Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/12/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/12/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 27/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tổng kết công tác năm 2023
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ: Tổng cục Khí tượng thuỷ văn; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Quản lý Tài nguyên nước; Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất Việt Nam; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Vụ Môi trường; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Khoa học – Công nghệ; Vụ Hợp tác quốc tế; Thanh tra Bộ cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (KSONMT). Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm điều hành Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức cho biết: Trong năm 2023, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các đơn vị liên quan, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, năm 2023, cục đã tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; đang trình 2 Quyết định về Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030…
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được triển khai đồng bộ, có lộ trình phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế liên tục tăng, tỷ lệ phải chôn lấp giảm. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị năm 2023 ước đạt khoảng 95%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012). Tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả đạt được của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong năm 2023.
Bộ trưởng cho biết, với 9 lĩnh vực và 25 nhiệm vụ được giao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, do đó đề nghị toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của cục cần tiếp tục phát huy những phẩm chất vốn có; vai trò của người đứng đầu sẽ phải toàn diện hơn, tiếp tục phối hợp với các đơn vị của bộ cũng như các địa phương để thực hiện nhiệm vụ theo đúng với tên gọi “kiểm soát ô nhiễm môi trường”.
Bộ trưởng yêu cầu cục tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân lực, có khen thưởng, xử phạt rõ ràng, đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc, tạo điều kiện để các nguồn nhân lực chất lượng cao phát huy năng lực. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chuẩn bị được đầy đủ các điều kiện cần thiết cho các địa phương triển khai theo đúng yêu cầu Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Cục cần chú trọng hơn nữa công tác phổ biến pháp luật chính sách để người dân thay đổi ý thức bảo vệ môi trường. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phối hợp với các địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể, hiệu quả gắn với sản phẩm; tiếp tục đổi mới sáng tạo để có nhiều kết quả xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Phú Bình (Thái Nguyên) tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn huyện Phú Bình đã và đang có nhiều công trình, dự án được triển khai, nhu cầu về đất san lấp tăng cao nên xuất hiện tình trạng khai thác trái phép loại khoáng sản này tại địa phương. Trước thực tế trên, UBND huyện đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản.
Thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Phú Bình đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành; đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động khoáng sản trái phép; tổ chức cho chủ tịch UBND 20 xã, thị trấn ký cam kết về thực hiện trách nhiệm trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, môi trường.
Riêng năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện trên 30 đợt kiểm tra. Qua đó, Tổ công tác liên ngành của huyện và UBND các xã đã phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định; yêu cầu các đối tượng dừng khai thác và xử lý theo thẩm quyền. Trong đó, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 1 trường hợp với số tiền 49 triệu đồng; chỉ đạo, bàn giao UBND cấp xã xử phạt theo thẩm quyền 74 vụ việc, với số tiền 282 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Sử dụng đất sai mục đích; hủy hoại đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép…
Cùng với công tác kiểm tra, UBND huyện quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về hoạt động tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đến người dân. Việc tổ chức tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: Thông tin trên hệ thống loa, đài phát thanh của huyện; lồng ghép tại các hội nghị phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý tài nguyên khoáng sản cho cán bộ cấp huyện, xã.
Ngoài các giải pháp trên, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát quy hoạch các điểm mỏ khoáng sản (cát, sỏi, đất san lấp) trên địa bàn, nhằm kịp thời bổ sung quy hoạch các điểm mỏ theo đúng quy định; đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên vật liệu xây dựng thông thường; phù hợp với quy hoạch khoáng sản của cả nước.
Riêng trong năm 2023, UBND huyện đã rà soát, quy hoạch 9 điểm mỏ đất với tổng diện tích 154,39ha, gồm: Mỏ đất san lấp khu vực xã Bàn Đạt, Tân Khánh với diện tích 22,07ha; mỏ đất san lấp khu vực xã Bảo Lý, Tân Thành, Tân Hòa với diện tích 32,33ha; mỏ đất xóm Hòa Lâm, xã Tân Thành với diện tích 20,02ha; mỏ đất xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành với diện tích 20ha… Hiện, UBND huyện đang đề nghị cấp có thẩm quyền thẩm định phê quyệt quy hoạch để đảm bảo nguồn đất san lấp trên địa bàn.
Từ các giải pháp nêu trên, đến nay, hoạt động khai thác đất san lấp trái phép trên địa bàn huyện đã dần đi vào nền nếp và được quản lý theo quy định. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường các giải pháp trong quản lý tài nguyên khoáng sản; công bố công khai quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn huyện.
Quảng Trị: Tăng cường công tác cấp giấy phép môi trường
Để triển khai những quy định mới về cấp phép môi trường, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-UBND ngày 8/3/2022 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính thay thế; thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, các cơ quan chức năng phải cấp phép môi trường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; trong thời hạn 15 ngày đối với các dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.
Dự án đầu tư, cơ sở đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và đáp ứng các yêu cầu sau: không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không thuộc trường hợp phải quan trắc khí thải tự động, liên tục, quan trắc định kỳ theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Đối với các dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ sản xuất (trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường); dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có thay đổi số lượng nguồn phát sinh nước thải, bụi, khí thải làm phát sinh các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, phát sinh thêm thông số ô nhiễm mới vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải.
Tăng lưu lượng nước thải, bụi, khí thải làm gia tăng hàm lượng các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng mức độ ô nhiễm tiếng ồn, độ rung; thay đổi nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải vào nguồn nước có yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Việc cấp lại giấy phép môi trường phải thực hiện trong thời gian là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 15/4/2022, trong đó quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép môi trường do UBND tỉnh, UBND huyện cấp phép.
Cụ thể, phí thẩm định cấp, cấp lại giấy phép môi trường cấp tỉnh có mức phí là 2,2-10,4 triệu đồng/giấy phép; điều chỉnh giấy phép bằng 50% mức phí cấp giấy phép môi trường. Phí thẩm định cấp, cấp lại giấy phép môi trường cấp huyện có mức phí là 2,2-5,6 triệu đồng/giấy phép; điều chỉnh giấy phép bằng 50% mức phí cấp giấy phép môi trường…
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp, địa phương thực hiện lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường theo đúng quy định. Trình UBND tỉnh ban hành quy trình xử lý nội bộ nhằm giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép môi trường; tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
Có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương, đơn vị cử chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực chuyên môn liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cấp giấy phép môi trường.
Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thẩm định 58 hồ sơ đề xuất cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền UBND tỉnh, trong đó đã trình UBND tỉnh cấp phép cho 48 cơ sở sản xuất, dự án đầu tư. Tất cả các hồ sơ cấp giấy phép môi trường đều được tiếp nhận, thẩm định và cấp phép theo đúng trình tự, đảm bảo thời gian.
Việc nhanh chóng triển khai các quy trình, quy định về cấp giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm bảo đảm các cơ sở trước khi đi vào vận hành, hoạt động phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý giấy phép môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng giấy phép môi trường.
Sóc Trăng: Quản lý khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản
Ngày 27/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, giai đoạn 2021 – 2023 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Sóc Trăng có tổng số 999 tàu cá khai thác thủy sản trên biển, trong đó có 341 tàu có chiều dài 15m trở lên khai thác xa bờ; tổng số lao động hoạt động nghề cá toàn tỉnh khoảng 307.695 người. Để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, trong các năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tuyên truyền đến người dân về các loài sinh vật ngoại lai; triển khai các mô hình nuôi thủy sản như: trồng lúa – nuôi cá; mô hình nuôi cá đăng quầng… Để khai thác thủy sản bền vững, ngành Nông nghiệp đã tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển vùng nội đồng 300 lượt, phát hiện vi phạm 81 trường hợp, xử phạt hành chính 96 trường hợp, với số tiền hơn 164 triệu đồng; vận động người dân giao nộp 80 bình ắc quy, 360 bộ xung điện, nhắc nhở 810 tàu cá tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản trên biển. Về tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức thả 4,8 triệu giống tôm sú, 330.000 con cua biển và trên 217.450 con cá giống nước ngọt. Về công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đã tổ chức 330 lớp tuyên truyền, với 10.323 người dự, cấp phát 6.627 tài liệu các loại; tuyên truyền 11.018 lượt tàu cá rời cảng, cập cảng…
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, để hoạt động quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng phát triển hơn trong những năm tới, các sở, ban ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt các giải pháp cơ bản, đó là: từng bước loại bỏ và cấm triệt để các nghề khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con ngư dân, mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thông qua số điện thoại đường dây nóng 18001034. Các địa phương và ngành chức năng tăng cường hoạt động, kiểm tra, kiểm soát khai thác thủy sản. Tổ chức thanh tra chuyên ngành thủy sản. Tăng cường phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 140/KH-UBND, ngày 10/9/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng về thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn…
Cần Thơ: Cần xử lý nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi
Chiều ngày 26/12, tại buổi “Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong công tác giữ gìn cảnh quan môi trường và quản lý chất thải rắn, nước thải sản xuất và sinh hoạt”, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã đưa ra đề xuất về việc phải xử phạt răn đe đối với những hành vi vứt rác bừa bãi của người dân thiếu ý thức.
Theo báo cáo của UBND thành phố, công tác bảo vệ môi trường thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực với việc thu gom và xử lý khoảng 248 ngàn tấn, trung bình khoảng 680 tấn/ngày, rác thải thu gom được vận chuyển đến nhà máy xử lý rác tại huyện Thới Lai và Cờ Đỏ để tiến hành xử lý năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực gặp khó khăn trong việc quản lý rác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và cảnh quan đô thị.
Đại diện Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cũng đề nghị UBND thành phố sớm quan tâm công tác bảo vệ môi trường, trong đó có giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đông Thắng; đồng thời có giải pháp xử lý 700.000 tấn rác chôn lấp, chưa được xử lý… UBND thành phố cần đầu tư các điểm tập kết và các trạm trung chuyển rác thải để đảm bảo mỹ quan thành phố.
Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường
Vì vậy, việc tăng cường vai trò của các TCXH trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Môi trường là nơi con người sinh sống và tồn tại, phát triển về mọi mặt như tinh thần, vật chất và tâm lý. Môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người và các động thực vật xung quanh. Để sống và làm việc, chúng ta cần một không gian sống, cung cấp những tài nguyên cần thiết cho việc sản xuất, phát triển kinh tế, các nhu cầu khác của con người… Và con người đang trực tiếp làm ảnh hưởng đến môi trường sống của mình qua các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Tài nguyên thiên nhiên bao gồm các tài nguyên có thể tái tạo (vô hạn) và các tài nguyên không có khả năng tái tạo (hữu hạn) có tác dụng phục vụ cuộc sống con người và các sinh vật xung quanh nhằm cân bằng hệ sinh thái. Nguồn tài nguyên càng dồi dào sẽ cung cấp phần lớn hoạt động sống của con người như: cung cấp nơi ở, thức ăn, tư liệu sản xuất, trao đổi buôn bán nhằm phục vụ mục đích kinh tế. Tài nguyên thiên nhiên xuất hiện xung quanh môi trường sống của con người, có trong sinh quyển, khí quyển, thủy quyển và thạch quyển. Cho tới khi con người có thể tìm ra các nguồn tài nguyên từ các hành tinh khác để phục vụ cho đời sống thì trái đất là nơi duy nhất mà con người có thể khai thác tài nguyên.
Với đà tăng trưởng dân số hàng năm kèm theo sự phát triển về khoa học kỹ thuật ngày càng vượt bậc thì nguồn tài nguyên sẽ càng bị hao tổn nhiều, kèm theo đó các loại khoáng sản sẽ cạn kiệt theo giới gian. Vì vậy, Nhà nước và các chủ thể quản lý xã hội về môi trường cần sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách phù hợp, hiệu quả, đồng thời có kế hoạch tái tạo nguồn tài nguyên nhằm phục vụ cho cuộc sống và định hướng các cá nhân có ý thức bảo vệ và sử dụng tài nguyên hợp lý.
Trong một xã hội đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa hàng loạt cộng với việc dân số tăng mạnh sẽ tỷ lệ thuật với lượng chất thải đẩy ra môi trường, từ đó môi trường sẽ không kịp phân hủy chất thải dẫn đến việc quá mức chịu tải của môi trường. Do đó, quản lý xã hội về môi trường cần phát huy vai trò của mình nhằm giảm thiểu và quản lý chất thải, có những chính sách hợp lý để bảo vệ môi trường sống của con người cũng như những sinh vật xung quanh, cân bằng hệ sinh thái.
Những năm gần đây, môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước vì nó có tầm quan trọng đặc biệt và không thể thiếu cho sự tồn tại của con người, sự phát triển về kinh tế, văn hóa. Môi trường bị biến đổi sẽ gây ra vấn đề nguy hiểm đến con người, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, môi trường đang bị tàn phá nặng nề, ô nhiễm trầm trọng do hoạt động sản xuất của con người.
Con người hủy hoại môi trường sống nhằm mục đích phát triển kinh tế, điều này sẽ dẫn đến sự biến đối của môi trường kèm theo rất nhiều hệ lụy nguy hiểm như: hạn hán, lũ lụt… được gọi chung là thiên tai; những vấn đề này ngày càng xảy ra một cách thường nguyên và mức độ nguy hiểm cũng theo đó mà tăng vọt. Ảnh hưởng về môi trường của một quốc gia không gói gọn sự ảnh hưởng của nó trong quốc gia đó mà nó còn trực tiếp làm ảnh hưởng đến các khu vực lân cận. Các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường thường xuyên cảnh bảo những mối đe dọa, những thảm họa mà con người sẽ phải gánh chịu nếu thường xuyên tàn phá môi trường. Chính vì vậy, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội mang ý nghĩa và tầm vóc hết sức quan trọng.
Hiện nay, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững ở nhiều quốc gia. Các tổ chức xã hội không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng mà còn giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường. Vì vậy, cần tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, cần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho cộng đồng và toàn xã hội. Đặc biệt, cần khuyến khích các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động theo dõi, phát hiện, tố giác sai phạm về pháp luật bảo vệ môi trường, cũng như quá trình thực thi, giám sát chính sách và thực hành quyền môi trường.
Đồng thời, tăng cường sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sự phối hợp trong nội bộ các tổ chức xã hội; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong hoạt động tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, giám sát thực thi pháp luật.
Côn Đảo: Giải cứu rùa biển xanh mắc cạn
Sáng 27-12, trong lúc dạo chơi tại khu vực bãi biển Mũi Lò Vôi (đoạn gần nghĩa trang Hàng Keo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) hai du khách (trong đó có một du khách người Thụy Điển) đã phát hiện một cá thể rùa biển bị mắc cạn trên bãi cát.
Nhận được thông tin, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo đã khẩn trương chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm xuống giải cứu cá thể rùa xanh bị mắc cạn và thả về biển.
Theo anh Nguyễn Thái Hậu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, cá thể rùa xanh quý hiếm bị mắc cạn tại khu vực bãi biển mũi Lò Vôi, huyện Côn Đảo có tên khoa học là Chelonia mydas, là giống đực. Nguyên nhân bị mắc cạn có thể là do trong lúc đi tìm thức ăn, rùa bơi vào sát bờ, sau đó thủy triều rút nhanh nên không kịp bơi ra biển và bị mắc cạn.
May mắn nhờ có sự phản ứng nhanh nhạy của du khách, khả năng xử lý chuyên nghiệp của lực lượng Kiểm lâm Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, nên cá thể rùa rùa xanh đã được cứu và thả về đại dương một cách an toàn, khỏe mạnh.
Theo thống kê, hàng năm, các bãi biển tại Côn Đảo là nơi có số lượng rùa biển về làm tổ, đẻ trứng nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng 80%. Riêng năm 2023, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ, di dời thành công 2.262 tổ trứng rùa với 212.644 trứng; ấp nở và thả về biển có kiểm soát 166.168 cá thể rùa con; tổ chức bấm thẻ theo dõi 392 cá thể rùa mẹ lên các bãi biển thuộc vùng biển Côn Đảo để làm tổ đẻ trứng.
Ngoài ra, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo còn phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort tiếp tục triển khai thực hiện phương án phục hồi và bảo tồn bãi đẻ rùa biển tại bãi Đất Dốc huyện Côn Đảo. Trong năm 2023, hai bên đã di dời về hồ ấp trứng rùa biển bãi Đất Dốc 110 tổ với tổng số 7.454 trứng; ấp nở và thả về biển 6.644 cá thể rùa con, tỷ lệ nở đạt 89,13%.
Hoạt động bảo tồn rùa biển là một thành công nổi bật của Vườn Quốc gia Côn Đảo, đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn loài sinh vật biển nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, các điểm bảo tồn rùa biển đang trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, qua đó góp phần kích cầu phát triển kinh tế địa phương.
TP.HCM chỉ đạo về thực hiện công tác vệ sinh phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024
Theo đó, đối với ngành vệ sinh môi trường của TP cho phép toàn ngành vệ sinh làm việc cả ngày lẫn đêm và các phương tiện chuyên dụng được lưu thông trong thời gian cao điểm từ ngày 7 đến hết ngày 14/2/2024 (tức từ ngày 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết) để tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), chất thải rắn xây dựng (CTRXD) trên toàn địa bàn TP; đặc biệt là đối với đường hoa Nguyễn Huệ và các nơi tổ chức lễ hội pháo hoa vào ngày giao thừa (nếu có).
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải quan tâm, chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi và an toàn nhất cho đội ngũ công nhân để an tâm làm việc. Các phương tiện chuyên dụng phải đảm bảo chất lượng vệ sinh, không để phát sinh tình trạng rơi vãi CTRSH và nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động thu gom, vận chuyển.
Các đơn vị trong ngành vệ sinh được nghỉ các ngày 10, 11/2/2024 (tức mùng 1, 2 Tết). Tuy nhiên, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phải chủ trì, phối hợp các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện việc bố trí đủ số lượng nhân sự, phương tiện chuyên dụng phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương để duy trì công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển CTRSH tại các tuyến đường chính trên địa bàn nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh, mỹ quan đô thị của TP trong những ngày đầu xuân.
UBND TP cho phép xe xúc hoạt động tại một số điểm tập trung CTRSH đổ thành đống lớn trên các tuyến đường của TP. Đồng thời giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động quyết định việc sử dụng xe xúc để phục vụ cho công tác duy trì chất lượng vệ sinh đô thị trên các tuyến đường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị