Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/12/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/12/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 25/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Thủ tướng yêu cầu bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo.
Công điện nêu: Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét đậm, rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, rét đậm, rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới; nền nhiệt tiếp tục xuống thấp cùng với mưa phùn, độ ẩm cao và nguồn thức ăn khan hiếm sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, sức đề kháng và sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người dân, đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân (không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người); phòng, chống cháy nổ khi sưởi ấm; đặc biệt chú ý chống rét và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác cho người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế… Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; kịp thời tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, nhất là các xã vùng cao để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho nhân dân, cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động, phổ biến cho nhân dân các phương pháp, kỹ năng phòng, chống rét an toàn, hiệu quả, nhất là cho người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em… Những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Đồng thời, vận động người dân chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc, đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông – Xuân.
c) Chủ động bố trí ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; kịp thời hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống, nhất là mạ xuân và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng.
d) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng thiệt hại về người và cây trồng, vật nuôi bị chết nhiều do chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống đói, rét (nhất là rét đậm, rét hại), dịch bệnh cho người dân và cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục, đào tạo việc nghỉ học của học sinh khi có rét đậm, rét hại và các diễn biến bất thường khác do giá rét…
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông – Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết.
4. Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông truyền tải đến người dân biết và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với rét đậm, rét hại, băng giá.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương cũng như địa phương cần dành thời lượng, khung giờ hợp lý, có biện pháp tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về các phương pháp, kỹ năng phòng, chống rét cho người và gia súc, gia cầm, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp…
7. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến rét đậm, rét hại, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
8. Giao đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo, theo dõi; Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, báo cáo Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hội LHPN P.Trần Phú, TP. Bắc Giang hưởng ứng phong trào “Ngày chủ nhật xanh”
6h sáng, các thành viên của Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố (TDP) Đàm Thuận Huy đã tập trung trên con đường đê để bắt đầu “Ngày Chủ nhật Xanh” quen thuộc. Người mang cuốc, người mang xẻng, liềm, chổi… sẵn sàng dọn sạch rác thải, cỏ dại trên đường.
“Cứ đến ngày Chủ nhật, không chỉ có hội phụ nữ mà các tổ liên gia, mọi người, mọi nhà đều ra quân, dọn dẹp ngay tại đường phố dân sinh, ngay cổng, ngõ nhà mình”, bà Phùng Thị Tiến – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ TDP Đàm Thuận Huy chia sẻ.
Là Chi hội trưởng, bà Tiến luôn tích cực tuyên truyền, kêu gọi các hội viên tham gia các hoạt động vì môi trường. Cứ tối thứ Bảy hàng tuần, bà lại thông báo lịch dọn dẹp, vệ sinh đường phố qua Zalo. Sáng hôm sau, các thành viên cứ theo kế hoạch mà tập trung và thực hiện.
Trước mỗi buổi vệ sinh, dọn dẹp là bài tập dân vũ khởi động, gia tăng sức khỏe và tạo không khí hứng khởi cho các hội viên. Khởi động xong, các bà, các chị tiến hành ngay công việc quét dọn rác thải, cỏ dại. Không chỉ các hội viên Hội Phụ nữ mà các ông, các bác, người dân trên địa bàn đều hưởng ứng, chung tay cùng bảo vệ môi trường.
Bà Phùng Thị Tiến cho biết: trước đây con đường đê này cỏ mọc um tùm kín cả lối đi, vật nuôi thả rông phóng uế, rác thải tồn đọng bừa bãi… làm người dân, đặc biệt là các em học sinh đi qua đây vào ban đêm đều rất sợ. Từ khi có hoạt động “Ngày Chủ nhật Xanh”, Chi hội Phụ nữ đã tiến hành dọn dẹp sạch sẽ bờ đê, người dân cũng nhờ vậy mà có ý thức hơn, không còn tình trạng đổ rác, chất thải bừa bãi.
Cùng trong “Ngày Chủ nhật xanh”, các Chi hội Phụ nữ khác tại phường Trần Phú cũng sôi nổi với hoạt động quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Tại tổ dân phố Hoàng Hoa Thám, từ sáng sớm đã vang lên tiếng nhạc của bài tập dân vũ. Các cô, các bác với đồng phục xanh nhanh chóng tập trung vệ sinh, quét dọn. Người cầm chổi, người hốt rác luân phiên chẳng mấy chốc mà đã hết con đường trước nhà văn hóa và vườn hoa quanh hồ Công viên do chính Chi hội Hoàng Hoa Thám vun trồng, chăm sóc.
Hoạt động vì môi trường của Hội LHPN phường Trần Phú có sức lan tỏa lớn đến nhân dân trên địa bàn. Theo chị Đặng Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường Trần Phú, ban đầu có một số người dân chỉ đứng xem. Nhưng khi thấy hội viên phụ nữ thường xuyên duy trì thực hiện nội dung này, họ cũng bắt đầu cầm chổi và tham gia cùng hoạt động chung. Ngoài hội viên của hội phụ nữ ra thì có rất nhiều nhân dân sáng Chủ nhật cũng cố gắng dậy thật sớm để đi ra cùng dọn dẹp đường phố, vệ sinh môi trường.
“Ngày Chủ nhật Xanh” được bắt đầu thực hiện từ khi Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Giang phát động phong trào vệ sinh môi trường. Sau gần 2 năm thực hiện chiến dịch, Hội LHPN phường Trần Phú đã góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực về môi trường. “Hiện nay trên địa bàn phường đã không còn tình trạng tồn đọng rác thải, các tuyến phố nhờ vậy mà sạch sẽ, phong quang, ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh chung cũng được nâng cao”, chị Đặng Thị Phương chia sẻ.
Hoạt động của Hội phụ nữ mỗi sáng Chủ nhật chỉ diễn ra trong thời gian từ 6 – 8 giờ sáng để không ảnh hưởng đến công việc gia đình của các hội viên. Tuy nhiên thời gian đó cũng đủ để tập thể cùng góp sức cho môi trường xanh, sạch đẹp, bên cạnh đó là tăng cường giao lưu, gắn kết trong hội. “Trước đây các cô, các bà còn khá rụt rè, nhưng từ khi thực hiện “Ngày Chủ nhật Xanh” với hoạt động dân vũ và dọn dẹp, vệ sinh môi trường, các hội viên đã tự tin hơn, nhiệt huyết với hoạt động của hội hơn, đặc biệt là tăng tinh thần đoàn kết giữa các hội viên”, chị Đoàn Thị Phương chia sẻ.
Ngoài hoạt động vệ sinh môi trường, Hội LHPN phường Trần Phú cũng tích cực tuyên truyền Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 – 2025”. Sau 2 năm, phường Trần Phú đã thành lập 7 CLB, mô hình “Phụ nữ thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định” với 225 thành viên.
100% hội viên phụ nữ tham gia triển khai phân loại rác thải tại nguồn, thu gom phế liệu tái chế tại gia đình và vận động người thân, hàng xóm cùng thực hiện. Mỗi chi hội phụ nữ đều có một điểm tập kết rác tái chế. Số tiền từ việc bán phế liệu sẽ được dùng để tổ chức các chương trình tuyên truyền về môi trường và các hoạt động xã hội khác, đặc biệt là hỗ trợ trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Đặng Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường Trần Phú chia sẻ: “Mục đích khi thực hiện đề án thu gom, phân loại rác thải là thay đổi cái thói quen phân loại rác trong các hội viên. Thứ hai là giảm thiểu cái lượng rác thải ra môi trường và cái thứ ba là tận dụng nguồn lợi kinh tế từ rác tái chế để giúp cho phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn trên địa bàn phường”.
Tính đến nay, từ nguồn tiền thu được từ bán phế liệu, Hội LHPN phường Trần Phú đã tổ chức trao quà cho hơn 100 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, những người mẹ, người vợ liệt sĩ hay những hội viên phụ nữ cao tuổi.
Trong năm vừa rồi, Hội LHPN phường cũng đã tổ chức “Phụ nữ đồng hành sát cánh cùng con”, trao tặng quà cho 46 cháu trẻ mồ côi là con em trên địa bàn với mức tổng trị giá quà là 9.600.000 đồng. Hiện nay hội đã phát động một mô hình Ngôi nhà xanh đặt tại Trường Tiểu học Trần Phú để tiếp tục lan tỏa thông điệp xanh đến thế hệ mầm non của đất nước.
Với những kết quả đã đạt được, không chỉ về mặt môi trường mà còn có ý nghĩa nhân văn tích cực, hoạt động của Hội LHPN sẽ góp phần lan tỏa thói quen sống xanh đến cộng đồng. Mỗi người phụ nữ, không chỉ đóng vai trò là hội viên mà còn là một “sứ giả” vì môi trường ở chính gia đình, khu vực của mình.
Ông Thân Quý Bình, Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho biết: “Địa phương giữ quan điểm là sẽ lan tỏa Ngày Chủ nhật Xanh này. Sự nhiệt tình của các bà, các chị em phụ nữ sẽ góp phần giúp chúng tôi lan tỏa và trong tương lai, chúng tôi sẽ làm cho phong trào rộng hơn nữa, phát triển mạnh hơn nữa”.
Từ mô hình phụ nữ thu gom, tái chế rác thải tại các địa phương, nhận thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng ngày càng được nâng cao. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hoạt động nhằm thay đổi thói quen của người dân, góp phần xây dựng nếp sống xanh, sạch, đẹp.
Hải Phòng: Xuyên đêm làm sạch đẹp hè phố
Tối 24/12, đông đảo người dân Hải Phòng đã đổ về khu vực Quảng trường Nhà Hát lớn trung tâm Thành phố để đón Giáng sinh 2023.
Ngoài ra, Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng, Nhà thờ Giáo xứ Nam Pháp… cũng là những địa chỉ thu hút bà con công giáo và nhân dân đến dự lễ.
Đêm Giáng sinh dù diễn ra trong điều kiện thời tiết giá rét, song những người lao công ở Hải Phòng vẫn tập trung cao cho công việc, tích cực thu gom rác thải sinh hoạt, làm sạch đẹp đường phố, góp phần đem đến cho người dân một mùa Noel ý nghĩa.
Ghi nhận của phóng viên tối cùng ngày, tại khu vực bên ngoài chợ An Dương (quận Lê Chân), lượng rác thải lớn nhưng đã được người những công nhân môi trường chất gọn vào từng bao chờ đưa về điểm tập kết, xử lý.
Chị Nguyễn Thị Huyền (54 tuổi), công nhân Tổ thu gom rác thải Trại Cau cho biết, khối lượng rác những hôm cận ngày lễ, Tết bao giờ cũng lớn hơn ngày thường rất nhiều. Trong khi, yêu cầu công việc lại phải hoàn thành trước khi sự kiện bắt đầu. “Công việc của các chị vẫn đều đặn như thế, những ngày này việc có nhiều hơn, nặng nhọc hơn nhưng nhìn ngắm bà con được đi chơi trên những con đường sạch đẹp, chị cũng thấy ấm lòng”, chị Huyền vui vẻ nói.
Theo lời kể của chị Phạm Thị Liên, cùng tổ đội với chị Huyền thì thời tiết đêm Giáng sinh tuy lạnh giá song khá là dễ chịu với công việc của các chị. Thực tế, từng có nhiều đêm mưa bão kéo dài, những người lao công vẫn dầm mưa đẩy xe thu dọn rác thải, để sáng hôm sau, thành phố lại sạch đẹp đón ngày mới.
Yêu thành phố Cảng và mong muốn được làm đẹp cho quê hương, bởi vậy, gắn bó với nghề đã hơn 30 năm, đến nay sắp tới tuổi về hưu, chị Phạm Thị Liên lại cảm thấy lưu luyến với những con đường, góc phố. “Nhiều người dân đã quen với sự có mặt của chúng tôi ở khu phố của họ, khi tình cờ gặp, họ cũng chào hỏi thân thiện, vui vẻ lắm”, chị Liên nhớ lại.
Được biết, từ nay đến Tết Dương lịch, các đơn vị của công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng sẽ tập trung cao về cả nhân lực, vật lực để phục vụ tốt nhất người dân thành phố và du khách vui chơi, đón Tết.
TP.Thủ Đức: Tổ chức lễ ra quân “Ngày chủ nhật xanh”
Tại buổi lễ ra quân, các lực lượng tiến hành tổng vệ sinh, xoá các ụ rác thải tồn đọng, làm sạch các tuyến đường, tuyến hẻm, bóc gỡ, xoá quảng cáo sai quy định trên các trụ điện, mảng tường, phát quang bụi rậm không để tái lập hoặc phát sinh các điểm ô nhiễm mới. Thông qua hoạt động “Ngày chủ nhật xanh”, UBND phường gửi đi thông điệp tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, nâng cao ý thức tự giác, giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư, khu vực công cộng, cơ quan, đơn vị, trường học.
Sau đó, các lực lượng tiến hành tổng vệ sinh tại khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ Thủ Đức, các tuyến đường, con hẻm tại 5 khu phố trên địa bàn phường. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, được người dân đồng tình, tích cực tham gia.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị