Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/12/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/12/2023

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 18/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Tới dự có ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc chương trình nhựa và thủy hải sản (WWF). Về phía địa phương có ông Đoàn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, ông Đoàn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cùng đông đảo các đại diện đơn vị các cơ quan, bộ ngành và các địa phương trong dự án.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị ông Nguyễn Đức Toàn cho biết: Rác thải nhựa đại dương vẫn luôn là mối quan tâm khẩn thiết trong nhiều năm qua. Chúng ta đang đối diện với hiện trạng lượng rác thải đổ vào đại dương ngày một gia tăng, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của đại dương, đồng thời đe doạ đến môi trường, xã hội và sức khoẻ của con người. Hiện tại, nhựa đại dương không còn chỉ là vấn đề của một quốc gia hay một cá thể nào, mà còn là thách thức của toàn cầu. Do đó, rất cần sự chung tay và hợp tác góp sức của từng cá nhân, tập thể và xã hội.

Chính vì vậy, vào ngày 2/7/2020, theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt và triển khai ở cấp trung ương và mười (10) tỉnh/thành phố, quận (huyện)/thị xã, bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình (Đồng Hới), Thừa Thiên Huế (A Lưới), Đà Nẵng, Quảng Nam (Cù Lao Chàm), Phú Yên (Tuy Hòa), Bà Rịa – Vũng Tàu (Côn Đảo), Long An (Tân An), Kiên Giang (Rạch Giá và Phú Quốc).

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển; bảo tồn đa dạng sinh học môi trường biển; nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về mối liên quan giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường vả sức khỏe; nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải, rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Năm 2023, sau khi dịch Covid giảm tác động, Dự án đã được triển khai sâu rộng và toàn diện hơn, các hoạt động dự án của các hợp phần đã thu về được nhiều kết quả tích cực trong việc góp phần hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nghị định và thông tư dưới luật liên quan đến quản lý chất thải rắn và chất thải nhựa; có thêm nhiều địa phương cam kết trở thành Đô thị Giảm nhựa và nội dung này đã được Dự án tổng kết rộng rãi trên toàn quốc tại Hội nghị đô thị giảm nhựa ngày 4/11/2023 vừa qua tại Hà Nội. Điều đáng chú ý, tại các địa phương, thông qua các hoạt động của Dự án, nhiều trường học đã xây dựng và triển khai chương trình giáo dục về giảm Rác thải nhựa, hàng ngàn tấn rác thải nhựa được thu gom nhằm ngăn chặn sự thất thoát ra môi trường biển. Dự án cũng đã hỗ trợ Ban quản lý các khu bảo tồn biển làm sạch các khu vực rạn san hô, thảm cỏ biển quan trọng tại Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm.

Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết, qua các hoạt động được triển khai và giám sát tại địa phương, có thể thấy, các địa phương trong năm qua đã tham gia, hợp tác và phối hợp tích cực với các cán bộ của dự án, trao đổi và đề xuất các chương trình địa phương mong muốn triển khai và tham gia tích cực đem lại nhiều kết quả rất khả quan. Với vai trò là đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời là Chủ dự án, ông Toàn ghi nhận và cảm ơn các địa phương đã tham gia và triển khai hiệu quả Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.”, đánh giá cao vai trò của cán bộ dự án từ WWF Việt Nam.

Các hoạt động của Dự án trong thời gian qua chính là những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Thoả thuận toàn cầu này mang tính ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa.

Qua các báo cáo, tham luận, chia sẻ và thảo luận của các đại biểu tại Hội nghị đã phản ánh các hoạt động của Dự án trong thời gian qua, góp phần hỗ trợ tích cực cho các cơ quan quản lý của trung ương và địa phương hoàn thiện khung pháp lý và cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu rác thải nhựa, có tính lan tỏa rộng rãi cũng như được nhiều địa phương ngoài địa bàn dự án hưởng ứng, bày tỏ mong muốn được Dự án hỗ trợ nhân rộng các mô hình sáng kiến hay. Các kết quả của Dự án đã góp phần tích cực, đánh giá sự nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển xanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực và ý nghĩa, trong quá trình triển khai, Dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, một mặt đến từ hệ thống các chính sách, các cơ chế thực hiện Dự án sử dụng vốn tài trợ nước ngoài hiện nay, cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các dự án, chương trình khác về nhựa, mặt khác, ý thức của người dân đã được cải thiện nhưng chưa toàn diện và chưa đủ các chương trình tuyên truyền, vận động từ chính quyền địa phương.

Nhiều hoạt động của Dự án sẽ khó duy trì hiệu quả nếu không có sự quan tâm của đơn vị thụ hưởng trong việc bảo vệ và phát huy thành quả, ví dụ như các hoạt động xoá điểm nóng, mở rộng thu gom, lắp đặt trang thiết bị truyền thông và giám sát, phân loại rác tại nguồn… đặc biệt là sau giai đoạn đóng Dự án. Những khó khăn thách thức này đặt ra yêu cầu các cán bộ Dự án cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian còn lại của Dự án, các cơ quan ban ngành, các địa phương phối hợp sẽ tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa để việc triển khai dự án, giám sát kiểm tra, nghiệm thu các kết quả dự án được nhanh chóng, hiệu quả, đạt được các mục tiêu thiết kế ban đầu của Dự án cũng như các đề xuất điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội mưa nhỏ, tiếp tục rét đậm

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc tiếp tục tăng cường xuống nước ta. Khoảng sáng mai (19-12), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thành phố Hà Nội. Do vậy, Hà Nội nhiều mây, mưa nhỏ vài nơi, gió Đông Bắc cấp 3; thời tiết tiếp tục rét đậm, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 12-14 độ C, các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Ba Vì và thị xã Sơn Tây 11-13 độ C.

tm-img-alt
Sáng mai (19-12), thành phố Hà Nội mưa nhỏ vài nơi, rét đậm, nhiệt độ thấp nhất 11 độ C.

Từ ngày 20 đến 23/12, Hà Nội tiếp tục chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh bổ sung. Trong khoảng thời gian này, Hà Nội nhiều mây, không mưa, rét đậm về đêm và sáng, nhiệt độ thấp nhất 11-13 độ C; hửng nắng về trưa và chiều, nhiệt độ cao nhất 17-20 độ C.

Còn Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, ngày 19-12, các nơi còn lại của miền Bắc và Bắc miền Trung tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại; các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế trời rét. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở miền Bắc và Bắc miền Trung phổ biến 9-12 độ C; vùng núi miền Bắc phổ biến 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C; khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế phổ biến 14-17 độ C.

Cơ quan trên cảnh báo các tỉnh thuộc trung du, vùng núi phía Bắc những ngày tới có khả năng xảy ra băng giá, sương muối. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, từ đêm 19/12, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to kèm lốc, sét, gió giật mạnh.

Về diễn biến bão Jelawat, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sau khi đi vào đất liền miền Nam Philippines, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào sáng sớm nay. Khoảng 13h ngày 20-12, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông, cách đảo Song Từ Tây khoảng 220km về phía Nam; sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Thanh Hóa: Khai thác đất trái phép một cá nhân bị phạt 60 triệu đồng

Ngày 05/12, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Trần Bá Sơn đã ban hành Quyết định số 4063/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Lệnh Chiến do thực hiện hành vi thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong phạm vi diện tích đất của Dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, trong khoảng thời gian các ngày 11/11/2023, 25/11/2023, 26/11/2023, tại khu đất thực hiện Dự án xây dựng các hạng mục phụ trợ Trường THCS xã Ngọc Trạo, ông Lê Lệnh Chiến đã lợi dụng việc san múc mặt bằng để đào múc đất vận chuyển đất cho một số hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu san lấp mặt bằng mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chưa được sự đồng ý của đơn vị thi công.

tm-img-alt
Hiện trường khai thác đất trái phép của Lê Lệnh Chiến xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 43 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngyaf 24/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân.

Trước hành vi trên, UBND huyện Thạch Thành phạt hành chính với số tiền 60 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc ông Lê Lệnh Chiến thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác; đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp với số tiền bằng giá trị tang vật là khoáng sản có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ trái quy định của pháp luật, với số tiền hơn 6,3 triệu đồng.

tm-img-alt
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Thạch Thành 60 triệu đồng đối với ông Lê Lệnh Chiến xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành về hành vi khai thác đất trái phép.

Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục do ông Lê Lệnh Chiến là người bị xử phạt có tên tại Điều này chi trả.

UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo kiểm tra, xác định nguyên nhân vết nứt tại Trạm Khí tượng Trà My

Liên quan đến một số vết nứt xuất hiện trên đỉnh đồi tại Trạm Khí tượng Trà My (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến công trình Kè sông Trường và cơ sở hạ tầng của Trạm Khí tượng Trà My, ngày 17-12, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân.

tm-img-alt
Vết nứt lớn xuất hiện tại khu vực Trạm Khí tượng Trà My.

Báo cáo về hiện tượng trên, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng (BQL DA ĐTXD) các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, vị trí vết nứt nằm ngoài phạm vi công trình kè sông Trường khoảng 40m; tổng chiều dài vết nứt khoảng 100m, phần lộ trên mặt bằng Trạm Khí tượng Trà My khoảng 50m, chiều rộng vết nứt khoảng 15cm, sâu khoảng 2m. Hiện nay, đơn vị thi công lập biển báo, hàng rào cấm người dân vào khu vực có nguy cơ sạt lở, đơn vị tư vấn đang tiến hành khảo sát địa hình, địa chất, đánh giá nguyên nhân gây ra vết nứt, phạm vi ảnh hưởng khi xảy ra tình huống sạt lở và đề xuất phương án xử lý khắc phục vết nứt.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, BQL DAĐTXD các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Bắc Trà My, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam và các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá vị trí vết nứt, xác định nguyên nhân và có phương án xử lý, khắc phục đảm bảo an toàn cho người dân, công trình Kè Sông Trường và khu vực lân cận…

Kon Tum: Xảy ra trận động đất có độ lớn 4.0 tại huyện Kon Plông

Ngày 18/12, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu thông báo trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra một động đất lúc 23 giờ 28 ngày 17/12 có độ lớn 4.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

tm-img-alt
Trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Nguồn: Viện VLĐC)

Theo thống kê của ngành chức năng, trong vài năm trở lại đây trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra hàng trăm trận động đất, trận lớn nhất lịch sử được ghi nhận 4,7 richter. Cụ thể, năm 2021 xảy ra 185 trận, năm 2022 xảy ra 250 trận và năm 2023 xảy hàng chục trận động đất, cao điểm có bảy trận/ngày.

Chính quyền địa phương huyện Kon Plông đã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người dân cách phòng, chống khi có thiên tai xảy ra. Ngoài ra tỉnh nhà đã chỉ đạo lắp đặt nhiều quan trắc theo dõi sát sao diễn biến của động đất, tránh trường hợp xấu xảy ra.

Hiện, 2 thuỷ điện lớn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã lắp các trạm quan sát động đất. Cụ thể, thuỷ Thượng Kon Tum đã lắp 6 trạm quan sát động đất và thuỷ điện Đăk Đrinh lắp 2 trạm quan sát.

Malaysia: Hơn 6.000 người phải đi sơ tán do lũ lụt

Theo cơ quan an sinh xã hội Malaysia, các bang ở duyên hải phía Đông như Kelantan và Terengganu chịu tác động nặng nề nhất, với hơn 6.370 người đang tạm trú ở 39 trung tâm tránh lũ.

tm-img-alt
Mưa lớn gây ngập lụt tại bang Johor, Malaysia. Ảnh: AFP

Trong khi đó, các bang ở phía Tây như Perak và Selangor cũng lần lượt báo cáo 85 và 50 người chịu tác động của lũ lụt. Cơ quan Khí tượng quốc gia đã ban hành các cảnh báo mưa lớn do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.

Vào giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm, hiện tượng gió mùa Đông Bắc thường xảy ra ở Malaysia kéo theo gió mạnh, biển động, ảnh hưởng chủ yếu tới các bang phía Bắc và duyên hải phía Đông của nước này.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích