Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/9/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/9/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Hội thảo thứ nhất lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Đồng chủ trì Hội thảo với Thứ trưởng có Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang và Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng
Dự hội thảo có đại diện diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh; đại diện các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra.
Về dự hội thảo còn có đại diện các Tập đoàn, Tổng Công ty, gồm: Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tổng Công ty xi măng Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc; Công ty khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo; Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc.
Đại diện Tổng hội Địa chất Việt Nam; các Hội; và đại diện các các đơn vị thuộc Bộ TN&MT cũng tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Ngày 22/7/2022, Chính phủ đã thông qua Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 88. Theo đó, Bộ TN&MT được giao thực hiện dự án xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, thông qua vào kỳ họp thứ 8 để thay thế Luật Khoáng sản năm 2010.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT cũng đã thực hiện việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản để trình Chính phủ, trong đó có các quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết Bộ TN&MT mong muốn được lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương và các bộ ban ngành có liên quan đến lĩnh vực địa chất và khoáng sản, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần 1 và đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan, đồng thời đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ TN&MT để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân. Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được ý kiến góp ý của 15 Bộ ngành, 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 Doanh nghiệp và 2 cá nhân.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ TN&MT tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến góp ý trên phạm vi toàn quốc. Hôm nay (ngày 15/9), Hội thảo thứ nhất được tổ chức tại Quảng Ninh để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học khu vực phía Bắc.
Ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết Bộ TN&MT mong muốn nhận được các ý kiến góp ý liên quan đến các thuật ngữ: Khoáng sản, khai thác khoáng sản….; phạm vi điều chỉnh: Nước khoáng, nước nóng, khí thiên nhiên; Chế biến khoáng sản; phân loại khoáng sản và quản lý theo từng nhóm; phương án thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh; thăm dò, khai thác phần dưới sâu của khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; xác định trữ lượng khoáng sản: Phê duyệt/công nhận/xác nhận/có ý kiến hoặc áp dụng hệ thống FRESCO thay cho UNFC; quy định và làm rõ trong Luật về khai thác khoáng sản đi kèm.
Bộ TN&MT cũng mong sẽ nhận được các ý kiến góp ý về thẩm quyền cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên biển; khai thác quy mô nhỏ (cần có tiêu chí) và phân cấp cho huyện cấp phép quy mô nhỏ; vấn đề khai thác vượt công suất; Điều 227 Bộ Luật hình sự và pháp luật về hành chính; khu vực khai thác: 2D hay 3D?; vấn đề về thế chấp Giấy phép khai thác khoáng sản; thủ tục hành chính: giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác; chế biến khoáng sản; công khai thông tin; vấn đề sử dụng đất đá dôi dư (dư thừa) sau khi đã sử dụng cho mục đích cải tạo, phục hồi môi trường; thanh tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động địa chất và khoáng sản; vấn đề về tư vấn giám sát hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản (hoạt động kinh doanh có điều kiện); mối quan hệ giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xã hội hóa một số hoạt động quản lý nhà nước.
Hà Nội: Triển khai các hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023”
Theo đó, để chiến dịch đạt kết quả cao, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục phát động vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, mương.
Các doanh nghiệp môi trường tập trung thu gom, thu hồi sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông khó phân hủy, vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Căn cứ điều kiện thực tế, mỗi cơ quan, địa phương tổ chức chiến dịch cao điểm, sự kiện, phong trào, chương trình hành động hưởng ứng chiến dịch, tạo sự lan tỏa mạnh…
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong bảo vệ, giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường; phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy…
Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình “Xây dựng trường học xanh – Vì một Hà Nội xanh”, phát động phong trào trồng, chăm sóc cây xanh nhằm mục đích giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng giải pháp bảo vệ môi trường tại trường học; rèn luyện cho thế hệ trẻ có lối sống xanh…
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30-10-2019 của UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 của UBND thành phố bảo đảm không còn tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khu cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xả thải ra lưu vực sông Bắc Hưng Hải, lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy; tập trung triển khai kế hoạch về hành động ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải nhà kính theo cam kết của Việt Nam về thực hiện Thỏa thuận Paris, cam kết giữa thành phố Hà Nội và tổ chức các thành phố tiên phong về khí hậu (C40)…
Bắc Ninh: Chung tay làm cho thế giới sạch hơn
Trong những năm qua, với sự cố gắng của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh đã đạt những thành tựu quan trọng, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, chất lượng môi trường được cải thiện, từng bước giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhận thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân có chuyển biến rõ rệt, ngày càng được nâng lên.
Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, hàng năm Sở TN & MT phối hợp với các sở, ngành, các Hội đoàn thể triển khai hiệu quả các phong trào: Ra quân làm sạch môi trường, thu gom rác thải, trồng cây xanh, làm sạch đồng ruộng, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, kênh mương, nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, triển khai tuyên truyền đưa các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân… tạo được sức lan tỏa và sự chuyển biến quan trọng tới toàn thể cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Bắc Ninh đang tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm đối với chất thải rắn sinh hoạt, môi trường các KCN, CCN, làng nghề, khu vực nông thôn, khu đô thị, bệnh viện và trường học. Phấn đấu đến năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt phát sinh, chất thải trong chăn nuôi, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại được thu gom, xử lý; 100% các CCN đã đi vào hoạt động hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; đưa vào sử dụng các Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát điện…
Để đạt mục tiêu đó, các địa phương trong tỉnh hưởng ứng và duy trì hiệu quả các phong trào cộng đồng: “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Đường tự quản”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”… gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đẩy mạnh tuyên truyền liên tục, kiên trì chủ trương làm sạch môi trường của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để công tác bảo vệ môi trường trở thành nội dung hấp dẫn, thuyết phục người dân, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động và tự nguyện, tự giác thực hiện các phong trào cộng đồng: Phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các chương trình đào tạo; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức môi trường, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Kiên định với mục tiêu không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” trở thành quyết tâm chính trị của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn chính là thông điệp nhắc nhở các tầng lớp nhân dân luôn phải chung tay làm sạch cộng đồng vì cuộc sống sáng, xanh, sạch, đẹp, hài hoà với thiên nhiên và vì sự phát triển kinh tế bền vững, bắt nhịp cùng hội nhập.
Thanh Hóa: Phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác mỏ đất, đá trên địa bàn tỉnh
Ngày 08/9, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3169/QĐ-UBND, 3170/QĐ-UBND, 3171/QĐ-UBND, 3174/QĐ-UBND, 3175/QĐ-UBND, 3176/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn Thị trấn Yên Lâm, và thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định(Thanh Hóa).
Cụ thể tại Quyết định số 3169/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (diện tích mỏ 5,487 ha). Vị trí, ranh giới mỏ đá vôi tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định cách trung tâm huyện Yên Định khoảng 15 km về phía Tây, Diện tích mỏ: 5,487 ha.
Trữ lượng địa chất cấp 121 + 122 là: 3.595.751 m3 đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có 246.795 m3 đá khối để xẻ (theo Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản số 4212/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2016, được điều chỉnh tại Quyết định số 4086/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2018 và Quyết định số 1950/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh). Nguồn gốc, hiện trạng đất mỏ là đất núi đá do UBND thị trấn Yên Lâm quản lý, hiện trạng, có cây bụi, dây leo.
Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có trách nhiệm giải phóng mặt bằng khu vực mỏ và hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định của pháp luật; trong trường hợp không thực hiện được việc thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các chủ đất, không hoàn thiện được hồ sơ thuê đất theo quy định thì bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá và không được nhận lại tiền đặt cọc.
Về quy hoạch sử dụng đất theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023, huyện Yên Định được được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2170/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2023, vị trí khu đất có chức năng là đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản (SKS) và có trong danh mục công trình, dự án thực hiện trong năm 2023. 1.4. Kinh phí thăm dò khu vực mỏ: 718.872.000 đồng (Bằng chữ: Bảy trăm mười tám triệu, tám trăm bảy mươi hai nghìn đồng) theo Giấy phép thăm dò số 213/GP-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2016 và Giấy phép thăm dò số 18/GP-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2022 của UBND tỉnh. Giá khởi điểm (làm tròn) là: 15.601.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười lăm tỷ, sáu trăm lẻ một triệu đồng).
Quyết định số 3170/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (diện tích mỏ 2,8918 ha). Trữ lượng địa chất cấp 121 + 122 là: 2.188.636 m3 đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có 175.091 m3 đá khối để xẻ (theo Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản số 1948/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh). Giá khởi điểm (làm tròn) là: 9.957.000.000 đồng (Bằng chữ: Chín tỷ, chín trăm năm mươi bảy triệu đồng).
Quyết định số 3171/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (diện tích mỏ 6,0 ha). Trữ lượng địa chất cấp 121 + 122 là: 3.465.169 m3 đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có 173.259 m3 đá khối để xẻ (theo Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản số 1947/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh). Giá khởi điểm (làm tròn) là: 13.838.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười ba tỷ, tám trăm ba mươi tám triệu đồng).
Tại các Quyết định số 3174/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (diện tích mỏ 2,1 ha), Quyết định số 3175/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Nghè Trại, thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định (diện tích mỏ 8,8374 ha), Quyết định số 3176/QĐ-UBND phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (diện tích mỏ 2,046 ha)…
Cùng ngày, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3173/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp và thu hồi khoáng sản đi kèm (đá ong phong hóa) tại xã Thành Long, huyện Thạch Thành (diện tích mỏ 7,967 ha). Trữ lượng cấp 121: 185.219 m3 đất san lấp và 128.162 m3 đá ong phong hóa (tương ứng 224.284 tấn) theo Quyết định phê duyệt trữ lượng số 467/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2017; điều chỉnh tại Quyết định số 2517/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2019 của UBND tỉnh. Giá khởi điểm (làm tròn) là: 1.115.000.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, một trăm mười lăm triệu đồng).
Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan liên quan về tính chính xác của số liệu tính toán, các nội dung tham mưu, đề xuất về phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định, mỏ đất làm vật liệu san lấp và thu hồi khoáng sản đi kèm (đá ong phong hóa) tại xã Thành Long, huyện Thạch Thành được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định này; Khẩn trương triển khai các công việc, hồ sơ thủ tục tiếp theo để đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định, xã Thành Long, huyện Thạch Thành theo phương án đấu giá đã phê duyệt, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định hiện hành của pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về kết quả thực hiện.
Các sở, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Công an tỉnh; Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định; mỏ đất làm vật liệu san lấp và thu hồi khoáng sản đi kèm (đá ong phong hóa) tại xã Thành Long, huyện Thạch Thành. Đồng thời, thực hiện những nội dung công việc thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đắk Nông: Tổ chức Ngày hội “ Đổi rác lấy quà” năm 2023
UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, ngày hội “Đổi rác lấy quà” năm 2023 sẽ diễn ra từ 8h00 đến 16h00 ngày 17/9/2023 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Đắk Nông do Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Gen Xanh và các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức.
Ngày hội gồm các hoạt động triển lãm ảnh về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; “Đổi rác lấy quà” (quần áo cũ, pin, thiết bị điện tử, vỏ hộp sữa đã làm sạch, vỏ thủy tinh, bao nilon); Gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm “Xanh – Sạch – Lành”; Gian hàng “Cho – Nhận” (trao đổi các món đồ không còn nhu cầu sử dụng nhằm tăng vòng đời cho đồ cũ như sách, cặp, ba lô…); giới thiệu sự đa dạng của các sản phẩm xanh cũng như thương hiệu thân thiện môi trường (các sản phẩm làm từ tre, dương xỉ, xơ mướp, mo cau, sản phẩm tái chế, xà phòng thảo dược…); tặng sách và gian hàng đổi sách; đố vui có thưởng với các nội dung tìm hiểu về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
UBND tỉnh giao các đơn vị, địa phương phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông đăng tải thông tin tuyên truyền về Ngày hội trên trang, cổng thông tin điện tử của đơn vị, địa phương (nếu có) và các phương tiện truyền thông đại chúng khác (nguồn thông tin tại địa chỉ Fanpage: Dak Nong Unesco Global Geopark). Vận động cán bộ, đảng viên, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân tích cực tham gia các hoạt động tại Ngày hội, đặc biệt là tham gia hoạt động “Đổi rác lấy quà” và Gian hàng “Cho – Nhận”.
Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo đến các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh và vận động, khuyến khích học sinh tham gia Ngày hội. Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông thông báo và vận động, khuyến khích sinh viên của trường tham gia Ngày hội.
Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Ngày hội và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu trước ngày 20/9/2023.
Xử phạt một công ty 30 triệu đồng vì xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường
Ngày 15/9, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho biết, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam – Chi nhánh Long An với số tiền 30 triệu đồng do xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp.
Từ các vi phạm trên, hiện công ty đã rà soát hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm thu gom triệt để nước thải sinh hoạt, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp.
Trước đó,Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An đã kiểm tra và lấy một mẫu nước thải của công ty xả ra rạch Ông Hưu thuộc xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức.
Kết quả phân tích của Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ Tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), mã trên có 2 thông số: tổng Nitơ vượt 1,53 lần, tổng Photpho (tính theo P) vượt 1,16 lần so với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp.
Kết luận thanh tra cũng yêu cầu công ty ngưng ngay việc xả nước thải vượt quy chuẩn ra kênh nội đồng là rạch Ông Hưu.
Đồng thời, rà soát, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm thu gom triệt để nước thải sinh hoạt, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp.
Tuyệt đối không được xả nước thải chưa qua xử lý hoặc nước thải chưa đạt quy chuẩn quy định ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào.
Indonesia nỗ lực đối phó tình trạng cháy rừng vì El Nino
Cháy rừng lan rộng vào thời điểm Indonesia bước vào những ngày nóng nhất của đợt khô hạn do hiện tượng El Nino gây ra trong năm nay. Từ tuần trước, hàng trăm lính cứu hỏa, tình nguyện viên đã được huy động để dập tắt đám cháy lớn đang thiêu rụi các cánh đồng và rừng ở điểm du lịch nổi tiếng, núi Bromo, ở tỉnh Đông Java.
Cơ quan Giảm thiểu Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) điều động trực thăng thả hàng nghìn lít nước xuống vùng bị cháy. Tuy nhiên, gió mạnh và địa hình khắc nghiệt khiến nỗ lực dập lửa trở nên phức tạp. Đám cháy đã thiêu hủy hơn 250 héc-ta rừng Bromo – là một phần của Vườn quốc gia Bromo Tengger Semenu; đồng thời lan sang các huyện lân cận Malang và Pasuruan, phá hủy đường ống dẫn nước của ít nhất 06 ngôi làng.
Đây là vụ cháy thứ hai xảy ra ở Bromo trong những tuần gần đây. Hồi cuối tháng 8/2023, cháy rừng đã thiêu hủy ít nhất 660 héc-ta rừng Bromo. Cũng tại tỉnh Đông Java, đám cháy bùng phát trên núi Arjuno thiêu rụi gần 4.800 héc- ta đất và rừng, lan sang nhiều vùng lân cận.
Theo Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, chỉ tính riêng tại tỉnh Đông Java, hơn 7.000 héc-ta đất và rừng đã bị thiêu rụi do cháy rừng kể từ đầu năm, nhiều gấp 03 lần con số năm ngoái (2.380 héc-ta). Các nhà khí hậu học Indonesia cho biết, khu vực núi ở miền nam đảo Java đã trở nên nóng hơn với nhiệt độ tăng khoảng 4 độ C. Nhiệt độ tăng cùng với thời tiết khô hạn vì El Nino làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.
Nhiều khu vực khác tại Indonesia cũng đang “gồng mình” chống chọi với cháy rừng và khói mù ngột ngạt bao trùm các thành phố. Cơ quan BNPB ghi nhận từ đầu năm, tại Indonesia đã bùng phát 126 vụ cháy rừng, cao hơn gần 4 lần so với 36 vụ cháy rừng cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan Giảm thiểu Thiên tai Quốc gia Indonesia cho rằng cháy rừng do các hoạt động của con người gây ra.
Dữ liệu của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết trong năm 2023, gần 270.000 héc-ta đất và rừng ở nước này đã bị thiêu hủy. Các tỉnh chịu thiệt hại từ cháy rừng nặng nề nhất là Tây Kalimantan, Đông Nusa Tenggara, Nam Kalimantan và Đông Java.
Cháy rừng tại Indonesia còn có thể lan rộng, khi El Nino đạt đỉnh vào tháng 9 này không chỉ làm cho không khí khô hơn mà còn khiến mùa khô kéo dài hơn. Chính quyền và các nhà môi trường Indonesia lo ngại hỏa hoạn có thể giết chết nhiều loại thực vật, động vật đặc hữu trong các khu rừng bảo tồn. Bên cạnh đó, là nguy cơ khói mù xuyên biên giới có thể diễn ra trong nửa cuối năm 2023.
Tại Indonesia, hiện tượng El Nino còn gây ra hạn hán, khủng hoảng nước sạch ở nhiều khu vực. Chính quyền một số vùng như Makassar tại Nam Sulawesi; Banten và Garut ở Tây Java đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi người dân chật vật tìm nguồn nước sạch. Hán hán gây mất mùa, làm dấy lên mối lo ngại về giá cả lương thực tăng cao.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị