Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/11/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/11/2023

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 24/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Cập nhật Tin tức mới nhất về áp thấp trên biển Đông’

Trong 24 giờ qua ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên và Nam Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ ngày 25/11 đến sáng ngày 26/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 150-250mm, vùng tâm mưa có nơi trên 400mm; khu vực Quảng Trị, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm; khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình và phía Đông của Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 30-50mm, có nơi trên 70mm.

Ngoài ra, tin thời tiết ngày và đêm 24/11 ở khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa dông tập trung chiều tối và đêm).

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Cảnh báo từ chiều ngày 26/11 đến sáng ngày 27/11, ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-150mm, có nơi trên 200mm. Phía Đông của Tây Nguyên có mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa 20-40, có nơi trên 70mm.

Theo Phó Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ông Vũ Tuấn Anh, vùng áp thấp trên biển Đông có xu hướng di chuyển theo hướng Tây và không loại trừ khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới. Người dân cần chú ý theo dõi các bản tin để cập nhật tin tức thời tiết mới nhất.

Tin thời tiết mới nhất hiện rãnh áp thấp ở phía Nam có trục ở khoảng 4-7 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp lúc 07h có vị trí ở vào khoảng 4,5-5,50N; 109,5-110,50E.

Ngày và đêm 24/11, vùng biển phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.

Ngày và đêm 25/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh. Vùng biển phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-5,0m, biển động mạnh.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường carbon

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định chuyển đổi Xanh là nguồn động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Các tiêu chuẩn “Xanh” đang được định hình và đẩy nhanh vào thực thi theo hướng gắn thương mại và đầu tư quốc tế với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, lao động và môi trường.

tm-img-alt
Các chuyên gia thảo luận về xây dựng thị trường carbon

Cùng với đó, các liên kết, sáng kiến mới gắn với lĩnh vực Xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam xác lập, không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị Xanh toàn cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh phát triển thị trường tài chính Xanh, trong đó then chốt là thị trường carbon, sẽ là chìa khóa cho chuyển đổi Xanh thành công.

Tuy nhiên sẽ không dễ dàng, nhất là với các nước đang phát triển chưa có các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn Xanh đồng bộ và chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tin tưởng các ý kiến tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích để các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chiến lược quan trọng về tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững, trong đó có lộ trình phát triển công cụ định giá carbon, nhất là thị trường carbon tuân thủ.

Trước mắt, Việt Nam dự kiến đẩy nhanh xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế và thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.

OECD đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng Xanh, phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam, bày tỏ đặc biệt ấn tượng với cam kết phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP26 và cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường carbon năng động, chất lượng và hiệu quả.

Các đại biểu cho biết thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng, các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon tự nguyện thế giới gần 20 năm trước.

Tới nay, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và là một trong 4 nước có dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch đăng ký nhiều nhất.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, một số doanh nghiệp, chuyên gia châu Âu cho biết hệ thống trao đổi tín chỉ carbon của EU đã góp phần giảm phát thải, thúc đẩy tăng trưởng bền vững về lợi nhuận nhưng không làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tạo việc làm mới và thúc đẩy xây dựng quỹ xã hội về khí hậu để hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng từ thuế carbon và biến đổi khí hậu.

OECD cho rằng để xây dựng hệ thống giao dịch tín chỉ carbon, các quốc gia cần xác định rõ mục tiêu, giới hạn của hệ thống và bảo đảm minh bạch pháp lý trong các lĩnh vực liên quan.

Đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tương đối tốt từ khu vực công, tuy nhiên cần chú trọng thúc đẩy cách tiếp cận nhiều bên, tăng cường hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực, các cấp, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện phát triển cung, cầu trong thị trường carbon.

Các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về carbon bảo đảm chất lượng, làm căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp và nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp đa dạng, linh hoạt các phương thức, công cụ như cơ chế phát triển sạch, cơ chế tín chỉ chung, thị trường bắt buộc và tự nguyện…

Bên cạnh việc phát huy nội lực, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế tham dự Hội thảo đề cao vai trò của hợp tác quốc tế, cho biết sẵn sàng chia sẻ, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong phát triển thị trường carbon.

Bắc Giang: Thời tiết bất thường, nhiều địa phương nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Ngày trời nắng hanh, kết hợp với độ ẩm không khí và độ ẩm vật liệu cháy giảm thấp, đặc biệt là ở khu vực các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp V).

tm-img-alt
Diễn tập chữa cháy rừng cấp xã trên địa bàn huyện Sơn Động năm 2023. Ảnh: CCKL BG

Huyện Sơn Động đang đối mặt với tình trạng cực kỳ nguy hiểm khi liên tục đối mặt với cấp độ báo cháy rừng ở mức V. Các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế, Lạng Giang và TP Bắc Giang đang ở mức nguy cơ cấp IV, tạo ra tình hình khẩn cấp đòi hỏi sự chú ý và hành động ngay lập tức từ cộng đồng và chính quyền địa phương.

Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đưa ra đề xuất cấp bách, yêu cầu UBND các huyện và thành phố tăng cường kiểm tra và đôn đốc chính quyền cấp xã, các chủ rừng, và lực lượng kiểm lâm cơ sở triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ và theo Quyết định số 66/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang.

Từ các cảnh báo trên có thể thấy Bắc Giang đang đối mặt với một tình hình rất nguy hiểm. Việc triển khai kịp thời các biện pháp phòng cháy là cực kỳ quan trọng để bảo vệ rừng, nguồn lợi sinh kế và an sinh xã hội của cộng đồng.

Nguy cơ cháy rừng tăng cao là một thách thức đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, và sự hợp tác tích cực từ cộng đồng và chính quyền địa phương là quyết định quan trọng để ngăn chặn tình trạng khẩn cấp này. 

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm tại Kinh Môn

Tin trên Báo Hải Dương, ngày 24/11, ông Mao Việt Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kinh Môn cho biết, dự báo cháy rừng trên địa bàn thị xã Kinh Môn đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V).

tm-img-alt
Lực lượng chức năng thị xã Kinh Môn kiểm tra tình hình phòng chống cháy rừng tại khu vực rừng An Phụ (ảnh cơ sở cung cấp)

Để chủ động bảo vệ rừng, phòng ngừa và giảm thiểu số vụ cháy, thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND thị xã đã xác định 4 khu vực trọng điểm cháy bao gồm: khu vực di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt An Phụ (rừng thông, keo thuộc các xã, phường An Phụ, An Sinh, Phạm Thái, Thượng Quận, Hiệp Hòa, diện tích 564,4 ha); khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa các xã Lê Ninh và Quang Thành trên 341,9 ha; rừng thông tại phường Hiệp Sơn 66,2ha; khu rừng thông, keo trên 104,2 ha thuộc phường Tân Dân.

Các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và UBND các xã, phường tăng cường tuần tra, kiểm tra nghiêm ngặt trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 19 giờ hằng ngày tại các khu vực trọng điểm nhằm phát hiện, chữa cháy kịp thời nếu xảy ra cháy rừng.

Nghiêm cấm các hoạt động phát dọn thực bì, đốt dọn vườn. Các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích rừng quản lý.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng phó các tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

Khánh Hòa lắp camera ở 8 hồ chứa nước để giám sát xả lũ

Tin trên Vietnamnet, chiều 24/11, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị đang lên phương án lắp camera giám sát tại 8 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.

Khánh Hòa có 32 hồ chứa (3 hồ thủy điện, 29 hồ thủy lợi), trong đó có 18 hồ chứa lớn, chưa hồ nào có camera giám sát xả nước. Vì thế, những thông tin về lượng nước, mức xả lũ… chủ yếu thông qua báo cáo của các đơn vị quản lý hồ, gây khó khăn trong quản lý và đưa ra phương án xử lý mỗi khi mưa lũ.

Theo ông Quang, khi các hồ được lắp camera thì việc giám sát mức nước, xả lũ sẽ trực quan hơn vì được theo dõi, truyền hình ảnh trực tiếp về đơn vị.

Từ đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của tỉnh sẽ chủ động hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, có phương án phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, để thực hiện dự án lắp camera khá tốn thời gian vì phải thẩm định, đấu thầu.

tm-img-alt
Mưa kéo dài cùng với các hồ điều tiết xả lũ làm nhiều địa điểm ở ngoại thành Nha Trang bị ngập hồi giữa tháng 11.

Tuy nhiên, mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án lắp đặt hệ thống giám sát vận hành tại 8 hồ chứa nước, gồm: Hoa Sơn, Đá Đen, Đá Bàn, Am Chúa, Suối Dầu, Cam Ranh, Tà Rục, Suối Hành.

Mỗi hồ chứa nước sẽ được gắn 3 camera giám sát cùng đường truyền về các địa phương để theo dõi, giám sát xả lũ. Dự kiến thực hiện dự án trong tháng 12, kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Sau đó, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ nghiên cứu, tính toán để nhân rộng việc lắp camera ở các hồ còn lại trên địa bàn.

Ngoài ra, dự án cũng đầu tư lắp đặt màn hình, thiết bị tại 6 văn phòng thường trực của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cấp huyện để ghi nhận hình ảnh hiện trường xả nước tại các hồ do các camera ghi nhận truyền về.

Tiền Giang quy định các khu dân cư không được phép chăn nuôi

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số: 27/QĐ-UBND về việc quy định danh mục các khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Theo đó, kể từ ngày 1 – 12 – 2023, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có tổng số 215 khu dân cư mà người dân không được phép chăn nuôi, bao gồm chăn nuôi gia súc gia cầm, các loại động vật khác, kể cả chim yến. Trong đó có 155 khu dân cư đông đúc tại các chợ hạng 2, hạng 3 thuộc các xã trên toàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng quy định 60 khu dân cư là các khu phố, khu tái định cư, du du lịch đông đúc cũng không được phép chăn nuôi. Trong đó, thành phố Mỹ Tho có 16 khu dân cư, thị xã Gò Công 9, huyện Tân Phước 9, huyện Cái Bè 6, huyện Châu Thành 6, huyện Tân Phú Đông 5. Các địa phương còn lại từ 1 đến 3 khu dân cư.

Việc ban hành danh mục các khu dân cư không được phép chăn nuôi nhằm tiến tới việc quản lý hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người dân ở các khu vực đông dân cư.

T.Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích