Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/4/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Chuyên gia khí tượng nói về diễn biến thời tiết nồm ẩm
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa có những chia sẻ nhanh về tình hình thời tiết nồm ẩm và thời điểm nồm ẩm chấm dứt.
Theo đó, những ngày qua, phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra hiện tượng mưa nhỏ mưa phùn làm độ trong không khí luôn trên 80% gây ra hiện tượng nồm ẩm. Từ nay đến 14/4, nồm ẩm vẫn còn tiếp tục duy trì ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Đêm và sáng là thời gian nồm ẩm phát triển mạnh mẽ nhất, đây là thời gian trùng với mưa nhỏ và mưa phùn ở Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Thời gian nồm ở miền Bắc cũng xuất hiện với các đợt khác nhau. Có đợt kéo dài vài ngày, cũng có đợt kéo dài cả tuần. Riêng trong ba tháng này sẽ có khoảng 4 đến 5 đợt nồm dài ngắn khác nhau. Hiện tượng này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi được khi nào gió mùa Đông Bắc tràn về.
Ông lưu ý, mưa nhỏ, mưa phùn và sương mùa là một trạng thái thời tiết theo mùa ở miền Bắc, thường xuất hiện giai đoạn mùa Xuân, độ ẩm không khí tăng cao, ẩm ướt khó chịu. Độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già. Tình hình thời tiết này gây ra nhiều trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, ô nhiễm tăng cao, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang khi di chuyển và hoạt động ngoài trời. Người dân cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ vì hiện tượng nền nhà ẩm thấp có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Ngoài ra, thời tiết nồm ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại rau vụ Xuân nhất là bệnh sương mai, chết rũ và rệp muội chích hút nhanh chóng làm ruộng bị thối hỏng hàng loạt nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời.
Thái Bình: Tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương xây dựng và phê duyệt các phương án trọng điểm xung yếu đê, kè, cống; kế hoạch di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm và triển khai các cụm phòng, chống lụt bão trước ngày 20/5.
Các huyện, thành phố trên địa bàn chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/5.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án chống úng cho các vùng trọng điểm; triển khai công tác tu bổ, sửa chữa, nâng cấp công trình trạm bơm, cống đập, bờ vùng và các loại phương tiện bơm tát trước ngày 20/6.
Tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu toàn diện với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác đê điều, thủy lợi; điều động nhân lực, vật lực dự trữ; giám sát các địa phương thực hiện sản xuất đúng thời vụ và xây dựng kế hoạch chuẩn bị giống cây, giống con, phân bón phục hồi sản xuất sau thiên tai.
Khi có thiên tai xảy ra, phải chủ động ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Đà Nẵng cảnh báo nguy cơ cháy rừng diện rộng
Chiều 11/4, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng phát bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong những ngày tới và đề nghị các cơ quan liên quan, người dân nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng cháy chữa cháy.
Theo cơ quan Kiểm lâm, từ ngày 11/4 đến ngày 14/4, nắng nóng tiếp tục ảnh hưởng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nguy cơ xảy ra cháy rừng báo động cấp IV, là cấp nguy hiểm, có khả năng xảy ra cháy rừng trên diện rộng.
Trước nguy cơ này, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND các quận huyện, phường, xã chỉ đạo theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; nghiêm cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì. Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng các địa phương khẩn trương thông tin dự báo cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư khu vực có rừng đồng thời chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ, triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó hiệu quả trong trường hợp xảy ra cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các Hạt Kiểm lâm địa phương giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phối hợp với Ban quản lý các khu du lịch sinh thái giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý việc an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng; phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Đồng Nai: Khánh thành hệ thống máy lọc nước tại huyện Định Quán
Công trình này thuộc chương trình “Cùng AB InBev hướng đến tương lai có nhiều niềm vui hơn với nước sạch” Công ty TNHH Bia Anheuser – Busch InBev Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai triển khai tại tỉnh Đồng Nai, huyện Định Quán.
Chương trình nhằm tạo điều kiện cho người dân khó khăn tại xã Thanh Sơn và xã Phú Hoà có thêm điều kiện để được sử dụng nguồn nước sạch và môi trường sống trong lành thông qua gói tài trợ xây dựng công trình hệ thống máy lọc nước tinh khiết cho người dân tại xã Thanh Sơn trị giá gần 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chương trình nạo vét kênh/mương, khơi thông các dòng chảy phục vụ tưới tiêu, nguồn nước lưu thông trong các khu dân cư tại các tuyến đường của xã Phú Hoà cũng được triển khai đồng thời. Công trình được chính thức khởi công ngày 21/3/2023 và bàn giao vào ngày 6/4/2023 để phục vụ bà con, mang đến nguồn nước sạch, nguồn nước trong lành vì sức khỏe toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần cho hiện tại và các thế hệ tương lai.
Long An: Kiểm tra, giám sát 4 cụm công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Theo văn bản số 2786/UBND-KTTC của UBND tỉnh Long An gửi Sở tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) về thực hiện kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của UBND tỉnh theo yêu cầu của Bộ TN&MT tại quyết định số 750/QĐ-BTNMT về kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, UBND tỉnh Long An ủy quyền cho Sở TN&MT ký văn bản báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ TN&MT để tổng hợp và gửi báo cáo UBND tỉnh.
Trước đó vào cuối tháng 3/2023, Bộ TN&MT đã có quyết định số 750/QĐ-BTNMT, ban hành kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các cơ sở, đơn vị bị kiểm tra gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn nhiều tình thành trên toàn quốc.
Theo kế hoạch này, về công tác tăng cường kiểm soát nguồn thải lớn, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng có nhiều phản ánh về ô nhiễm môi trường tại miền Nam có 54 khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố.
Trong đó, Long An có 4 cơ sở: cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ chỉnh trang, cụm công nghiệp Đức Hòa Đông chỉnh trang; cụm công nghiệp Hoàng Gia, cụm công nghiệp Hiệp Thành.
Mục tiêu của việc kiểm tra, giám sát trên là để theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Rác thải xâm chiếm điểm du lịch đông khách của Indonesia
Theo một đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội, dòng chảy rác khổng lồ chảy xuống các con kênh và mương thoát nước tại Tây Sulawesi, gần như không thể thấy nước phía dưới. Nhà môi trường học Gary Bencheghib, người chia sẻ đoạn video, ghi lời bình luận kèm theo: “Đây là các cơn sóng thần rác ở Indonesia và tất cả sẽ trôi ra biển. Chúng ta không thể lờ chúng đi”.
Nhiều người dùng bày tỏ sự ngỡ ngàng trước khối lượng rác khổng lồ. Một người nhận xét: “Rác thải không phải là vấn đề. Mà là con người. Nếu họ không xả rác từ đầu, có thể vẫn sẽ có rác nhưng kiểm soát tốt hơn”.
Những người khác kêu gọi có biện pháp mang tính xây dựng hơn là chỉ trích những người góp phần tạo ra rác thải. Một người dùng cho rằng tất cả đều sử dụng sản phẩm nhựa, và là một phần của vấn đề này. “Đoạn clip này và tình trạng ô nhiễm hiện tại là do chúng ta dùng sản phẩm nhựa dùng một lần. Hãy bắt đầu bằng cách thay đổi thói quen sử dụng của bạn. Chúng ta có thể cùng nhau làm được” – tài khoản này viết.
Những cơn sóng thần rác này là vấn đề mới nhất trong loạt video lan tỏa cho thấy vấn đề rác thải nghiêm trọng tại Indonesia. Rác thải là vấn đề lớn ở Bali, và Indonesia đã ghi nhận 68,5 triệu tấn rác thải vào năm 2021.
Vào tháng 1, du khách đã ngỡ ngàng trước những bức ảnh chụp Legian, một bãi biển nổi tiếng ở Bali, ngập trong rác. Tracey Hull, người chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội, cho biết: “Đây là lần thứ ba tôi đến Bali. Lần nào cũng có rác, đợt tháng 12 năm ngoái bãi biển còn đầy cốc nhựa, ống hút và túi bóng”.
Tháng 12/2022, ông Made Gede Dwipayana, điều phối viên dự án rác thải biển của Cơ quan Môi trường và Vệ sinh Badung cho biết toàn bộ bờ biển Indonesia đều có rất nhiều rác. Các tình nguyện viên đã thu thập một lượng rác khổng lồ từ tháng 10 đến tháng 12/2022, tổng cộng 600 tấn, trên vùng biển phía tây Badung.
Từ tháng 12 đến tháng 3, mưa lớn và gió mạnh sẽ đẩy rác xuôi theo các dòng sông qua vùng này và sau đó chúng sẽ tích tụ ở bờ biển.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị