Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 2/1/2024

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 2/1/2024

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 2/1/2024 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…

Không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam, nhiều nơi trời rét

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 3/1, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 12-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ.

Trên biển, từ sáng 3/1, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 1,5-2,5m, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

tm-img-alt
Không khí lạnh vẫn đang di chuyển xuống phía Nam

Từ chiều 3/1, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 1,5-2,5m, biển động; khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động. Từ chiều tối 3/1, vùng biển từ từ Bình Định đến Cà Mau, và vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động.

Dự báo, ngày và đêm 3/1, vùng núi Bắc Bộ, nhiệt độ thấp nhất từ 12-14 độ, cùng núi cao có nơi dưới 8 độ; Nhiệt độ trung bình từ 16-18 độ, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ.

Các nơi khác ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, nhiệt độ thấp nhất từ 15-18 độ; Nhiệt độ trung bình từ 18-20 độ.

Từ gần sáng và ngày 3/1, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông; từ ngày 3-4/1, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào và có nơi có dông.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

8.500 tỷ đồng làm đường trên cao từ Ngã Tư Sở – Cầu Giấy

Để hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch, giảm xung đột ùn tắc giao thông, Sở GTVT đề xuất thành phố Hà Nội ưu tiên cho nghiên cứu triển đầu tư với 3 dự án đường giao thông quan trọng, trong đó có dự án đầu tư dự án Vành đai 2 trên cao và dưới thấp, đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên cơ sở rà soát tình hình triển khai đầu tư các dự án giao thông thuộc mạng lưới hạ tầng giao thông khung cũng như dự báo tình trạng giao thông tại một số nút giao quan trọng gắn với các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất thành phố bổ sung danh mục một số dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư.

tm-img-alt
Sau nhiều lần được cải tạo Ngã Tư Sở và đường Trường Chinh giao thông vẫn ùn ứ.

Ba dự án này bao gồm: Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 phía Bắc với chiều dài khoảng 14km; Dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô hầm 4 làn xe).

Với dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy). Tuyến đường được đề xuất với quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỷ đồng. Dự án được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở cũng như phát huy hiệu quả tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 phía Bắc với chiều dài khoảng 14km, tổng mức đầu tư dự kiến 12.046 tỷ đồng nhằm khép kín đoạn còn lại của tuyến đường Vành đai 3 phía Bắc.

Dự án cuối cùng là xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô hầm 4 làn xe); tổng mức đầu tư khoảng 850 tỷ đồng.

Dự án nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường trục hướng tâm hồ Tây – Ba Vì, tăng cường kết nối đường Hoàng Quốc Việt với đường Trần Vỹ, giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường 32 hiện hữu.

Hai cựu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nộp 45 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Hai cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã nộp 45 tỷ đồng khắc phục hậu quả liên quan sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower mà 2 cựu lãnh đạo tỉnh này vừa bị khởi tố.

Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa xác nhận, liên quan tới vụ án Hạc Thành Tower, ông Trịnh Văn Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) và ông Nguyễn Đình Xứng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) đã nộp tổng số tiền 45 tỷ đồng (mỗi người 22,5 tỷ đồng) vào tài khoản tạm giữ của cơ quan công an, nhằm phục vụ điều tra và khắc phục hậu quả do sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower thời điểm 2 bị can còn đương chức.

tm-img-alt
Khu đất dự án Hạc Thành Tower khiến nhiều quan chức Thanh Hóa bị khởi tố.

Liên quan vụ án, ngày 29/12/2023, Công an Thanh Hóa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét nhà và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Trước đó, ngày 21/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đình Xứng – cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo điều tra ban đầu, cả ông Chiến và ông Xứng đều bị khởi tố điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” do sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower, gây thiệt hại Nhà nước 55,6 tỷ đồng.

Hiện, vụ án đang được Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.

Khởi tố Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ

Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu Bộ Công an vừa ra Quyết định Khởi tố Bị can, Lệnh Bắt Bị can để tạm giam, Lệnh Khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ.

Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu Bộ Công an đang điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng Chức vụ, Quyền hạn trong khi Thi hành Công vụ, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 10/QĐ-CSKT-P10 ngày 4/3/2023; Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/QĐ-CSKT-P10 ngày 9/8/2023 và số 24/QĐ-CSKT-P2 ngày 25/11/2023; vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Mở rộng điều tra vụ án, xác định ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có hành vi nhận hối lộ liên quan đến Dự án Khu Đô thị Thương mại, Du lịch, Nghỉ dưỡng Sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.

Hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào tội “Nhận hối lộ,” quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngày 2/1/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an ra Quyết định Khởi tố Bị can, Lệnh Bắt Bị can để tạm giam, Lệnh Khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp về tội danh nêu trên.

Số người thiệt mạng vì động đất ở Nhật Bản tăng nhanh

Theo các phương tiện truyền thông tại Nhật Bản, tính đến 13h chiều 2/1 (theo giờ địa phương), số người thiệt mạng do trận động đất kinh hoàng xảy ra vào chiều hôm qua (1/1) tại tỉnh Ishikawa đã tăng lên 30 người và hàng chục người khác bị thương. Cùng với trận động đất có độ lớn 7,6,155 dư chấn sau đó đã gây thiệt hại lớn về cấu trúc đô thị và gây ra nhiều vụ hỏa hoạn tại thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa.

tm-img-alt
Đám cháy ở Wajima, tỉnh Ishikawa, vào ngày 1.1.2024 sau khi trận động đất mạnh làm rung chuyển bờ biển Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Nhiều hệ thống đường sá bị phá hủy, trong khi hơn 33.000 hộ dân lâm vào cảnh không có điện và nước sinh hoạt. Hơn 1.400 hành khách bị ảnh hưởng do các chuyến tàu cao tốc ở khu vực thảm họa phải tạm dừng hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, sân bay Noto, tỉnh Ishikawa đã buộc phải đóng cửa do đường băng bị nứt vỡ, 500 người vẫn bị mắc kẹt tại bãi đỗ ô tô của sân bay này.

Phát biểu tại cuộc họp báo khẩn cấp diễn ra lúc 10h sáng 2/1, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định, thiệt hại do trận động đất gây ra là “ở quy mô cực lớn”, chính phủ nước này sẽ nỗ lực đẩy nhanh các hoạt động cứu hộ và cứu nạn một cách “toàn diện”, trên cơ sở huy động tất cả các Lực lượng Phòng vệ, Cảnh sát biển, Sở cứu hỏa, Cảnh sát các địa phương…, hợp tác triệt để giữa các cơ quan liên quan, đồng thời cử lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan tới hiện trường để hỗ trợ vận chuyển vật tư và các hoạt động cứu trợ khác.

Cũng trong đêm hôm qua, chính phủ Nhật Bản đã thành lập văn phòng ứng phó khẩn cấp do đích thân Thủ tướng Fumio Kishida chỉ đạo trực tiếp. Văn phòng này sẽ mở đường dây liên lạc trực tuyến, trực tiếp với lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng bởi trận động đất nhằm nhanh chóng thu thập thông tin và cung cấp hỗ trợ cần thiết.

Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Bộ Đất đai – Cơ sở hạ tầng – Giao thông và Du lịch Nhật Bản, cùng tất cả các cơ quan liên quan khác của Nhật Bản đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo các tuyến đường bộ vận chuyển máy móc hạng nặng, các tuyến vận tải biển được thông suốt…, để có thể hỗ trợ người dân và khắc phục hậu quả của trận động đất. Trước đó, nhiều tuyến đường chủ chốt tại Ishikawa đã bị sạt lở nghiêm trọng, hàng loạt chuyến tàu và chuyến bay qua khu vực này bị đình chỉ.

Trong một thông báo vào sáng 2/1, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng cho biết, chuyến viếng thăm đền Ise ở thành phố Ise, tỉnh Mie, dự kiến diễn ra vào ngày mai (03/01) của ông, sẽ bị hoãn lại. Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản cũng ra thông báo hủy bỏ sự kiện Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako xuất hiện trước công chúng vào dịp đầu Năm mới.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích