Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/11/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/11/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 27/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Quốc hội chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Chiều nay, 27/11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, ngày 26/10, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ngay sau phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (khoản 2 Điều 4); khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6)…
Dự thảo Luật cũng được điều chỉnh theo hướng ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước (khoản 1 Điều 39); khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 1 Điều 39), đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39)….
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 Chương Bảo vệ và phục hồi nguồn nước bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu với sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).
Ngoài các vấn đề nêu trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn phong, kỹ thuật văn bản dự thảo Luật.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 Chương, 86 Điều, bổ sung 7 Điều, bỏ 4 Điều, tăng 3 Điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội./.
Cháy hàng nghìn m2 rừng trồng do đốt nương ở Yên Bái
Tin trên Tiền Phong, ngày 26/11, theo thông tin từ UBND huyện Yên Bình, đơn vị vừa dập tắt đám cháy rừng trồng sản xuất tại khu vực khe Nà Định, thôn Nà Đình, xã Ngọc Chấn.
Theo cơ quan chức năng, vào khoảng 14h ngày 25/11, gia đình ông Phan Văn Minh (ở thôn Thái Y, xã Ngọc Chấn) khai thác gỗ rừng trồng tại diện tích đất do hộ gia đình canh tác tại khu vực khe Nà Định, thôn Nà Đình. Sau khai thác, gia đình dọn thực bì, đốt nương để trồng mới.
Do gia đình chủ quan đã để xảy ra cháy. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương huy động các lực lượng và nhân dân tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do đám cháy rộng, vị trí khó tiếp cận, có nguy cơ rất cao phát sinh lan rộng sang diện tích rừng của các xã lân cận (Cảm Nhân, Xuân Long của huyện Yên Bình), đơn vị báo cáo về huyện đề nghị chi viện.
Ngay khi nhận tin báo, huyện Yên Bình huy động tối đa các lực lượng, phương tiện hỗ trợ chữa cháy khẩn cấp. Đến 22h30 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Theo thống kê, diện tích rừng sản xuất tại khu vực khe Nà Định, thôn Nà Đình, xã Ngọc Chấn bị cháy khoảng 7.000 m2.
Sau khi đám cháy được dập tắt, huyện Yên Bình chỉ đạo xã Ngọc Chấn, Hạt Kiểm Lâm, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và gia đình ông Phan Văn Minh báo cáo tình hình thiệt hại; đề xuất các biện pháp khắc phục, loại cây trồng thay thế.
Trung tâm Y tế Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn quan tâm xử lý rác thải y tế
Trung bình mỗi ngày TTYT huyện Bạch Thông tiếp nhận và điều trị nội trú hàng trăm bệnh nhân, do đó lượng rác thải y tế rất lớn. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, hằng năm Trung tâm đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai xuống tất cả các khoa, phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nghiêm việc thu gom, xử lý rác thải và được phân loại ngay tại nơi phát sinh, bảo đảm việc xử lý rác thải theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Thường xuyên cắt cử nhân viên y tế kiểm tra định kỳ, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng; ký cam kết thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong toàn đơn vị. Đối với nước thải bệnh viện, hiện đang được xử lý bằng dây chuyền công nghệ sinh học, công suất đạt 39,52m3/ngày đêm, hệ thống xử lý đảm bảo lọc sạch trước khi thải ra môi trường.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, do hệ thống xử lý chất thải rắn của Trung tâm xuống cấp không thể thực hiện việc nghiền các loại chai lọ thủy tinh, nên Trung tâm đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Phú Minh Vina (Phù Ninh- Phú Thọ) để xử các loại rác thải nguy hại và chai lọ thuỷ tinh. Đối với công tác môi trường, Trung tâm thực hiện giám sát quan trắc định kỳ nước thải, khí thải mỗi năm 04 lần và giám sát môi trường xung quanh 02 lần/năm, thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn hoá chất và an toàn bức xạ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Y tế huyện đã thu gom, xử lý 545kg chất thải rắn y tế các loại; trong đó có 130kg chất thải nguy hại lây nhiễm; các trạm y tế thu gom 9.315kg chất thải rắn y tế thông thường và thu gom xử lý 87,7kg chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm; 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đúng quy định.
Bác sĩ, CKII Vi Thế Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông cho biết: Trung tâm tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét và đã được chấp thuận đầu tư hơn 8,2 tỷ đồng, để xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Lai Châu: Tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH cho lực lượng công an
Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên đã phổ biến những nội dung như: Vai trò, trách nhiệm của Công an xã trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác Công an đặc biệt là Công an xã; hướng dẫn nhận biết các dấu hiệu, biện pháp ứng phó khẩn câp khi có thiên tai, bão lũ, sạt lở; phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ nhân dân sơ tán, cấp cứu.
Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai về công tác môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại đơn vị và địa phương; một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, liên quan đến công tác Công an; các quy định về công tác đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; các quy định về thu gom phân loại rác thải tại nguồn, trách nhiệm của lực lượng Công an; mô hình trụ sở xanh, sử dụng năng lượng sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường…Các học viên lớp tập huấn được hướng dẫn cách triển khai các quy định về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các học viên cũng được giới thiệu một số mô hình có thể áp dụng trong các đơn vị Công an góp phần tiết kiệm, đem lại lợi ích kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Thái Nguyên: 131 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực
Mới đây, ngày 31/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp các nhiệm vụ được giao để tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện đạt mục tiêu, hiệu quả kiểm soát chặt chẽ hoạt động khoáng sản, không để xảy ra sai phạm, thất thoát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác cấp phép, quản lý hoạt động khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; có cơ chế giám sát trách nhiệm, quyền lực của cá nhân, bộ phận tổ chức thực hiện trong từng khâu, từng vị trí tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực để chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép, đầu cơ, nâng giá, tạo khan hiếm giá vật liệu xây dựng thông thường ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Để công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường được tốt, ngày 23/11, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức ký cam kết về trách nhiệm của lãnh đạo các Sở, ngành và chủ doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh dưới sự chứng kiến của ông Lê Quang Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên
Thời gian tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu cần thực hiện nghiêm đúng trách nhiệm quy định tại Luật Khoáng sản, tiếp tục rà soát, ban hành văn bản thông báo, yêu cầu các chủ giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực hoặc sẽ hết hạn nhưng không còn hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, khu vực một số điểm mỏ khi giấy phép hết hiệu lực sẽ không gia hạn giấy phép.
Lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với các đơn vị không thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ theo quy định; trường hợp đơn vị không chấp hành việc nộp phạt thì tham mưu cho cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Triều cường ở TP.HCM có khả năng đạt đỉnh vào ngày mai
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai tiếp tục lên theo kỳ triều cường Rằm tháng Mười Âm lịch.
Theo dự báo, đỉnh triều cường đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 28 đến 30-11 (tức 15 đến 17-10 Âm lịch).
Cụ thể, tại Trạm Phú An và Nhà Bè khoảng 1,55-1,60 m ở mức xấp xỉ hoặc dưới báo động III khoảng 0,05 m. Tại Trạm Thủ Dầu I ở khoảng 1,67-1,73 m trên mức báo động III từ 0,07-0,13 m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều cường từ 4-7 giờ và 17-19 giờ.
Theo dự báo đây là kỳ triều cường cao cần đề phòng ngập úng những vùng trũng thấp và ven sông. Một số tuyến đường có khả năng bị ngập như đường Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu (các khu vực ngập tập trung nhiều tại quận 7 và huyện Nhà Bè).
Tương tự, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục lên theo kỳ triều cường Rằm tháng Mười Âm lịch.
Cụ thể, tại Trạm Mỹ Thuận có thể lên ở mức 1,75-1,80 m (xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động III 0,05 m). Trạm Cần Thơ ở mức 1,85-1,90 m xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động III 0,05 m).
Các trạm vùng ven biển có thể lên ở mức báo động I đến báo động II. Riêng trạm Gành Hào ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động III 0,10 m.
“Đây là đợt triều cường cao, cần đề phòng ngập úng những vùng trũng thấp và ven sông”- Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cảnh báo.
Từ nay đến cuối năm, Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn (KTTV) quốc gia nhận định: “Từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mùa đông năm 2023-2024, không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm. Rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm”.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, bão/ATNĐ, gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Ngoài ra, hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho biết: “Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm”.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia dự báo từ đêm 26/11 đến 28/11 như sau: Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng trời rét.
Khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa, mưa rào rải rác trong đêm 26/11, sau có mưa vài nơi. Đêm và sáng trời rét; Khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa: có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to trong đêm 26/11, sau có mưa rào rải rác. Từ ngày 28/11 có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng; Các khu vực khác có mưa rào và dông vài nơi, riêng Nam Bộ chiều tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Nhận định thời tiết các khu vực từ đêm 28/11 đến 6/12: Trung Bộ: Từ ngày 30/11-5/12, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa vừa, cục bộ có mưa to và dông; Tây Nguyên và Nam Bộ: từ ngày 30/11-05/12 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị