Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/2/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/2/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/2/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 29/2/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Xây dựng cơ sở y tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu
Ngày 17/11/2023, tại cuộc họp Nhóm đối tác y tế về Biến đổi khí hậu và sức khỏe, công bố Việt Nam đã tham gia Liên minh hành động chuyển đổi về biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH) để giúp hệ thống y tế góp phần thực hiện mục tiêu của đất nước đạt mức phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 17 mục tiêu cụ thể, bao gồm SDG 6 “Đảm bảo sự có sẵn và quản lý bền vững của nước và vệ sinh cho tất cả mọi người”.
Để góp phần thực hiện cam kết đó, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch Hành động về ứng phó Biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu chung của Kế hoạch là “Tăng cường năng lực của các đơn vị y tế trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu để ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro về môi trường và biến đổi khí hậu đối với hệ thống y tế và sức khỏe con người, nhằm mục tiêu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe công cộng tốt hơn”.
Theo TS. Lỗ Văn Tùng, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, dự án Xây dựng cơ sở y tế thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng xanh và bền vững với môi trường được triển khai từ năm 2021 – 2023 tại 3 bệnh viện, gồm Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai), Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An), Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh (Bến Tre) đại diện cho 3 vùng miền khí hậu Việt Nam, từ đó biên soạn “Hướng dẫn xây dựng Cơ sở y tế có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường bền vững” nhằm áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Mô hình gồm 4 hợp phần: Quản lý nước sạch, vệ sinh và chất thải y tế; Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức; Hiệu quả sử dụng năng lượng và năng lượng xanh; Cải thiện nền tảng hạ tầng, công nghệ và sản phẩm. Thông qua việc xây dựng chương trình, Chính phủ Việt Nam hướng đến đảm bảo khả năng chăm sóc sức khỏe an toàn hơn cho các bệnh nhân, đồng thời góp phần thực hiện các cam kết quốc gia và quốc tế về biến đổi khí hậu của Việt Nam, bao gồm cam kết của Thủ tướng tại COP26 là đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Các bệnh viện và trạm y tế là đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời cũng đang góp phần gây ra các vấn đề về môi trường. Trên toàn cầu, ngành y tế hiện đang gây phát thải khoảng 4,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Theo ông Tôn Tuấn Nghĩa, cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành y tế hoàn toàn có thể tham gia phát thải ròng bằng 0 với các giải pháp như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tòa nhà không phát thải, sử dụng 100% năng lượng tái tạo, khuyến khích sản xuất dược phẩm phát thải các-bon thấp, triển khai thực hiện y tế tuần hoàn và quản lý công trình y tế bền vững, xây dựng hệ thống y tế hiệu quả lớn…
ThS. Nguyễn Đình Tuấn Phong (Đại học Điện lực) cho biết, dựa trên hiện trạng của 3 cơ sở y tế, dự án đã đề xuất nhiều giải pháp giúp tiết kiệm điện, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị và góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Từ đơn giản như phân loại và dán hướng dẫn sử dụng điều hòa, kiểm tra thường xuyên các tấm dán cách nhiệt cho cửa sổ, bọc bảo ôn cách nhiệt cho hệ thống hấp dụng cụ y tế tới phức tạp như thay thế đèn cao áp LED mặt trời.
Về thích ứng với các tác động tiêu cực từ BĐKH, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình tại BV Đa khoa huyện Yên Thành, bác sĩ Phan Thị Thúy, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết: Để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên xảy ra, dự án đã hỗ trợ bệnh viện đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng mới với công xuất xử lý 200m3/ngày. Không những vậy, giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh viện, từ 30 triệu đồng chi trả cho tiền nước mỗi tháng xuống còn 8 triệu đồng. Tất cả số tiền tiết kiệm được chuyển về chi hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo và có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn tất cả những người dân đều được hưởng lợi từ dự án của WHO….
Theo Tiến sĩ Angela Pratt, đại diện WHO tại Việt Nam, việc có nguồn cung nước sạch an toàn là một điều kiện tiên quyết để mang đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, và giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại nơi mình đang sống. Đầu tư vào thích ứng biến đổi khí hậu cũng giúp giảm chi phí và đóng góp vào việc xây dựng hệ thống y tế hiệu quả và công bằng hơn.
Lang Chánh: Xuất hiện thêm nhiều vết nứt lớn tại điểm sạt lở chân dốc Sáp Ong – Quốc lộ 15 A
Từ ngày 28 và 29/2, tại điểm sạt lở km 76H4 đến km76H5 chân dốc Sáp Ong trên tuyến Quốc lộ 15 A, thuộc địa phận xã Đồng Lương và Tân Phúc huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt lớn trên đỉnh đồi Nhà lá chân dốc Sáp Ong, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại…
Điểm sạt lở này trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã có hàng chục khối đất, đá bị sạt xuống, lấp đầy rãnh thoát nước và tràn ra mặt đường và được các đơn vị chức năng xử lý. Đến thời điểm này nguy cơ sạt lở đất, đá là rất cao, bởi trên đỉnh đồi đã xuất hiện nhiều vết nứt dài 80m, độ sâu có nơi đến 5m, nứt từ 1m đến 1,5 m, phần ta-luy dương các chỗ nứt rộng khoảng 1m với những khối đất, đá nhô ra, kèm theo thời tiết xấu, xuất hiện những trận mưa có thể bị sạt hàng trăm khối lượng đất đá xuống tuyến đường bất cứ lúc nào.
Trước tình trạng trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của huyện Lang Chánh đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra và tập trung chỉ đạo các xã có liên quan triển khai ngay các biện pháp cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại khu vực, đồng thời di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2
Tham dự Chương trình có các lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, huyện Bắc Trà My, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Phát điện 1, Công ty Thủy điện Sông Tranh.
Ông Trần Nam Trung – Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, 9 năm qua, ngoài nhiệm vụ quản lý, vận hành Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Công ty Thủy điện Sông Tranh xác định công tác an sinh xã hội, đảm bảo môi trường và từng bước góp phần nâng cao đời sống người dân vùng dự án là nhiệm vụ trọng tâm.
Hằng năm, Công ty Thủy điện Sông Tranh phối hợp UBND huyện Bắc Trà My thực hiện chương trình thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Đợt này, công ty thả 100 nghìn con cá giống (trắm cỏ và cá mè).
Tính đến nay, qua 9 đợt, số lượng cá thả xuống lòng hồ 750 nghìn con, trị giá gần 500 triệu đồng. Qua đó, tạo sinh kế cho người dân huyện Bắc Trà My và Nam Trà My nói chung, người dân vùng dự án nói riêng, đặc biệt là các hộ dân thuộc diện di dời, tái định cư công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Ông Lê Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My chia sẻ, qua theo dõi việc đánh bắt của người dân, lượng cá giống thả các năm qua đã phát huy hiệu quả, sản lượng đánh bắt ngày càng tăng. Đặc biệt đánh bắt được nhiều cá mè, cá trắm… nặng hàng chục ký.
Tại sự kiện, Công ty Thủy điện Sông Tranh cũng phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hưởng ứng Đề án Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, công ty tổ chức trồng mới 50 cây xanh các loại, nâng tổng số cây xanh được trồng và chăm sóc đến thời điểm này hơn 1.400 cây, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường và cải thiện chất lượng không khí trong khu vực.
Dip này, Công ty Thủy điện Sông Tranh và Công đoàn Điện lực Việt Nam tặng 40 xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Bắc Trà My.
Thừa Thiên Huế công bố kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa
7 khách sạn gồm Azerai La Résidence Huế, Melia Vinpearl Huế, khách sạn Villa Huế, ÊMM Huế, Mường Thanh Huế, Alba Spa Huế và Thanh Lịch. Các khách sạn đang triển khai chương trình giảm thiểu nhựa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ như tăng cường sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm sử dụng/thay thế/tái chế đồ nhựa dùng một lần.
Đồng thời xây dựng nội dung về tiết kiệm tài nguyên, phân loại rác tại nguồn, tăng cường phổ biến đến nhân viên, nhà cung cấp, đối tác và khách hàng nhằm nâng cao ý thức và thực hành giảm sử dụng nhựa.
“Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” là tên của một chương trình được xây dựng với sự tài trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, tiếp nhận bởi Ủy ban Nhân dân TP. Huế.
Với số tiền viện trợ cho tổng Dự án hơn 65 tỷ động, Dự án hướng đến mục tiếu đến năm 2024, TP. Huế trở thành Đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý và đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp.
Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2021 – 2024, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 – Khởi động Dự án, sẽ nghiên cứu hiện trạng quản lý chất thải rắn, trong đó tập trung vào rác nhựa tại TP. Huế làm căn cứ xây dựng kế hoạch hoạt động cho giai đoạn 2; TP. Huế ký cam kết đưa Huế trở thành Đô thị giảm nhựa.
Giai đoạn 2 – Triển khai Dự án, sẽ hỗ trợ chính quyền TP. Huế triển khai Kế hoạch hành động, đưa thành phố trở thành đô thị giảm nhựa; Nhu cầu tiêu dùng và lượng rác thải nhựa được giảm bởi các nhóm mục tiêu; Nâng cao tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận với dịch vụ thu gom rác thải ở các khu vực mục tiêu; Cải thiện tỷ lệ tái chế rác thải trong nhóm các bên liên quan chính tại địa bàn Dự án; Cải thiện chất lượng quản lý bãi rác trong địa bàn dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song cho biết: “Huế vinh dự trở thành đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới Sáng kiến các Đô thị giảm nhựa. Chúng tôi tin tưởng việc tham gia vào mạng lưới này sẽ giúp TP. Huế huy động thêm nguồn lực triển khai các hoạt động cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa cũng như có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đô thị khác trong và ngoài nước. Qua đó, hình ảnh của Thừa Thiên – Huế sẽ được củng cố trong mắt du khách và bạn bè quốc tế, góp phần cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương” .
Liên tiếp xảy ra động đất trong 2 tháng đầu năm 2024
Theo thống kê từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trong hai tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra tổng số 25 trận động đất nhỏ, có độ lớn từ 2,5 đến 4.
Phần lớn các trận động đất xảy ra tại huyện KonPlong, tỉnh Kon Tum.
Cụ thể trong tháng Hai, tại KonPlong xảy ra 17 trận động đất nhỏ. Trong đó, ngày 7/2 xảy ra 9 trận động đất. Trận động đất có độ lớn cao nhất là 4.
Trước đó trong tháng Một, trên cả nước cũng đã xảy ra 8 trận động đất có độ lớn từ 2,5-2,8. Trong số này có 6 trận động đất xảy ra ở huyện KonPlong.
Hai trận động đất khác xảy ra tại các huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) với độ lớn lần lượt là 2,6 và 2,8.
Thông thường, những trận động đất có độ lớn dưới 5 được xem là động đất nhỏ, ít khi gây rủi ro thiên tai.
Những trận động đất từ 5-6 độ trở lên là động đất trung bình, nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai; từ 6 trở lên là động đất lớn, nguy cơ rủi ro thiên tai rất cao.
Đề án “Tín chỉ các bon cho các hệ sinh thái trong Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An”
Theo đó, Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Quảng Nam vừa làm việc với đại diện Tập đoàn VinaCapital về việc xúc tiến quy trình nghiên cứu xây dựng tín chỉ các bon cho các hệ sinh thái trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
Đây là hoạt động nhằm định lượng khả năng cố định các bon của các hệ sinh thái quan trọng trong khu sinh quyển như rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm, rừng dừa nước tại hạ lưu sông Thu Bồn, các thảm cỏ biển, rong biển và các hệ sinh thái chủ đạo khác.
Từ đó, tín chỉ các bon này sẽ được giới thiệu và bán trên thị trường các bon trên thế giới, tạo được nguồn thu từ dịch vụ hệ sinh thái, tái đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững của khu sinh quyển.
Hiện Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cùng VinaCapital tiếp tục cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu, cơ sở pháp lý trong nước và quốc tế để tiếp tục xây dựng đề án “Tín chỉ các bon cho các hệ sinh thái trong Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An”.
Quảng Nam: Tăng cường công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Theo thông tin từ công văn nói trên, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư các dự án xử lý CTRSH như Công ty Cổ phần Môi trường Huy Hoàng Eco và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 cần khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn thiếu và hoàn thiện thủ tục pháp lý để đưa các dự án vào hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 277/TB-UBND ngày 6/9/2023 và Công văn số 7807/UBND-KTN ngày 14/11/2023. Việc vận hành nhà máy phải đặc biệt lưu ý đến các giải pháp xử lý để giảm thiểu tối đa mùi hôi phát tán ra khu vực xung quanh và thu gom, xử lý triệt để nước thải, không để ảnh hưởng đến chất lượng nước các khe, sông, suối trong khu vực.
Đặc biệt, các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, như Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Nam và Công ty Cổ phần Công trình công cộng Hội An, cũng được UBND tỉnh yêu cầu tuân thủ đúng quy định. Điều này bao gồm việc vận chuyển rác thải bảo đảm vệ sinh, không để xảy ra sự cố môi trường trong quá trình xử lý, đồng thời cần có phương án chủ động đối phó với những điều kiện thời tiết bất thường như mưa, bão, ngập lụt.
UBND tỉnh cũng đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khu xử lý chất thải rắn, đặc biệt là Dự án khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam nhằm giải quyết vấn đề môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
UBND TP. Hội An tiếp tục thực hiện thí điểm về hình thức và mức kinh phí phải chi trả cho công tác xử lý rác thải của hộ gia đình, cá nhân dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải. Điều này nhằm tạo động lực cho cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, UBND huyện Núi Thành cần tổ chức thành công cuộc họp vận động Nhân dân ủng hộ việc kéo dài thời gian xử lý rác tại Khu xử lý rác Tam Xuân 2 trong thời gian chờ thi công xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 dự án Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam.
Đối với các huyện, thị xã còn lại chưa thực hiện đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải quy mô vừa và nhỏ để chủ động xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn địa phương mình, UBND các huyện, thị xã phải khẩn trương tổ chức khảo sát, lập kế hoạch đầu tư Khu xử lý rác thải theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nếu phải điều chỉnh vị trí quy hoạch khu xử lý rác thải thì phải khẩn trương khảo sát, lựa chọn vị trí thích hợp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường để đề xuất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh để triển khai thực hiện.
Cà Mau: Quyết liệt hơn nữa trong chống khai thác IUU
Sự quyết liệt và quyết tâm ấy thể hiện rõ nhất thông qua việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trong triển khai các biện pháp chống khai thác IUU… Ngoài ra, đến nay, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này.
Khai thác thuỷ sản là lĩnh vực đóng góp quan trọng trong các thành phần kinh tế của tỉnh. Năm 2023, lĩnh vực khai thác đã mang về hơn 235 ngàn tấn thuỷ sản các loại trong tổng sản lượng 636 ngàn tấn thuỷ sản cả năm. Năm 2022, hoạt động khai thác đóng góp hơn 236.100/622.100 tấn cả năm.
Những con số trên cho thấy, hoạt động khai thác thuỷ sản tiếp tục được duy trì và phát triển khá ổn định. Ðặc biệt, những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU. Theo đó, đến nay, 100% tàu cá thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; công tác tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU, quản lý tàu cá, vận hành thiết bị giám sát hành trình được tăng cường.
Không chỉ vậy, những năm qua, công tác phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của tàu cá trên biển luôn được duy trì thực hiện tốt thông qua các quy chế được ký kết hằng năm. Ðặc biệt, các trạm kiểm soát biên phòng quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất – nhập bến, kiên quyết không cho tàu cá ra biển hoạt động khi không đảm bảo các thủ tục giấy tờ cũng như thực hiện tốt công tác thống kê sản lượng tại các cảng cá, cơ sở thu mua thuỷ sản, từ đó đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thuỷ sản.
Ðặc biệt, tỉnh đã triển khai đưa vào sử dụng phần mềm số hoá dữ liệu IUU cung cấp các thông tin về danh sách tàu cá toàn tỉnh, nhất là những thông tin liên quan đến giấy phép khai thác, đăng kiểm tàu cá, tàu mất kết nối từ 10 ngày trở lên, hồ sơ và cả hình ảnh… Nhờ phần mềm này mà các cơ quan chuyên môn có thể kiểm tra, theo dõi tàu cá bất cứ lúc nào.
Tinh thần chỉ đạo của tỉnh nhiều năm qua trong quản lý khai thác không chỉ là để rút thẻ vàng của Liên minh châu Âu (EC), mà còn vì nghề biển cho tương lai. Tiêu biểu, theo Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động số 40-CTr/TU của BCH Ðảng bộ tỉnh về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra nhiệm vụ tiến hành tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, với môi trường tự nhiên và nguồn lợi hải sản.
Cụ thể, nhiệm vụ đặt ra là củng cố và phát triển các mô hình tổ đội sản xuất, hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết thật sự vì lợi ích của ngư dân, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, gắn kết cộng đồng, phát triển và ổn định xã hội vùng biển và hải đảo. Hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ mạnh để hoạt động khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương với các nước trong khu vực. Ưu tiên chuyển đổi một số nghề khai thác thuỷ sản có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản, các nghề cấm sang hoạt động các ngành nghề du lịch, nuôi trồng thuỷ sản nhằm giảm cường lực khai thác hải sản trên các vùng biển.
Do đó, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm như: mất kết nối, tàu hết hạn giấy phép, tàu hết hạn đăng kiểm còn hoạt động trên biển, không làm thủ tục chuyển nhượng tàu cá khi sang bán nhưng vẫn hoạt động… là một trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững.
Liên quan đến công tác chống khai thác IUU, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo cụ thể: “Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung quyết liệt và luôn chủ động, sẵn sàng trong giám sát tàu khai thác. Ngoài ra, tập nguồn lực tăng cường công tác quản lý truy xuất nguồn gốc, nhất là các bến cá, các vựa thuỷ hải sản… Phải nắm được các tàu khai thác hải sản lúc nào đánh bắt, ở toạ độ nào; tàu thu mua cũng phải cụ thể sản phẩm đó được khai thác ở vùng biển nào…”./.
Nắng nóng làm suy giảm nghiêm trọng số lượng cá voi lưng gù ở Thái Bình Dương
Theo hãng AFP ngày 28/2 đưa tin số lượng cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương giảm mạnh 20% trong vòng chưa đầy một thập niên và sóng nhiệt ở đại dương có thể là thủ phạm chính.
Nhờ những nỗ lực bảo tồn và việc chấm dứt săn bắt cá voi thương mại vào năm 1976, quần thể cá voi lưng gù tại khu vực này đã tăng đều đặn cho đến năm 2012. Tuy nhiên, trong chưa đầy một thập kỷ qua, số lượng cá voi đã giảm khoảng 20%.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Royal Society Open Science cho biết, 75 nhà khoa học đã biên soạn bộ dữ liệu nhận dạng hình ảnh để theo dõi quần thể cá lưng gù ở khu vực Bắc Thái Bình Dương trong giai đoạn 2002 – 2021. Nhóm nghiên cứu này đã ghi lại được khoảng 200.000 lần xuất hiện của 33.000 cá thể.
Qua nghiên cứu, quần thể cá voi lưng gù đã tăng đều đặn cho đến năm 2012, sau đó đã chứng kiến sự sụt giảm số lượng mạnh mẽ. Cụ thể, trong khoảng chưa đầy một thập kỷ từ năm 2012-2021, số lượng cá thể cá voi lưng gù đã giảm 20%, từ khoảng 33.000 con xuống chỉ còn hơn 26.600 con.
Từ năm 2014 cho đến năm 2016, đợt nắng nóng mạnh và dài nhất từng được ghi nhận đã tàn phá vùng Đông Bắc Thái Bình Dương, với nhiệt độ bất thường đôi khi vượt quá mức trung bình từ 3-6 độ C, làm thay đổi hệ sinh thái biển cũng như làm đứt gẫy chuỗi thức ăn của loài cá voi lưng gù.
Ông Ted Cheesemen, tác giả nghiên cứu tại đại học Southern Cross (Australia) cho biết đã số lượng cá voi bị chết đói đã vượt quá ước tính ban đầu của nhóm. Theo ông việc số lượng biến động là điều bình thường, ngay cả ở những quần thể khỏe mạnh, tuy nhiên sự suy giảm đột ngột như vậy đối với những loài sống lâu cho thấy sự rối loạn nghiêm trọng ở các đại dương.
Theo ông Cheeseman, với trường hợp này, nhiệt độ cực cao ở biển thực sự đã làm giảm ngưỡng chịu đựng của loài cá voi lưng gù. Việc loài này không thể thay đổi chế độ ăn vốn đã linh hoạt của chúng là một dấu hiệu rõ ràng về hiện trạng của đại dương. Ông lưu ý, không chỉ cá voi lưng gù mà một số loài sinh vật biển khác như cá nóc, sư tử biển hay hải cẩu cũng đang chứng kiến sự sụt giảm về số lượng do thiếu thức ăn. Vì vậy, công tác bảo tồn ngày nay còn phải gắn liền với hành động đối phó biến đổi khí hậu.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, các đợt nắng nóng trên biển – vốn đã xảy ra thường xuyên với mức độ dữ dội hơn – được dự đoán sẽ gia tăng trên toàn cầu trong suốt thế kỷ này.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị