Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/11/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/11/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 13/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội rà soát ngay việc đấu giá khai thác 3 mỏ cát; xử lý nghiêm vi phạm
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nội dung công điện như sau: Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường công khai, minh bạch, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố Hà Nội vừa qua, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng – Minh Châu cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế – xã hội và thị trường vật liệu xây dựng.
Để quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:
Thứ nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng – Minh Châu, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 11 năm 2023.
Thứ hai, Thủ tướng giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ..
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện này./.
Thuận Thành (Bắc Ninh): Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị xã Thuận Thành, được sự quan tâm của tỉnh Bắc Ninh theo Đề án bảo vệ môi trường tổng thể đến năm 2025, Thị ủy, UBND thị xã Thuận Thành đã tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của đề án và cải thiện chất lượng môi trường cuộc sống xanh cho người dân.
Để đề án thực hiện hiệu quả, thị xã Thuận Thành chỉ đạo UBND các xã, phường xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề; thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường. Tiếp nhận, bàn giao cho các địa phương lắp đặt thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tổ chức ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để thu gom trực tiếp bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng từ các thùng chứa và vận chuyển đến các Nhà máy xử lý theo quy định với tần xuất thu gom tối thiểu 6 tháng/ lần.
Thị xã triển khai xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng, trồng cây xanh xung quanh các khu xử lý rác thải tập trung nhằm ngăn ngừa sự phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh đồng thời tạo cảnh quan, môi trường sinh thái khu vực xử lý; xây dựng dự án bãi chôn lấp rác thải vật liệu xây dựng. Triển khai khảo sát, bổ sung quy hoạch khu vực xử lý chất thải rắn xây dựng; lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các đô thị trên địa bàn thị xã chưa có hệ thống xử lý; lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT đối với các Cụm Công nghiệp hiện đã đi vào hoạt động do thị xã làm chủ đầu tư.
Hằng năm, Thị xã đều tổ chức tuyên tuyền về công tác bảo vệ môi trường nhân dịp các ngày lễ về môi trường như: Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày môi trường thế giới hàng năm, chương trình làm cho thế giới sạch hơn, tuyên truyền công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, phân loại rác thải tại nguồn, bao gói thuốc bảo vệ thực vật… phát động chương trình làm sạch ruộng đồng tại phường Trạm Lộ và đã lắp đặt 90 cống bi tại phường Trạm Lộ để nhân dân đưa các túi linon, vỏ chai thuốc trừ sâu, trừ cỏ.
Đoàn thanh niên các xã, phường ra quân “Làm sạch ruộng đồng” vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương, đường làng, ngõ xóm… Hằng tháng UBND các xã, phường thực hiện tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, ở các thôn, khu phố 1 lần/tháng (vào thứ 7 và chủ nhật của tuần cuối tháng). Phong trào thu gom rác thải làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ, xóm được thực hiện rộng khắp trên địa bàn các xã, phường.
Các tổ chức, chính quyền đã triển khai tuyên truyền phong trào phòng chống rác thải nhựa đến từng hộ dân trên địa bàn 18 xã, phường. Mô hình làng nông thôn kiểu mẫu “làng 3 sạch” đã được Hội LHPN các xã, phường ban hành quyết định thành lập, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cá nhân thực hiện các tiêu chí của mô hình. Tổ chức một tháng 2 lần cho hội viên phụ nữ tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh.
Nhằm giáo dục học sinh bảo vệ môi trường, các trường THCS thực hiện 5 phút sạch trường vào giờ ra chơi, thực hiện vệ sinh trường lớp. Tại nơi cư trú, giáo viên, học sinh THCS tổng vệ sinh thu gom giấy rác phế liệu trong thôn, xóm, tổ dân phố 1 lần/tháng vào chủ nhật của tuần cuối tháng.
Năm 2023 thực hiện văn bản số 2158/UBND-NN.TN ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh và văn bản số 1341/STNMT – CCMT ngày 29/7/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thị xã Thuận Thành đã thống kê nhu cầu xe gom rác đẩy tay thùng đựng rác thải và trang bị bảo hộ lao động đã mua 920 xe gom rác, 534 bộ đồ bảo bộ lao động cho người thu gom vận chuyển rác thải của thôn, khu phố, 1.400 thùng đựng rác thải, 2000 thùng chưa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.
Hội nông dân thị xã xây dựng kế hoạch thu gom vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng và giao Công ty Cổ phần môi trường Thuận Thành phối hợp với UBND các xã, phường thực hiện việc thu gom, xử lý.
Thị xã đã ban hành văn bản số 1276/CV-UBND ngày 20/11/2019 chỉ đạo UBND các xã, phường có làng nghề : Trí Quả, Song Hồ, Mão Điền và Hoài Thượng lập hồ sơ xây dựng bảo vệ môi trường làng nghề. Các xã, phường thành lập các tổ đội vệ sinh môi trường thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải từ hộ gia đình đến các điểm tập kết của các thôn. Một số xã, phường đã lập các dự án cải tạo kè các ao hồ nhằm giữ gìn cảnh quan môi trường trong khu dân cư như: Trí Quả, Đình Tổ, Phường Hồ, Trạm Lộ… vì vậy môi trường ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Bắc Ninh: Thúc đẩy phát triển “công nghiệp xanh”
Trong xúc tiến thu hút đầu tư tỉnh chủ động định hướng, lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, đồng thời khuyến khích triển khai các dự án đầu tư mới có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; thay thế, loại bỏ dần các trang thiết bị hiệu suất thấp, lạc hậu nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên, vật liệu, có kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải “các-bon thấp”, thân thiện với môi trường. Các cơ quan chức năng như sở Công Thương, Khoa học và Công nghệ nỗ lực vận động các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tham gia chương trình hành động sản xuất sạch hơn thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ nguồn khuyến công. Cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh 2023 (Techfest Bac Ninh 2023) với hàng loạt sự kiện, hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng thường xuyên thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống; thúc đẩy bảo tồn năng lượng trong các hoạt động công nghiệp và “xanh hoá” nguồn sản xuất, phân phối điện năng. Tập trung khai thác lợi thế về diện tích nhà xưởng lớn tại các khu, cụm công nghiệp để phát triển điện mặt trời mái nhà, cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất. Đồng thời, giúp doanh nghiệp hướng đến xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường khi xuất khẩu sang các thị trường Âu, Mỹ.
Cùng với đó là tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, khu vực nông thôn. Nhờ đó, mức độ tuân thủ quy định môi trường của doanh nghiệp, nhất là ở các làng nghề đang được cải thiện. Việc bảo đảm hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường được hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề thực hiện nghiêm túc theo quy định. Nhất là quy định về xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn được nhóm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện tốt hơn. Riêng nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đã có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của sản xuất xanh và chủ động hơn trong đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường mà các thị trường nhập khẩu đề ra.
Tuy đạt những kết quả đáng ghi nhận nhưng trên thực tế, xu hướng phát triển công nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Vẫn còn không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là một số làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường, trong khi các quy định về môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường còn cao mà khu vực kinh tế tư nhân hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế.
Trong Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 vừa được UBND tỉnh ban hành vào trung tuần tháng 10 vừa qua, tỉnh tiếp tục thống nhất quan điểm tăng trưởng xanh là cơ hội mới trong thu hút đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển đổi thích ứng với xu hướng đầu tư, thương mại xanh quốc tế. Cùng với đó, định hướng phát triển công nghiệp theo hướng xanh và bền vững với mục tiêu cụ thể là: Thu hút đầu tư, ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường, gắn xanh hoá sản xuất với xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống từ việc xây dựng hạ tầng xanh, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị và xây dựng nông thôn mới theo hướng tăng trưởng xanh, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Nâng cao đời sống người dân thông qua tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh; đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, dịch vụ xã hội cơ bản trong quá trình chuyển đổi xanh. Phát huy giá trị bản sắc Bắc Ninh – Kinh Bắc gắn với sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng, lối sống xanh, dẫn dắt quá trình chuyển đổi xanh…
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, tỉnh quyết liệt thúc đẩy đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp “xanh” với vai trò làm “đầu tàu” trong việc định hướng và phát triển theo hướng xanh hóa; tạo cơ sở để thu hút dòng vốn FDI xanh, chất lượng đầu tư vào tỉnh. Chọn lọc những dự án sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, không gây hại môi trường; từ đó, nâng chất lượng sản xuất công nghiệp nội tỉnh ngang bằng thế giới. Đây là hướng đi bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững, dài hạn cho doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do mới.
Trong chiến lược phát triển công nghiệp “xanh”, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến chế tạo, tự động hóa, sản xuất linh kiện – thiết bị điện tử và phần mềm, vi mạch, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đầu tư phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics, thúc đẩy kinh tế thương mại; năng lượng tái tạo theo chuẩn quốc tế… Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình quản lý, vận hành tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, truyền tải và tiêu dùng, đặc biệt với các cơ sở sản xuất lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng.
Để thực hiện mục tiêu này, các ngành, các địa phương nâng cao hiệu quả công tác phổ biến chính sách, quy định về bảo vệ môi trường, phát triển “công nghiệp xanh” đảm bảo các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin. Tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh của doanh nghiệp.
Trung Bộ mưa lớn, lũ trên các sông có nơi trên báo động 3
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Đêm qua và sáng sớm nay (13/11), ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to; khu vực từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Quảng Nam có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 12/11 đến 7h ngày 13/11 có nơi trên 130mm như: Bản Ngần (Hà Giang) 131.8mm, Trịnh Tường (Lào Cai) 173.8mm, thành phố Vinh (Nghệ An) 186.4mm, Đại Lộc (Hà Tĩnh) 205.2mm, Hòa Bắc (Đà Nẵng) 212.8mm, Đập Hà Thành (Quảng Nam) 192.0mm…
Ngày 13/11, ở khu vực Nam Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Ngày và đêm 13/11, ở khu vực Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 60-150mm, có nơi trên 180mm.
Từ ngày 13/11 đến 14/11, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 100-200mm, có nơi trên 500mm.
Từ ngày 13/11 đến 14/11, ở phía Đông của khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 60-120mm, có nơi trên 150mm.
Cảnh báo: Từ ngày 15-17/11, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-150mm, có nơi trên 250mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Quảng Bình: Thả 19 cá thể động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên
Ngày 13/11, ông Võ Văn Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB tiến hành thả 19 cá thể động hoang dã về môi trường tự nhiên tại VQG PN-KB.
Theo đó, 19 cá thể được thả, gồm: 6 khỉ cộc, 2 khỉ đuôi lợn, 1 rùa hộp trán vàng miền Bắc, 1 rùa sa nhân, 3 rùa núi viền, 2 mèo rừng, 4 cu li nhỏ.
Các cá thể động vật hoang dã trên là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB, IIB theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Trước khi thả về môi trường tự nhiện, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật đã tiến hành xác nhận tình trạng sức khỏe và kết luận 19 cá thể động vật hoang dã nói trên có sức khỏe bình thường, đủ thời gian cách ly kiểm dịch, đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên.
Ngay sau khi được thả các cá thể động vật đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường tự nhiên trong khu vực VQG PN-KB.
Trước đó, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã tiếp nhận các cá thể này từ các cơ quan chức năng và từ người dân tự nguyện giao nộp. Sau quá trình cứu hộ, chăm sóc, trung tâm đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và kết luận các cá thể nói trên có sức khỏe bình thường, đủ thời gian cách ly kiểm dịch, đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên. Sau khi được thả 19 cá thể động vật nêu trên đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập ngay với môi trường tự nhiên.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cũng đã cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên nhiều cá thể động vật quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển khác.
Đáng kể nhất là vào tháng Tư vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tiến hành thả 17 cá thể động hoang dã sau khi đã hoàn tất công tác cứu hộ và kiểm dịch về với môi trường tự nhiên.
17 cá thể được thả có: 1 Cầy vòi hương (tên khoa học Paradoxurus hemaphroditus); 1 Cầy vòi mốc (tên khoa học Paguma larvata), 2 Khỉ vàng (tên khoa học Macaca mulatta); 1 Khỉ đuôi lợn (tên khoa học Macaca leonina); 1 Rùa hộp trán vàng Miền trung (tên khoa học Cuora bourreti); 3 Rùa sa nhân (tên khoa học Cuora mouhotii); 3 Rùa Pulkin (tên khoa học Cyciemys puichristriata); 1 Rùa bốn mắt (tên khoa học Sacalia quadirocellata); 1 Dúi mốc (tên khoa học Rhizomys pruinosus); 1 Kỳ đà hoa (tên khoa học Varanus salvator) và 2 Don (tên khoa học Atherurus macrourus).
Quảng Trị: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường tại thị xã Quảng Trị
Trước đây, với tâm lý việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện nên đa số các hộ gia đình ở Hải Lệ thường gom tất cả các loại rác thải vào một bao đựng rác chung và tổ thu gom rác thải của thôn đi thu gom tại nhà, sau đó vận chuyển ra bãi thu gom của xã và được xe của Công ty Môi trường đô thị thị xã vận chuyển đến bãi tập kết. Vì vậy, lượng rác thải ra môi trường rất lớn, gây khó khăn cho việc phân loại rác và quá tải các bãi rác, ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã đã có ý tưởng xây dựng mô hình điểm và phương pháp tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên, phụ nữ và Nhân dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình, góp phần cùng địa phương đảm bảo tiêu chí về môi trường, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Hội đã tham mưu UBND xã làm tốt công tác tuyên truyền, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; thuyết phục, vận động các hộ dân nắm bắt các quy định về BVMT, các nội dung quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trên trang fanpage “Phụ nữ Hải Lệ”, hệ thống truyền thanh của xã, tại buổi sinh hoạt của các chi hội phụ nữ, tổ hội phụ nữ, câu lạc bộ “Thể dục nhịp điệu”…
Phối hợp với cấp ủy chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận thôn cùng tổ chức chính trị – xã hội thôn Như Lệ tiến hành khảo sát, chọn tuyến đường Mạc Đỉnh Chi gồm 31 hộ dân tham gia triển khai thực hiện thí điểm mô hình vào tháng 2/2022. Nhận thức được ý nghĩa thiết thực của mô hình, các hộ dân đều đồng tình cao và thực hiện ký cam kết thực hiện.
Để mô hình thực hiện có hiệu quả, Hội LHPN xã phối hợp với UBND xã kêu gọi các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình mỗi nhà 1 thùng rác có nắp đậy, 1 sọt rác, 1 bản tiêu chí về phân loại rác thải dán tại các hộ gia đình để người dân tiện theo dõi và thực hiện đúng quy định. Đồng thời, hướng dẫn kỹ lưỡng cho các gia đình thu gom, phân từng loại rác riêng như: đối với rác hữu cơ như: rau, lá cây, bã chè, gỗ mục… được dùng để đốt, làm phân bón hữu cơ hoặc làm thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh tại hố đất do các hộ gia đình tự đào.
Chất thải rắn khó phân hủy là những thành phần rác vô cơ và chất rắn như: túi nilon, hộp xốp, các loại rác như chai thủy tinh… thu gom vào thùng rác có nắp đậy để công nhân môi trường thu gom và vận chuyển đi. Chất thải rắn có thể tái chế như chai nhựa, vỏ lon, vỏ đồ hộp, giấy… thu gom vào sọt rác để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu hoặc hỗ trợ phụ nữ nghèo.
Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Như Lệ Nguyễn Thị Trinh cho biết: “Sau một thời gian ngắn triển khai, thấy hiệu quả mang lại rõ rệt nên mô hình được nhân rộng trong toàn thôn. Hiện thôn có hơn 300 hộ gia đình tham gia mô hình. Các hộ dân chịu trách nhiệm chọn địa điểm để xử lý rác hữu cơ ngay tại trong vườn, cam kết không thải rác hữu cơ ra môi trường. Sau mỗi lần phân loại rác thải, chị em trong thôn tập kết ve chai lại về một mối, mỗi quý bán 1 lần, số tiền thu được bình quân khoảng 1,2 triệu đồng.
Chi hội sử dụng nguồn này để tặng quà, mỗi suất 200 nghìn đồng cho 6 trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Các loại rác thải còn lại, 2 lần/tuần có tổ thu gom của thôn đến tận nhà lấy đưa đến các điểm tập kết rác theo quy định. Các hộ dân trong thôn tình nguyện đóng kinh phí trả công cho tổ thu gom rác của thôn (15 nghìn đồng/hộ/ tháng). Thông qua mô hình này còn góp phần tạo thu nhập cho các chị tham gia tổ thu gom rác, đây là những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.
Từ thực hiện thí điểm tại đường Mạc Đỉnh Chi của thôn Như Lệ, đến nay, mô hình được nhân rộng trên địa bàn toàn xã. Hằng năm, sau khi phát động xây dựng mô hình, Hội LHPN xã thường xuyên kiểm tra việc phối hợp thực hiện và việc cam kết các hộ dân đã ký. Qua kiểm tra, các hộ đều tích cực hưởng ứng thực hiện tốt mô hình phân loại rác thải do hội phụ nữ phát động.
Đối với rác tái chế được, BCH Hội LHPN xã chủ động đề nghị các hộ gia đình hỗ trợ cho các chi hội để thực hiện mô hình “Thu gom ve chai hướng đến phụ nữ nghèo”. Nhờ vậy, từ khi phát động đến nay, mô hình thu gom và bán ve chai được hơn 30 triệu đồng, từ nguồn này các chi hội đã trao nhiều suất quà hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Lệ Hồ Thị Lệ Xuân cho biết: “Việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng. Để hoạt động của các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt thực chất và đến tận người dân, ngoài việc tuyên truyền trực tiếp và tổ chức ký cam kết đối với các hộ gia đình trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, tại các buổi sinh hoạt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN xã tổ chức hội thi trực tuyến “Tuyên truyền về phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” trên địa bàn toàn xã. Hoạt động này tạo sự lan tỏa tích cực trong người dân nhằm nâng cao ý thức của chị em và Nhân dân trong việc bảo vệ môi trường”.
Tuổi trẻ Vùng 5 Hải quân chung tay bảo vệ môi trường và nói không với rác thải nhựa
Cán bộ, đoàn viên thanh niên các cơ quan, đơn vị thuộc Vùng 5 đã tổ chức phát quang bụi rậm, cắt tỉa cây xanh, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước, vệ sinh bờ biển, đường giao thông; thu gom, phân loại rác thải đưa về nơi xử lý.
Dịp này, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn tổ chức tuyên truyền biển, đảo; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đồng thời vận động nhân dân thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng túi ni lông, các sản phầm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, đoàn viên thanh niên đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đóng quân.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị