Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/1/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/1/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 10/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Đêm nay miền Bắc dưới 10 độ C, trời mưa dài ngày
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (10/01), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ. Đêm 10/01, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3.
Khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến từ 16-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ 13-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ.
Trên biển: đêm 10/01 ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 1,5-2,0m, biển động. Từ đêm 10/01, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, riêng vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động mạnh; vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2,0-3,5m; khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao 2,0-3,5m.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác. Nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
Hà Nội: VietCycle tổ chức lễ tổng kết dự án“ the Plastic cycle – Tuần hoàn rác thải nhựa”
Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm từ nhựa, được Chính phủ Việt Nam ưu tiên hàng đầu trong chiến lược bảo vệ môi trường. Nhờ vào sự tài trợ của AEPW, VietCycle đã thành công trong việc triển khai dự án từ tháng 12/2022 đến tháng 8/2023 tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, thu gom và tái chế thành công 4.422 tấn rác nhựa, vượt quá mục tiêu ban đầu.
Hình ảnh tại buổi lễ
Dự án “The Plastic Cycle” không chỉ tạo ra tác động tích cực cho môi trường mà còn giảm thiểu lượng rác nhựa chôn lấp. Đặc biệt, nó đã mang lại cơ hội mới cho nhóm lao động ve chai phi chính thức, đặc biệt là phụ nữ nhặt rác yếu thế. AEPW đã tiên phong hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hơn 600 lao động này, mở ra một chân trời mới trong việc cải thiện cuộc sống của họ.
Dự án không chỉ giúp người lao động ve chai tự tin hơn với nghề nghiệp của mình mà còn đóng góp vào việc thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội. Bằng cách hỗ trợ về nhiều mặt như tiền thuê nhà và đào tạo nâng cao năng lực, an toàn lao động, những người lao động này đã có kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hường – Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm – Chi cục BVMT – sở TNMT TP Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.
Theo bà Nguyễn Thị Hường, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành và UBND để xây dựng Kế hoạch tăng cường quản lý chất thải nhựa tại Thành phố Hà Nội, phù hợp với Luật BVMT 2020. Công ty VietCycle, với những hoạt động tích cực, luôn tiên phong trong phong trào phòng chống rác thải nhựa, đồng thời hỗ trợ nhóm lao động ve chai.
Dự án đã mở ra cơ hội mới, giúp nhóm lao động dễ bị tổn thương có điều kiện sống tốt hơn và còn là bước đệm cho những kế hoạch tương lai của VietCycle, như dự án “Tuần hoàn nhựa giá trị thấp” và việc thu gom nguồn nguyên liệu cho nhà máy tái chế RTN GTT, dự kiến khởi động vào năm 2025.
Tuyên Quang: Xã Thượng Lâm phòng chống rét cho gia súc
Ông Ma Công Khâm, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết, vào mùa Đông thời tiết trên địa bàn xã thường xảy ra lạnh giá, hàng năm chịu ảnh hưởng nhiều đợt rét đậm, rét hại đến cây trồng, vật nuôi. Xã hiện có nhiều hộ gia đình chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế, trong đó có gần 550 con trâu, gần 650 con bò và trên 3530 con lợn. Để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, ngay từ đầu mùa rét huyện Lâm Bình đã có các văn bản chỉ đạo đơn vị liên quan và chính quyền các xã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng chống rét cho gia súc.
Để duy trì, ổn định đàn gia súc trong mùa Đông, UBND xã chỉ đạo cán bộ thú y đến từng hộ gia đình để vận động người dân tham gia tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc. Tổ chức cho người dân ký cam kết trong việc che chắn chuồng trại, không thả rông gia súc trong những ngày giá rét.
Song song với đó, cấp ủy, chính quyền xã cũng khuyến cáo người chăn nuôi, khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C tuyệt đối không được thả rông gia súc ra ruộng, bãi chăn thả, trên rừng qua đêm. Chủ động cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin tổng hợp và muối khoáng. Nếu vào ngày rét đậm, rét hại bà con cần đốt lửa sưởi ấm cho đàn gia súc, điều chỉnh lượng thức ăn tinh để bổ sung năng lượng giúp trâu, bò chống lại giá rét.
Hầu hết gia đình nơi đây khi được xã tuyên truyền và hướng dẫn chăm sóc cho đàn gia súc đã chủ động lùa đàn gia súc về chuồng để nuôi nhốt và che chắn cẩn thận khi nhiệt độ xuống thấp. Người dân cũng tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp và pha thêm thức ăn có hàm lượng tinh bột cao cho đàn gia súc ăn, chuẩn bị thêm củi và trấu để sưởi ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống quá thấp để giảm thiệt hại trong chăn nuôi.
Cả nước còn 13 tỉnh, thành chưa công bố danh mục ‘hồ ao không được san lấp’
Tính đến ngày 10/1/2024, cả nươc còn 13 tỉnh, thành chưa phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá, bao gồm: Hòa Bình, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình…
Đại diện Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết tính đến ngày 10/1/2024, đã có 50/63 tỉnh, thành phố trực đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn.
Các tỉnh, thành phố đã công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp gồm: Hà Nội, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
Tại miền Trung và Tây Nguyên có 15 địa phương đã công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, gồm: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Bình Thuận, thành phố Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắc Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
Các tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Bộ đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, bao gồm: Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Như vậy, tính đến nay, cả nước chỉ còn 13 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá, bao gồm: Hòa Bình, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên Nước, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp cũng là cơ sở để bảo vệ “lá phổi Xanh,” nhất là trong bối cảnh thời gian qua ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, việc hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp cũng đã làm giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt trong mùa mưa; gây mất an toàn trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt và các mục đích sử dụng nước thiết yếu trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô…
Nhận thức tầm quan trọng trên, ngày 10/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 3129/BTNMT-TNN, gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, theo quy định của Luật Tài nguyên Nước năm 2012.
Đến ngày 24/3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 1493/BTNMT-TNN gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.
Ngành Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023
Chiều ngày 9/1, Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Tài nguyên và Môi trường.
Năm 2023, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao. Trong công tác cải cách hành chính, tổng số thủ tục hành chính cấp huyện là 25.628 hồ sơ, thực hiện đúng và trước hẹn 25.157 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 98,2% số hồ sơ đã được giải quyết; Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết 354 hồ sơ, trong đó có 353 hồ sơ trước hẹn, chiếm tỷ lệ 99,7% hồ sơ đã được giải quyết.
Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm. Cấp tỉnh đã triển khai 17 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 106 tổ chức, cá nhân, theo đó phát hiện và xử lý 12 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; cấp huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra 352 cá nhân và tổ chức, qua đó xử lý 87 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là 651,2 triệu đồng.
Công tác quản lý quỹ đất công, phát triển quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được đẩy mạnh. Nhiều công trình trọng điểm thực hiện tốt công tác đo đạc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây; Dự án cầu Đại Ngãi; Đường tỉnh 932; Đường tỉnh 933; Đường tỉnh 936; Đường tỉnh 938; Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A…
Sở đã tham mưu UBND tỉnh giao 5 mỏ cát cho các nhà thầu thi công dự án lập thủ tục đăng ký khai thác theo quy định; triển khai và nghiệm thu nhiều dự án quan trọng; giám sát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đồng thời phối hợp các sở, ngành, đơn vị tổ chức giám sát, kiểm tra và thanh tra các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh và giám sát, thanh tra tình hình khai thác đất, khai thác cát trái phép.
Cùng với những kết quả đạt được, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng ghi nhận nhiều khó khăn, hạn chế như: vẫn còn trường hợp khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa đúng theo quy định; một số thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường còn thực hiện chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt cục bộ do một số doanh nghiệp có lưu lượng nước thải lớn; tình trạng phát sinh các điểm rác thải tự phát vẫn còn xảy ra; một số bãi xử lý rác tập trung đã quá tải, xuống cấp chưa kịp thời phân bổ kinh phí để giảm thiểu ô nhiễm; gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đối với khoáng sản là đất làm vật liệu xây dựng thông thường, tình trạng khai thác trái phép diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách nhà nước; việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành còn chậm…
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị