Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/11/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/11/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 22/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Quốc hội thống nhất chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi
Sáng 22/11, với 453/459 đại biểu có mặt đồng ý, Quốc hội thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp 6 sang kỳ họp gần nhất.
Trước đó, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình, cho biết theo chương trình kỳ họp, dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được biểu quyết thông qua ngày 29/11. Tuy nhiên, dự Luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu. Việc rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu; việc rà soát, hoàn thiện toàn diện dự thảo Luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
Do đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống của người dân, vì vậy, sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội.
Hiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn 14 vấn đề chưa thống nhất một phương án để xin ý kiến Quốc hội. Trong đó bao gồm nhiều nội dung quan trọng như Nhà nước thu hồi đất hay phương pháp định giá đất…
Việc lùi thời gian thông qua để ban soạn thảo có thời gian tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Đồng thời, Văn phòng Quốc hội đề nghị điều chỉnh chương trình phiên họp sáng ngày 29/11, Kỳ họp thứ 6.
Cụ thể, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Từ 9h, Quốc hội họp phiên bế mạc và biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Hà Nội: Quản lý chặt cơ sở gây nuôi động vật hoang dã
Các loài động vật được gây nuôi thương mại chủ yếu là cầy, cá sấu nước ngọt, lợn rừng, chim trĩ, đà điểu, dúi, nhím, rắn hổ mang; nuôi bảo tồn là hổ, báo, gấu, khỉ vàng, hạc, chim hồng hoàng…
Thông tin từ Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố. Ngoài các quy định đã triển khai, hằng tháng, cán bộ của Chi cục kiểm lâm xuống các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã kiểm tra, kiểm soát và thu thập thông tin như: Biến động về tổng đàn, tình hình gây nuôi, các cá thể gây nuôi cụ thể… để quản lý số lượng. Những trường hợp động vật hoang dã ốm yếu, bị chết phải được thông báo ngay cho cơ quan chức năng lập biên bản, triển khai kế hoạch xử lý, tiêu hủy.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm còn thường xuyên thanh tra, kiểm tra các tụ điểm và khu chợ buôn bán động vật hoang dã trên toàn thành phố để xử lý nghiêm các vi phạm. Qua kiểm tra từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm lâm Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ khoảng 20 vụ tàng trữ, mua bán, chế biến, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, trong đó có 1.595 cá thể động vật thông thường, 4 sản phẩm chế tác từ ngà voi châu Phi, 8 chiếc sừng linh dương thuộc nhóm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Ngoài ra, để giảm số gấu nuôi nhốt trong khu dân cư, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam vận động các hộ dân bàn giao 9 cá thể gấu cho các trung tâm cứu hộ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định.
Để quản lý tốt các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng nắm chắc tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, cũng như công tác thẩm định các điều kiện gây nuôi trước khi cấp giấy đăng ký trại nuôi.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đưa hoạt động gây nuôi động vật hoang dã vào nền nếp; xử lý nghiêm trường hợp nuôi nhốt lợi dụng mua động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp để hợp thức hóa, trục lợi.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, bảo vệ động vật hoang dã cho lực lượng kiểm lâm và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Hà Nội thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025”
Theo kế hoạch, thành phố sẽ phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của thành phố; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Thành phố cũng tập trung phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường Thủ đô, phát triển các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh đáp ứng 70-80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải; 60-70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn; 70-80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải; 50-60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải; 40-50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60-70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40-50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60-70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20-30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20-30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.
Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của thành phố về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.
Để hoàn thành các mục tiêu này, kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường; phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố; phát triển dịch vụ môi trường; đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Lào Cai diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn
Dự và chỉ đạo diễn tập có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập tỉnh; Phạm Hùng Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện các huyện, thị xã, thành phố và Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bảo Thắng; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Nội dung diễn tập được chia thành 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1: Tổ chức chuẩn bị ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn; giai đoạn 2: Thực hành ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn.
Nhờ có sự hiệp đồng tác chiến, các lực lượng tham gia chữa cháy đã khẩn trương triển khai các phương án, khoanh vùng đám cháy. Sau gần 1 giờ, các lực lượng phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, nhanh chóng, cơ động lực lượng, sử dụng phương tiện tại chỗ và bằng nhiều biện pháp đã dập tắt đám cháy không để lan rộng.
Kết thúc chương trình diễn tập, Ban chỉ đạo diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Thắng. Buổi diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 của huyện Bảo Thắng đạt 9,6 điểm, được đánh giá đạt loại xuất sắc.
Đồng thời Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh cũng đề nghị huyện Bảo Thắng cần bổ sung, kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp; điều chỉnh, bổ sung phương án phòng chống cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Tổ chức luyện tập, diễn tập thuần thục các phương án phòng, chống cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp theo kế hoạch; nắm chắc diễn biến thời tiết trên địa bàn, khảo sát, nắm chắc các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao về cháy rừng; tích cực nghiên cứu, cải tiến, áp dụng công nghệ mới trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng…
Nhân dịp này, UBND huyện Bảo Thắng đã trao giấy khen tặng 6 tập thể và 40 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện diễn tập.
Bắc Giang sắp có nhà máy đốt rác phát điện 750 tấn/ngày đêm
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang (phường Đa Mai, TP Bắc Giang).
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh trung bình khoảng 965 tấn/ngày. Khối lượng rác tồn lưu tại các điểm tập kết, khu xử lý là 5.800 tấn.
Được biết, số rác đã được thu gom chưa được xử lý triệt để, mới xử lý được khoảng 747 tấn/ngày, đạt tỷ lệ hơn 87%. Hoạt động xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu thực hiện theo phương pháp đốt và chôn lấp. Do đó, Trong báo cáo ĐTM khẳng định việc đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện là nhu cầu cấp thiết với Bắc Giang.
Theo phương án thiết kế, Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang có công suất xử lý rác 750 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 12MW. Báo cáo ĐTM khẳng định, dự án được xây dựng hoàn toàn trong quy hoạch khu xử lý chất thải rắn, không phải đền bù giải phóng mặt bằng.
Diện tích đất được bàn giao cho xây dựng dự án gần 66.000m2 giáp ranh với bãi rác TP Bắc Giang.
Toàn bộ dự án không có yêu cầu di dân, tái định cư; cách cụm dân cư đồi Chăn nuôi, thôn Lò, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng khoảng 10m; cách khu dân cư thôn Lò, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng khoảng 500m và cách khu dân cư Thanh Mai, phường Đa Mai 1.000m.
Dự án giáp ranh với suối Hoàng Thanh- một nhánh sông nhỏ của sông Thương. Suối Hoàng Thanh được dự kiến là nơi tiếp nhận nước thải sau xử lý của dự án.
Chủ đầu tư dự án – Công ty TNHH năng lượng môi trường Bắc Giang, đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 (đơn vị tư vấn) lập báo cáo ĐTM theo hướng dẫn tại Luật Bảo vệ môi trường, trong đó lựa chọn công nghệ đốt chất thải kết hợp phát điện.
Lò đốt cơ học kiểu Martin (Đức) có ưu điểm đốt rác không cần phân loại đầu nguồn, dễ dàng vận hành và bảo trì, đã được sử dụng phổ biến trên thế giới và kiểm chứng trong thực tế tại một số quốc gia có tính chất rác thải tương tự như Việt Nam.
Ghi lò được sản xuất từ Trung Quốc đã được cải tiến theo công nghệ Martin (Đức) để phù hợp với tính chất rác không phân loại, độ ẩm cao của châu Á.
Về các yếu tố nhạy cảm môi trường, báo cáo ĐTM khẳng định, dự án được xây dựng hoàn toàn trong quy hoạch khu xử lý chất thải rắn, không phải đền bù giải phóng mặt bằng.
Dự kiến, các hạng mục công trình, lắp đặt máy móc thiết bị sẽ được bắt đầu từ tháng 6/2024 đến tháng 8/2025; đi vào hoạt động từ tháng 10/2025.
“Nhà máy sử dụng công nghệ đốt không phân loại do vậy toàn bộ lượng rác sẽ được đưa thẳng vào nhà máy bằng xe chở rác chuyên dụng. Chủ dự án đã lựa chọn sử dụng lò ghi cơ khí cho công nghệ đốt rác phát điện là lựa chọn tối ưu nhất. Đây là công nghệ lò đốt có khả năng thích ứng mạnh với chất thải, ít sự cố, hiệu suất xử lý tốt và hiệu suất xử lý môi trường tốt, chi phí thấp”, báo cáo ĐTM đánh giá.
Bắc Giang: Nhân rộng cách làm hay về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Ngày 22/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Giang sơ kết giai đoạn 1 (từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/9/2023) thực hiện Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án); triển khai Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.
Dự hội nghị có đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị, đại diện các xã, thị trấn triển khai điểm.
Đề án do Hội LHPN tỉnh chủ trì phối hợp với UBND các huyện, TP thực hiện. Hội LHPN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Các xã, phường, thị trấn lựa chọn 209 thôn, tổ dân phố làm điểm.
Giai đoạn 1, Hội LHPN các cấp tổ chức hơn 8 nghìn cuộc tuyên truyền về Đề án bằng nhiều hình thức như: Hội thi, tọa đàm, tuyên truyền lưu động; tặng hơn 100 nghìn thùng, xô, sọt rác, làn nhựa và chế phẩm sinh học… cho hội viên thu gom, phân loại rác tại hộ gia đình, hạn chế sử dụng túi nilon; tổ chức cho hơn 300 nghìn hộ hội viên phụ nữ ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường.
Công tác kiểm tra, giám sát được các cấp hội quan tâm, kịp thời khắc phục những vướng mắc. Hội LHPN các cấp thường xuyên biểu dương, khen thưởng các mô hình hay, cách làm mới đem lại hiệu quả để lan tỏa tinh thần thi đua tại các địa bàn. Sau hơn 2 năm triển khai, Đề án nhận được sự ủng hộ của đông đảo hội viên, nhân dân, góp phần hạn chế tình trạng xả chất thải ra môi trường.
Các nội dung, mục tiêu của Đề án đến năm 2023 đều đạt và vượt kế hoạch từ 10% trở lên. Nổi bật là chỉ tiêu hộ gia đình hội viên phụ nữ được tiếp cận kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, hướng dẫn thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình vượt 11%; mỗi cơ sở hội xây dựng ít nhất một phong trào/mô hình về bảo vệ môi trường vượt 12%; thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định vượt hơn 10%…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai Đề án; chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, cách làm hay; chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ô Pích đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ trong triển khai Đề án. Sự vào cuộc của hội viên, phụ nữ đã góp phần hạn chế rác thải ra môi trường. Đồng chí đề nghị Hội LHPN tỉnh thời gian tới tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung, hoạt động của Đề án. Các cấp hội phụ nữ đổi mới hoạt động tuyên truyền, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay.
Các sở, ngành, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ Hội LHPN tỉnh, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực quản lý. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới Đề án, bố trí đủ và kịp thời kinh phí, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ, nội dung quan trọng trong xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới. Định kỳ hằng năm, UBND các huyện, TP kiểm điểm, đánh giá kết quả đạt được và rút kinh nghiệm.
Cùng thời gian, Hội LHPN tỉnh triển khai Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Đề án này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025; giai đoạn 2 từ năm 2026 đến 2030.
Hội LHPN tỉnh đề ra một số mục tiêu trong giai đoạn 1 như: Củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 HTX, 5 nghìn tổ hợp tác; tạo việc làm ổn định cho 55 nghìn lao động; 100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành; tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 200 HTX do phụ nữ tham gia quản lý; tạo việc làm mới cho 4 nghìn lao động nữ…
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen cho 31 tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện giai đoạn 1 của Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh.
Đăk Hà (Kon Tum): Phạt trại nuôi heo gây ô nhiễm môi trường
Sau phản ánh của báo chí về tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra tại Trại chăn nuôi heo thịt của hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thấn ở thôn 5, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, thực hiện yêu cầu của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, chính quyền địa phương đã kiểm tra phát hiện vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ trang trại 35 triệu đồng.
Qua kiểm tra, UBND huyện Đăk Hà xác định cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Đức Thấn (thôn 5, xã Ngọc Wang) đã vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường.
Bên cạnh đó, buộc ông Thấn thực hiện xây dựng các hạng mục công trình xử lý chất thải theo đúng nội dung phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và phá dỡ công trình, thiết bị xây lắp trái quy định.
Trước đó, theo thông tin báo chí phản ánh, trại chăn nuôi heo do ông Nguyễn Đức Thấn làm chủ và được UBND huyện Đăk Hà đồng ý chủ trương đầu tư vào năm 2020. Trại nuôi heo có diện tích 1,8 ha với quy mô 4.800 con/năm.
Chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi khoảng 9,6 tấn/ngày, đêm, thành phần chủ yếu là phân heo, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải, sau khi ép khoảng 21m3/tháng.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều người dân phản ánh trang trại nuôi heo gây ô nhiễm môi trường.
Qua kiểm tra, Phòng TN&MT huyện Đăk Hà xác định trại heo đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, bạt phủ bể biogas của hệ thống xử lý nước và chất thải bị rách khiến nước thải thấm trực tiếp ra ngoài môi trường, gây ra mùi hôi thối. Chủ trang trại trình bày do chưa xuất hết các lứa heo nên không thể khắc phục sự cố hỏng bể biogas. Đồng thời, cơ sở cam kết sẽ cố gắng khắc phục sự cố trên trước ngày 11/1/2024.
Bình Định thu hồi đất đối với Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định thu hồi 43.239,1 m2 đất, thuộc 10 thửa đất của tờ bản đồ 01, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn. Đây là diện tích đất được UBND tỉnh này đã cho Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu thuê đất để thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Quyết định số 689, ngày 1/3/2021.
UBND tỉnh Bình Định cho biết, Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu bị thu hồi đất do thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn (theo Quyết định số 2346, ngày 29/6/2023 của UBND tỉnh).
Sau khi thu hồi, diện tích đất trên được giao UBND TP. Quy Nhơn quản lý quỹ đất. Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu ngoài trách nhiệm nộp lại toàn bộ giấy tờ về quyền sử dụng đất (về Sở Tài nguyên và Môi trường) đồng thời nộp đầy đủ tiền thuê đất kể từ ngày 11/11/2023 trở về trước theo thông báo thuế, truy thu thuế của Cục Thuế tỉnh Bình Định.
Liên quan đến quyết định thu hồi đất, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu cho biết, Công ty không đồng ý quyết định trên và đã có kiến nghị gửi UBND tỉnh Bình Định xem xét giải quyết.
Australia hỗ trợ 2,5 triệu AUD hỗ trợ ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu
Chiều ngày 21/11, Chính phủ Australia đã tổ chức Lễ công bố gói hỗ trợ doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP Cần Thơ, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia.
Theo đó, Chính phủ Australia đã công bố 4 đối tác doanh nghiệp mới tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm tăng cường thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao lợi ích mang lại cho các cộng đồng địa phương tại ĐBSCL của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 2,5 triệu AUD (tương đương gần 40 tỷ VNĐ). Các đối tác này bao gồm sáng kiến Thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu dành cho phụ nữ.
Cụ thể, các quan hệ đối tác gồm có: Quan hệ đối tác giữa Hillridge Technology, Công ty TNHH Bảo hiểm Phi nhân thọ MSIG Việt Nam và Chính phủ Australia về nông nghiệp chống chịu thời tiết thông qua bảo hiểm theo chỉ số; Quan hệ đối tác giữa Symmetry, Công ty Cổ phần Tôm Miền Nam, Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam và Chính phủ Australia nhằm mở rộng mô hình nuôi tôm rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.
Quan hệ đối tác giữa Chính phủ Australia, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong (MCF) và Công ty cổ phần Đồ dùng gia đình Việt Nam nhằm tạo sinh kế bền vững với cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu; Quan hệ đối tác giữa Chính phủ Australia và New Energy Nexus với sáng kiến Thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu dành cho phụ nữ.
Kể từ năm 2016, chính phủ Úc đã đầu tư trên 9,4 triệu AUD trong khuôn khổ Chương trình Nền tảng Đối tác Doanh nghiệp (BPP) tại Việt Nam. Trong số này, hơn 4,3 triệu AUD được rót vào khu vực ĐBSCL.
Các quan hệ đối tác thuộc Chương trình BPP tại ĐBSCL hướng tới mục tiêu hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam và Úc thông qua thí điểm các mô hình và các công nghệ mới trong thích ứng biến đổi khí hậu, mở rộng quy mô các sáng kiến đã thành công và đem lại những lợi ích quan trọng về mặt xã hội, bình đẳng giới và phát triển cho các cộng đồng ở ĐBSCL.
Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Chương trình Đối tác Thích ứng Biến đổi Khí hậu có mục tiêu thúc đẩy các mô hình phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoạt động này giúp cho phụ nữ vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thêm điều kiện phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập một cách hiệu quả.
Australia dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, hướng tới các mục tiêu bền vững.
Kể từ năm 2000 đến nay, Chính phủ Australia đã đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 650 triệu AUD nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thu hút đầu tư, nhân lực, Đổi mới Sáng tạo, trong đó có hai công trình điểm nhấn là cầu Mỹ Thuận và cầu Cao Lãnh.
Ngoài ra, Australia đã triển khai Chương trình “Đối tác Mekong-Australia,” chú trọng vào các lĩnh vực an ninh nguồn nước, năng lượng, biến đổi khí hậu, với tổng gói hỗ trợ trị giá 94,5 triệu AUD.
Tổng Lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ trực tiếp (DAP) tại Cần Thơ ở lĩnh vực nước sạch nông thôn, xây dựng cầu nông thôn, hỗ trợ học bổng cho sinh viên và giáo viên; giúp Cần Thơ phát triển kinh tế-xã hội, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Với mối Quan hệ Đối tác Chiến lược lâu dài, Australia sẽ thúc đẩy việc hợp tác với Cần Thơ phát triển nông nghiệp công nghệ cao thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết Việt Nam và Australia xác lập quan hệ ngoại giao vào ngày 26/02/1973, thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2009. Đến năm 2018, hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Cho đến nay, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố với mức độ tin cậy ngày càng gia tăng. Hợp tác an ninh, quốc phòng ngày càng hiệu quả; hợp tác kinh tế-thương mại phát triển mạnh.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia, trong khi đó Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Đặc biệt, các lĩnh vực hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng cũng là những lĩnh vực mà hai bên quan tâm thúc đẩy.
Đây là cơ sở nền tảng vững chắc để thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thúc đẩy các chương trình hợp tác với Australia.
Tại Cần Thơ, việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội được xác định là một khâu đột phá, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, Cần Thơ chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Australia tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia, Chính phủ Australia đã hợp tác cùng Việt Nam trong phát triển các giống mới có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Hai bên còn triển khai các dự án đảm bảo mang lại nguồn lợi và an toàn cho các vùng bờ biển, vùng ngập mặn.
Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo của Australia thương mại hóa các công trình nghiên cứu, hướng tới giá trị của các công trình không chỉ nằm ở phòng thí nghiệm mà còn phát huy tối đa hiệu quả trong thực tế đời sống, mang lại các lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Để triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,” Cần Thơ mong muốn các doanh nghiệp Australia tìm hiểu, đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản; hạ tầng phục vụ phát triển đô thị thông minh…
Kể từ khi bắt đầu năm 2016 đến nay, Chương trình BPP đã thiết lập 16 quan hệ đối tác doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó 7 quan hệ đối tác đã được triển khai ở ĐBSCL.
Cùng ngày, Tổng Lãnh sự quán Australia đã phối hợp với thành phố Cần Thơ tổ chức hoạt động trồng cây lưu niệm, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Australia.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị