Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/1/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/1/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 5/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Yên Bái: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân
Để tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh trong mùa Đông Xuân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024, UBND tỉnh Yên Bái vừa có Công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân…
UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế thường xuyên cập nhật, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các dịch, bệnh truyền nhiễm mùa Đông Xuân trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút, kịp thời tham mưu và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, thu dung, cách ly, phân loại, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ngay khi được phân bổ vắc xin…; phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn người dân loại bỏ bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy”.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình hưởng có thể xảy ra của dịch bệnh. Đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “Bốn tại chỗ”.
Đồng thời chủ động phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp…
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố… vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại trường học; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch, phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật, thực phẩm sang người; kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn…
Điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025
Thực hiện Quyết định số 326/QĐ-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã khẩn trương ban hành các văn bản, tổ chức kiểm tra tại một số địa phương để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời tháo gỡ và xây dựng phương án điều chỉnh. Đồng thời, Bộ đã tổ chức 5 buổi làm việc với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xin ý kiến về phương án điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ.
Theo thống kê của Bộ TN&MT, đến ngày 31/12/2022, kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg của các địa phương đạt 8,68%. Trong đó, một số chỉ tiêu sử dụng đất chính đạt so với chỉ tiêu phân bổ như sau: đất phi nông nghiệp thực hiện đạt 6,43%, đất khu công nghiệp thực hiện đạt 4,57%, đất trồng lúa thực hiện đạt 6,53%…
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khảo sát, làm việc với các tỉnh, thành phố để kiểm tra việc thực hiện một số chỉ tiêu đất quốc gia đã được phân bổ, đồng thời nắm bắt thực tế nhu cầu của địa phương. Theo đó, Bộ TN&MT đã xây dựng phương án điều chỉnh Chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-Ttg.
Bên cạnh đó, từ nhu cầu cấp thiết sử dụng đất triển khai các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, tranh thủ cơ hội thu hút, kêu gọi đầu tư, hồi phục và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng đất lớn, làm thay đổi khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất. Do vậy, việc thực hiện điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2025 là cần thiết và theo quy định. Hiện nay, Bộ TN&MT khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo trình tự, thủ tục được quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc báo cáo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa nội dung trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 vào Chương trình kỳ họp tháng 5 năm 2024.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 theo Tờ trình số 99/TTr-BTNMT, ngày 15/12/2023 của Bộ TN&MT về điều chỉnh phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT trong quá trình thực hiện điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương phân tích các chỉ tiêu điều chỉnh đã được thực hiện trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, đặc biệt đối với đất công nghiệp, đất trồng lúa… Đồng thời, đề xuất phương án điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương tránh gây lãng phí đất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc điều chỉnh chỉ tiêu phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Đồng thời, yêu cầu Bộ TN&MT và các địa phương thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đảm bảo sử dụng đất khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương; phù hợp với định mức sử dụng đất; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.
Đối với các chỉ tiêu đất quốc phòng, đất an ninh, các địa phương làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh phân bổ theo đề xuất nhu cầu sử dụng của các tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT và các địa phương thực hiện điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phải được tiếp cận trên cơ sở kết quả thực hiện, xu thế chuyển dịch đất đai; các công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn đã có chủ trương đầu tư, tập trung tại các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia, hành lang kinh tế… theo định hướng phát triển không gian kinh tế – xã hội theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với chỉ tiêu đất lâm nghiệp, chỉ xem xét đối với các tỉnh đề xuất điều chỉnh có đủ cơ sở, căn cứ thực hiện các công trình, dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh; cho phép chuyển đổi chức năng giữa các loại rừng, điều chỉnh tiến độ thực hiện giữa các giai đoạn qua kỳ quy hoạch.
Phát hiện doanh nghiệp xả thải ra môi trường ở Đà Nẵng
Công ty Cổ phần Sài Gòn – Đà Nẵng, chủ đầu tư Khu Công nghiệp Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng vừa phát hiện và lập biên bản Công ty TNHH Sức Trẻ trong khu công nghiệp Liên Chiểu vì ghi nhận có dòng nước đục, bốc mùi chảy ra hệ thống nước mưa.
Cụ thể, lúc 8h50 sáng 4/1/2024, đại diện Công ty Cổ phần Sài Gòn – Đà Nẵng và Phòng Cảnh sát Kinh tế – Môi trường, Công an thành phố Đà Nẵng đã lập biên bản kiểm tra hiện trường vụ việc.
Theo biên bản, lúc 8 giờ 50 phút sáng ngày 4/1, đại diện Công ty Cổ phần Sài Gòn – Đà Nẵng đi kiểm tra phát hiện cống nước mưa của Công ty TNHH Sức Trẻ ở Khu Công nghiệp Liên Chiểu có dòng nước đục, mùi hôi chảy vào hệ thống thu gom nước mưa Khu Công nghiệp Liên Chiểu. Thời điểm kiểm tra, trời không mưa.
Nhận thấy dấu hiệu bất thường, đại diện đơn vị này lấy mẫu nước gửi đi xét nghiệm, đồng thời báo cáo Phòng Cảnh sát Kinh tế – Môi trường, Công an thành phố Đà Nẵng. Hiện, mẫu nước đang được đơn vị gửi đi xét nghiệm để đánh giá có hay không việc xả nước thải vào hệ thống nước mưa của Công ty này.
Bà Lê Thị Thanh Thanh, cán bộ phụ trách môi trường ở Khu Công nghiệp Liên Chiểu, Công ty Cổ phần Sài Gòn- Đà Nẵng cho biết: “Sự việc này anh em họ đi kiểm tra theo đúng quy định thì có phát hiện. Đơn vị cũng báo cáo cơ quan chức năng lên làm việc, lấy mẫu, lập biên bản làm việc với doanh nghiệp. Bây giờ phải chờ cơ quan chức năng kết luận. Công ty thấy bất thường thì báo cáo còn chờ cơ quan chức năng kết luận”.
Đắk Nông: Cận cảnh kênh nội đồng, đường bê tông bị sạt lở, đứt gãy nghiêm trọng
Kênh dẫn nước vào nội đồng, đường bê tông bị đứt gãy, sạt lở cuốn trôi xuống sông Krông Nô tại thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) nhưng đến nay địa phương vẫn chưa có phương án sửa chữa khắc phục, khiến việc lưu thông của người dân bị chia cắt.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2023, hơn 30m đường bê tông nội đồng tại thôn Nam Ninh bị sạt lở, đứt gãy cuốn trôi xuống sông Krông Nô. Vụ việc đã được người dân nhiều lần phản ánh nhưng đến nay, đoạn đường bê tông nội đồng sạt lở trên vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa. Đến nay, không chỉ đường bê tông bị đứt gãy mà dòng sông Krông Nô còn “ăn” thêm khoảng 30m kênh dẫn nước nội đồng.
Có mặt tại hiện trường phóng viên ghi nhận, ngoài 30m đường bê tông bị sạt lở trước đó, một số đoạn đường bê tông nội đồng tại vị trí trên tiếp tục bị đứt gãy, sạt lở nghiêm trọng. Tại đây xuất hiện nhiều vết nứt lớn, sâu, tiềm ẩn nguy cơ liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở. Tại vị trí sạt lở, hàng chục gốc cà phê đổ ngổn ngang, héo khô. Điều đáng nói, ở khu vực gần trạm bơm số 1 có nhiều dấu vết sạt lở mới. Điểm sạt lở ngày càng ăn sâu vào bờ sông và có nguy cơ lan rộng.
Điều đáng nói hiện tại, tuyến kênh dẫn nước nội đồng tại thôn Nam Ninh đã bị đứt gãy, sụt lún nghiêm trọng không còn khả năng dẫn nước. Tình trạng trên đã gây ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, sản xuất vụ đông xuân của người dân trong vùng.
Theo người dân địa phương những ngày qua, do thủy điện xả nước nên mực nước sông Krông Nô dâng cao. Khi nước rút, dòng sông tiếp tục ăn sâu vào đoạn đường bê tông, kênh dẫn nước nội đồng bị sạt lở, đứt gãy, cuốn trôi cả một đoạn dài xuống dòng sông Krông Nô.
Đồng Nai phê duyệt đề án thứ 2 về du lịch sinh thái rừng
Mục tiêu của Đề án là khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai trên cơ sở bảo tồn, phát triển bền vững và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.
Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai được thực hiện trên tổng diện tích trên 100 nghìn ha, gồm diện tích có rừng và chưa có rừng; các hệ sinh thái rừng và nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú.
Đề án cũng quy hoạch 51 điểm phát triển du lịch và 37 tuyến du lịch khám phá rừng, các tuyến du lịch kết nối. Trong đó, chú trọng mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Về nguồn vốn, dự kiến gần 1.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách và kêu gọi đầu tư.
Thông qua thực hiện Đề án, phấn đấu đến năm 2030, Khu bảo tồn thiên nhiên- văn hóa Đồng Nai thu hút 120 nghìn lượt khách/năm đến; giải quyết việc làm cho gần 1.600 lao động.
Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, việc thông qua Đề án là căn cứ quan trọng để đơn vị thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng. Bởi lẽ, lâu nay dù Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng rừng nhưng việc chưa có Đề án cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư một đi không trở lại.
Liên quan đến phát triển du lịch sinh thái rừng, trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, thực tế lâu nay Đồng Nai đã làm tốt việc bảo vệ, trồng mới rừng, nhưng phát huy giá trị rừng chưa tốt. Do vậy, tỉnh đang tính toán để làm sao vừa phát huy giá trị du lịch sinh thái rừng, vừa không xâm hại rừng. Nếu sợ phá hoại, xâm hại rừng mà không cho triển khai các hoạt động như du lịch rừng thì không thể phát huy hết giá trị của rừng.
ĐBSCL sẽ có đợt cao điểm xâm nhập mặn trong tháng 3
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, trong tháng 3-2024, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ xuất hiện đợt cao điểm xâm nhập mặn.
Theo TTXVN, 3 tháng đầu năm 2024, tình trạng El Nino sẽ còn duy trì với xác suất trên 90%, khả năng vùng ĐBSCL sẽ có đợt cao điểm xâm nhập mặn vào tháng 3. Trước mắt, tháng 1-2024, ở các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập từ 45-55 km, tăng khoảng 5-8 km so với năm 2023, thấp hơn 6-13 km so với năm 2020. Tình trạng xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 40-50 km trong các kỳ triều cường.
Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/l xâm nhập ở mức từ 55-65 km, tăng 3-5 km so với năm 2023, thấp hơn 22-25 km so với năm 2020. Từ giữa tháng 1-2024, tình trạng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 50 km trở xuống.
Cũng theo bản tin trên, các địa phương trong khu vực ảnh hưởng đã tổ chức việc gieo cấy sớm, trữ nước phân tán để phục vụ cho cây ăn trái. Ngoài ra, khu vực Đông Nam bộ đang trong giai đoạn đầu mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 1 đạt khoảng 80% dung tích thiết kế.
Nguồn nước cơ bản sẽ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2023-2024. Tuy nhiên, theo Cục Thủy lợi, người dân cần tiết kiệm nước để có thể cung cấp đủ nước cho cả vụ hè thu 2024, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị