Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/1/2024

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/1/2024

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 3/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 3/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Đợt không khí lạnh lần này kéo dài đến khi nào?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều nay (03/01), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8.

Dự báo chiều tối và đêm 03/01, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét trong hai ngày 3-4/1. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 12-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ.

tm-img-alt
Miền Bắc duy trì trời rét, nhiệt độ có nơi xuống dưới 8 độ C.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khoảng 7/1, thêm một đợt không khí lạnh tràn xuống nước ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, miền Bắc và Bắc Trung Bộ có thể rét trong hai ngày 7-8/1, trời có mưa nhỏ rải rác. Đợt không khí lạnh này có cường độ yếu, trời mưa rét ngắn ngày.

Trên biển: ở vịnh Bắc Bộ chiều tối và đêm 03/01 có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 1,5-2,5m; biển động; từ ngày 04/01 gió giảm dần. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, riêng phía Đông Bắc có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 2,0-3,0m; biển động. Khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động.

Từ tối và đêm 03/01, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, đêm 03/01, Bắc Trung Bộ có mưa rải rác. Đêm 03/01 và ngày 04/01, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Hoà Bình: Tăng cường quản lý đất lâm nghiệp

Để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời quản lý hiệu quả các dự án đầu tư, UBND tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý dự án có sử dụng đất lâm nghiệp.

tm-img-alt
Cán bộ kiểm lâm rà soát diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn. Ảnh minh hoạ

Xã Kim Bôi và xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi nằm trong vùng thực hiện dự án Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ nên diện tích đất lâm nghiệp phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng tương đối lớn. Theo số liệu kiểm đếm ban đầu, diện tích đất lâm nghiệp cần chuyển đổi để thực hiện dự án khoảng trên 18,3 ha. Trong đó, xã Kim Bôi trên 13 ha, xã Cuối Hạ trên 5 ha, gồm đất rừng sản xuất, đất núi đá và đất bằng chưa sử dụng. Đồng chí Bùi Thị Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bôi cho biết: UBND xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân nắm rõ chủ trương của tỉnh đối với việc thực hiện dự án, phối hợp các phòng, ban của huyện bước đầu thực hiện công tác kiểm đếm các loại đất và tài sản trên đất. Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, xã tuyên truyền, vận động người dân, thông báo rõ chủ trương, quy định của Nhà nước về chuyển đổi đất lâm nghiệp, đồng thời tăng cường phối hợp làm tốt công tác quản lý đất lâm nghiệp, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Thời gian qua, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn có 6 dự án được triển khai với khá nhiều diện tích liên quan đến đất lâm nghiệp. Trong đó, 3 dự án đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, diện tích gần 60 ha; 3 dự án đang hoàn thành các thủ tục cấp phép. Để tăng cường công tác quản lý đất lâm nghiệp, UBND xã phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Lương Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất lâm nghiệp, không để xảy ra tranh chấp, lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép.

Theo kết quả rà soát điều chỉnh cục bộ quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2140, ngày 19/9/2023, diện tích được điều chỉnh ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng gần 3.200 ha để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, đất rừng phòng hộ 284 ha, đất rừng sản xuất gần 2.900 ha. Đồng chí Trần Văn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Tỉnh tập trung làm tốt công tác quy hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch ngành, tuân thủ quy hoạch quốc gia; tiếp tục rà soát giao đất gắn với giao rừng, thống nhất ranh giới trên bản đồ và trên thực địa; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; kiên quyết thu hồi đất và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân được giao đất, giao rừng nhưng không thực hiện bảo vệ và phát triển rừng.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong chuyển đổi mục đích sử dụng; kiên quyết thu hồi dự án có sai phạm, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng và môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân.

Hà Tĩnh: Triển khai đồng bộ giải pháp chống khai thác hải sản trái phép

Nghi Xuân là địa phương có nhiều lợi thế về đánh bắt hải sản và có đội tàu khai thác thuộc diện lớn nhất toàn tỉnh (723 chiếc) nên việc triển khai các biện pháp, giải pháp để chống khai thác bất hợp pháp luôn được quan tâm.

Với quyết tâm chung tay gỡ “thẻ vàng”, huyện ven biển này đã tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm là: lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn pháp luật; quản lý, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; kiểm tra tàu cá xuất nhập bến, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Với tinh thần vào cuộc đó, huyện có 9 xã ven biển này đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt

Chị Ngô Thị Bích Thủy – công chức Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Năm 2023, huyện Nghi Xuân đã kịp thời ban hành hơn 30 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc công tác đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo. Những thông tin, kiến thức pháp luật cần thiết đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các chủ tàu và đông đảo ngư dân qua nhiều hình thức. Tất cả các xã có biển đều kiểm tra, thống kê, rà soát tàu thuyền để thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, hạn chế tàu cá “3 không”. Các hành vi đánh bắt trái luật đã bị phát hiện, xử lý nghiêm với 12 vụ/12 phương tiện, xử phạt hành chính gần 260 triệu đồng…”.

tm-img-alt
Kiểm tra thuyền đánh cá sử dụng giã cào đánh bắt hải sản sai quy định. Ảnh minh hoạ

Không chỉ có Nghi Xuân mà tất cả các huyện ven biển từ Bến Thủy đến Đèo Ngang đều quan tâm vào cuộc tích cực, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, khai thác không báo cáo. Đồng hành cùng chính quyền địa phương, 2.735 tàu cá và hàng ngàn ngư dân, ngành thủy sản cũng đã phát huy vai trò nòng cốt, trách nhiệm chính của mình để hướng tới mục tiêu chung, nhất là việc khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai các giải pháp phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lưu Quang Cần cho biết: “Chúng tôi đã tập trung làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 15/3/2023 về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 và các văn bản, kế hoạch khác có liên quan.

Cùng với đó, ngành cũng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ khác như lắp đặt thiết bị VMS cho 90/90 tàu cá hoạt động vùng khơi, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đạt 93%, đánh dấu tàu và kẻ vẽ biển số đúng quy định 2.735/2.735 tàu và phối hợp thực hiện hàng trăm lượt tuần tra, kiểm soát trên biển, cửa sông, cửa lạch…

Là một trong những lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật trên biển, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cũng luôn tích cực vào cuộc để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt sai quy định. Trong năm, các đơn vị biên phòng tuyến biển đã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tuần tra trên biển 64 đợt/508 lượt CBCS tham gia và tuần tra vùng cửa sông, cửa lạch 1.106 đợt/4.400 lượt CBCS tham gia.

Qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý 26 vụ/29 tàu cá vi phạm các quy định đánh bắt (chủ yếu tàu giã cào đánh bắt sai vùng) với số tiền xử phạt hành chính gần 562 triệu đồng, đẩy đuổi hàng trăm tàu cá vi phạm khác.

Sự vào cuộc đó của các cấp, ngành, địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của ngư dân Hà Tĩnh. Năm nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, chưa phát hiện các đường dây, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Nguyễn Đức Đại ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà (chủ tàu HT 09493TS) chia sẻ: “Được các cấp, ngành tuyên truyền, nhắc nhở, răn đe thường xuyên nên ngư dân chúng tôi đã ý thức hơn đến việc bảo vệ ngư trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bà con cũng hiểu rằng, để sản xuất ổn định, khai thác tài nguyên lâu dài, không bị cộng đồng quốc tế cấm vận hay lên án thì phải quan tâm chuyển đổi nghề theo hướng thân thiện với môi trường, không sử dụng chất cấm để khai thác, phải đánh bắt đúng vùng, đúng tuyến và phải khai báo chính xác, báo cáo kịp thời…”.

Đồng Nai: Báo động tình trạng ô nhiễm trên kênh Rạch Mọi

Tin trên Người đưa tin, những ngày gần đây, người dân sống hai bên kênh Rạch Mọi, chảy qua địa bàn ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai phản ảnh về việc xuất hiện nước đen, nhiều bọt và có mùi hôi nồng trên kênh Rạch Mọi chảy ra sông Đồng Nai.

Theo ông Phạm Ngọc Bình và ông Lê Văn Bảnh, nhà sát kênh Rạch Mọi cho biết, gần một tháng trở lại đây, kênh Rạch Mọi bị ô nhiễm khi nước chuyển màu đen, có bọt và có mùi hôi nồng nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Nhất là những ngày cuối tuần, ngày lễ thì mức độ ô nhiễm trở nên nghiêm trọng. Phát hiện sự việc trên, người dân đã báo cho chính quyền địa phương. Chiều ngày 2/1, PV Người Đưa Tin đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực tế.

tm-img-alt

Dòng nước đen, nhiều bọt, có mùi hôi đang chảy vào kênh Rạch Mọi. (Ảnh: Thanh Hải).

Qua ghi nhận bằng hình ảnh, PV phát hiện ngay Cống Dứa (ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa) chảy qua Tỉnh lộ 768 một ống xả có nước màu đen, nhiều bọt, rất hôi đang chảy vào kênh Rạch Mọi.

Tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Sở TN&MT chủ động phản hồi về việc người dân phản ánh việc ô nhiễm trên kênh Rạch Mọi và giao cho Phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu tiến hành kiểm tra, xử lý.

Sáng ngày 3/1, trao đổi với PV, ông Trần Anh Vũ, Phó phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu cho biết, hiện Phòng TN&MT đang phối hợp cùng UBND xã Bình Hòa đi kiểm tra thực tế.

Theo nhiều hộ dân, dòng nước đen gây ô nhiễm trên thường xảy ra tại thời điểm thủy triều trên sông Đồng Nai dâng cao.

Việc thủy triều dâng khiến cho ống xả bị nhấn chìm dưới nước nên rất khó phát hiện.

Kiên Giang: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 100%

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Lưu Trung – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, năm 2023, ngành y tế thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia y tế là 143 xã, đạt 99,3% (kế hoạch trên 90%); tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 10,13 (kế hoạch là 10); tỷ lệ giường bệnh/vạn dân là 32,3 (kế hoạch là 32); tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 100% (kế hoạch 100%)…

Năm 2023, các cơ sở y tế của Kiên Giang thực hiện khám và điều trị trên 4,3 triệu lượt, đạt 93,8% kế hoạch; điều trị nội trú 264.127 lượt, đạt 102,4% kế hoạch. Tỷ lệ khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế đạt 87,6% (tăng 1,3% so với năm 2022); công suất sử dụng giường bệnh là 68%; tỷ lệ khỏi bệnh 88,4%; tử vong là 0,24%.

Tuy nhiên, trong năm 2023, ngành y tế cũng còn những tồn tại, hạn chế. Công tác tiêm chủng mở rộng năm 2023 không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tại một số đơn vị và các cơ sở y tế trực thuộc sở còn hạn chế; nhân lực tại một số đơn vị còn thiếu.

Phụ nữ Bến Lức (Long An) tích cực tham gia bảo vệ môi trường

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Bến Lức, tỉnh Long An đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên (HV), PN giữ gìn vệ sinh môi trường; xây dựng các mô hình gắn với công tác bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

tm-img-alt
Phối hợp các đoàn thể trồng cây xanh, ứng phó biến đổi khí hậu

Các cấp Hội trong huyện tổ chức 43 đợt ra quân tuyên truyền, vận động HV, PN thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”, giữ gìn vệ sinh nhà ở, khu vực xung quanh nhà, làm hàng rào, cột cờ; phát quang bụi rậm, cây xanh che khuất tầm nhìn; trồng hơn 1.000 cây hoa, kiểng các loại trên các tuyến đường nông thôn. Toàn huyện hiện có các mô hình hoạt động hiệu quả như Tổ PN nhặt rác; Tổ PN tự quản môi trường; Tổ PN bảo vệ môi trường; PN có đạo tham gia bảo vệ môi trường; Đường quê xanh, sạch; Thùng rác thân thiện;…

Chi hội trưởng Chi hội PN ấp 1, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức – Hà Thị Quới chia sẻ: “Thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường do Hội LHPN huyện và xã phát động, HV, PN, người dân ấp 1 tích cực hưởng ứng tham gia với nhiều công trình, phần việc thiết thực như trồng hoa, cây xanh, thu gom, xử lý rác thải đúng nơi quy định. Thời gian tới, Chi hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho HV, PN ấp; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương;…”.

Qua thực hiện các mô hình đã từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của HV, PN, người dân, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao./.

T.Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích