Tin tức Miền Tây ngày 29/12/2021: Sắp có đường 6 làn xe nối TP.HCM-Long An
Vào khoảng 15h30 ngày 28/12, trên cánh đồng thuộc ấp Tân An, xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, phát hiện bắt quả tang ông Trần Văn Nam, sinh năm 1973, trú tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đang điều khiển phương tiện Kobe không biển kiểm soát múc đất mặt lên xe tải ben, không biển kiểm soát do ông Phước, trú tại xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang điều khiển vận chuyển ra khu vực bờ kênh Trà Sư để đưa xuống sà lan.
Các phương tiện bị phát hiện bắt quả tang tại hiện trường
Tại thời điểm bắt quả tang, khu đất đã khai thác có diện tích khoảng 8.000 m2, độ sâu khoảng 0,4m; phương tiện đang hoạt động tại khu vực khai thác gồm: 3 Kobe; 5 xe tải ben; 1 máy ủi bánh xích; 1 sà lan biển kiểm soát AG23849. Khối lượng đất đưa xuống sà lan được khoảng 60 tấn để vận chuyển về huyện Chợ Mới bán cho chủ lò gạch.
Ông Nam không xuất trình được giấy phép khai thác đất mặt do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, ông Nam khai nhận, được ông Khang (chưa rõ họ tên cụ thể), trú tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới, thuê điều khiển Kobe múc đất tại khu vực trên từ ngày 19/12 đến nay. Vụ việc đang được bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên tiếp tục điều tra xử lý theo thẩm quyền.
An Giang: Cùng nhau đi trộm máy bơm nước rửa xe lấy tiền tiêu xài
Ngày 29/12, Công an huyện Tri Tôn, vừa ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Văn Hậu (1986), trú tại khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên và Đỗ Tuấn Lộc (1989), trú tại khóm 3, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang về hành vi “Trộm cắp tài sản”.
Đối tượng Nguyễn Văn Hậu
Đối tượng Đỗ Tuấn Lộc
Trước đó, khoảng 11h ngày 26/12, do cần tiền tiêu xài Nguyễn Văn Hậu điều khiển xe máy chở Đỗ Tuấn Lộc cùng đi lấy trộm tài sản, Lộc đồng ý. Khi đến Cửa hàng mua bán điện thoại di động Hoàng Tâm thuộc khu vực khóm Sóc Triết, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, thấy có 1 máy bơm nước có mô tơ điện loại 1HP (1 ngựa) Hậu và Lộc nhanh chóng đưa lên xe rồi tẩu thoát.
Tang vật bị thu giữ
Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc bị mất trộm tài sản, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn đã tiến hành khoanh vùng, mời các đối tượng tình nghi về trụ sở làm việc, kết hợp thu gom ma túy.
Qua điều tra phát hiện 2 đối tượng Nguyễn Văn Hậu và Đỗ Tuấn Lộc thừa nhận hành vi “Trộm cắp tài sản” bao gồm 1 máy bơm nước rửa xe xảy ra vào ngày 26/12. Tiến hành thử test 2 đối tượng cho kết quả dương tính với chất ma túy, Công an thị trấn Cô Tô tiếp tục lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 2 đối tượng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Khởi công xây dựng tuyến đường hơn 2.500 tỉ đồng kết nối Long An – Tp.HCM
Tỉnh Long An khởi công dự án đường tỉnh 823D, kết nối Tp.HCM – Long An và các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ. Với tổng chiều dài trên 14Km, mặt đường rộng 25m, có 6 làn xe, vận tốc 80Km/giờ, có mức tổng đầu tư trên 2.500 tỉ đồng, trong đó nguồn kinh phí được hỗ trợ từ Trung ương là 1.000 tỉ đồng.
Khởi công dự án. Ảnh-tin: Nhịp sống kinh tế
Có điểm đầu tiếp giáp với Tp.HCM và điểm cuối giáp với đường tỉnh lộ N2, vòng xoay thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.
Đường tỉnh 823D được Trung ương, Tp.HCM và tỉnh Long An đầu tư, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên kết vùng theo quy hoạch, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hóa. Qua đó, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hóa. Đồng thời, giảm bớt áp lực giao thông trên các tuyến ĐT.824, ĐT.825…kéo giảm TNGT, tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, các dịp lễ, Tết.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu Sở GTVT tỉnh thường xuyên giám sát, theo dõi, hỗ trợ đơn vị thi công thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động. Ông cũng chỉ đạo UBND huyện Đức Hòa giải quyết nhanh công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để công trình thi công đúng tiến độ, đưa vào sử dụng, khai thác đúng kế hoạch.
Tiền Giang: Học sinh lớp 9 và 12 đi học lại từ ngày 3/1
Theo Tuổi trẻ onlinr đưa tin, chiều 29/12, ông Lê Quang Trí – giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Tiền Giang – cho biết UBND tỉnh vừa có văn bản đồng ý cho học sinh khối lớp 9 và 12 của các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh học trực tiếp từ ngày 3/1.
Học sinh lớp 9 và 12 ở Tiền Giang sẽ được đến trường học trực tiếp từ ngày 3/1 – Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Riêng huyện Tân Phú Đông dạy học trực tiếp đối với khối 9, khối 10 và khối 12. Học sinh các khối lớp còn lại tại các trường học trong tỉnh tiếp tục học trực tuyến.
Theo UBND tỉnh, việc tổ chức học trực tiếp chỉ được thực hiện khi các cơ sở giáo dục đáp ứng đạt mức độ dịch an toàn rất cao, chỉ dạy 1 buổi/ngày. Chưa tổ chức các hoạt động tập thể, dạy thêm học thêm, học nội trú, bán trú và mỗi lớp học không quá 24 học sinh.
Các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch khi tổ chức dạy trực tiếp, trình Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện phê duyệt.
Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ an toàn COVID-19 tại đơn vị, có phương án xử lý khi có ca nhiễm. Đặc biệt, 100% cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh học trực tiếp phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Các trường tổ chức dạy trực tiếp kết hợp dạy trực tuyến theo đơn vị lớp để các học sinh không đến lớp được thì học trực tuyến tại nhà.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 ở tỉnh Tiền Giang đang ở cấp độ 2 (vùng vàng). Toàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị cấp huyện là huyện Gò Công Đông và thành phố Mỹ Tho đang ở cấp độ 3 (vùng cam). Tỉ lệ học sinh và trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt hơn 90%, mũi 2 đạt 82%.
Tổng kết Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 11
Ngày 28/12, TP Cần Thơ tổ chức Lễ Tổng kết Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 11, năm 2020 – 2021. Hội thi nhằm thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt quan tâm phong trào tuổi trẻ sáng tạo; phát hiện tài năng; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại buổi lễ
Tổng số hồ sơ tham dự Hội thi là 106 giải pháp, các giải pháp dự thi tập trung vào 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí, tự động hoá; Nông nghiệp và tài nguyên môi trường; Y dược; Giáo dục và đào tạo; An ninh quốc phòng. Số lượng giải pháp tham gia Hội thi lần này tăng 31 giải pháp so với Hội thi lần thứ 10, số giải pháp tham gia ở các lĩnh vực tương đối đồng đều không có chênh lệch lớn. Đặc biệt số giải pháp ở lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo và Y dược tăng nhiều so với Hội thi lần 10 (2018 – 2019). Thành phần tham gia Hội thi cũng đa dạng từ sinh viên, giảng viên, giáo viên, nhà khoa học, công chức, viên chức, công an, quân đội đến các doanh nghiệp, nông dân. Được sự quan tâm đầu tư cả về hình thức lẫn nội dung nên chất lượng các giải pháp dự thi được nâng lên rõ rệt.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Ban tổ chức thành lập các hội đồng chấm sơ khảo theo các lĩnh vực chuyên môn đã đề ra của Hội thi. Thường trực Ban Tổ chức đã tổ chức cho tất cả tác giả trình bày bằng hình thức online với Hội đồng sơ khảo, để các thành viên Hội đồng có đủ thông tin hoặc chất vấn tác giả.
Qua 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, có 38 giải pháp được xét chọn trao giải: Hội đồng Hội thi đã chọn 3 giải pháp xuất sắc để trao giải Nhất, 6 giải Nhì, 9 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Trong đó, 3 giải Nhất thuộc về lĩnh vực Công nghiệp; Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và Y dược. Ban Tổ chức đã chọn 17 giải pháp tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 năm 2020 – 2021.
Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trao giải cho các nhóm tác giả đạt giải Nhất
Bà Nguyễn Thị Kiều – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, đánh giá: “Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các giải pháp tham gia Hội thi có sự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm sáng tạo phục vụ cho học tập, lao động và sản xuất theo hướng tự động hóa. Đa số các giải pháp hình thành từ thực tế học tập, nghiên cứu, lao động và sản xuất nên mang tính thực tiễn, hiệu quả kinh tế – xã hội cao, đã và đang được áp dụng vào sản xuất và đời sống.
Cụ thể: Các Giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực Nông nghiệp và tài nguyên môi trường giúp tăng thêm lợi nhuận, tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ sản xuất, giảm chi phí sản xuất, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn hơn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường; cải thiện điều kiện làm việc theo hình thức cơ giới hiện đại; tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn dồi dào tại địa phương, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Những giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực Công nghệ thông tin giúp nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ của các nhân viên kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả trong công việc; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ; giúp tránh được các cuộc tấn công nhằm mục tiêu cạnh tranh không lành mạnh, gây rối trật tự, an toàn xã hội cũng như lộ các thông tin bí mật của tổ chức, đơn vị đang vận hành hệ thống.
Sáng tạo trong lĩnh vực Y dược giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, giảm gánh nặng cho nhân viên y tế trong việc điều trị biến chứng, giảm chi phí điều trị bệnh cho bệnh nhân; giúp người dân có thể tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ.
Các giải pháp sáng tạo trong Giáo dục giúp phát triển những năng lực cốt lõi của học sinh trong chương trình Giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo kỹ năng và kiến thức cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực Công nghiệp giúp thay thế sản phẩm nhập khẩu với giá trị cao tiết kiệm ngoại tệ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghệ cầu cảng lên một bước mới theo xu hướng công nghệ cao công nghệ 4.0; tạo thêm việc làm cho lao động địa phương; tạo tính sẵn có đáp ứng cho thị trường Việt Nam, dễ mua, dễ tìm, không phụ thuộc vào nguồn cung duy nhất từ nước ngoài.
Việc ứng dụng giải pháp sáng tạo trong lực lượng phòng cháy chữa cháy giúp cải thiện khả năng chiến đấu của lực lượng phòng cháy, nhanh chóng tiết kiệm thời gian triển khai đội hình hút nước chữa cháy nhanh chóng đạt hiệu quả cao; hỗ trợ bộ đội trong các khu cách ly và bệnh viện dã chiến, giải phóng sức lao động, thay đổi tư duy, cách nhìn mới về phương thức vận chuyển nhu yếu phẩm lên nhà cao tầng.”
Các tác giả của 38 giải pháp đạt giải chụp hình với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và Ban tổ chức Hội thi
Phát biểu tại Lễ Tổng kết, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nêu ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thi. Qua 11 lần tổ chức, Hội thi đã trở thành nơi tôn vinh các sáng tạo trong học tập, lao động và sản xuất,… Đồng thời, chỉ đạo hướng tới: “Bước sang giai đoạn mới, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP Cần Thơ phải được nâng tầm và định hướng phù hợp, thể hiện vai trò của mình gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,… Các đơn vị thành viên Ban tổ chức cần phối hợp để chọn những sản phẩm có khả năng ứng dụng cao, kết nối với các cơ quan chức năng để giúp những cá nhân, tập thể hoàn thiện thêm sản phẩm thông qua việc tiếp cận các nguồn quỹ để sớm ứng dụng vào sản xuất”.
Nguồn: hoanhap.vn