Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/12/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/12/2023

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 8/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Hà Nội sắp đón đợt rét đậm

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, đêm nay (8-12) và sáng mai, Hà Nội nhiều mây, không mưa, sương mù nhẹ rải rác; thời tiết rét.

tm-img-alt
Hai ngày cuối tuần này, thành phố Hà Nội không mưa, rét về đêm và sáng.

Nhiệt độ thấp nhất khu vực phía Tây thành phố 16-18 độ C, phía Bắc và phía Nam 17-19 độ C, trung tâm 18-20 độ C. Trưa và chiều mai (9-12), thành phố Hà Nội giảm mây và nắng, nhiệt độ tăng, mức cao nhất 27-29 độ C.

Trạng thái thời tiết nêu trên tại thành phố Hà Nội còn duy trì đến ngày 11-12. Khoảng chiều tối 12-12, thành phố Hà Nội chịu ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh có cường độ yếu gây mưa nhỏ, nhiệt độ giảm nhẹ về đêm và sáng. Khoảng ngày 16 và 17-12, đợt không khí lạnh tăng cường có cường độ mạnh hơn sẽ tràn tới thành phố Hà Nội, gây mưa nhỏ, rét đậm, nhiệt độ thấp nhất trong ngày 18-12 ở mức 12-13 độ C.

Còn Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, đêm nay và ngày mai, các tỉnh, thành phố còn lại của miền Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An có sương mù, rét về đêm và sáng, nắng ấm về trưa và chiều. Từ đêm 9 đến ngày 17-12, miền Bắc và Bắc miền Trung mưa vài nơi, sương mù nhẹ về đêm và sáng, nắng về trưa và chiều; riêng vùng núi miền Bắc từ ngày 12 đến 13-12 có mưa rào rải rác…

Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức chương trình tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh

tm-img-alt
Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, Công ty TNHH Canon Việt Nam trao quà cho Trường Tiểu học Quế Nham.

Chương trình là hoạt động thường niên do Tỉnh đoàn Bắc Giang, Công ty TNHH Canon Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm nâng cao ý thức cho người dân, đoàn viên thanh niên, học sinh về bảo vệ môi trường.

Tại chương trình, học sinh được tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và trên thế giới; tác hại của rác thải nhựa và phương pháp 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế).

Đồng thời, các em tham gia trả lời câu hỏi có thưởng, tham gia các trò chơi như: Thực hành phân loại rác thải sinh hoạt, tìm hiểu môi trường sống thích hợp của nhiều loài động vật… Qua đó giúp học sinh hiểu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường; trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ môi trường thông qua những việc nhỏ hằng ngày.

Dịp này, Công ty TNHH Canon Việt Nam trao tặng 1 máy in, 5 thùng đựng và phân loại rác, 1 tủ sách cho nhà trường và nhiều suất quà cho học sinh, tổng trị giá 80 triệu đồng.

Phân loại rác thải tại nguồn: Bắt đầu từ thế hệ trẻ

Thống kê cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng và hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Các chất thải còn lại như thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… được người dân để chung một túi, cho vào thùng rác bỏ đi mà không quan tâm những chất thải đó hoàn toàn có thể phân loại rồi đưa vào tái chế, phục vụ cho cuộc sống con người.

Mặt khác, vẫn còn nhiều người dân giữ một tâm lý chung, cho rằng việc phân loại rác là của đơn vị quản lý rác thải thực hiện.

tm-img-alt
 Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên, mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải.

Trên thực tế, số lượng rác thải khổng lồ thu gom mỗi ngày không được phân loại tại nguồn đã và đang gây ra áp lực vô cùng lớn lên đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường, gây quá tải cho các bãi rác…

Do vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết nhằm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác. Đồng thời, có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.

Trăn trở từ thực tế trên, công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng đã nghiên cứu, tìm tòi nhiều sáng kiến, giải pháp sao cho việc xử lý rác thải đạt hiệu quả cao và bền vững nhất.

Một trong những giải pháp mà đơn vị này lựa chọn đó là giáo dục ý thức, hình thành thói quen bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ để xây dựng thói quen từ “gốc”.

Theo đó, gần 1 năm qua, công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng đã tổ chức hơn 50 hội nghị tại các trường học, tuyên truyền cho 30.000 học sinh trên địa bàn thành phố. Mục đích nhằm thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của các em học sinh trong công tác phân loại rác tại nguồn. Khuyến khích các em trở thành những người xung phong, tình nguyện, thậm chí hướng dẫn lại các thành viên trong gia đình cách thức phân loại rác thải để cùng thực hiện ngay tại nhà.   

tm-img-alt
Trường THPT Trần Nguyên Hãn là đơn vị giáo dục đầu tiên của Hải Phòng được trải nghiệm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát.

Đặc biệt, công ty còn tổ chức đón tiếp nhiều đoàn giáo viên và học sinh đến tham quan quy trình sản xuất phân mùn compost tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát.

Được biết, quy trình sản xuất phân compost được thực hiện bán tự động. Rác thu gom được tập kết tại hố tiếp nhận rồi chuyển sang băng chuyền phân loại với nhiều kích cỡ lỗ sàn khác nhau. Tại công đoạn phân loại, các phế liệu được tận thu để tái chế thành nhiều vật liệu hữu ích. Phần chất hữu cơ từ giai đoạn sàn được đưa vào các bể ủ lên men sau đó chuyển qua giai đoạn ủ chín và sàn tuyển để thành phân compost. Trước khi đóng bao thành phẩm để lưu trữ và đưa ra thị trường tiêu thụ, phân compost được phối trộn thêm những thành phần dinh dưỡng như N, P, K theo đúng tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chứng kiến công đoạn “biến” rác thành phân hữu cơ trong quy trình sản xuất phân mùn Compost, em Đinh Hoàng Anh – học sinh lớp 10C11, trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) nêu cảm nhận: “Thông qua buổi trải nghiệm em được biết thêm về quy trình xử lý rác thải, hiểu thêm về công việc của các cô chú công nhân vệ sinh môi trường. Phân loại rác thải từ đầu nguồn không chỉ giúp các cô chú tiết kiệm thời gian, công sức mà còn tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào để làm phân bón. Đồng thời, giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp tác động tiêu cực đến môi trường”.

Đáng chú ý, thông qua việc tận dụng các loại rác thải tái chế, nhiều em có thêm kinh phí học tập, nuôi lợn đất và tham gia công tác từ thiện.  

tm-img-alt
Học sinh trường THPT Thụy Hương trong một chuyến tham quan tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều điểm thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố đã được nhân viên của công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng tiến hành phân loại rác thải tại chỗ.

tm-img-alt
Nếu không được phân loại, những chất thải có thể tái chế sẽ bị lẫn với chất thải hữu cơ và những chất gây ô nhiễm khác. 

Điển hình, tại tổ thu gom rác Vĩnh Niệm (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân), gần chục chiếc xe đẩy chứa rác hữu cơ đang chờ được xử lý. Cùng với đó, bên cạnh những chiếc xe tải chuyên dùng đưa rác thải sinh hoạt đến điểm xử lý rác tập trung của thành phố, phía công ty cũng bố trí những chuyến xe chở rác hữu cơ riêng để phân loại rác.

Nữ lao công Ph. T. Th. cho hay, cảm thông và chia sẻ với những vất vả của nhân viên vệ sinh môi trường, nhiều gia đình đã có thói quen chủ động phân loại rác. Họ để riêng những phế liệu có thể tái chế rồi trao tận tay các lao công nhằm tránh lãng phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo chị Th., việc phân loại rác cũng đem lại một khoản “thu nhập bổ sung” tuy nhỏ nhưng rất đáng quý. “Những tấm bìa carton, giấy, vỏ chai nhựa… có thể tái chế, chúng tôi gom lại, bán cho các cơ sở thu mua phế liệu để thêm đồng mua sách, bút cho con”, chị Th. chia sẻ.

Thừa Thiên Huế cảnh báo sạt lở diện rộng do mưa lớn tiếp diễn

Ngày 7/12, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế phát thông báo đến các địa phương, đơn vị chức năng cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển do ảnh hưởng của mưa lớn, không khí lạnh tăng cường.

Theo dự báo, kể từ hôm nay đến ngày 8/12, trên địa bàn TT-Huế có mưa, rải rác mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 50-120mm, có nơi trên 200mm.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên vùng biển TT-Huế có gió bắc đến đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật trên cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 1,5-2,5m.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cảnh báo vùng ven biển các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền và TP. Huế có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ biển, kè biển và các công trình đang xây dựng ven biển do tác động của gió mạnh và sóng lớn. Mưa lớn cũng có nguy cơ gây ra ngập úng cục bộ đô thị và những vùng thấp trũng; sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ…

Các vị trí có nguy cơ sạt lở đồi núi, đường giao thông, bờ sông, bờ biển cũng được xác định, cảnh báo.

tm-img-alt
Xử lý sạt trượt đất mái ta luy dương trên tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan.

Tại huyện Phong Điền, sạt lở đồi núi có nguy cơ cao xảy ra tại xã Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu… Tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân đến thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1 và tuyến Tỉnh lộ 17 từ thị trấn Phong Điền đi xã Phong Mỹ có nguy cơ sạt lở. Nhiều đoạn bờ sông Bồ qua các xã Phong Sơn, Phong Hiền và sông Ô Lâu qua các xã Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương… cũng được cảnh báo sạt lở.

Huyện Quảng Điền nhận được cảnh báo sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua các xã Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng An; sạt lở cồn cát, bờ biển thuộc các xã Quảng Công, Quảng Ngạn.

Vụ vỡ đập thủy lợi ở Kon Tum: Ban hành Lệnh xây dựng khẩn cấp

Tin trên Công an TP.HCM, liên quan đến phản ánh của Chuyên đề Công an TPHCM về sự cố vỡ đập Đăk Ngao 1 (thôn 3, TT.Sa Thầy, H.Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.

Mục đích là khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai đập Đăk Ngao 1 do ảnh hưởng của bão, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất cho người dân, đồng thời giảm tối đa sạt lở phía thượng lưu của công trình thủy lợi.

Đơn vị được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình là Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung khắc phục thiên tai, dự phòng ngân sách tỉnh Kon Tum năm 2023 và nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện công trình năm 2023-2024.

Tháng 7/2023, ảnh hưởng của cơn bão số 1, tại Kon Tum có mưa lớn kéo dài, khiến đập thủy lợi này bất ngờ bị vỡ. Theo ghi nhận của phóng viên, phần thân đập dài khoảng 25m, cao 9m đã bị cuốn trôi hoàn toàn, không còn khả năng tích nước. Ngoài ra, phần gia cố mái ta-luy chiều dài 20m, rộng 3m, cao 2m cũng bị nước cuốn trôi. Hiện nước chảy tự do thành dòng xuôi về hạ du.

Sau sự cố, đập thủy lợi đã mất chức năng cung cấp nước tưới, khiến cánh đồng của thôn 3, thôn 4, TT.Sa Thầy không thể canh tác. Còn phía trên thượng nguồn, từ khi đập bị vỡ, nhiều diện tích lúa, cà phê của dân bị sạt lở do nước chảy xiết.

Ngày sau đó, UBND tỉnh Kon Tum quyết định công bố tình huống khẩn cấp đối với công trình thủy lợi Đăk Ngao 1. Trong đó, UBND tỉnh Kon Tum giao Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh khẩn trương lập thủ tục đầu tư theo phương án đắp lại đoạn đập bị vỡ, gia cố bảo vệ mái thượng lưu bằng bê tông, trồng cỏ chống xói mái hạ lưu.

BTV

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích