Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/1/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/1/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 18/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Bắt 2 tàu hút cát trái phép trên sông Hồng
Cụ thể, khoảng 23h45 đêm 16-1, tổ công tác gồm liên quân: phòng Cảnh sát giao thông; phòng Cảnh sát hình sự; phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường; phòng Cảnh sát Cơ động; Công an huyện Văn Giang (thuộc Công an tỉnh Hưng Yên) phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Phòng Cảnh sát giao thông – CATP Hà Nội bắt quả tang 2 phương tiện khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng, thuộc địa bàn giáp ranh giữa huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì – thành phố Hà Nội.
Thời điểm trên, lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ 1 phương tiện tàu thủy vỏ bê tông cốt thép không có số đăng ký đang có hoạt động sử dụng hệ thống máy và ống hút trên tàu để hút cát và nước từ lòng sông Hồng và bơm lên khoang chứa của 1 phương tiện tàu thuỷ vỏ sắt có số đăng ký VP-1947.
Tại thời điểm kiểm tra, 5 người trên phương tiện tàu hút (không có số đăng ký) khai nhận được 1 người (chưa rõ tên, tuổi, địa chỉ) chỉ đạo đưa tàu về khu vực trên để hút cát và bơm sang mạn cho phương tiện có số đăng ký VP-1947.
Sau khi hút được khoảng 1 tiếng thì các đối tượng bị lực lượng chức năng phát hiện. Tất cả những người trên phương tiện tàu hút đều không xuất trình được giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và giấy tờ của phương tiện, đồng thời thừa nhận hoạt động khai thác cát là trái phép.
Trên phương tiện tàu thủy vỏ sắt có gắn số đăng ký VP-1947 có 3 người, trong đó N. T. L. (SN 1983, trú tại xã Tân Lập, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) là chủ. Tối 16-1, L. cùng 2 người trên tàu đã điều khiển tàu VP-1947 cạp mạn vào tàu hút để hứng cát do tàu hút bơm sang.
Trên 2 khoang chứa hàng của tàu VP-1947 chứa khoảng 150m3. Thuyền viên trên tàu xuất trình Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đã… hết hiệu lực từ ngày 21/12/2023.
Ngay sau khi phát hiện hoạt động khai thác cát trái phép, lực lượng chức năng đã yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động khai thác cát, giữ nguyên vị trí, hiện trạng phương tiện và tiến hành lập biên bản vụ việc, lập biên bản tạm giữ phương tiện. Đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoà Bình hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa
Nhằm chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa (RTN), tỉnh Hoà Bình xác định tăng cường phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị và nông thôn; chú trọng xây dựng các khu tái chế và xử lý rác với công nghệ tiên tiến.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chống RTN, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh phối hợp các tổ chức chính trị – xã hội triển khai nhiều hoạt động truyền thông đến người dân. Từ năm 2020 đến nay đã tổ chức hơn 180 hội nghị, lớp tập huấn, cuộc tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), chống RTN, tác hại của chất thải nhựa cho các cơ sở, doanh nghiệp, cán bộ phụ trách môi trường, hội viên các hội. Mở hơn 50 lớp với trên 1.500 lượt người tham gia về hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Tổ chức 4 cuộc giao lưu truyền thông sân khấu hoá về BVMT, chống RTN. Phối hợp tặng trên 3.000 chiếc làn và hàng nghìn chiếc túi siêu thị, hàng trăm kg túi nilon có khả năng phân huỷ sinh học cho người dân sử dụng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong BVMT, chống RTN.
Song song với công tác tuyên truyền, Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, chống RTN, giảm thiểu phát sinh chất thải túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt; xử lý nghiêm các vi phạm về gây ô nhiễm môi trường. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở TN&MT cho biết: Siết chặt công tác BVMT, đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, đảm bảo môi trường là yếu tố được quan tâm, chú trọng ngay từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Hạn chế hoặc không xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, nhập khẩu túi nilon khó phân huỷ sinh học, sản phẩm nhựa sử dụng một lần… đảm bảo thực hiện theo lộ trình của Luật BVMT năm 2020. Hàng năm, Sở TN&MT ban hành cácquyết định kiểm tra công tác chấp hành Luật BVMT, lồng ghép kiểm tra việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua công tác kiểm tra đã tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân hạn chế dần việc sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tiến tới thay thế hoàn toàn đồ dùng thân thiện với môi trường, đồng thời phân loại rác thải tại nguồn để hạn chế việc xử lý rác thải.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa khó phân huỷ và túi nilon rất khó khăn vì sự tiện lợi, giá thành rẻ. Các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa chưa đồng bộ, đặc biệt là chế tài xử phạt và chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải hiện nay chưa được thực hiện một cách triệt để.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm việc quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Nghiên cứu phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ – tái chế – tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động BVMT. Tăng tỷ lệ đầu tư cho BVMT từ nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh, nhấtlà cho việc tái chế, xử lý chất thải, trong đó có RTN.
Khuyến khích các phong trào quần chúng tham gia BVMT. Nhân rộng mô hình hiệu quả, chú trọng xây dựng mô hình BVMT lồng ghép các mô hình kinh tế – xã hội. Phát triển dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị và nông thôn; chú trọng xây dựng các khu tái chế và xử lý rác với công nghệ tiên tiến. Đẩy mạnh thu gom, xử lý rác thải, chất thải y tế và nhựa. Tổ chức bình chọn, công bố sản phẩm, cửa hàng, siêu thị thân thiện với môi trường. Xây dựng mô hình kinh tế chiều sâu, áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong tái chế rác thải. Thực hiện quy định thay thế nhiên liệu, sản phẩm gây hại bằng các lựa chọn thân thiện với môi trường và tái sử dụng.
Tỉnh Đồng Nai có thêm 5 dự án được vay vốn Quỹ Bảo vệ môi trường
Tính từ khi thành lập (năm 2007) đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh đã duyệt cho vay 96 dự án với tổng số tiền hơn 575 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ quỹ, các dự án về môi trường được triển khai nhanh, thuận lợi hơn, góp phần bảo vệ môi trường, tạo dựng cảnh quan của tỉnh.
Bên cạnh đó, quỹ cũng tích cực hỗ trợ các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Biến đổi khí hậu có thể khiến 14,5 triệu người tử vong tính đến năm 2050
Một báo cáo công bố ngày 16/1 tại Hội nghị Thường niên Lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) ở thành phố Davos (Thụy Sĩ) cho biết biến đổi khí hậu có nguy cơ gây ra thêm 14,5 triệu ca tử vong và gây thiệt hại kinh tế 12.500 tỷ USD trên toàn thế giới tính đến năm 2050.
Báo cáo do WEF và Công ty Tư vấn Oliver Wyman đồng biên soạn, dựa trên các kịch bản do Hội đồng Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu xây dựng, trong đó nhắc đến kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất khiến nhiệt độ trung bình của hành tinh tăng lên 2,5-2,9 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo trên phân tích 6 hậu quả chính của biến đổi khí hậu: Lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, bão nhiệt đới, cháy rừng và mực nước biển dâng cao. Riêng lũ lụt ước tính sẽ gây ra 8,5 triệu ca tử vong đến năm 2050, gây ra “nguy cơ cấp tính cao nhất về tử vong do khí hậu.”
Hạn hán, nguyên nhân thứ hai gây tử vong liên quan đến khí hậu, dự báo sẽ cướp đi sinh mạng của 3,2 triệu người. Trong khi đó, các đợt nắng nóng có thể sẽ gây ra thiệt hại kinh tế cao nhất, ước tính khoảng 7.100 tỷ USD tính đến năm 2050.
WEF cảnh báo khủng hoảng khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe toàn cầu và những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất sẽ phải chịu đựng nhiều nhất.
Các khu vực như châu Phi và Nam Á sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu do nguồn lực như cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế thiết yếu còn hạn chế.
WEF kêu gọi các bên liên quan trên toàn cầu hành động mạnh mẽ và mang tính chiến lược để giảm lượng khí thải và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người.
Phát biểu tại Hội nghị WEF Davos 2024, ông Shyam Bishen, người đứng đầu Trung tâm Y tế và Chăm sóc Sức khỏe và là thành viên của Ủy ban Điều hành WEF, cho biết: “Những tiến bộ gần đây sẽ bị mất đi nếu các biện pháp giảm phát thải quan trọng không được cải thiện, và nếu các hành động toàn cầu mang tính quyết định không được thực hiện để xây dựng các hệ thống y tế thích ứng với khí hậu”.
Long An: Bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án phát triển nhanh và bền vững tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở bền vững kinh tế, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; gia tăng thu nhập cho người dân; áp dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó, riêng lĩnh vực môi trường, xác định tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt gần 100%. Bảo đảm 100% nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn tương đương với chất lượng nước thải thải ra nguồn tiếp nhận dùng cho sinh hoạt. Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%; hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 80%.
Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ các điểm quan trắc lưu vực Vàm Cỏ Đông, lưu vực Vàm Cỏ Tây có WQI ở mức khá trở lên, đạt 70%; diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị đạt 10m2; bảo đảm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, để đạt mục tiêu đó, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát trong đầu tư và hoạt động xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Sở xây dựng các giải pháp chủ động ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm khu vực nông thôn nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường qua các mô hình sinh thái khép kín, kinh tế tuần hoàn nhằm hạn chế phát thải gây ô nhiễm và phát triển sinh kế mới cho người dân, nhất là bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Ngoài ra, Sở còn tập trung hướng dẫn, kiểm tra việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường các giải pháp tái chế, tuần hoàn chất thải, định hướng công nghệ tiên tiến, hạn chế chôn lấp, ưu tiên xử lý thu hồi năng lượng. Sở thường xuyên kiểm tra, giám sát trong đầu tư và hoạt động xử lý, khai thác và sử dụng hợp lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trên các lưu vực, hệ thống sông trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường./.
Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tỉnh Khánh Hòa – mô hình Nha Trang”
Tại hội thảo, gần 200 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã thảo luận, trao đổi những vấn đề: Tình hình và chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam; một số kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh tại một số nước trên thế giới; nhu cầu của người dân về môi trường sạch; Đề án Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh TP. Nha Trang…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh Khánh Hòa, thẳng thắn nhìn nhận những hiện trạng (môi trường, chính sách, nhận thức của người dân…) để xác định những thế mạnh và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, từ đó nghiên cứu phương án chuyển đổi từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; xây dựng chính sách mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp khi đồng hành cùng tỉnh triển khai hiệu quả những chương trình, hành động về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.
Triển khai thí điểm đô thị du lịch biển gắn với phát huy các giá trị văn hóa và ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động trong đô thị này. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện giao thông điện, nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao; tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp; xây dựng thị trường tín chỉ carbon…
Bình Dương hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Sáng 18/1, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC phối hợp cùng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ tiến tới Net Zero – Tiết kiệm năng lượng và Giảm phát thải cho công nghiệp bền vững”.
Tham dự hội thảo có bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện các cơ tham tán Thương mại Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh và đại diện nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyên về lĩnh vực khoa học – công nghệ, tiết kiệm năng lượng. Về phía tỉnh Bình Dương có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành và hơn 200 doanh nghiệp.
Hội thảo thu hút hơn 200 khách mời là lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương; Tổng công ty Becamex IDC; Tổng lãnh sự quán, Thương vụ, USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và các công ty Hoa Kỳ; lãnh đạo các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; các công ty tư vấn năng lượng và môi trường, các tổ chức hỗ trợ quốc tế, các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN của VSIP và Becamex.
Hội thảo Net Zero nhằm thảo luận về các công nghệ năng lượng sạch hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, tập trung vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng và các giải pháp khử carbon; đồng thời, trao đổi ý tưởng giữa các chuyên gia Hoa Kỳ, Việt Nam và các nhà lãnh đạo ngành năng lượng; quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, chuyên môn và kinh nghiệm của các công ty Hoa Kỳ trong các lĩnh vực hiệu quả năng lượng, triển khai năng lượng tái tạo và khử carbon trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Khai mạc Hội thảo, bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chương trình được phối hợp tổ chức giữa Phái bộ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng Becamex IDC, với mục tiêu là tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua các giải pháp đa dạng hóa nguồn năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tận dụng các nguồn hỗ trợ quốc tế và tài chính xanh; ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp để đạt kết quả sử dụng tốt hơn, giảm phát thải carbon, khí nhà kính, nâng cao năng suất, tăng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một chương trình trong chuỗi hoạt động của Thương vụ Hoa Kỳ sẽ được tổ chức để hỗ trợ hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam”.
Biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia đã cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như đã cam kết, Việt Nam sẽ phải giải được bài toán là vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.
Phát biểu tại Hội thảo, là một trong những địa phương tích cực tham gia vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Để thích nghi với những biến động, được tạo ra bởi yếu tố chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những biến số khó lường, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới – mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ, đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, phát triển lấy bền vững làm trong tâm, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết”.
“Bình Dương đã và đang gặt hái được những kết quả từ mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ và hướng tới mô hình công nghiệp thông minh sinh thái, trên nền tảng triết lý phát triển “Môi trường đầu tư hiệu quả – Xã hội nhân văn hài hòa – Chính quyền năng động kiến tạo”. Đối với Bình Dương, bài toán hướng tới phát thải ròng bằng 0, không chỉ là bài toán giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Với vai trò là một trong những trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được lắng nghe thuyết trình từ các chuyên gia về Nghiên cứu điển hình về KCN sinh thái tại Việt Nam do đại diện Becamex IDC trình bày; Nghiên cứu về cơ hội phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam; Sáng kiến của IFC trong việc thúc đẩy các công trình xanh và có khả năng chống chịu tại các thị trường mới nổi; Kích hoạt quá trình khử carbon của các hệ thống công nghiệp quan trọng theo hướng sứ mệnh. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề về khử carbon công nghiệp, hiệu quả năng lượng công nghiệp và các chương trình hỗ trợ tài chính quốc tế và cơ hội tài trợ xanh nhằm thúc đẩy tính bền vững trong ngành sản xuất. Thông qua Hội thảo, các diễn giả cũng đã có những chia sẻ hữu ích về vai trò của việc tiết kiệm năng lượng cũng như khả năng hiện thực hoá các mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị