Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/1/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/1/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 12/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Khi nào miền Bắc hết mưa, trời ấm lên?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, chiều và đêm 12/1, Bắc Bộ và Thanh Hóa-Nghệ An: có mưa; từ đêm 12 có mưa, mưa rào, có nơi mưa vừa và dông, trời rét. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa vài nơi. Các khu vực khác đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng. Mưa nhỏ, mưa phùn còn tiếp diễn trong hôm nay và ngày mai. Từ ngày 14 mưa giảm nhanh, trời ấm dần lên.
Nhận định hình thế thời tiết từ đêm 13 đến ngày 21/01, cơ quan khí tượng cho hay, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An từ đêm 13-17/01 có mưa, mưa nhỏ rải rác; riêng ngày 16-17/01 có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Đêm 13-14/01 trời rét. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định từ ngày 14-16/01 có mưa, mưa rào rải rác. Các khu vực khác chiều tối và đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận hôm nay phía Bắc nhiều mây, có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng, phía Nam có mây, ngày nắng, đêm có mưa rào vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Dự báo khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định trong các ngày 14-16/1 có thể xuất hiện mưa rào rải rác.
Tây Nguyên hôm nay ngày nắng, đêm có mưa rào vài nơi. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ. Nam Bộ hôm nay ngày nắng, Đông Nam Bộ có nắng nóng cục bộ, đêm có mưa rào vài nơi. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ, có nơi trên 34 độ. Dự báo hình thái thời tiết trên còn duy trì nhiều ngày tới ở Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, mưa và rét sẽ tiếp tục diễn ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cho đến hết ngày 14/1. Dự báo, ngày 15/1, khả năng sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường tiếp tục ảnh hưởng tới Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ phổ biến thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khoảng 17-19 độ C, nhiệt độ phổ biến cao nhất khoảng 20-22 độ C. Vùng núi có nhiệt độ khoảng 16-17 độ C.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh về đợt không khí lạnh có khả năng sẽ tăng cường sắp tới vào đầu tuần sau. “Đợt không khí lạnh này sẽ không gây rét như trong những ngày vừa qua”, Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.
Hà Nội triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí
Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng, Hà Nội đang tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí; kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trong thời điểm thời tiết giao mùa.
Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các ngành, cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, đặc biệt tại các khu vực gần quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay Nội Bài.
Cùng với các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp danh sách các huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao, gửi về Ủy ban Nhân dân thành phố để đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử thành phố.
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ các mô hình sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời, góp phần tiêu thụ rơm rạ phát sinh sau thu hoạch.
Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất các công nghệ phù hợp phục vụ việc thu gom, vận chuyển cùng các biện pháp để xử lý rơm rạ theo hướng thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Những năm qua, cùng với quá trình đô thị hóa, mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới và đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.
Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do thời tiết giao mùa. Vào mùa Hè, mưa nhiều, nhiệt độ cao, gió mạnh… nên các nguồn khí thải ô nhiễm được phát tán khiến nồng độ bụi không khí ở mức thấp. Còn vào mùa Đông, ít gió, trời ít mưa kèm theo những ngày nghịch nhiệt khiến khí thải không thể khuếch tán mà tích tụ lại thành sương mù.
Đáng chú ý, tình trạng người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ vẫn còn diễn ra rất phổ biến. Các nguồn phát thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, làng nghề; bụi đường, công trình xây dựng, phương tiện giao thông… hiện chưa được kiểm soát tốt.
Qua thống kê, Hà Nội có 7,8 triệu phương tiện tham gia giao thông, chưa kể xe từ các tỉnh, thành liên tục ra vào Thủ đô. Nhiều xe máy đã cũ, bộ phận hỏng hóc vẫn được sử dụng, liên tục thải khói đen ra môi trường. Chính khói bụi từ ô tô, xe máy đã khiến cho tình hình ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng.
Mới đây, tại hội thảo “Quản lý chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội-Từ cam kết đến hành động” do Ủy ban Nhân dân thành phố phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí một cách nghiêm túc đòi hỏi cách tiếp cận có sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội.
Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tăng cường các cam kết hỗ trợ thành phố giải quyết các vấn đề môi trường để xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, đẹp; đồng thời đưa ra 5 giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội.
Ngành địa chất và khoáng sản tổng kết công tác quản lý nhà nước năm 2023
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cùng tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; các chuyên viên chuyên quản của các Vụ, Văn phòng, Thanh tra Bộ TN&MT cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam.
Theo báo cáo, năm 2023, xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản là nhiệm vụ trọng tâm của cả hai đơn vị. Nhận thức rõ điều này, ngay từ khi được Bộ TN&MT giao Cục Khoáng sản Việt Nam đồng chủ trì với Cục Địa chất Việt Nam xây dựng hồ sơ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Cục Khoáng sản Việt Nam đã khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định gồm: Kiện toàn Ban soạn thảo và Tổ biên tập; thành lập các Tiểu ban chuyên đề, các tổ xây dựng các báo cáo thành phần của hồ sơ Luật; xây dựng kế hoạch thực hiện.
Để xây dựng và hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật, Cục Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam tổ chức đi khảo sát tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Kiên Giang và Thanh Hóa; tham mưu Bộ TN&MT tổ chức 3 Hội thảo lấy ý kiến tại các tỉnh Quảng Ninh, Lâm Đồng và Khánh Hòa; gửi lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương và đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân và nhân dân đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổ chức 3 Phiên họp vào các tháng 3, 5 và 11 của năm 2023.
Trên cơ sở ý kiến của Ban soạn thảo, Tổ biên tập cùng với ý kiến của các Bộ, ban, ngành, địa phương, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Cục Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ Luật và báo cáo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Trần Quý Kiên vào ngày 22/12/2023. Ngày 28/12/2023, Bộ TN&MT đã đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản và ngày 10/1, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp thẩm định dự án Luật này.
Về phía Cục Địa chất Việt Nam, Cục đã tích cực hoàn thành dự thảo hợp phần địa chất trong Luật đảm bảo đúng tiến độ và các bước theo quy định. Theo đó, Cục đã thành lập Tổ soạn thảo hợp phần địa chất, tổ chức 25 buổi họp, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước về nội dung dự thảo Luật, hoàn thiện dự thảo phần địa chất, phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam ghép nối, bổ sung, hoàn thiện những nội dung liên quan đến lĩnh vực địa chất trong toàn bộ dự thảo luật. Cục đã phối hợp chặt chẽ với Cục Khoáng sản Việt Nam để hoàn thành toàn bộ Hồ sơ trình Chính phủ.
Ông Trần Phương – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Bên cạnh việc phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam xây dựng Luật, Cục đã tham mưu Bộ TN&MT kiện toàn Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản, xây dựng dự thảo gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ ngành, địa phương và một số cơ quan, tổ chức liên quan, đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến góp ý của các địa phương, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Cục Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo ý kiến góp ý của các Bộ ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ lần thứ nhất; hoàn thiện Dự thảo và trình lại Chính phủ lần thứ 2 theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Bộ TN&MT đã tiếp thu, giải trình các ý kiến của Thành viên Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo Nghị định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Cục Khoáng sản Việt Nam cũng đã phối hợp với đơn vị thuộc các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Theo Phó Cục trưởng Trần Phương, trong năm 2024, Cục Khoáng sản Việt Nam tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các nhiệm vụ được giao hoàn thành đúng tiến độ; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; hoàn thiện hồ sơ Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2024, triển khai thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản…
Tương tự Cục Khoáng sản Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, Cục Địa chất Việt Nam cũng đã hoàn thành một khối lượng lớn các công việc trong năm qua.
Theo ông Trần Mỹ Dũng – Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Cục đã hoàn thành Hồ sơ trình Bộ TN&MT để trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 1/4/2023. Sau khi Quyết định có hiệu lực, Cục đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương hoàn thành Kế hoạch thực hiện trình Bộ ban hành.
Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lập “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành và Quy hoạch trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành nhiệm vụ “Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia” theo đúng tiến độ cấp trên giao và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Cục trưởng Trần Mỹ Dũng cho biết, trong năm 2024, Cục Địa chất Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản (phần địa chất), các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật theo đúng tiến độ. Đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai các nhiệm vụ mở mới, cũng như tiếp tục thực hiện các đề án, nhiệm vụ trọng tâm…
Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã trao đổi, đề xuất các giải pháp để Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ trong năm 2024, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa hai đơn vị này với các đơn vị trong Bộ.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Trần Quý Kiên, ông Nguyễn Trường Giang – Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành địa chất và khoáng sản luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, những ý kiến chỉ đạo sâu sát, cụ thể hôm nay của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Trần Quý Kiên là những định hướng trọng tâm giúp ngành địa chất và khoáng sản tiếp tục phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ được giao”.
Công bố Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023
Đây là năm thứ 3 báo cáo được thực hiện, với cấu trúc mới và diện mạo mới; tiếp tục là cơ sở dữ liệu toàn diện, uy tín, khắc họa toàn cảnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam trong năm 2023.
Sau hơn 3 tháng triển khai, Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 đã chính thức ra mắt. Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo mở BambuUP dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC).
Báo cáo tập trung cập nhật về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam và tổng kết tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2023. Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo thế giới.
Báo cáo năm 2023 tiếp tục là cơ sở dữ liệu uy tín toàn diện và cập nhật nhất về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam dành cho các nhà lãnh đạo, quản trị, phát triển chiến lược doanh nghiệp. Báo cáo tổng hợp số liệu khảo sát, phân tích, dự báo với sự cố vấn của hơn 45 chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực quản trị, phát triển chiến lược, khởi nghiệp, công nghệ, đầu tư…
Đồng thời, báo cáo có giá trị tư vấn, định hướng cho doanh nghiệp về chiến lược đổi mới sáng tạo để có thể tồn tại và thích ứng trong thời kỳ được dự báo là tiếp tục có nhiều biến động sắp tới. Những tiềm năng và thách thức đối với doanh nghiệp và tập đoàn tại Việt Nam được tổng hợp thông qua phân tích chuyên sâu về xu hướng đổi mới sáng tạo, xu hướng công nghệ trên thế giới, khu vực và tình hình cụ thể tại Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo còn đề xuất một số cách thức tiếp cận và hướng dẫn nhằm giúp doanh nghiệp tiến tới đổi mới sáng tạo mở, thuận lợi bước vào năm vận hành mới.
Năm nay, báo cáo được phát hành với cấu trúc, diện mạo mới với chủ đề “Thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo” (The Flat World of Innovation) với mục tiêu giới thiệu những giải pháp đổi mới sáng tạo của Việt Nam ra thế giới mạnh mẽ hơn và đưa những giải pháp của thế giới về Việt Nam để tạo luồng chảy giao thoa tri thức và kinh nghiệm triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo.
Ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) kiêm Giám đốc Đề án 844 cho biết, báo cáo có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam, đặc biệt là trong sự vận động của các xu hướng từ quốc tế.
Từ các kết quả phân tích của báo cáo năm nay, bà Nguyễn Hương Quỳnh – Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP và cũng là Trưởng ban dự án cáo cáo chia sẻ, báo cáo năm 2023 không chỉ là một nguồn thông tin và dữ liệu hữu ích mà còn là minh chứng cho một “Thế giới phẳng” thực sự của đổi mới sáng tạo với việc kết nối các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc tế lại gần nhau.
Trong khuôn khổ Lễ công bố, ông David Kim – CEO The Invention Lab (Hàn Quốc) đã công bố một chương trình trong năm 2024 nhằm kết nối các nhà sáng lập tại Việt Nam và Hàn Quốc (Founder Meets Founder Program) dưới sự hợp tác giữa The Invention Lab và BambuUP, mở đường cho những doanh nghiệp “đa quốc tịch” phát triển song song ở 2 thị trường đầy tiềm năng của châu Á.
Founder Meets Founder sẽ giống như một chương trình tăng tốc, kết nối các nhà lãnh đạo, nhà sáng lập, trí tuệ và công nghệ ở hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc hiện cùng chung lý tưởng, mục tiêu. Những startup được hình thành và lớn lên thuộc khuôn khổ chương trình, nhờ quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng sẽ có mức độ thấu hiểu văn hóa và khả năng tiếp cận thị trường cao hơn. “Thông qua chương trình, chúng tôi nâng cao năng lực cho hệ sinh thái giải pháp đổi mới sáng tạo của 2 nước, để các doanh nghiệp và tập đoàn ở cả Hàn Quốc và Việt Nam có thể đổi mới sáng tạo nhanh hơn, với tỷ lệ thành công lớn hơn” – ông David Kim nhấn mạnh.
Ngành TN&MT tỉnh Hải Dương xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Sáng 12/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đất đai, khoáng sản được quản lý, sử dụng ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả. Công tác bảo vệ môi trường được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm phối hợp thực hiện. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tăng cường. Danh mục các dự án, công trình được cập nhật, bổ sung kịp thời, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong các lĩnh vực cụ thể . Trong đó có việc rà soát, hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Tiếp tục tham mưu quản lý đất đai đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa trên địa bàn tỉnh và các diện tích đất công do UBND cấp xã quản lý. Tiếp tục số hóa hồ sơ, làm sạch dữ liệu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh…
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng giấy khen cho 12 tập thể và 63 cá nhân của ngành có kết quả tích cực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị