Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/11/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/11/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 17/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Hà Nội rung lắc nhẹ do động đất mạnh 5,4 độ ở biên giới Trung Quốc – Myanmar
Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Được biết vị trí xảy ra xảy ra động đất cách Hà Nội khoảng 660 km. Mặc dù cách xa tâm chấn, thời điểm xảy ra trận động đất, nhiều người dân sinh sống tại các tòa nhà cao tầng ở Thủ đô Hà Nội có thể cảm nhận, thấy rõ đồ đạc bị rung lắc.
Tại Hà Nội vào thời điểm này, nhiều người dân ở trên các tòa nhà cũng cảm nhận được rung chấn từ trận động đất nói trên.
Một người dân cho biết khi họ đang ngồi thì cảm thấy rung ghế, tưởng bị chóng mặt, nhìn lên thì thấy bàn rung lắc.
Hơn 700 nhà dân tại Quảng Trị đang còn bị ngập sau mưa lũ
Ngày 17/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị thông tin, do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện nay vẫn còn một số khu vực, tuyến đường, ngầm tràn trên địa bàn tỉnh bị ngập làm chia cắt giao thông và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, tại huyện Đakrông có điểm ngầm tràn Ly tôn, xã Tà Long bị ngập lụt khoảng từ 0,5-1,0m; huyện Triệu Phong điểm tràn đê Tiền Tả, xã Triệu Giang bị ngập khoảng 0,6m; huyện Hải Lăng các khu vực dân cư và các thôn, xóm vùng thấp trũng, vùng ven sông thuộc các xã Hải Phong, Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Định, Hải Ba, Hải Thượng đang còn ngập từ 0,2-1,0m. Hiện vẫn còn 714 nhà dân và 32 điểm trường vẫn bị ngập trong nước lũ.
Đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ghi nhận có 3 người chết. Trường hợp thứ nhất là ông Lê Đức H. (SN 1987, trú tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) bị nước cuốn trôi khi đi chài lưới đánh bắt cá trong lòng hồ La Ngà vào ngày 13/11.
Đặc biệt thương tâm là trường hợp của 2 vợ chồng ông Hồ Xa L. (SN 1985) và bà Hồ Thị V. (SN 1985) cùng trú tại thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Hai vợ chồng bị lũ cuốn trôi khi qua suối thăm trang trại vào ngày 14/11. Đến trưa ngày hôm nay (17/11), thi thể hai vợ chồng mới được lực lượng chức năng tìm thấy. Hiện tại, địa phương đang hỗ trợ gia đình lo hậu sự.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại cho nhiều địa phương. Tại huyện Cam Lộ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở bờ sông Hiếu đoạn qua thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu với chiều dài sạt lở khoảng 100m, ăn sâu vào nền đường nhựa liên xã. Nguy cơ tiếp tục bị sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường liên xã và khoảng 30 hộ dân; huyện cũng có khoảng 50.000 cây giống lâm nghiệp, 15.000 cây cúc giống bị ngập úng, hư hại; 14 con bò, hơn 1.000 gia cầm bị cuốn trôi và chết; hơn 2,3ha diện tích nuôi cá bị thiệt hại.
Tại huyện Hải Lăng, mưa lớn đã làm hư hỏng, cuốn trôi khoảng 300m kè đường giao thông Xuân Lâm – Thượng Nguyên; mố cầu sông Mới (khu vực 1, thôn Đại An Khê) bị sạt lở với chiều dài khoảng 30m; kênh tiêu tách nước, cát Hải Quế – Hải An đoạn phía tây trụ sở UBND xã Hải An bị xói lở, hư hỏng bờ kênh chiều dài khoảng 70m; kênh mương ở thôn Thượng Nguyên, xã Hải Lâm bị sạt lở khoảng 120m; tuyến kè tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An bị hư hỏng, sạt mái 4 đoạn, tổng chiều dài khoảng 130m; diện tích cây ăn quả, rau màu bị ngập úng, thiệt hại khoảng 115,5ha…
Tại huyện Đakrông, sạt lở khoảng 200m3 đất đã lấp mặt đường, làm chia cắt giao thông đường nội thôn A Vao, xã A Vao; Xói lở tại suối Đá Ngồi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường nội thôn Gia Giả, chiều dài xói lở khoảng 220m.
Mưa lũ ở Phú Yên: Một người mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị ngập
Ngày 17/11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết: Mưa lũ trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh này đã làm 1 người mất tích, 256 nhà bị ngập nước và một số tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng nặng.
Trước đó, vào tối 16/11, tại khu vực tràn qua suối Hố Nai (thuộc địa phận thôn 2/4, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh), ông Mạc Văn Cường (SN 1983, ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly) đã bị nước lũ cuốn trôi, hiện đang mất tích.
Mưa lũ cũng khiến 256 nhà bị ngập nước, giao thông tại huyện Tây Hòa và Tuy An bị chia cắt. Một số tuyến đường ngập sâu gồm ĐT.642 (Triều Sơn – La Hai); các tuyến Quốc lộ 25, 29 và 19C hư hỏng, xói lở nền đường mặt đường với khối lượng 15m3 đất đá.
Hiện mực nước đo được tại trạm thủy văn các sông trên địa bàn tỉnh Phú Yên ở mức báo động cấp 1 đến cấp 2, có sông trên báo động cấp 2. Dự báo trong khoảng 6 – 12h tới, lũ trên sông Ba tại trạm Củng Sơn và Phú Lâm tiếp tục lên nhanh, đạt mức báo động 2 đến báo động 3. Lúc 6h sáng nay, mực nước ở hồ thủy điện Sông Ba Hạ là 104,58/MNDBT:105m; xả về hạ du 2.340m3/s (xả qua tràn 1.940m3/s + chạy máy 400m3/s).
Thừa Thiên Huế: Khẩn trương khắc phục hậu quả của mưa lụt
Mưa lũ làm hàng chục ngàn hộ dân tỉnh Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống người dân, ngập lụt khiến giao thông đi lại khó khăn,… Nhận định được những điều đó, tại tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Đông Ba và Bạch Đằng phường Gia Hội, hơn 50 đoàn viên Công an thành phố Huế đã phối hợp với các lực lượng: bảo vệ dân phố, các tổ chức đoàn cơ sở… tham gia nạo vét, dọn dẹp bùn đất, thu gom rác thải, vệ sinh các tuyến đường giúp người dân đi lại an toàn, sạch sẽ.
Thượng úy Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Công an thành phố cho biết: Hiện nay, lực lượng đoàn viên đã có mặt tại các địa bàn trọng điểm trong cơn mưa lụt vừa qua, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, quyết tâm đưa cuộc sống người dân trở lại ổn định.
Trước đó, khi mưa lớn, nhiều địa bàn tại thành phố Huế ngập sâu, lực lượng Đoàn thanh niên Công an thành phố xung kích tham gia tổ phòng chống bão lụt, phối hợp cùng với lực lượng Công an các xã phường bám địa bàn, di dời dân từ vùng thấy trũng đến nơi an toàn, trực tiếp đưa nhiều trường hợp là người già ốm đau, sản phụ, trẻ em kịp thời đến bệnh viện.
Những hoạt động giúp đỡ người dân tại các địa bàn trong và sau mưa lụt có ý nghĩa thiết thực, thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ thanh niên Công an thành phố Huế vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Đến thời điểm hiệm tại, tình hình ngập lụt đã giảm dần. Tuy nhiên, trên các sông, suối dòng chảy xiết, độ ẩm đất đã bão hoà, do đó dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất nên người dân cần hết sức cẩn thận khi di chuyển. Cần rà soát các khu vực sinh sống những dấu hiệu như nứt, sạt, trượt. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để có phương án phòng, chống kịp thời.
Khánh Hoà: Tập huấn chung tay cùng cộng đồng giám sát và bảo tồn rạn san hô Hòn Mun
Ngày 17/11, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga Chi nhánh ven biển tổ chức tập huấn chung tay cùng cộng đồng giám sát và bảo tồn rạn san hô Hòn Mun. Tham dự lớp tập huấn có gần 50 đại biểu đại diện Ban Quản lý vịnh Nha Trang; Viện Hải Dương học Nha Trang; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tư nhân ở khu vực Vĩnh Nguyên và hội viên phụ nữ Phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia, báo cáo viên phổ biến các kiến thức về cách phân biệt các loài thú biển; giám sát và bảo tồn rạn san hô Hòn Mun; môi trường sinh sống, hình thức sinh sản của san hô; tầm quan trọng, các mối nguy hại tới san hô… Đồng thời, hướng dẫn về phương pháp giám sát sự sinh trưởng của san hô; những hành động thiết thực của mỗi cá nhân trong bảo vệ san hô (không vứt rác thải, xả nước thải xuống biển; không vứt các loại lưới đánh bắt cá xuống biển làm mắc vào các rạn sạn hô; không neo đậu tàu thuyền trực tiếp trên các rạn san hô; báo cáo với các cơ quan chức năng khi phát hiện tình trạng mua bán, xâm hại san hô…); biện pháp sơ cứu, tái thả tại chỗ khi thú biển mắc cạn, dạt bờ; biện pháp phục hồi, nuôi dưỡng lâu dài khi các loài thú biển bị thương nặng…
Buổi tập huấn nhằm tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ các cấp trong việc bảo vệ môi trường, nhất là việc bảo tồn rạn san hô Hòn Mun. Đây là một trong nhiều hoạt động nằm trong kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 của UBND tỉnh.
Vùng Sừng châu Phi: Lũ lụt khiến hơn 100 người thiệt mạng
Hiện tượng khí hậu El Niño đang làm trầm trọng thêm những hậu quả do mùa mưa trong khu vực gây ra, đặc biệt ảnh hưởng đến Somalia, Ethiopia và Kenya.
Báo cáo của Save the Children có đoạn: “Mưa không ngừng ở các quận phía Bắc Kenya và thủ đô Nairobi đã gây ra lũ lụt trên diện rộng, ước tính khoảng 36.000 người phải sơ tán và 46 người thiệt mạng kể từ khi mùa mưa bắt đầu chưa đầy một tháng trước”. Tổ chức này cũng cho biết số nạn nhân thiệt mạng ở Somalia là 32 và Ethiopia là 33.
Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng. Kể từ cuối năm 2020, Somalia, cùng một phần của Ethiopia và Kenya đã hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong khu vực suốt 40 năm qua.
Trước đó, ngày 13/11, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, mưa lớn ở khu vực Đông Somali của Ethiopia đã khiến khoảng 12.000 hộ gia đình phải di dời.
El Niño – thường liên quan đến nhiệt độ tăng cao, hạn hán ở một số nơi trên thế giới và mưa lớn ở những khu vực khác – sẽ tiếp tục kéo dài cho đến tháng 4 năm sau. Hiện tượng khí hậu này đã tàn phá khu vực Đông Phi. Từ tháng 10/1997 đến tháng 1/1998, lũ lụt kinh hoàng sau những trận mưa xối xả do El Niño gây ra đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở 5 quốc gia trong khu vực.
Vùng Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn.
Cuối năm 2019, ít nhất 265 nạn nhân đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người buộc phải di dời trong 2 tháng mưa liên tục ở một số quốc gia Đông Phi bao gồm Burundi, Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Tanzania, Uganda.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị