Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/1/2024

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/1/2024

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 16/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Lào Cai khởi động mô hình “Chợ dân sinh – Giảm thiểu rác thải nhựa”

Hoạt động trên do Thành đoàn Lào Cai phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức.

tm-img-alt
Rất đông người dân, tiểu thương mang vỏ lon bia, chai nhựa, giấy các loại đổi lấy làn nhựa, túi vải, túi giấy.

Chợ Pom Hán là một trong những chợ thương mại lớn nhất phía Nam của thành phố Lào Cai với lượng tiêu thụ hàng hóa, thu hút nhiều người dân tới mua sắm hàng ngày. Việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông trong cuộc sống hàng ngày, hướng tới hoạt động mua sắm bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần là hết sức cần thiết. Vì vậy, chương trình tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi và trách nhiệm của tiểu thương, người dân thông qua các hoạt động của mô hình chợ Pom Hán giảm thiểu rác thải nhựa.

Theo đó, các hoạt động được triển khai trong dịp này như: phát động dọn dẹp vệ sinh cảnh quan môi trường tại chợ; phát miễn phí áp phích, pano tuyên truyền, tờ rơi cho các tiểu thương treo tại các quầy hàng; chương trình “Đổi rác lấy quà” thu hút đông người dân tham gia.

Ngay trong buổi sáng, rất đông người dân và tiểu thương đã thu gom các sản phẩm tái chế như chai nhựa, vỏ lon, các vật dụng từ nhựa để đổi các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như làn, túi vải, túi giấy, túi tự huỷ sinh học…

Được biết chương trình “Đổi rác lấy quà” sẽ được tổ chức 1 tuần/lần; tiến hành tích điểm và được quy đổi ra sản phẩm thân thiện với môi trường.

Phòng ngừa, tái chế rác thải ngư cụ tại vùng biển Việt Nam

Đây là Dự án do Bộ Môi trường, bảo tồn tài nguyên, an ninh nguyên tử và bảo vệ người tiêu dùng của Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, Trường Osfalia (Đức) phối hợp với Trường Đại học Nha Trang và 25 đối tác tại Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Hạ Long thực hiện.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhấn mạnh: Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Nhằm giảm thiểu rác thải biển, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nghị quyết, văn bản về vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Đặc biệt, tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu “Đến năm 2025, 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, đến năm 2030, 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển”.

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển, với hơn 250km bờ biển, trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000km2 hải đảo và có tới 9/13 địa phương tiếp giáp với biển. Những năm qua, việc giữ gìn môi trường biển được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”.

Điều này được minh chứng thông qua các văn bản chỉ đạo của tỉnh, được doanh nghiệp và cộng đồng nghiêm túc thực hiện như: Chuyển đổi phao xốp sử dụng trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng túi nilon; đánh bắt, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Cùng với đó, thời gian qua, Trường Đại học Hạ Long đã triển khai nhiều hoạt động cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường như: Nói không với rác thải nhựa, thành lập Câu lạc bộ tái chế xanh, Ngày chủ nhật xanh, tham gia xây dựng “Mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven Vịnh Hạ Long.

Từ năm 2021, thông qua sự điều phối của Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Hạ Long được tiếp cận thông tin và kết nối với Trường Đại học Ostfalia ở Đức cũng như các đối tác khác tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án REVFIN; tích cực khảo sát và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến rác thải ngư cụ tại vùng biển Quảng Ninh.

Hội thảo diễn ra từ ngày 15-17/1/2024, trong đó tập trung phân tích đánh giá hiện trạng rác thải ngư cụ trên vùng biển Việt Nam thông qua kết quả khảo sát do các thành viên của dự án thực hiện trong năm 2023 tại một số vùng biển tiêu biểu của Việt Nam như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa và Kiên Giang, đồng thời xác định và đánh giá các phương pháp tái chế chất thải thủy sản nhằm giảm ô nhiễm đại dương.

Trên cơ sở đó đưa ra các kế hoạch, giải pháp cần thiết để dự án tiếp tục được phát huy trong thời gian tới và đạt được mục tiêu đặt ra, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường biển của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ đạo xử lý vụ phá rừng tại huyện Đắk Glong

Cụ thể, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo:

Khẩn trương xác minh, điều tra, sớm hoàn tất hồ sơ, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật để tạo sự răn đe.

Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi hủy hoại rừng trái pháp luật tương tự trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Trước đó, vào chiều 5/1, Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã Đắk R’măng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đắk R’măng kiểm tra tại tiểu khu 1768 (thuộc địa giới hành chính xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

tm-img-alt
Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 1768, thuộc địa giới hành chính xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong.

Thời điểm này, có khoảng 12 đối tượng đang phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, nhóm đối tượng này phát hiện và bỏ trốn.

Do điều kiện địa hình đồi dốc phức tạp, dàn trải, lực lượng chức năng chỉ bắt quả tang được một đối tượng là Ma Seo Chù (59 tuổi, trú xã Đắk R’măng).

Đo đạc thực tế trên hiện trường, lực lượng chức năng xác định diện tích rừng bị phá gần 8.500m2. Trong đó, có hơn 6.000m2 quy hoạch rừng sản xuất, chủ yếu là cây lồ ô, rải rác một số cây gỗ đường kính từ 8-17cm.

Bước đầu, đối tượng Ma Seo Chù khai nhận được một người cùng thôn 6, xã Đắk R’măng “nhờ” đi phá rừng. Lực lượng chức năng đang phối hợp xác minh, làm rõ các đối tượng còn lại.

Khánh Hoà: Tập huấn du lịch sinh thái biển đảo cho người dân Bích Đầm

Tham gia lớp tập huấn có hơn 40 hội viên phụ nữ và người dân tại tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang).

Người dân tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) tham gia lớp tập huấn.
Người dân tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) tham gia lớp tập huấn.

Đây là một hoạt động triển khai thực hiện dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan Nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bảo vệ khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa”. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu – chương trình tài trợ các Dự án nhỏ tại Việt Nam tài trợ, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa điều phối triển khai và thực hiện trong 1 năm từ tháng 7/2023- 6/2024.

Tại lớp tập huấn, người dân tổ dân phố Bích Đầm đã được nghe báo cáo viên thông tin về mục tiêu của dự án, trong đó có bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô trong vịnh Nha Trang và hỗ trợ, tạo sinhh kế ổn định cho người dân sống trong khu vực bảo tồn. Bên cạnh đó là những giải pháp có thể áp dụng ở Bích Đầm để người dân có sinh kế ổn định thuộc 5 nhóm gồm du lịch, văn hóa, đánh bắt thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi – trồng trọt. Người dân đã cùng thảo luận, đưa ra các thông tin về hiện trạng đang có tại đảo và đề xuất những giải pháp để phát triển kinh tế địa phương. Trong buổi tập huấn, người dân trên đảo cũng đã được tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.

Liên hợp quốc và Iraq hợp tác triển khai sáng kiến thích ứng biến đổi khí hậu

Sáng kiến trên có mục đích tăng thu nhập và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Dự án sẽ giới thiệu các giải pháp đã qua thử nghiệm để chống sa mạc hóa và giúp bảo tồn nguồn nước nông nghiệp.

WFP và BGC sẽ hợp tác chặt chẽ với Cục Nông nghiệp, Hiệp hội Nông dân của Iraq và nông dân địa phương trong thời gian triển khai dự án.

tm-img-alt
Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) và Iraq ký thỏa thuận hợp tác vào thời điểm quan trọng với việc thực thi hành động biến đổi khí hậu toàn cầu. (Nguồn: f-sapra)

Liên hợp quốc cho biết thêm, sáng kiến này sẽ đào tạo nông dân áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp thông minh, các phương pháp canh tác hiện đại, như “canh tác không đất” và hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, dự án hướng tới việc hỗ trợ các nữ nông dân địa phương nâng cao năng lực và cơ hội việc làm.

WFP và Iraq ký thỏa thuận hợp tác trên vào thời điểm quan trọng với việc thực thi hành động biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông Ally-Raza Qureshi, Giám đốc quốc gia WFP kiêm Đại diện WFP tại Iraq, cho biết “cách tiếp cận chiến lược của WFP tại Al-Zubair phù hợp với nhu cầu cấp thiết để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu ở miền Nam Iraq.

Khu vực Al-Zubair, thuộc tỉnh Basrah, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên có bão cát, sóng nhiệt, khan hiếm nước, ô nhiễm và nhiễm mặn”.

Tăng cường bảo vệ các loài hoang dã trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

tm-img-alt
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi Công văn số 122/BTNMT-BTĐD ngày 9/1/2024 về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã. Ảnh minh hoạ

Tại văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.

Bộ TN&MT cũng đề nghị các cơ quan chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm: kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, công an tăng cường công tác phối hợp liên ngành. Qua đó, thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, chim di cư; ngăn chặn các hành vi săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, chim di cư tại Việt Nam; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, chim di cư.

Đồng thời, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nuôi, trồng, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các hoạt động nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý loài động vật hoang dã; Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 8/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Công điện nêu: Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường. Hiện tại, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông; tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức theo dõi, chủ động triển khai công tác ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Bộ Tài nguyên và Môi trường

– Chỉ đạo theo dõi sát ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ.

– Tổ chức thu thập thông tin về tình hình nguồn nước, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, nguy cơ thiếu nước về một số hồ chứa lớn ở Bắc Bộ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

– Tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

– Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích