Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/3/2023
Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/3/2023
Theo dõi MTĐT trên
Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/3/2023, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất tại Hà Nội ngày 9/3 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.
Công an Hà Nội nêu lộ trình ‘dẹp loạn’ vỉa hè trên toàn thành phố
Tin tức trên GĐ&XH, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn. Đồng thời, sẽ xử lý tất cả các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe.
Ban Chỉ đạo 197 cũng đề nghị các đơn vị kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
Theo ông Hải, các đơn vị chức năng đã chia ra 3 giai đoạn giành lại vỉa hè.
Giai đoạn 1, kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.
Giai đoạn 2, từ ngày 1 – 31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.
Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 – 1/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.
Đại tá Dương Đức Hải đồng tình với việc duy trì trật tự đô thị, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.
Trong đó, ngoài việc duy trì thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân, phải hình thành các khái niệm cho người dân rằng “vỉa hè không phải nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện.
Ông Hải cho biết, công an thành phố sẽ tham mưu cho UBND TP sắp xếp lại các chợ cóc, người dân phải vào chợ chính. Bởi hiện tại có thực trạng người dân ngại vào trong chợ.
Ngoài ra, với những hộ kinh doanh trà đá cũng sẽ được khảo sát, xây dựng cụ thể giải pháp cho họ vào trong các ngõ (nếu có điều kiện).
Liên quan đến các phương tiện dừng đỗ, ông Hải cũng đề xuất thành phố sắp xếp lại, quy hoạch lại điểm đỗ. Đây là nội dung được làm thường xuyên, liên tục.
Kinh tế Hà Nội tháng 2 tiếp tục có bước tăng trưởng khá
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 2 đạt 1.247 triệu USD, tăng 17,2% so với tháng 02/2022 (cùng kỳ tăng 53%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.301 triệu USD, giảm 4,8% (cùng kỳ tăng 30,9%).
Chiều 9/3, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội tháng 2/2023. Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn của UBND Thành phố Trương Việt Dũng; Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng đồng chủ trì họp báo.
Tại cuộc họp báo này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân đã thông tin về tình hình kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội tháng 2/2023. Theo đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá cao so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 2 tháng đầu năm 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán. Chi ngân sách địa phương thực hiện 2 tháng đầu năm là 10.879 tỷ đồng, đạt 10,4% dự toán, bằng 114,2% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 2 đạt 1.247 triệu USD, tăng 17,2% so với tháng 02/2022 (cùng kỳ tăng 53%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.301 triệu USD, giảm 4,8% (cùng kỳ tăng 30,9%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 02 đạt 3.097 triệu USD, tăng 13,2% so với tháng 02/2022 (cùng kỳ tăng 37,8%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 5.751 triệu USD, tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 23%). Thành phố tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Trong tháng 2 có 2.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 23.482 tỷ đồng (tăng 48% về số lượng doanh nghiệp và giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 02 tháng đầu năm, có 3.691 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38.218 tỷ đồng (tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 39% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn Thành phố hiện có 353.704 doanh nghiệp.
Trong tháng 2, Thành phố thu hút 14,37 triệu USD vốn FDI. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, thu hút 36,7 triệu USD, trong đó: 39 dự án mới với tổng vốn đầu tư 10,9 triệu USD; 12 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 16,5 triệu USD và 41 lượt góp vốn với số vốn góp 9,3 triệu USD.
Giải quyết vướng mắc về giao đất dân cư dịch vụ tại huyện Mê Linh
Kinh tế & Đô thị đưa tin, ngày 9/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu các sở TN&MT, KH-ĐT, QH-KT, Tư pháp, Tài chính; Thanh tra TP; Cục thuế Thành phố; UBND huyện Mê Linh giải quyết tồn tại, vướng mắc về giao đất dân cư dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh
Theo đó, UBND TP Hà Nội đồng ý về chủ trương giải quyết, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc về giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội theo báo cáo số 280/BC-STNMT-QHKHSDĐ ngày 13/01/2023 của Sở TN&MT.
UBND TP Hà Nội đề nghị UBND huyện Mê Linh có trách nhiệm: tham mưu Huyện ủy Mê Linh ban hành Đề án tổng thể để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc tổ chức thực hiện; Ban hành kế hoạch chi tiết, cụ thể để tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 50/BTNMT-QHPTTNĐ ngày 06/01/2023. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, UBND huyện Mê Linh chủ động xin ý kiến hướng dẫn của các Sở, ngành Thành phố.
UBND TP giao các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch – Kiến trúc, Tư pháp, Tài chính, Cục thuế Thành phố, Thanh tra Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát UBND huyện Mê Linh thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Chỉ còn 6 trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội hoạt động
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sáng 9/3, trung tâm đăng kiểm 29-11D tại huyện Chương Mỹ vừa phải đóng cửa để phục vụ điều tra.
Có nghĩa, tại Hà Nội chỉ còn 6 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động. Trong đó, 4 trung tâm từng bị khám xét, khởi tố đăng kiểm viên và được mở lại sau khi bổ sung nhân sự. Cả thủ đô chỉ có 2 trung tâm đăng kiểm đến giờ chưa bị điều tra.
Danh sách 6 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động tại Hà Nội:
STT |
Tên trung tâm |
Số dây chuyền kiểm định (theo thiết kế) | Địa chỉ |
1 | 29-01V | 4 | Liên Ninh, Thanh Trì |
2 | 29-04V | 2 | Quang Minh, Mê Linh |
3 | 29-08D | 3 | Kim Chung, Hoài Đức |
4 | 29-16D | 2 | Sài Đồng, Long Biên |
5 | 29-06V | 4 | Tam Hiệp, Thanh Trì |
6 | 29-22D | 2 | Phùng, Đan Phượng |
Nhu cầu đăng kiểm xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp tăng cao trong khi 6 trung tâm này chỉ có tổng cộng 17 dây chuyền còn hoạt động khiến tình trạng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm tái diễn và ngày càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nghiêm trọng đăng kiểm viên trong bối cảnh nhiều trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động dẫn đến tái diễn khung cảnh hàng trăm ô tô nối đuôi nhau chờ đăng kiểm tại Hà Nội. Nhiều người đã xếp hàng chờ đợi 3, 4 ngày tại các trung tâm còn hoạt động, nhiều xe đã hết hạn đăng kiểm khiến tài xế lo sợ bị CSGT xử phạt vì mang xe ra đường.
Ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, số dây chuyền kiểm định còn đang hoạt động chỉ chưa bằng một nửa so với trước đây.
Điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực nút giao Cổ Linh – Đàm Quang Trung
Ngày 9/3, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ban hành thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông tại khu vực nút giao Cổ Linh – Đàm Quang Trung, quận Long Biên, Hà Nội, để hạn chế tình trạng ùn tắc.
Theo phương án tổ chức giao thông mới, từ ngày 11-3, các phương tiện bị cấm rẽ trái từ đường Đàm Quang Trung (hướng cầu Vĩnh Tuy đi quốc lộ 5) rẽ trái vào đường Cổ Linh để đi đê Long Biên – Xuân Quan. Các phương tiện đi theo hướng: Đi thẳng qua nút trên đường Đàm Quang Trung, quay đầu tại nút đèn trên đường Đàm Quang Trung (giao với ngõ 163 Tư Đình), sau đó rẽ phải liên tục vào đường Cổ Linh.
Cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Đàm Quang Trung (hướng quốc lộ 5 đi cầu Vĩnh Tuy) rẽ trái vào đường Cổ Linh để đi Thạch Bàn. Các phương tiện đi theo hướng: Từ Đàm Quang Trung rẽ phải liên tục vào đường Cổ Linh, và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Cổ Linh (trước ngõ 64), đi thẳng qua nút để đi hướng Thạch Bàn.
Sở Giao thông Vận tải giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông lắp đặt biển báo tổ chức giao thông, điều chỉnh vạch sơn, đèn tín hiệu giao thông, xén gầm cầu Cổ Linh, sơn gờ giảm tốc, sơn dẫn hướng… theo nội dung thông báo và tăng cường bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí điểm quay đầu; đồng thời, phối hợp với Trung tâm điều khiển giao thông – Công an thành phố điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút Cổ Linh – Đàm Quang Trung và các nút lân cận cho phù hợp với phương án điều chỉnh tổ chức giao thông.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bố trí lực lượng phối hợp với Cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn giao thông cho các phương tiện lưu thông theo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông; theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện, đề xuất và báo cáo lãnh đạo Sở điều chỉnh phương án tổ chức giao thông phù hợp.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị