Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/2/2024

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/2/2024

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/2/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 23/2/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Mưa phùn và nồm ẩm ở miền Bắc kéo dài đến bao giờ?

Ngày 23/2, không khí lạnh đã chi phối toàn bộ thời tiết khu vực Đông Bắc Bộ và tiếp tục ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ Bộ. Nhiệt độ nhiều nơi thấp hơn 5-7 độ C so với ngày hôm qua 22/2.  

Tại Đông Bắc Bộ và các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, thời tiết chuyển lạnh, vùng núi chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 17-20 độ C, vùng núi 15-17 độ C, khu vực núi cao có nơi dưới 12 độ C.

Đồng thời, mưa nhỏ tiếp diễn ở miền Bắc trong hôm nay và kéo dài đến hết ngày 24/2. Sau đó, khu vực bước vào giai đoạn mưa phùn và sương mù sáng sớm, duy trì đến hết tuần sau.  

tm-img-alt

Trong khi đó, thời tiết chủ đạo tại Hà Nội trong 5 ngày tới là mưa nhỏ rải rác, trời nhiều mây, sương mù và âm u. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-20 độ C, cao nhất không quá 22 độ C, trời lạnh.

Nguyên nhân của hiện tượng mưa phùn, sương mù là do không khí lạnh xuống lệch đông, độ ẩm trong không khí cao. Trước đó thời tiết ấm nóng nhưng vẫn có sương mù lại thêm mưa nhỏ nên tình trạng ẩm ướt tăng. Do vậy, mưa nhỏ, mưa phùn còn kéo dài, có khả năng duy trì hết tháng. Từ nay đến cuối tháng 2 liên tục có sóng lạnh bổ sung, duy trì độ ẩm cao trên khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Chuyên gia khí tượng khuyến cáo hiện tượng thời tiết trên khiến tầm nhìn ngang giảm thấp, gây ảnh hưởng đến giao thông đường không và đường thủy. Tình trạng ẩm thấp cũng gây trơn trượt trên đường, vì vậy cần chú ý đặc biệt khu vực miền núi.

Huyện Yên Bình (Yên Bái) triển khai công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Theo đó, Dự án lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Vĩnh Kiên có công suất 1.000kg/giờ. Phạm vi thu gom là địa bàn các xã: Vĩnh Kiên, Hán Đà, Đại Minh, Yên Bình, Bạch Hà, Vũ Linh, Phúc An, thị trấn Thác Bà.

Dự án lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Cảm Nhân có công suất 1.000kg/giờ. Phạm vi thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh là địa bàn các xã: Xuân Long, Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Phúc Ninh, Mỹ Gia, Xuân Lai, Yên Thành.

Cả hai lò đốt đều có công suất xử lý rác thải trung bình hiện nay đạt khoảng 15 tấn/ngày, đêm và có thể đáp ứng khả năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2030 ước khoảng 20-23 tấn/ngày đêm.

Thời gian dự kiến chạy thử nghiệm của 2 lò đốt từ ngày 1/3/2024 và vận hành chính thức vào ngày 1/6/2024.

Tuy nhiên, hiện nay phương tiện thu gom vận chuyển chuyên dụng của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện mới chỉ có 1 xe ép rác chuyên dụng 14m3 đưa vào hoạt động năm 2023 và 1 xe ép rác chuyên dụng 7m3 đưa vào hoạt động năm 2017 đã xuống cấp hay phải sửa chữa; số xe đẩy rác thải của các xã không đủ để tập kết rác, lượng rác tập kết phải đặt ngoài xe, khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển…

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về cách thức phân loại rác thải, nguồn nhân lực đảm bảo, điểm tập kết rác, thu gom vận chuyển rác thải đảm bảo mỹ quan, cảnh quan môi trường. Đồng thời, kiến nghị xin trợ cấp thêm xe đẩy rác, hỗ trợ kinh phí xây dựng khu tập kết xe để rác thải…

Kết luận Hội nghị, lãnh đạo huyện Yên Bình đề nghị các xã lựa chọn 2 mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để thành lập và có quy chế hoạt động rõ ràng; các xã xác định rõ vị trí tập kết và quy mô cụ thể… Đồng thời, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn…

Yên Bái nỗ lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt

tm-img-alt
Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, giảm áp lực cho việc thu gom và xử lý rác thải tập trung.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, mỗi ngày trên địa bàn phát sinh khoảng 487 tấn CTRSH, tương đương khoảng 177.755 tấn/năm. Khối lượng thu gom, vận chuyển khoảng 328 tấn/ngày, tương đương khoảng 119.720 tấn/năm và khối lượng xử lý khoảng 298 tấn/ngày, tương đương khoảng 108.770 tấn/năm, đạt tỷ lệ 90,8% so với tổng lượng thu gom, xử lý. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có 25 cơ sở xử lý CTRSH, trong đó có 22 cơ sở hoạt động.

Thực tế trong số 22 cơ sở hoạt động, có 19 bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh; có 1 nhà máy xử lý rác thải – Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái; có 2 cơ sở đốt CTRSH không thu hồi năng lượng, nhiệt là lò đốt CTRSH xã Đông Cuông, huyện Văn Yên và lò đốt CTRSH của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái.

Yên Bái những năm qua đã luôn quan tâm và chú trọng hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý CTRSH theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tỉnh đã ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTRSH. Quá trình thực hiện quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có những khó khăn và vướng mắc.

Về tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH, tại Điều 28, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định nhiều tiêu chí công nghệ xử lý CTRSH, trong đó có những tiêu chí chỉ nêu tên nhưng không có thang điểm chấm hoặc cách thức đánh giá.

Bên cạnh đó, danh mục công nghệ đã được ứng dụng thành công, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với điều kiện Việt Nam chưa được công bố. Điều này là hết sức khó khăn cho các địa phương trong việc lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH. Về khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở xử lý CTRSH đến khu dân cư căn cứ vào tính chất của mùi khó chịu thì hiện nay, Bộ TN&MT chưa có quy định cụ thể.

Ngoài ra, Bộ TN&MT chưa ban hành quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH nên khó khăn trong việc thu hút xã hội hóa đầu tư thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH của địa phương. Mặt khác, một số chỉ tiêu thống kê về CTRSH chưa có sự thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT dẫn đến khó khăn trong quá trình thống kê.

Để công tác quản lý CTRSH trên địa bàn ngày càng thực hiện hiệu quả, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH; danh mục công nghệ xử lý CTRSH đã được ứng dụng thành công, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với điều kiện Việt Nam, làm cơ sở cho các địa phương lựa chọn. Đồng thời, Bộ cần ban hành quy định việc xác định khoảng cách an toàn đến khu dân cư căn cứ vào tính chất của mùi khó chịu.

Bên cạnh đó, khi Bộ TN&MT ban hành quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH cũng như hướng dẫn thống nhất về các chỉ tiêu đánh giá tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn, tỷ lệ xử lý CTRSH giữa các thông tư, quyết định, văn bản hướng dẫn của Bộ sẽ là cơ sở để Yên Bái tiếp tục thực hiện ngày càng hiệu quả công tác quản lý CTRSH trên địa bàn.

Hội LHPN huyện Lương Tài (Bắc Ninh) trồng hơn 1.100 cây xanh

Hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và hướng tới kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), ngày 19-2, tại trường Mầm non An Thịnh (xã An Thịnh), Hội LHPN huyện Lương Tài tổ chức phát động và ra quân “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024.

Hội LHPN huyện Lương Tài trồng hơn 1.100 cây xanh

Các đại biểu trồng cây hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo huyện và cán bộ, hội viên hội LHPN xã An Thịnh tham gia trồng 133 cây liễu rủ và 1.000 cây keo tại trục đường của 2 thôn An Phú và Lôi Châu, với tổng giá trị gần 46 triệu đồng; trao tặng 2 mô hình sinh kế cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thôn Thanh Hà và Thanh Lâm, trị giá 10 triệu đồng.

Đây là việc làm thiết thực của Hội LHPN huyện Lương Tài, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng đô thị văn minh và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện.

Duy Tiên (Hà Nam) ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường

Năm 2023, các mô hình phát triển sản xuất trên địa bàn thị xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và hiện nay đang tiếp tục được duy trì, phát triển. Điển hình như mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay tại các xã, phường: Tiên Sơn, Mộc Bắc, Châu Giang, Tiên Nội với diện tích 385 ha; mô hình cấy lúa bằng máy với tổng diện tích 560 ha tại phường Châu Giang, Tiên Nội và ở xã: Tiên Sơn, Trác Văn, Mộc Bắc, Chuyên Ngoại… Vụ xuân 2023, thị xã thực hiện Đề án mạ khay cấy máy ở xã Tiên Sơn với diện tích 25 ha và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án phát triển cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tại phường Châu Giang quy mô 13,01 ha; mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 20 ha (Yên Nam 10 ha, Tiên Ngoại 10 ha). Triển khai 5 mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” (Châu Giang 1, Chuyên Ngoại 2, Mộc Bắc 2) diện tích 12,84ha. Cùng với đó, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng chất cấm, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, không xả thải chất thải, nước thải trực tiếp ra môi trường.

Cũng trong năm 2023, thị xã phối hợp với Viện Chăn nuôi triển khai Dự án “Lợi ích nguồn gen Gà Châu Á (AsCGG) cho 20 hộ với số lượng 1.800 con gà (mỗi hộ 90 con), trong đó, xã Chuyên Ngoại 8 hộ, xã Tiên Sơn 12 hộ. Các hộ tham gia được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc đàn gà theo quy trình kỹ thuật và hiện gà sinh trưởng phát triển tốt. Với Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, hiện thị xã có 3.500 con với sản lượng sữa năm 2023 đạt 10.390 tấn. Bên cạnh nguồn kinh phí của tỉnh, thị xã hỗ trợ cho một số hộ nuôi bò sữa mua máy ép phân, xây dựng hệ thống bể biogas để xử lý chất thải ở khu chăn nuôi tập trung xã Trác Văn. Đến nay, tất cả các hộ nuôi bò sữa ở Duy Tiên đều xây dựng bể biogas, nhiều hộ áp dụng biện pháp ngâm ủ chất thải bằng vi sinh, đệm lót sinh học, nuôi giun quế.

Thực hiện việc xây dựng, bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường hiện nay trên địa bàn thị xã có 9 làng nghề được công nhận. Trong đó, 04 làng nghề đang phát triển tốt, sản phẩm của làng nghề ngày càng được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước. Điển hình như: làng nghề Dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam), trống Đọi Tam (xã Tiên Sơn), rượu Bèo (xã Tiên Ngoại)… Hiện có 3 làng nghề đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường được UBND thị xã phê duyệt gồm: Dệt lụa Nha Xá, trống Đọi Tam và nghề Mộc thôn Yên Mỹ (xã Chuyên Ngoại). Riêng làng nghề rượu Bèo đang hoàn thiện thủ tục để UBND thị xã phê duyệt.

tm-img-alt
Làng nghề dệt Lụa Nha Xá – Một trong 3 làng nghề đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường được UBND thị xã Duy Tiên phê duyệt

Cùng với đó, thời gian qua, thị xã tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các hợp tác xã và các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên hệ thống đài truyền thanh từ thị xã đến các xã, phường; trên trang thông tin điện tử của thị xã. Từ năm 2018 đến nay, Duy Tiên đã có 32 sản phẩm được UBND tỉnh, thị xã đánh giá phân hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao. Trong đó, 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tiếp đó, thị xã tích cực vận động các chủ thể tham gia các lớp tập huấn ứng dụng về chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm chủ lực của địa phương, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Năm 2023, HTX trồng cây ăn quả xã Mộc Nam và hộ ông Nguyễn Bá Mĩnh (xã Chuyên Ngoại); Trang trại Happy Farm được cấp mã số vùng trồng.

Bên cạnh đó, các cơ sở tích cực đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử: PostMart.vn, VoSo.vn và Santhuongmaihanam.com.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Thị xã phối hợp với Trung tâm tin học và công nghệ số – Cục thương mại điện tử- Bộ Công thương tư vấn, hỗ trợ xây dựng và áp dụng các giải pháp công nghệ số để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử cho các chủ thể sản xuất nông sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và các sản phẩm OCOP. Đồng thời, trao tặng 5.000 tem truy xuất hàng chính hãng cho chủ thể Nguyễn Thanh sản phẩm trà Sen Trưởng An phường Duy Minh.

Nhờ tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã Duy Tiên đã nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp, ngành và mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm với khả năng cạnh tranh cao.

Sạt lở tại khu vực kênh Nước Mặn xã Phước Đông

Thời gian qua, tình trạng sạt lở tại khu vực kênh Nước Mặn thuộc địa bàn xã Phước Đông huyện Cần Đước, tỉnh Long An diễn biến phức tạp. Mới đây, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 22/02/2024, trên địa bàn huyện tiếp tục xảy ra một vụ sạt lở tại khu vực này, khiến người dân lo lắng.

tm-img-alt
Khu vực nhà sau của bà Đặng Tuyết Mai, ấp 7, xã Phước Đông huyện Cần Đước bị sạt lở

Vào thời điểm trên, khi đang tập trung sinh hoạt ở trước nhà thì gia đình bà Đặng Tuyết Mai, ấp 7, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, nghe tiếng động lạ từ khu vực nhà sau. Chưa kịp chạy xuống xem thì toàn bộ đất và khu nhà ở phía sau trên 280m2 đã bị nước cuốn phăng trong tích tắc.

Trong lúc gia đình bà Đặng Tuyết Mai chưa hết bàng hoàng thì khoảng 1 giờ sau, khu vực đất rạn nứt tiếp tục bị cuốn theo dòng nước.

Ngay khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình di dời các vật dụng ra khỏi khu vực nguy hiểm, giăng dây cảnh báo sạt lở để người dân biết nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản. Đồng thời, báo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời.

Du khách tới đảo Phú Quý (Bình Thuận) cam kết không mang theo rác thải nhựa

Theo dự kiến, vào ngày 1/3 tới, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) sẽ tổ chức lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa, ký cam kết thực hiện và đón các du khách đầu tiên không mang theo rác thải nhựa.

tm-img-alt
Vẻ đẹp hoang sơ trên đảo Phú Quý. Ảnh minh hoạ

Đây cũng là lúc bước vào mùa cao điểm Phú Quý đón du khách (từ tháng 3-7 hàng năm) do trời yên biển lặng, ít có mưa bão, khách đỡ bị say sóng. Từ Phan Thiết đi tàu cao tốc chỉ khoảng hơn 2 giờ là tới đảo Phú Quý.

Chuẩn bị cho sự kiện này, những ngày đầu năm mới UBND huyện Phú Quý đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp thực hiện, có sự tham dự của các doanh nghiệp vận tải hành khách, các chủ ca nô trên đảo. Cũng tại hội nghị này, Phú Quý đã bàn giải pháp triển khai đề án kinh tế đêm, để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí vào ban đêm cho du khách.

Tuyến Phan Thiết – Phú Quý hiện có 6 tàu cao tốc, năm ngoái đã vận chuyển trên 150.000 du khách ra đảo. Để chặn rác thải nhựa ngay từ đầu nguồn, phát triển du lịch bền vững, huyện đảo Phú Quý đặt ra mục tiêu là 100% chuyến tàu vận chuyển hành khách tuyến Phan Thiết-Phú Quý không sử dụng chai nhựa, túi ni lon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đồng thời 100% ca nô đưa khách ra tham quan đảo Hòn Tranh và các đảo lẻ, sẽ không sử dụng túi ni lon, chai nhựa…Vận động du khách không vứt rác xuống biển, không mang theo rác thải nhựa lên đảo; chuyển sang sử dụng các loại túi, bao bì dễ phân hủy, các sản phẩm sử dụng nhiều lần.

Dự báo du lịch Phú Quý sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới. Những “chuyến tàu xanh” chở các du khách đầu tiên không mang theo rác thải nhựa tới Phú Quý vào tháng 3 tới, là sự kiện đánh dấu quyết tâm của huyện đảo và tỉnh Bình Thuận, quyết không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá, mà phải bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Đồng Nai: Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường thông tin chuyên đề: “Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh”.

Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền các nội dung đã được thông tin tại hội nghị. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân trong đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị, toàn dân về biến đổi khí hậu trong chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đồng chí Phạm Tấn Linh cũng đề nghị, tiếp tục tuyên truyền về kết thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2023 cũng như các chỉ tiêu nhiệm vụ giải pháp trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh năm 2024.

Tuyên truyền các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) và các kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện các nghị quyết của hội nghị.

Cùng với đó, cần quan tâm tuyên truyền về Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững; Chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024; Tuyên truyền về Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024…

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích