Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/1/2024

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/1/2024

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 8/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Miền Bắc lại đón 2 đợt không khí lạnh liên tiếp

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 9 – 10/1 và 12 – 13/1 khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ nhiều khả năng sẽ đón một đợt không khí lạnh nhẹ gây mưa, mưa nhỏ rải rác, nền nhiệt giảm 3 – 4 độ C. 

Ngay sau đó, từ đêm 12-14/1, do không khí lạnh tăng cường mạnh hơn nên miền Bắc và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trời chuyển rét. Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông nên từ ngày 10-13/1, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa, mưa rào rải rác, trong đó từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, trời chuyển lạnh.

tm-img-alt
Miền Bắc lại sắp đón 2 đợt không khí lạnh liên tiếp.

Thủ đô Hà Nội trong hai ngày 8-9/1 tiếp tục duy trì thời tiết ngày nắng, không mưa, sáng sớm có sương mù nhẹ. Nhiệt độ dao động trong ngày từ 21-27 độ. Từ ngày 10/1, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nền nhiệt giảm 3-4 độ, trời chuyển nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác, độ ẩm trong không khí cao.

Bắc bộ đang trong đợt nắng ấm đầu tháng 1/2024. Thời tiết ban ngày có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, riêng khu vực Tây Bắc bộ trưa chiều trời nắng. Nhiệt độ dao động từ 18 – 26 độ C. Dự báo, ngày 9 – 10/1 và 12 – 13/1 khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ nhiều khả năng sẽ đón một đợt không khí lạnh nhẹ gây mưa, mưa nhỏ rải rác. Đêm và sáng sớm trời rét. 

Phú Bình (Thái Nguyên) chú trọng xây dựng, giữ gìn cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp

Ngay sau khi “cán đích” nông thôn mới vào năm 2016, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó đặc biệt là tiêu chí môi trường. 

Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong duy trì, nâng cao tiêu chí này. Để làm tốt hoạt động bảo vệ môi trường, xã chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong việc huy động hội viên, đoàn viên cùng chung tay thực hiện.

tm-img-alt
Người dân tích cực vệ sinh môi trường giữ gìn cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp. Ảnh minh hoạ

Điển hình là hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN). Chị Phan Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phương, cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội LHPN xã đã tuyên truyền, vận động hội viên phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà; 13/13 chi hội phụ nữ các xóm ra quân vệ sinh đường làng ngõ xóm và chăm sóc tuyến đường hoa 1 lần/tháng. Ngoài ra, Hội cũng đẩy mạnh triển khai mô hình Ngôi nhà xanh để phân loại, thu gom rác thải tái chế, gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2022 đến nay, các chi hội đã thu gom được gần 5 tấn rác thải tái chế và bán được gần 20 triệu đồng.

Qua những hoạt động trên, đến nay, 80% số hộ hội viên đã thực hiện phân loại rác, trên 50% số hộ hội viên có hố rác và thùng rác xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình. Cảnh quan môi trường tại các xóm được duy trì sáng, xanh, sạch, đẹp.

Cùng với sự vào cuộc của các hội, đoàn thể, UBND xã cũng chỉ đạo các xóm huy động nhân dân tổng vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, kênh mương hằng tuần. Các xóm Kiều Chính, Tân Sơn 8, Tân Sơn 9 và xóm Hin còn thường xuyên vệ sinh môi trường và thu gom rác thải trên Quốc lộ 37 và sông Đào.

Ngoài đẩy mạnh phong trào vệ sinh môi trường tại khu dân cư, xã yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các hộ tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, ký cam kết bảo vệ môi trường và có biện pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Trưởng xóm Tân Sơn 8 kiêm Trưởng Ban Quản lý Làng nghề, cho biết: Ban Quản lý đã yêu cầu 45/60 hộ xây dựng nhà xưởng, lắp đặt lưới chắn bụi, phòng phun sơn và lắp đặt hệ thống ống thoát mùi sơn cao khoảng 10-15m; trang bị máy gom rác, mùn cưa, mạt gỗ thải… Giờ đây, chất lượng môi trường tại Làng nghề đã được cải thiện rõ rệt, không còn tình trạng không khí nồng mùi hóa chất và bụi bay mù mịt như trước.

Nhờ triển khai tốt các giải pháp, bộ mặt nông thôn xã Xuân Phương đã có nhiều thay đổi tích cực, cảnh quan môi trường luôn được duy trì xanh – sạch – đẹp. Tỷ lệ chất thải rắn trên địa bàn được phân loại, thu gom, xử lý đạt 88,01%; khối lượng chất thải nhựa phát sinh được thu gom, tái chế, xử lý theo quy định đạt 80%; tỷ lệ hộ gia đình đảm bảo tiêu chí 3 sạch theo quy định là 80,4%. Qua đó, xã đã hoàn thành tiêu chí môi trường theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải được thu gom về các bể chứa

tm-img-alt
Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải được thu gom về các bể chứa

Bể chứa phải đảm bảo yêu cầu sau: Thứ nhất, đặt tại các vị trí thích hợp, dễ nhận biết ven đường, trục giao thông nội đồng, bờ ruộng lớn; không bị ngập lụt, gần điểm pha chế thuốc trước khi đem đi phun rải để thuận tiện cho việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư, giao thông và mỹ quan nông thôn.

Thứ hai, làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hóa học với chất thải chứa bên trong; có khả năng chống thấm, không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài; đảm bảo không bị gió, nước làm xê dịch. Thứ ba, có hình ống hoặc hình khối chữ nhật phù hợp với địa điểm đặt bể chứa, thuận tiện cho việc di chuyển. Dung tích bể chứa khoảng 0,5 – 01 m3, có nắp đậy kín. Nắp bể chắc chắn, không bị gió, mưa làm xê dịch và rộng hơn thành bể tối thiểu 05 cm để tránh nước mưa chảy vào; bên thành đứng của bể chứa có ô cửa nhỏ gần nắp đậy có thể đóng mở dễ dàng; bể có chiều cao thích hợp để phòng ngừa nước lũ tràn vào bên trong.

Thứ tư, bên ngoài bể chứa có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về chất thải nguy hại – Dấu hiệu cảnh báo. Thứ năm, tùy thuộc vào đặc điểm cây trồng và mức độ sử dụng thuốc BVTV, số lượng bể chứa phải đảm bảo chứa đựng hết bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong vùng đất canh tác. Nhưng tối thiểu phải có 01 bể chứa trên diện tích 03 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV.

Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom vào các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Trong trường hợp cần thiết, có thể xây dựng khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV từ các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Khu vực lưu chứa phải đảm bảo yêu cầu sau: Thứ nhất, bố trí tại địa điểm xa khu dân cư, nguồn nước, chợ, bệnh viện, trường học và đảm bảo các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường. Khu vực lưu chứa phải kín, không bị khuyếch tán mùi ra bên ngoài, có độ cao nền đảm bảo không bị ngập lụt, thiết kế tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu chứa bằng vật liệu không cháy, có biện pháp hoặc thiết kế hạn chế gió trực tiếp vào bên trong, có rãnh thu chất lỏng về một hố ga thấp hơn sàn để đảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh, chữa cháy hoặc sự cố rò rỉ. Mặt sàn, hố ga trong khu vực lưu chứa được làm bằng vật liệu chống thấm.

Thứ hai, bên ngoài khu vực lưu chứa có ghi dòng chữ “Khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng (tên địa phương)” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại – Dấu hiệu cảnh báo. Thứ ba, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại khu vực lưu chứa được đóng gói cẩn thận trong bao bì chuyên dụng có khả năng chịu được va chạm, chống được sự ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hóa học với thuốc BVTV chứa bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, rò rỉ; phải được xếp cách tường bao quanh của khu vực lưu chứa ít nhất 50 cm, không cao quá 300 cm, có lối đi chính thẳng hàng và rộng ít nhất 150 cm. Thứ tư, đảm bảo không để rơi vãi, phát tán bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong quá trình tập kết từ các bể chứa đến khu vực lưu chứa.

Đối với việc vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Thứ nhất, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom từ bể chứa hoặc khu vực lưu chứa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại. Thứ hai, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng. Thứ ba, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Phú Yên: Ra mắt mô hình Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình

tm-img-alt
Ra mắt Mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” trên địa bàn xã Hòa Thắng

Mô hình được triển khai trên địa bàn 5 thôn với 150 hộ tham gia. Tại buổi ra mắt, các thành viên tham gia mô hình được nghe thông tin về tình hình ô nhiễm môi trường; một số kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường; cách phân loại, xử lý rác thải từ gia đình, nhất là phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ, rác tái chế, giúp người dân có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng…

Mô hình trên gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” tạo chuyển biến trong ý thức và trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt hằng ngày từ hộ gia đình, nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.

Tại buổi ra mắt, Hội LHPN xã Hòa Thắng tặng mỗi thành viên tham gia mô hình 3 thùng đựng rác để thực hiện việc thu gom, phân loại, xử lý rác.

Cà Mau chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao nhiệm vụ cho các chủ rừng vùng U Minh hạ và rừng cụm đảo Hòn Khoai rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện trực PCCCR; ứng phó kịp thời, có hiệu quả khi có tình huống cháy rừng.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư vùng rừng và toàn xã hội thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR; theo dõi và thông tin kịp thời, chính xác cấp dự báo cháy rừng trong từng thời điểm để chủ động ứng phó; thực hiện các giải pháp công trình phục vụ công tác PCCCR như: Nạo vét kênh mương, gia cố, đắp đập trữ nước; xây dựng chòi quan sát lửa; mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR.

tm-img-alt

“Các đơn vị có liên quan triển khai các lớp tập huấn, thực tập chữa cháy rừng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác chữa cháy rừng cấp cơ sở; thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật trong công tác PCCCR như: Giải pháp hạn chế vật liệu gây cháy; trồng cây tạo băng xanh cản lửa;…

Tăng cường công tác kiểm tra các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ rừng trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về PCCCR; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Phối hợp giữa các lực lượng làm nhiệm vụ PCCCR của các địa phương, đơn vị chủ rừng để tham gia hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn trên địa bàn. Bố trí sẵn sàng các trang thiết bị cần thiết và tổ chức xây dựng lực lượng PCCCR theo phương châm “04 tại chỗ” – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu.

Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng dễ xảy ra cháy trên địa bàn 45.679 ha thuộc 02 đối tượng cần phải đặc biệt quan tâm trong những tháng mùa khô, gồm rừng U Minh Hạ với diện tích 45.109 ha và rừng cụm đảo với diện tích 570 ha. Trong đó, rừng U Minh Hạ tập trung tại 02 huyện U Minh và Trần Văn Thời, với 15 chủ rừng là tổ chức, UBND 08 xã, 01 cộng đồng dân cư (HTX 19/5) và 1.615 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân. Đối với rừng cụm đảo do Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai quản lý, bao gồm cụm đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển) và Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời).

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích