Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/1/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/1/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 15/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Diễn biến chi tiết đợt không khí lạnh sắp tới ở miền Bắc
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết hiện tượng mưa phùn, mưa nhỏ tại miền Bắc còn kéo dài đến ngày 17/1, sau đó trời hửng nắng 2-3 ngày, cuối tuần đón không khí lạnh. Tình thế thời tiết này sẽ duy trì cho đến cuối tuần. Dự báo ngày 20-21/1 miền Bắc đón đợt không khí lạnh mạnh, khu vực đồng bằng nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ, vùng núi cao rét đậm, rét hại. Đợt rét này có khả năng kéo dài nhiều ngày.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, đợt không khí lạnh vừa qua có tính chất yếu, lệch đông nên gây mưa cho các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa và Nghệ An. Dù vậy, không khí lạnh yếu nên nhiệt độ giảm không nhiều, đồng bằng xuống mức thấp nhất 16-18 độ C, vùng núi giảm xuống còn dưới 12 độ C.
Những ngày tới, nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Độ ẩm rất cao kèm theo mưa làm tầm nhìn giảm thấp nhưng hiện tượng nồm ẩm ít khả năng xảy ra, do độ ẩm không có tính bão hòa. Từ nay đến thứ Bảy (20/1), trời có xu hướng ấm dần, giữa tuần có nắng. 3 ngày đầu tuần vẫn còn mưa ẩm về đêm và sáng.
Miền Trung dự báo từ nay đến thứ Bảy nhiều ngày có nắng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 27 – 31 độ C, đến Chủ Nhật mới chuyển mưa lạnh. Tây Nguyên, Nam Bộ là nơi thời tiết ổn định nhất cả nước. Cả tuần trời nắng ráo. Nhiệt độ cao nhất Tây Nguyên khoảng 27 – 31 độ C. Nam Bộ có thể xuất hiện nắng nóng cục bộ 35 độ C.
Đến khoảng ngày 19-21/1, một đợt không khí lạnh mới tăng cường xuống nước ta khiến nhiệt độ giảm, trời rét. Nhiệt độ giảm mạnh xuống thấp nhất còn 11 – 15 độ C. Về thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dự báo khoảng cuối tháng 1 và đầu tháng 2, miền Bắc có thể quay trở lại trạng thái mưa rét như những ngày qua. Những đợt không khí lạnh trong thời kỳ này cũng xuất hiện với tần suất dày hơn so với các thời kỳ khác trong năm.
Hà Nội đề xuất kinh phí để cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường hồ Tây
Theo đề xuất của quận Tây Hồ, việc xây dựng các bến thủy nội địa trên Hồ Tây cần khoảng 1.600 tỷ đồng; đài phun nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ khoảng 600 tỷ đồng. Tổng kinh phí cho ba hạng mục là 4.200 tỷ đồng.
Do phải cân đối nguồn vốn để duy trì, đảm bảo vệ sinh môi trường Hồ Tây và thực hiện các dự án đầu tư công khác theo phân cấp, quận đề xuất được triển khai các dự án trên bằng nguồn kinh phí hỗn hợp. Cụ thể, quận chủ động cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng, thành phố bố trí kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội trong hai giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030.
Tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2016, quận Tây Hồ báo cáo từ năm 2011 quận đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây với tổng vốn 128 tỷ đồng. 440.000 m3 bùn đã được nạo vét. Tuy nhiên, gói thầu nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ đồng bị tạm dừng để đánh giá lại sau sự cố cá chết hàng loạt. Theo một đơn vị tư vấn, muốn làm sạch Hồ Tây phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, nhưng 8 năm qua không có thông tin công khai việc nạo vét sau đó có được tiếp tục hay không.
Tương tự, việc xây dựng đài phun nước ở Hồ Tây là đề án từ năm 2010 dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Địa điểm được nhà đầu tư lựa chọn là khu vực Hồ Tây giáp với đường Thanh Niên. Đài phun nước gồm 3 phần chính: Màn hình chiếu nước có dạng hình quạt dài 60 m, rộng 30 m; máy hiệu ứng nước vệ tinh gồm 8 máy phun được sắp xếp theo hình chữ S; sân khấu nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, dự án không được triển khai.
Hồ Tây (quận Tây Hồ) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm Hà Nội. Hồ rộng hơn 500 ha với chu vi khoảng 15 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng. Nghiên cứu của quận Hồ Tây cho thấy hệ thủy sinh vật Hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun…), 12 loài giáp xác, 46 loài cá.
Lào Cai: Khởi động mô hình ‘Chợ dân sinh – Giảm thiểu rác thải nhựa’
Sáng 14/1/2024, tại chợ Pom Hán, thành phố Lào Cai, mô hình ‘Chợ dân sinh – Giảm thiểu rác thải nhựa’ và hoạt động ‘Đổi rác lấy quà’ đã được khởi động.
Hoạt động trên do Thành đoàn Lào Cai phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức.
Chợ Pom Hán là một trong những chợ thương mại lớn nhất phía Nam của thành phố Lào Cai với lượng tiêu thụ hàng hóa, thu hút nhiều người dân tới mua sắm hàng ngày. Việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông trong cuộc sống hàng ngày, hướng tới hoạt động mua sắm bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần là hết sức cần thiết. Vì vậy, chương trình tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi và trách nhiệm của tiểu thương, người dân thông qua các hoạt động của mô hình chợ Pom Hán giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo đó, các hoạt động được triển khai trong dịp này như: phát động dọn dẹp vệ sinh cảnh quan môi trường tại chợ; phát miễn phí áp phích, pano tuyên truyền, tờ rơi cho các tiểu thương treo tại các quầy hàng; chương trình “Đổi rác lấy quà” thu hút đông người dân tham gia.
Ngay trong buổi sáng, rất đông người dân và tiểu thương đã thu gom các sản phẩm tái chế như chai nhựa, vỏ lon, các vật dụng từ nhựa để đổi các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như làn, túi vải, túi giấy, túi tự hủy sinh học…
Được biết chương trình “Đổi rác lấy quà” sẽ được tổ chức 1 tuần/lần; tiến hành tích điểm và được quy đổi ra sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển
Công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển đang ngày càng được các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội quan tâm. Thông qua đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia…
Phó Cục trưởng Lâm nghiệp Triệu Văn Lực cho biết, hiện nay toàn quốc có 14,79 triệu héc-ta rừng, trong đó diện tích rừng ven biển có 276.000ha. Mặc dù, diện tích rừng ven biển chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích rừng quốc gia nhưng đây là loại rừng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và sinh kế của người dân. Giai đoạn 2015-2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã trồng mới 46.058 ha rừng và trồng bổ sung, phục hồi 9.602 ha rừng phòng hộ ven biển kém chất lượng.
Xác định rừng phòng hộ ven biển đóng vai trò rất quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-TTg về Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020.
Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”.
Đề án ban hành nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng-an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu ngành lâm nghiệp và các địa phương bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, nhất là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển; trồng mới 20.000ha rừng, trồng bổ sung phục hồi và làm giàu rừng 15.000ha; tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển. Cùng với sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển đã thu hút được sự quan tâm các tổ chức quốc tế đầu tư, hỗ trợ phát triển rừng với nhiều dự án. Đến nay, đề án đã trồng mới được hơn 2.800ha, các địa phương cũng trồng bổ sung phục hồi và làm giàu rừng đạt gần 4.500ha trong số 15.000ha.
So với trồng rừng trên đất liền thì phát triển rừng ven biển có nhiều khó khăn. Đây là khu vực chịu tác động mạnh của thiên tai, triều cường và nước biển dâng gây xói lở bờ biển, cửa sông gây mất rừng và khó khăn trong trồng rừng. Nhiều diện tích trồng rừng do bãi bồi ngập nước sâu, khó gây bồi tạo bãi để trồng cũng như đất hoang hóa từ nuôi trồng thủy sản… Bên cạnh đó, đất quy hoạch rừng ven biển thường xuyên biến động do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế-xã hội. Tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản… đã ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả trồng rừng ven biển.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương ven biển đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.
Đà Nẵng: Dự án nhà máy điện rác hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện đến đâu?
Dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn (nhà máy điện rác) có địa chỉ tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (đường Hoàng Văn Thái, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) do Công ty CP Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh mới nhất vào ngày 18/9/2023. Theo thông tin đăng ký đầu tư (sau điều chỉnh), dự án có tổng vốn đầu tư 2.021 tỷ đồng, thực hiện đầu tư nhà máy xử lý đốt chất thải rắn với công suất 650 tấn/ngày đêm, phân loại và đốt chất thải công nghiệp thông thường công suất 350 tấn/ngày, sản xuất 7.068 lít dầu PO thành phẩm mỗi ngày…; công suất phát điện 18 MW.
Theo kế hoạch tiến độ, các thủ tục đầu tư sẽ thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư điều chỉnh; và việc thi công xây dựng sẽ hoàn thành trong 20 tháng kể từ ngày có Giấy phép xây dựng.
Thông tin về tiến độ dự án, tại chương trình gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp, nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Hà – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao – Công ty CP Môi trường Việt Nam, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện rác Đà Nẵng cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành việc xin ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư cho đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và báo cáo đánh giá tác động môi trường; trình Sở Xây dựng thẩm định đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Hiện Sở đang trong quá trình thẩm định đồ án; đã hoàn thành thủ tục thẩm định và cho ý kiến về công nghệ dự án và tháng 11/2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã có văn bản đồng ý về công nghệ; đã hoàn thành xin thủ tục xin thỏa thuận chiều cao thi công, và đã nhận được chấp thuận từ tháng 10/2023.
Các hạng mục thủ tục khác như thỏa thuận thiết kế cơ sở phần phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được thực hiện ngay sau khi hoàn thành thủ tục thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
“Dự án dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào quý III/2024. Doanh nghiệp sẽ nỗ lực khởi công dự án theo đúng tiến độ đề ra. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp sẽ xin phép thành phố cho khởi công từng phần để thi công trước các hạng mục ngầm, hạ tầng của dự án, sản xuất cấu kiện thi công lắp ghép hay những hạng mục đã đủ điều kiện với tinh thần hoàn thiện thủ tục song song với xây dựng”, đại diện chủ đầu tư dự án này thông tin và cho biết, đã lường trước khó khăn để hoàn thành dự án triển khai, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Theo ông Hà, hiện thủ tục đầu tư của các dự án điện rác là thủ tục khó, nhiều vướng mắc do điện rác là loại hình dự án mới ở Việt Nam. Hiện mới có 1 số nhà máy điện rác ở Hà Nội, Cần Thơ, Huế, Bắc Ninh, vì vậy, không có địa phương nào có kinh nghiệm trong loại hình dự án này, nên nhiều dự án gặp khó về thủ tục.
Trong bộ thủ tục đầu tư dự án điện rác có nhiều thủ tục thuộc thẩm quyền của địa phương như thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; thỏa thuận thẩm định thiết kế cơ sở hướng tuyến đường dây và trạm biến áp; thỏa thuận thẩm định thiết kế cơ sở hướng tuyến việc cấp nước thô và trạm bơm; cấp phép xây dựng. Trong đó, có một thủ tục quan trọng là việc đàm phán, ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với nhà đầu tư.
“Thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã tích cực hỗ trợ dự án thông qua việc đề xuất thành lập tổ công tác làm việc với nhà đầu tư về dự án. Chúng tôi mong muốn thành phố sẽ thực hiện công tác đàm phán, ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất để chúng tôi có cơ sở thực hiện thu xếp vốn, triển khai công tác thiết kế, đặt hàng thiết bị và thực hiện các công việc khác, để dự án triển khai đúng tiến độ”, ông Hà đề xuất.
Ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, ngày 5/1, đại diện chủ đầu tư dự án nhà máy điện rác đã nộp hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Mặc dù thủ tục chưa đủ còn thiếu hạng mục phòng cháy chữa cháy, nhưng Sở Xây dựng đã linh hoạt nhận hồ sơ vào thẩm định các hạng mục khác song song trước, trong quá trình đó, khi chủ đầu tư nộp thủ tục hồ sơ phòng cháy chữa cháy vào, trong vòng 1 tuần Sở Xây dựng sẽ tham mưu thẩm định đồ án.
Theo ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Khánh Sơn là dự án được thành phố hết sức quan tâm, tạo điều kiện. Hiện vướng nhất của dự án cơ bản đã giải quyết xong. Đối với việc đàm phán, ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rác chỉ liên quan đến việc đi vay vốn của doanh nghiệp. “Thành phố Đà Nẵng đã tạo điều kiện, kể cả những nội dung mang tính quy hoạch, mạnh dạn giao đất cho doanh nghiệp. Một số thủ tục chưa đầy đủ, các Sở, ngành cũng cũng hỗ trợ thực hiện thủ tục song song cho doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Lê Quang Nam cho hay và đề nghị nhà đầu tư sẽ thực hiện dự án đúng tiến độ bao gồm khởi công cũng như hoàn thành, đưa dự án đi vào hoạt động.
Đồng Nai: Hơn 96% khu công nghiệp lắp quan trắc tự động nước thải
Còn lại 1 khu công nghiệp có nước thải ổn định là Lộc An – Bình Sơn đang thực hiện lắp đặt, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Về cụm công nghiệp, đến nay có 5 cụm đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trong đó 4 cụm hệ thống này đã đi vào hoạt động.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất ngày 31-12-2024 các khu, cụm công nghiệp phải hoàn thành đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải, kết nối dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để giám sát, phòng xảy ra sự cố môi trường.
Đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm qua, công tác kiểm soát các nguồn thải, đặc biệt nước thải tại các khu công nghiệp khá tốt. Hoàn thành chỉ tiêu 100% khu công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn. Toàn tỉnh không xảy ra sự cố môi trường lớn liên quan đến nước thải.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị