Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/1/2024

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/1/2024

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 17/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Miền Bắc sắp rét đậm, rét hại diện rộng, có nơi dưới 0 độ C

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vừa phát đi văn bản về việc ứng phó rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển.

Văn bản nêu, theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ 20-21/1, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ khả năng cao xảy ra một đợt rét đậm, vùng núi rét hại, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 9 độ C, vùng núi cao có thể xuống dưới 2 độ C, có nơi dưới 0 độ C.

Đợt không khí lạnh mạnh tràn về đúng tiết Đại hàn (ngày 21/1/2024 Dương lịch, tương đương với ngày 11/12/2023 Âm lịch).

tm-img-alt
Miền Bắc sắp trải qua một đợt rét đậm, rét hại diện rộng

Ngoài ra, theo văn bản, từ 21/1, vịnh Bắc Bộ, Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sau đó gió mạnh xu hướng mở rộng xuống vùng biển phía Nam gây biển động mạnh.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến rét đậm, rét hại và tình hình thực tế tại địa phương để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, dân chủ động phòng tránh.

Cụ thể, hướng dẫn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, không dùng bếp than tổ ong sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người; chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho học sinh các trường nội trú.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác.

Thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cảnh báo nguy cơ xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày

tm-img-alt
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng chỉ số chất lượng không khí (AQI). Ảnh minh hoạ

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, một số tỉnh, thành xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.

Trong văn bản của Cục Quản lý môi trường y tế gửi các địa phương trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe phù hợp.

Đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi): Nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.

Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Nên chú ý giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.

Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị.

Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khoẻ định kỳ

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng chỉ số chất lượng không khí (AQI). Chỉ số AQI được tính theo thang điểm (6 khoảng giá trị AQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại (AQI ở mức 301- 500), Bộ Y tế khuyến cáo:

Đối với người bình thường: Tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm.

Đối với những người nhạy cảm: Tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà; đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm. Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Đối với lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học: Có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp.

Tỉnh Nghệ An ban hành chỉ thị về tổ chức Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, những năm qua, các bộ, ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân Nghệ An đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Năm 2023, với chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; cùng với sự nỗ lực, tinh thần sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn của hàng triệu bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, đồng thời tích cực chuẩn bị tổ chức tốt “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị, chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 5/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021-2025; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả pháp luật về lâm nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61- KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13- CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đấu tranh, truy quét, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp. Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 về lĩnh vực lâm nghiệp. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thời điểm tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn 2024 tốt nhất là vào những ngày đầu năm mới. Sau khi trồng phải thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng và rừng trồng hiện có để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện “Tết trồng cây” và công tác trồng rừng, bảo vệ rừng tại địa phương, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt. Tổng hợp báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.

Vụ trang trại heo gây ô nhiễm ở Phú Yên: Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm

Tin trên SGGP, ngày 17/1, ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, huyện đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Phúc Huy Gia Lai về hành vi không lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại Dự án Trang trại chăn nuôi 10.000 heo cai sữa và 10.000 heo thịt Phúc Huy Gia Lai tại thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Theo đó, UBND huyện Sơn Hòa xử phạt 40 triệu đồng đối với Công ty TNHH Phúc Huy Gia Lai, áp dụng khoản 2 Điều 6, điểm a khoản 1 Điều 40 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; khoản 1 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, UBND huyện Sơn Hòa yêu cầu Công ty TNHH MTV Phúc Huy Gia Lai có biện pháp khắc phục hậu quả, lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại trang trại này.

Công ty TNHH MTV Phúc Huy Gia Lai được UBND tỉnh Phú Yên cấp Giấy phép môi trường số 43/GPMT-UBND ngày 12-6-2023 đối với Dự án Trang trại chăn nuôi 10.000 heo cai sữa và 10.000 heo thịt Phúc Huy Gia Lai (tại thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Dự án đã đi vào hoạt động từ ngày 16-5-2023, đến nay đã xuất chuồng 3 lứa, hiện đang nuôi lứa thứ 4 với 16.000 con heo thịt (trọng lượng khoảng 70kg/con).

tm-img-alt
Trước đó, người dân tố giác trại heo xả thải đầu độc con suối tự nhiên

Trong quá trình hoạt động, vào tháng 12-2023, trang trại này để xảy ra sự cố môi trường, gây tắc một số điểm thoát nước tại hệ thống hố gas bên trong chuồng nuôi; nước thải bị tắc nghẽn không dẫn được chất thải chăn nuôi về máy tách phân, khiến nước thải chảy tràn ra trên mặt đất, bốc mùi hôi, khiến hàng trăm hộ dân tại thôn Kiến Thiết bức xúc.

Tháng 11/2023, Sở TN-MT tỉnh Phú Yên đã thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất, phát hiện một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Công ty TNHH MTV Phúc Huy Gia Lai và xử phạt trang trại chăn nuôi này 50 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Đình An, ngoài mức xử phạt theo quy định, địa phương đã chỉ đạo cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động của trang trại. “Nếu tái phạm, UBND huyện Sơn Hòa sẽ kiên quyết xử lý, không để ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, ông An khẳng định.

Kiên Giang triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập

Báo Kiên Giang đưa tin, sáng 17/1, đồng chí Lâm Minh Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang chủ trì cuộc họp nghe báo cáo công tác phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập và tình hình sản xuất nông nghiệp, cấp nước mùa khô 2023-2024.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chủ động phối hợp cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Chủ động phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, cống Xẻo Rô và hệ thống cống tuyến đê biển để ngăn mặn, giữ ngọt phù hợp yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực; phối hợp các địa phương thường xuyên kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay các điểm mặn xâm nhập, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt vùng nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình cấp nước vùng nông thôn, hải đảo để kịp thời phục vụ người dân.

Đồng chí Lâm Minh Thành đề nghị Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang và các địa phương liên quan ưu tiên cân đối nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cống âu thuyền Vàm Bà Lịch để đảm bảo kiểm soát mặn từ sông Cái Bé vào kênh Ông Hiển, đảm bảo nguồn nước ngọt sinh hoạt cho khu vực Châu Thành và TP. Rạch Giá; khẩn trương triển khai thi công đập tạm bằng cừ thép larsen trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên, thuộc xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, theo quy trình xây dựng khẩn cấp; sớm trình UBND tỉnh phê duyệt và thi công hệ thống điện 3 pha để vận hành hệ thống cống tuyến ven biển An Biên, An Minh (Kiên Giang).

tm-img-alt

Người dân trên địa bàn huyện An Biên chủ động trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt trong mùa khô.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hạn hán, mặn xâm nhập, xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để có biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; trong đó, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi bơm tưới, thường xuyên kiểm tra các cống, đập để phát hiện, khắc phục rò rỉ kịp thời.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích