hơn 95 m3/s; hồ Chi Khê vận hành xả nước liên tục với tổng lưu lượng xả tương đương lưu lượng đến hồ.
Thời gian từ ngày 23/3/2023 đến hết ngày 31/3/2023, các hồ chứa thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê vận hành điều tiết nước và nội dung khác giữ nguyên như Công văn số 908/UBND-NN ngày 15/02/2023 của UBND tỉnh Nghệ An.
Lâm Đồng: Hàng chục hồ, kênh thủy lợi bị xâm hại, lấn chiếm
TTXVN đưa tin, ngày 17/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 24 hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi đang bị người dân và tổ chức lấn chiếm với nhiều hình thức nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.
Cụ thể, tại huyện Đức Trọng có tới 8 công trình hồ, huyện Lâm Hà 4 hồ, huyện Bảo Lâm 3 hồ, huyện Di Linh và thành phố Bảo Lộc (cùng có 2 hồ).
Các hành vi lấn chiếm phổ biến là xây dựng công trình nhà cửa, quán càphê; sản xuất nông nghiệp trong hành lang bảo vệ hồ; xâm phạm công trình mặt đập chứa nước, kênh dẫn nước với mức độ vi phạm từ vài chục đến hàng nghìn mét vuông.
Điển hình như các vụ việc lấn chiếm ở hồ thủy lợi P’ró (huyện Đơn Dương), hồ Nam Phương 1 (thành phố Bảo Lộc), hồ chứa nước Ka La (Di Linh)…
Hầu hết các hành vi vi phạm được cơ quan chức năng địa phương phát hiện nhưng chưa được xử lý dứt điểm, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chứa nước, dẫn nước tưới tiêu, đặc biệt trong cao điểm mùa khô hạn như hiện nay.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp và để xảy ra lấn chiếm trong thời gian dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương tổ chức xử lý các vi phạm, đồng thời chủ động triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi đối với những khu vực chưa thực hiện.
Cảnh báo ô nhiễm môi trường biển tại Brazil
Việc này đã dấy lên lo ngại khi tình trạng ô nhiễm đang diễn ra nghiêm trọng, gây tác động xấu đến môi trường sống của loài rùa biển xanh đặc trưng tại nơi đây.
Hòn đảo Trinidade với địa chất núi lửa đã khiến rác thải nhựa trôi dạt và tích tụ tại đây tan chảy và hòa lẫn vào đá. Đây là bằng chứng cho thấy tác động của con người ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng lớn đến chu kỳ địa chất trái đất.
Nhóm nhà khoa học đã tiến hành các thử nghiệm hóa học nhằm tìm ra loại nhựa được gọi là “chất dẻo” trong các tảng đá nhựa. Đồng thời, họ cũng đã xác định nguyên nhân xảy ra tình trạng ô nhiễm phổ biến trên bãi biển của đảo Trinidade là do lưới đánh cá bị bỏ lại.
Tình trạng ô nhiễm tại đảo Trinidade đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của sinh vật biển ở Brazil. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho chính quyền địa phương cần tìm ra một giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị