Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/1/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/1/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 4/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Cuối tuần này miền Bắc bước vào đợt nồm ẩm kéo dài
Theo các mô hình dự báo cho thấy, sau đợt không khí lạnh yếu 7/1 thời tiết duy trì xu thế nồm ẩm kéo dài tới 16/1. Sau đó, nhiều khả năng xuất hiện rét các đợt không khí lạnh mạnh hơn. Thời điểm nửa cuối tháng 1 và nửa đầu tháng 2 mới có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại trở lại.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra dự báo xu thế khí hậu thời hạn tháng 1/2024. Theo đó, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,0 – 2 độ C. Trong tháng 1/2024, không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm. Số ngày rét đậm, rét hại tại khu vực miền Bắc ít hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Rét đậm, rét hại vẫn có khả năng xuất hiện tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhưng không kéo dài nhiều ngày.
Tuy nhiên, trong thời kỳ dự báo không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Ngoài ra, sương muối và băng giá có thể xuất hiện ở một số nơi ở vùng núi phía bắc, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.
Trong tháng 1 còn cần lưu ý tại Trung Bộ có thể xuất hiện các đợt mưa dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (kèm khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét) gây ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Bắc Ninh: Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai phù hợp thực tiễn
Trước thực tế vi phạm đất đai ở các địa phương diễn ra trong nhiều năm, khó giải quyết, trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu tỉnh ban hành các Nghị quyết, Kết luận, Kế hoạch về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phối hợp giải quyết, xử lý đối với các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, nhằm ổn định tình hình địa phương, góp phần siết chặt quản lý đất đai, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật đất đai, tạo đà cho sự phát triển hài hoà, bền vững. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch số 168 thực hiện Chương trình hành động số 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Sở Tài nguyên và môi trường thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý đất đai theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh: Hoàn thành việc lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh; hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2022; triển khai thực hiện Dự án chi tiết xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thị xã Quế Võ; tiến hành rà soát các dự án được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa xác định giá đất cụ thể; các dự án xây dựng khu nhà ở đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất nhưng do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết mà chưa xác định bổ sung tiền sử dụng đất; các dự án không đưa, hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm pháp luật về đất đai; tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)… tạo hành lang pháp lý quan trọng để giải quyết các trường hợp, vụ việc liên quan đến đất đai, góp phần khơi thông nguồn lực phát triển.
Các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện; phối hợp xây dựng thiết kế dự án “Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia các tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 tỉnh Bắc Ninh, làm căn cứ để quản lý, sử dụng đất đúng mục đích về lâu dài, tránh nảy sinh các vụ việc vi phạm đất đai phức tạp, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, khó giải quyết như ở thời điểm trước. Bám sát nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 chính là việc triển khai thực hiện Kết luận số 739-KL/TU và số 740-KL/TU ngày 12-6-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xử lý các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền, sử dụng đất lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dân cư dịch vụ trên địa bàn tỉnh; các kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện nội dung trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành tổ chức Hội nghị tập huấn cho các huyện, thị xã, thành phố các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền; trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn, tháo gỡ, xử lý vi phạm; xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân các quy định của pháp luật về đất đai; yêu cầu các địa phương rà soát, phân loại từng trường hợp, thời điểm vi phạm; giao việc cụ thể cho cơ quan, cán bộ thực hiện; xây dựng lộ trình, thời gian hoàn thành, gắn với bình xét thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ xử lý vi phạm đất đai được giao.
Lộ trình đặt ra trong năm 2024, phải hoàn thành việc phân loại đối với các trường hợp đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; hoàn thành việc đăng ký đất đai đối với tất cả các trường hợp này để quản lý; đến năm 2025, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp đủ điều kiện mà chủ sử dụng đất có yêu cầu và phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Phát hiện một trang trại lợn xả thải trực tiếp ra môi trường
Cơ quan chức năng huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) phát hiện trang trại lợn tại xã Cẩm Ngọc xả thải trực tiếp ra môi trường và ra quyết định xử phạt 45 triệu đồng.
Theo quyết định xử phạt hành chính số 14/QĐ-XPHC ngày 3/1/2024 của UBND huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), trang trại lợn của ông Dương Khắc Nam tại xã Cẩm Ngọc đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Xây dựng, đào múc các rãnh để xả thải từ chuồng nuôi không qua xử lý ra môi trường.
Căn cứ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, UBND huyện Cẩm Thủy đã xử phạt ông Dương Khắc Nam 45 triệu đồng. Buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.
Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Cẩm Thủy đã tiến hành kiểm trang trại chăn nuôi lợn thịt thương phẩm của gia đình ông Dương Khắc Nam tại xã Cẩm Ngọc. Tại thời điểm kiểm tra, trang trại đang nuôi 900 con lợn thịt.
Qua quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra xác định trang trại lợn này đã lót bạt HDPE thành và đáy ao sinh học số 1, 2, 3 nhưng bạt đã hỏng. Một phần nước thải chăn nuôi từ hố lắng, bể bioga chảy ra ngoài môi trường không qua ao sinh học. Trang trại đã đào múc thêm các rãnh không có bạt lót xung quanh trang trại để xả thải từ bể bioga.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ trang trại dừng ngày việc xả nước thải, phân thải từ chăn nuôi ra ngoài môi trường, thu gom toàn bộ nước đã xả thải tại các rãnh chưa về ao sinh học; lấp toàn bộ các rãnh đã múc tại lòng khe.
Sấy cà phê gây ô nhiễm, doanh nghiệp bị xử phạt 130 triệu đồng
Theo Quyết định số 03 của UBND huyện Đắk Song, Công ty TNHH MTV Nghĩa Hạnh Đắk Nông (trụ sở tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song) có lò sấy chứa hàm lượng chất gây ô nhiễm trong không khí vượt quy chuẩn dưới 5 lần đối với thông số môi trường; tổng bụi lơ lửng (TSP) vượt 1,75 lần theo quy chuẩn.
Hành vi trên đã vi phạm Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo Quyết định của UBND huyện Đắk Song, Công ty TNHH MTV Nghĩa Hạnh Đắk Nông phải phục hồi môi trường theo quy định cũng thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm gây ra.
Đồng thời phạt tiền Công ty TNHH MTV Nghĩa Hạnh Đắk Nông phạt tiền 130 triệu đồng, đình chỉ hoạt động lò sấy cà phê trong 4 tháng 15 ngày tính từ ngày 2/1/2024.
Trước đó, báo Đắk Nông đã phản ánh Công ty TNHH MTV Nghĩa Hạnh luôn nhả khói nghi ngút. Khói, tro bụi cà phê theo chiều gió lan tỏa dày đặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Anh Vũ Ngọc Đấu, thôn 2, xã Nâm N’Jang, (Đắk Song) cho biết, gần 4 sào chanh dây của gia đình đã bị phủ kín bụi, kém phát triển, ảnh hưởng đến năng suất. Có những đánh chanh dây đã bị vàng lá, chết dần và không còn khả năng cứu chữa phải phá bỏ.
Ngày 10/11 đại diện UBND xã Nâm N’Jang, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Song đã về kiểm tra, xác minh thực tế và ghi nhận tình trạng khói, bụi phát tán từ lò sấy cà phê của Công ty.
Trong buổi làm việc, cơ quan chức năng đã yêu cầu phái Công ty nâng cấp hệ thống lò sấy cũng như khó bụi phát tán để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Thời gian hoàn thành trước 20/11.
Cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào tháng 3
Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo trong ba tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%. Cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào tháng Ba.
Cục Thủy lợi dự báo ở vùng các cửa sông Cửu Long, tháng 1/2024, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập từ 45-55km, so với năm 2023 cao hơn từ 5-8km, so với năm 2020 thấp hơn từ 6-13km; so với năm 2016 thấp hơn từ 1-3km.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 40-50km trong các kỳ triều cường.
Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/lít lớn nhất tháng 1/2024, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 55-65km, so với năm 2023 cao hơn từ 3-5km, so với năm 2020 thấp hơn từ 22-25km, so với năm 2016 thấp hơn từ 24-28km.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 50km trở xuống từ giữa tháng 1/2024.
Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu, Cục Thủy lợi nhận định xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có mức độ cao hơn trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Ứng phó với tình hình, các địa phương trong khu vực đã gieo cấy sớm, tăng cường trữ nước phân tán để phục vụ cho cây ăn trái, khả năng thiệt hại sẽ không có nếu không xảy ra bất thường.
Những vùng có nguy cơ thiệt hại đã được gieo cấy lúa từ tháng 10, 11/2023. Dự báo xâm nhập mặn cao điểm vào tháng 3/2024, khi đó cơ bản diện tích lúa ở vùng cơ nguy cơ cao cơ bản đã được thu hoạch xong, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Để chủ động nước cho cây ăn trái, người dân địa phương đã tự xây dựng các ao, hồ… theo quy mô hộ, nhóm hộ gia đình.
Cục Thủy lợi sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn việc trữ nước cho cây ăn trái, để đảm bảo làm sao lượng nước tích trữ đảm bảo tối thiểu cho cây trồng.
Còn ở khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại, khu vực đang trong giai đoạn đầu mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 1 đạt khoảng 80% dung tích thiết kế.
Với lượng nước trữ của các hồ chứa hiện tại và lượng mưa dự báo trong thời gian tới, nguồn nước cơ bản sẽ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023-2024.
Bạc Liêu: Hội LHPN tích cực bảo vệ môi trường
Như thường lệ, mỗi lần sinh hoạt định kỳ hay đột xuất của Chi hội phụ nữ ấp 3, xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long) thì các chị em đều đồng lòng, mỗi người đem theo một túi xách nhỏ, trong đó đựng các chai nhựa, vỏ lon… đã sử dụng để đóng góp vô “Ngôi nhà xanh” được đặt tại trụ sở ấp.
Mô hình thành lập vào tháng 8/2023, “Ngôi nhà xanh” đã mở bán 1 lần được 300.000 đồng để gây quỹ, gần 200 chị em hội viên của ấp rất nhiệt tình tham gia. Đây là mô hình điểm, dự kiến sẽ mở rộng thêm ra các ấp trên địa bàn xã trong thời gian tới.
Được biết, Hội LHPN xã Phước Long cũng đang thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà xanh”. Tuy chỉ mới xây dựng trong thời gian ngắn, nhưng đến nay đã bán được 3 lần với tổng số tiền thu được gần 800.000 đồng. Để mô hình này phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, Hội LHPN xã Phước Long đã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ; đồng thời hướng dẫn cách phân loại rác thải, vận động chị em thu gom rác thải tái chế đưa về “Ngôi nhà xanh”.
Chị Tô Thị Xuân Hồng – Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Long, phấn khởi: “Một số chi hội cũng có những cách làm hay, sáng tạo như thu gom vỏ lon, chai nhựa ở nơi làm việc hay tranh thủ khi các gia đình tổ chức cưới hỏi, tiệc tùng… trực tiếp đến vận động thu gom vỏ lon cho “Ngôi nhà xanh”. Mỗi tháng, khi “Ngôi nhà xanh” đầy phế liệu, các chị đem bán gây quỹ”.
Từ khi triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” trên địa bàn xã Phước Long đến nay, trước mắt, số tiền đem lại chưa nhiều nhưng dấu hiệu tích cực từ mô hình này là không hề nhỏ. Các chị em đã góp phần làm cho môi trường sạch đẹp hơn.
Ngoài “Ngôi nhà xanh”, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phước Long cũng triển khai rất nhiều mô hình phụ nữ làm tốt công tác bảo vệ môi trường như: “Biến rác thải thành tiền”; “Phụ nữ nói không với bịch nilon”; “Vườn xanh, nhà sạch”, “Phụ nữ bảo vệ môi trường”; “Phân loại rác tại nguồn”…
Bà Võ Tuyết Kha – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Long, nhìn nhận, “Ngôi nhà xanh” là một trong những mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả và đang được nhân rộng, trở thành điểm sáng về giữ gìn vệ sinh môi trường ở các ấp, khu dân cư. Đồng thời góp phần rất lớn trong thực hiện hiệu quả mô hình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh…
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị