Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/11/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/11/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 16/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Thúc đẩy thực thi kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Tham dự Diễn đàn còn có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ, đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, Viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn…
Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc thông qua vào năm 2015, đã đưa ra một kế hoạch chung về hòa bình và thịnh vượng cho con người và hành tinh của chúng ta trong hiện tại và tương lai, kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia trong bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, hướng tới một nền kinh tế carbon trung tính, không phát thải vào năm 2050.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, các sáng kiến về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn… là những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để ứng phó với thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đe dọa đến sự phát triển bền vững.
Trong đó, kinh tế tuần hoàn đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn để giúp nhân loại giải quyết được những thách thức đang đặt ra và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Đáng chú ý, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Đây được coi là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế bền vững, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thế giới.
“Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh, trong gần 40 năm qua, phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.
Trước những vấn đề đặt ra ở trên, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách khá kịp thời được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, thể chế hóa mục tiêu phát triển KTTH trong hệ thống pháp luật và thực tiễn để giải quyết những vấn đề đặt ra. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”, trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030; trong các Nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đô thị hóa, nông nghiệp, – nông thôn, -nông dân, phát triển các vùng… đã có định hướng.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định định nghĩa KTTH là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”. Luật cũng đã giao trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện KTTH.
Cùng với đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH gửi lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện KTTH ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện KTTH ở cấp độ quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng”.
Do vậy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động. Cùng với đó, ông cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030.
Tiên phong tại Việt Nam trong sáng kiến xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa thông qua mô hình hợp tác công tư (PPC), Unilever hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác khác triển khai trong 3 năm qua, giúp phân loại tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa.
Chia sẻ về sáng kiến này tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho biết sáng kiến nhằm quản lý vòng đời sản phẩm và mong muốn nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trên quy mô của toàn quốc. Sáng kiến này được khởi nguồn từ việc Unilever cùng các đối tác quan sát thấy hàng năm Việt Nam tiêu thụ 3 triệu tấn nhựa ở Việt Nam nhưng mới thu gom và tái chế 33% lượng nhựa này.
“Xét về mặt kinh tế, chúng ta đang mất gần 70% giá trị của vật liệu nhựa, tương đương với gần 3 tỷ USD/năm; đồng thời, thải ra môi trường rác thải nhựa và gây ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng”, bà Vân khẳng định.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo của Unilever Việt Nam, Việt Nam phải bẻ hướng dòng chảy của nhựa theo hướng tuần hoàn và quay lại để phục vụ đời sống con người thay vì bị thải bỏ.
Những năm qua, các đơn vị tích cực thúc đẩy những sáng kiến và phát triển sản phẩm để cải thiện vật liệu bao bì một cách phù hợp để tuần hoàn. Đến nay Unilever Việt Nam có khoảng 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc sẽ dễ dàng phân hủy. Đồng thời, cũng cắt giảm được 52% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế. Tuy nhiên, theo bà Vân, cần phải hợp tác nhiều phía mới giải quyết được vấn đề, quan trọng nhất là phải xây dựng được nhận thức trong cộng đồng.
Hiện không chỉ những tập đoàn lớn Unilever Việt Nam nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đưa ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều thị trường chủ lực của Việt Nam đang định hướng “xanh hoá”, doanh nghiệp xuất khẩu Việt cũng đang chuyển đổi để đáp ứng tiêu chuẩn mới và cam kết mạnh mẽ về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái.
Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng hồ Hòa Bình
Ngày 16/11, tại hồ sông Đà thuộc khu vực xóm Tháu, phường Thái Bình (TP Hòa Bình), Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng HB tổ chức lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng hồ Hòa Bình.
Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng HB có diện tích nuôi trồng thủy sản tại vùng hồ sông Đà 5 ha, với 250 lồng cá. Tối 27/10, tại khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất và Hội chợ Nông nghiệp, triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc năm 2023 do UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức, 1 con cá trắm đen nặng 30 kg của công ty đã được đấu giá, bán cho Công ty Bảo tín Minh Châu (Hà Nội) với giá 65 triệu đồng. Nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản và tri ân dòng sông Đà, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng HB đã dùng toàn bộ số tiền đấu giá con cá để mua 1 tấn cá giống thả xuống lòng hồ sông Đà.
Đây là một trong những hoạt động nhằm nỗ lực bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, nhất là trên hồ sông Đà; làm sạch nguồn nước, giữ cân bằng hệ sinh thái; thể hiện trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chung tay tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây cũng là dịp để tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân, người dân hiểu tầm quan trọng và trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với bảo vệ môi trường…
Tại buổi lễ, 1 tấn cá giống đã được thả xuống lòng hồ sông Đà với các loại cá: trắm, chép, rô phi, lăng…
Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại ba địa phương
Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi giấy phép khai thác số 1858/GP-BTNMT ngày 2/8/2017 khu Tây mỏ đồng Sin Quyền, huyện Bát Xát, tinh Lào Cai, ông Phạm Quốc Duy thuộc Công ty CP Địa chất Việt Bắc – TKV, đơn vị tư vấn cho biết: Báo cáo đã tổng hợp được các tài liệu địa chất mỏ, nâng cấp các khối tài nguyên cấp 333 lên trữ lượng cấp 122 đến mức +46m; đánh giá chất lượng quặng và điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ phục vụ công tác thiết kế khai thác, đồng thời tính được thành phần có ích đi kèm trong quặng đồng có thể thu hồi là vàng (Au), bạc (Ag), quặng magnetit (Fe3O4) và lưu huỳnh (S).
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị đối với mỏ đồng Sin Quyền, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần chú ý, trong quá trình khai thác các sản phẩm có hại, phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và giảm thiểu nguy cơ phát tán ra môi trường.
Thứ trưởng và các ủy viên Hội đồng nhất trí thông qua trữ lượng cấp 122 hơn 749.000 tấn quặng, chứa hơn 7.500 tấn kim loại Cu; các thành phần có ích đi kèm trong các khối trữ lượng cấp 122 gồm: Vàng (Au) là 444kg, bạc (Ag) là 1.049kg, quặng magnetit (Fe3O4) là 37.680 tấn và lưu huỳnh (S) là 6.621 tấn.
Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2192/GP-BTNMT ngày 30/10/2008 mỏ than Bắc Cọc Sáu, ông Trần Minh Đức – Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin, đơn vị tư vấn cho biết: Mục tiêu thăm dò là phục vụ công tác điều chỉnh dự án đầu tư khai thác, đồng thời làm rõ cấu trúc địa chất mỏ liên quan đến đặc điểm phân bố các vỉa than, đặc điểm cấu tạo, chiều dày và chất lượng các vỉa than.
Báo cáo sử dụng tài liệu các lỗ khoan đã thi công thuộc Giấy phép thăm dò số 1162/GP-BTNMT và số 2682/GP-BTNMT là 94 lỗ khoan/61.059,6m khoan qua phạm vi Giấy phép khai thác số 2192/GP-BTNMT. Theo Báo cáo kết quả thăm dò năm 2022, tài liệu các lỗ khoan đã thi công đủ điều kiện nâng cấp các khối tài nguyên trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2192/GP-BTNMT thành trữ lượng cấp 122. Do đó, báo cáo lần này chủ yếu là tổng hợp tài liệu lỗ khoan đã thi công của các giai đoạn thăm dò trước đây và bổ sung khối lượng các công tác: Biên tập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5.000 diện tích 1,7 km2; đo vẽ, chỉnh lý bản đồ địa chất tỷ lệ 1:5.000 diện tích 1,7 km2; thu thập tài liệu thăm dò ở mỏ đến tháng 3/2023.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đánh giá đơn vị tư vấn đã thu thập, chỉnh lý, tổng hợp tất cả các nguồn tài liệu hiện có ở mỏ than Bắc Cọc Sáu và các mỏ liền kề để thành lập báo cáo. Báo cáo này đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đặt ra, các thông tin trong báo cáo đạt mức độ tin cậy đáp ứng yêu cầu sử dụng để lập dự án khai thác than mở rộng tại mỏ than Bắc Cọc Sáu.
Thứ trưởng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (chủ đầu tư) và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng, đặc biệt các ý kiến liên quan đến mẫu thể trọng, chú ý tiến hành lấy mẫu thể trọng đầy đủ để đảm bảo độ tin cậy, khoa học…
Thứ trưởng khuyến khích TKV thăm dò sâu tối đa các phần trữ lượng, tài nguyên trong phạm vi giấy phép đã cấp. Thứ trưởng và các thành viên Hội đồng đã thông qua trữ lượng cấp 122 nâng cấp từ tài nguyên cấp 333 trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2192/GP-BTNMT ngày 30/10/2008 mỏ than Bắc Cọc Sáu là hơn 9,8 triệu tấn; tài nguyên cấp 333 còn lại là 236 nghìn tấn.
Báo cáo kết quả thăm dò vàng gốc khu Bãi Gõ và Bãi Đất, mỏ vàng Đắk Sa, xã Phước Đức và Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Đức Hùng – Công ty TNHH Vàng Phước Sơn cho biết, công ty đã thi công 53 lỗ khoan với tổng chiều dài khoan hơn 17.400 mét; phân tích 1.367 mẫu; nghiên cứu địa chất thủy văn – địa chất công trình… Về căn bản, các khối lượng chính của đề án đã được hoàn thành trên 90%. Kết quả công tác thăm dò đã nâng cấp đảm bảo đủ độ tin cậy để tính trữ lượng khoảng sản vùng gốc ở cấp trữ lượng 122.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu địa chất thủy văn – địa chất công trình đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất thủy văn của tầng chứa nước khe nứt hệ tầng Núi Vú; xác định được tính chất vật lý, thành phần hoá học và vi khuẩn trong nước, điều kiện cấp và thoát nước, động thái và quan hệ giữa nước mặt với nước dưới đất; đánh giá được các nguồn nước chảy vào mỏ và dự tính lượng nước chảy vào công trình khai thác; xác định được thành phần, trạng thái, tính chất cơ lý của đất đá vây quanh và thân quặng, tính toán áp lực đất đá tác dụng lên nóc, hông và nền lò khi khai thác bằng hầm lò…
Góp ý cho báo cáo, ông Nguyễn Văn Lâm, thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, báo cáo kết quả thăm dò có cấu trúc và nội dung đáp ứng yêu cầu. Trong giai đoạn thiết kế thi công cần chú ý đánh giá khả năng ảnh hưởng của nước ngầm từ các hang karst, khả năng trượt nền của các lớp đá phân lớp có góc dốc lớn hơn 50 độ; đánh giá khả năng sử dụng nước tháo khô mỏ phục vụ sinh hoạt, ảnh hưởng của khí sunfua khi khai thác.
Về trữ lượng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng đã phê duyệt tổng trữ lượng và tài nguyên vàng gốc khu Bãi Gõ, Bãi Đất, mỏ vàng Đắk Sa tại xã Phước Đức và xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam với hơn 2 triệu tấn quặng chứa 8.084 kg vàng kim loại. Trong đó, tổng trữ lượng vàng cấp 122 là 5.488 kg, Bãi Gõ: 5.028 kg và Bãi Đất: 459 kg. Tài nguyên vàng cấp 222 là 1.130 kg khu Bãi Gõ, tổng tài nguyên vàng cấp 333 là 1.263 kg.
Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các địa phương
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại các địa phương, mưa lũ từ ngày 13-16/11 đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Tính đến trưa 16/11, mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt đã làm hai người chết, ba người mất tích (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế); 17.877 nhà ngập (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi). Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế còn ngập từ 0,3-0,6m.
Mưa lũ đã làm 34 nhà bị hư hại, tốc mái (Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 122ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị, Đà Nẵng) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống, 1.100 con gia súc, gia cầm, 2ha nuôi trồng thủy sản (Quảng Trị).
Mưa lớn kéo dài tại tỉnh Quảng Ngãi đã gây sạt lở nghiêm trọng trên đèo Violak qua địa bàn xã khiến giao thông trên Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum bị chia cắt.
Vụ sạt lở đất đá trên đèo Violak khiến đất đá từ trên đèo sạt lở vùi lấp mặt đường Quốc lộ 24 tại hai vị trí Km 63+350 và Km 64+400 qua thôn Làng Trui, xã Ba Tiêu. Cùng với sạt lở đất đá trên Quốc lộ 24 qua xã Ba Tiêu, mặt đường Quốc lộ 24 khu vực giáp ranh Quảng Ngãi và Kon Tum xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài.
Để đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực, Ủy ban Nhân dân xã Ba Tiêu đã huy động lực lượng tổ chức chốt chặn ở gần khu vực xảy ra sạt lở, nứt đường, không cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực. Nhiều phương tiện lưu thông theo hướng từ thành phố Quảng Ngãi đi Kon Tum phải dừng lưu thông gây ùn tắc trên Quốc lộ 24.
Mưa lũ gây ngập và làm ách tắc tại các tuyến đường Quốc lộ 1A, 49B, 49C (Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị), tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B, nhiều tuyến đường liên thôn, xã (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế); sạt lở taluy trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ: QL 9C (100m3), QL 9B, ĐT 558C (Quảng Bình); ĐT 601, QL 14G (Đà Nẵng); ĐT 628 (Quảng Ngãi).
Hà Tĩnh cần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường
Chiều 15/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tham dự buổi làm việc có Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và các thành viên đoàn.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo và đánh giá cao những kết quả Hà Tĩnh đạt được trong thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW.
Khẳng định Hà Tĩnh là địa phương có nhiều tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển kinh tế biển, các đại biểu cũng định hướng cho tỉnh những giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch dịch vụ biển, các ngành công nghiệp gắn với biển và ven biển, phát triển logistics…
Các đại biểu cho rằng, cần rà soát đánh giá tình hình chất lượng lao động phát triển kinh tế biển; quan tâm đến quy hoạch không gian biển quốc gia; phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm môi trường, quốc phòng – an ninh; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai, đê biển, đê sông; thúc đẩy các dự án du lịch, dịch vụ, ven biển…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thông tin thêm về kết quả phát triển KT-XH của tỉnh và nêu một số hạn chế, khó khăn dẫn đến khai thác kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đề xuất Ban Kinh tế Trung ương báo cáo Bộ Chính trị sớm cho chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để tỉnh có điều kiện phát huy tiềm năng kinh tế biển. Quan tâm hỗ trợ địa phương trong xây dựng trung tâm logistics để thu hút hàng hóa từ các tỉnh trong và ngoài khu vực, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; quan tâm khai thác hiệu quả cảng Lào – Việt. Tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào dự án tuyến đường sắt nối từ Viêng Chăn đến cảng Vũng Áng, thúc đẩy sự phát triển về hệ thống giao thông, vận tải của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cũng mong muốn các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh triển khai dự án nâng cấp, kênh tách lũ hồ Kẻ Gỗ và các công trình liên quan đến biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra cho Nhân dân tỉnh nhà.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TƯ trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh cần nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế biển, nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh; tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển; sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch các khu kinh tế ven biển…
Gia Lai: Khai thác khoáng sản trái phép bao giờ chấm dứt?
Vừa qua, tình trạng khai thác đất san lấp, đất sét và cát xây dựng trái phép như “trẩy hội”, các hành vi vi phạm diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày trên địa bàn xã Ia Piơr, Ia Lâu thuộc huyện Chư Prông nhưng không bị ai kiểm tra, xử lý; đến các hoạt động khai thác đá trái pháp luật liên tiếp được ghi nhận tại xã Hbông, Ia Pal của huyện Chư Sê…
Đến nay sự việc vẫn chưa được chính quyền địa phương có thông tin phản hồi chính thức. Thì mới đây, các hoạt động khai thác trái phép nêu trên vẫn ồ ạt diễn ra như thách thức dư luận.
Tại địa bàn xã Ia Boòng, huyện Chư Prông nơi khu vực khai thác đất đá trái phép được ghi nhận 6/11, thì đến ngày 10/11 hoạt động đào bới, vận chuyển đá vẫn diễn ra với quy mô lớn hơn.
Khác những lần trước, đào đá và cho người khoan đập tại chỗ, thì nay toàn bộ số đá sau khi bị đào bới được những người tại đây cho xe đào chuyển đá lên xe ben để chở đi nơi khác.
Các hoạt động khai thác rầm rộ, vận chuyển chỉ cách UBND xã Ia Boòng chưa đầy 700m. Cũng tại vị trí này, nhiều lần chính quyền lập biên bản nhưng không được xử lý dứt điểm, để người dân thường xuyên khai thác, vận chuyển đá trái phép trong thời gian dài.
Không riêng tại khu vực này, nhiều vị trí khai thác đá trái phép trên địa bàn huyện Chư Prông vẫn diễn ra như chưa hề có sự kiểm tra, xử lý nào từ cơ quan chức năng. Cả việc, toàn bộ gần 100m3 đá bazan tại làng Klũ, thôn Thanh Bình bị UBND xã Ia Đrang bắt quả tang, lập biên bản xử lý vào 8/2022, đến này toàn bộ tang vật gần như đã “không cánh mà bay”, hiện trường chỉ còn là bãi đất trống với vô số mảnh đá vỡ còn sót lại. Tang vật vi phạm không được quản lý sau khi lập biên bản, UBND xã có trách nhiệm thế nào trong sự việc này?
Tại huyện Chư Sê, ngày 8/11, sau khi ghi nhận được thông tin có hoạt động khai thác, vận chuyển đá trái phép đang diễn ra tại thôn Phú Cường, xã Ia Pal, PV có liên hệ Phòng TNMT huyện để kiểm tra, xử lý.
Ngay sau đó, lãnh đạo Phòng TNMT phối hợp lực lượng công an huyện Chư Sê, UBND xã Ia Pal tiến hành xác minh và phát hiện quả tang hoạt động đào đất, đá tại khu vực ruộng với thiết bị là xe máy đào màu đỏ đang hoạt động. Biên bản được lập sau đó và hành vi khai thác khoáng sản trái phép vẫn đang được xác minh, thì ngày 14/11 trở lại hiện trường ghi nhận thì số đá bị đào bới đang bị khoan tách thành đá xây dựng để đưa đi tiêu thụ.
Cùng trên địa bàn huyện Chư Sê, tại xã Hbông nơi liên tục có hoạt động khai thác đá trai phép nhưng các cấp chính quyền không xử lý dứt điểm. Các phương tiện máy đào, xe tải chở đá trái phép thường xuyên hoạt động mà không cơ quan chức năng nào phát hiện, xử lý.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị