Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 19/12/2023
Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 19/12/2023
Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 19/12/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…
Hà Nội yêu cầu báo cáo việc trả lương, thưởng Tết trước 10/1/2024
Liên đoàn Lao động Hà Nội yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình trả lương, thưởng Tết 2024 trước ngày 10/1. Các doanh nghiệp xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh, và thông tin sớm để người lao động biết…
Liên đoàn Lao động Hà Nội vừa có văn bản gửi Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; công đoàn cơ sở về việc nắm bắt tình hình quan hệ lao động, việc trả lương, thưởng cho người lao động dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Theo Liên đoàn Lao động Hà Nội, thị trường vẫn có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động Hà Nội yêu cầu các công đoàn cơ sở tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Đặc biệt, tập trung thực hiện hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm, đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định, không để sót đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác giám sát pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, trong đó chú trọng việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Các công đoàn cơ sở cũng cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động, diễn biến tư tưởng và các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động ở từng doanh nghiệp.
Trường hợp có tranh chấp lao động xảy ra, cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời báo cáo ngay về Liên đoàn Lao động thành phố để có sự chỉ đạo giải quyết.
Liên đoàn Lao động Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo thống kê tình hình trả lương, thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trước ngày 10/1/2024.
Bên cạnh đó, các công đoàn cơ sở cần phối hợp với người sử dụng lao động rà soát lại hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế trả lương, quy chế thưởng… để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận.
Vietracimex 8 đề xuất tăng phí trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài
Tin trên người đưa tin, theo đề xuất của Công ty CP BOT Vietracimex 8 (nhà đầu tư), trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài được kiến nghị tăng mức phí áp dụng từ ngày 1/4/2023.
Công ty CP BOT Vietracimex 8 (nhà đầu tư) vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh giá vé qua trạm thu phí đường bộ Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Lý do được đơn vị này đưa ra là ngày 12/12/2023, Bộ GTVT có Công văn 14209 về việc chấp thuận điều chỉnh giá vé của 44 dự án BOT/48 trạm thu phí. Tuy nhiên, dự án xây dựng QL2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc/trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài không có tên trong danh sách.
Đại diện nhà đầu tư dự án cho biết thêm, tính đến nay đã gần 11 năm dự án không được tăng giá vé. Mặt khác, mức phí tại trạm hiện nay rất thấp (10.000 đồng/lượt/xe 12 chỗ ngồi trở xuống), đây là mức thấp nhất trên cả nước.
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thành vốn đầu tư cho dự án và bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngay khi hết thời hạn thu phí, Công ty CP BOT Vietracimex8 kiến nghị Bộ GTVT xem xét, bổ sung chấp thuận điều chỉnh giá vé đối với dự án xây dựng QL2, đoạn tránh TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc/trạm thu phí đường bộ Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài được kiến nghị tăng mức phí áp dụng từ ngày 1/4/2023.
Cụ thể, nhà đầu tư dự án đề xuất tăng mức giá vé lượt đối với xe loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) từ mức 10.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 15.000 đồng/vé.
Xe loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) từ mức 15.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 22.000 đồng/vé.
Xe loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn) từ mức 22.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 33.000 đồng/vé.
Xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) từ mức 40.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 60.000 đồng/vé.
Xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) từ mức 80.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 120.000 đồng/vé.
Tương tự, mức giá vé tháng và vé quý của các loại xe cũng được nhà đầu tư dự án này đề xuất tăng giá vé từ 1/4/2024. Trong đó, vé tháng đối với xe loại 1 được đề xuất điều chỉnh tăng từ 300.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 450.000 đồng/vé; xe loại 2 từ mức 450.000 đồng/vé (hiện tại) lên mức 660.000 đồng/vé…
Thời gian qua, trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài đã nhiều lần bị Sở GTVT Hà Nội kiến nghị di dời về đúng vị trí, dù vậy đến nay trạm BOT này vẫn đang bị đặt sai vị trí thu phí hoàn vốn.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Dự án do Công ty CP BOT Viettracimex 8 đầu tư với tổng số vốn 531 tỷ đồng.
Dự án chính thức thu phí từ năm 2009, dự kiến dừng thu phí vào năm 2025, và được tăng phí từ mức 10.000 đồng/lượt lên 15.000 đồng/lượt từ năm 2012. Tuy nhiên, do không được tăng phí và số lượng xe sụt giảm, thời gian thu phí dự án này phải kéo dài tới hết năm 2035.
Bắt giám đốc lừa đảo, chiếm đoạt hơn 9,4 tỷ đồng
Ngày 19/12, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Nẵng thực hiện lệnh khởi tố, bắt giam Võ Thành Tám (31 tuổi, trú xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), Giám đốc Công ty Thép Tầm Cao (văn phòng đại diện tại đường 30/4 Đà Nẵng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, cảnh sát khám xét nơi ở của Tám tại xã Bình Đào để phục vụ công tác điều tra.
Kết quả điều tra xác định, khoảng giữa tháng 3/2023, ông Lê Hoài Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Khuôn An Khang ở TP Hồ Chí Minh) đến Đà Nẵng gặp Tám để đặt mua 25 tấn nhôm với giá hơn 1,2 tỷ đồng. Ông Dũng đặt cọc 30%, số tiền còn lại thanh toán sau khi kiểm tra chất lượng và lập biên bản giao nhận hàng tại Cảng Khâm Châu (Trung Quốc).
Tuy nhiên, Tám không ký hợp đồng bản gốc đưa cho ông Dũng mà chỉ ký hợp đồng scan chuyển cho đối tác; đồng thời yêu cầu thanh toán 30% số tiền, tương đương hơn 363 triệu đồng. Sau 3 ngày chuyển tiền, ông Dũng gọi điện hỏi đóng hàng ở đâu để kiểm tra chất lượng thì Tám trả lời đã chở đi rồi và gửi hình ảnh xe container, phiếu cân xe, mã chì niêm phong.
Tuy nhiên qua kiểm tra, ông Dũng phát hiện hình ảnh này không đúng nên yêu cầu giao hàng hoặc trả lại tiền thì Tám không thực hiện.
Tiếp đó, đầu tháng 6/2023, Tám đến Công ty Stavian gặp nhân viên và giới thiệu là Giám đốc Công ty thép Tầm Cao, chuyên cung cấp nhôm theo các loại và tư vấn để đối tác lựa chọn.
Thấy báo giá của Tám rẻ hơn thị trường nên Công ty Stavian ký hợp đồng mua 100 tấn nhôm với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng, chuyển trước 200 triệu đồng tiền cọc.
Nhận tiền xong, Tám không cung cấp hàng cho đối tác, sau đó thông báo giá nhôm đang tăng cao, nếu Công ty Stavian mua thêm thì ký hợp đồng sớm để được áp dụng giá theo hợp đồng vừa ký kết. Vì vậy, Công ty Stavian và Tám ký hợp hợp đồng thứ 2 có nội dung Công ty Stavian mua 1.000 tấn nhôm, trị giá 45 tỷ, đặt cọc trước 1 tỷ đồng.
Nhận 2 lần tiền cọc với tổng cộng 1,2 tỷ đồng, Tám không thực hiện theo thỏa thuận, cũng không trả lại tiền cho đối tác.
Sau đó, Tám sử dụng hợp đồng mua bán nhôm với Công ty Stavian để “lấy lòng tin” của chị Phùng Thị Thanh Tâm (trú tỉnh Quảng Trị) nhằm mượn 730 triệu đồng làm “lộ phí” đi lại mua bán nhôm, giao dịch xong sẽ trả lại.
Tiếp đó, Tám sử dụng hình ảnh số dư tài khoản 7,5 tỷ đồng của mình trước đây nói với chị Tâm là tài khoản bị khóa, muốn rút 1 tỷ thì phải đóng phí 60 triệu đồng rồi mượn của chị Tâm. Sau khi nhận tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng, Tám trả lại cho chị Tâm 126 triệu đồng, còn gần 1,4 tỷ đồng thì “xù”.
Ngoài ra, đầu năm 2023, Tám rủ chị Đỗ Thị Tuyết Minh (trú quận Hà Đông, TP Hà Nội) góp vốn mua nhôm bán cho Công ty Shaoguan (Trung Quốc) theo hợp đồng trị giá 62 tỷ đồng mà Tám và công ty này đã ký trước đó. Tin tưởng, chị Minh nhiều lần chuyển tổng cộng hơn 6,4 tỷ đồng cho Tám mua hàng thì bị chiếm đoạt.
Từ đơn tố cáo của các nạn nhân, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Nẵng điều tra, xác minh Tám chiếm đoạt của các bị hại tổng cộng hơn 9,4 tỷ đồng.
Quận trung tâm ở TP.HCM chi 220 tỷ đồng sửa chữa hẻm và vỉa hè
Thông tin trên được ông Phạm Quách Trường Giang, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 1, TP.HCM chia sẻ với VTC News vào chiều 19/12.
Theo ông Giang, hiện nay, nhiều vỉa hè trên địa bàn quận 1 đã xuống cấp, hư hỏng, nhiều năm không được sửa chữa và cải tạo. Bên cạnh đó, một số nơi trước đây lát gạch Terrazzo bằng xi măng độ bền thấp lâu ngày bị rễ cây đội lên gây nứt, vỡ.
Vì thế, UBND quận đã lên kế hoạch và được TP.HCM duyệt chủ trương vào tháng 9/2023. Theo đó, quận làm mới 12 vỉa hè, 64 hẻm ở các tuyến đường ở 10 phường trên địa bàn theo quy định 1702 của UBND TP.HCM, định hướng thay bằng vật liệu tốt hơn, có thể là đá granite.
Về tiến độ của dự án, theo ông Giang, quận sẽ làm trong 2 năm (2024 và 2025) theo dạng cuốn chiếu. Trong đó, các các thủ tục đầu tư sẽ hoàn thành trong quý I/2024, đến đầu tháng 4/2024 sẽ khởi công và triển khai thi công.
“Chúng tôi sẽ làm xuyên suốt trong năm 2024 và có thể kéo dài nhưng sẽ dứt điểm trong 2025. Làm gì thì làm, chúng tôi phải đặt mục tiêu hoàn thành để người dân an tâm. Chỉnh trang đô thị mà làm kéo dài từ ngày này qua tháng khác thì không được”, ông Giang nói và cho hay Quận ủy, UBND quận 1 chỉ đạo sâu sát những nội dung này.
Theo ông Giang, quận 1 là quận trung tâm của TP.HCM, quận cần thu hút khách du lịch thêm và cho người dân buôn bán kinh doanh dịch vụ thì phải đầu tư, làm mới.
Quận 1 hiện có 155 tuyến đường, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần làm điểm giữ xe, kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa có thu phí và không thu phí.
Sẵn sàng nâng tốc độ khai thác cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận lên 90km/h
Chiều 19/12, đại diện Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang, thời điểm hiện tại, đơn vị đã triển khai các hạng mục công việc, sẵn sàng cho phương án nâng tốc độ khai thác lên 90km/h.
“Ngay sau khi cấp có thẩm quyền địa phương phê duyệt, chúng tôi sẽ tổ chức khai thác với vận tốc mới nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ với hai dự án giao thông sắp đi vào khai thác tại khu vực, phát huy hiệu quả đầu tư”, đại diện doanh nghiệp dự án thông tin.
Trước đó (16/12), Bộ GTVT đã phát đi văn bản đề nghị Sở GTVT Tiền Giang, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận rà soát, triển khai các thủ tục có liên quan để có thể khai thác tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với vận tốc 90km/h.
Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT tỉnh Tiền Giang báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận rà soát, xử lý các vấn đề có liên quan để khai thác đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với vận tốc 90km/h theo chủ trương của Bộ GTVT tại Văn bản số 13594 ngày 28/11/2023.
Mục tiêu nhằm bảo đảm sự đồng bộ về tốc độ khai thác của tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với các dự án: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ ngày 24/12/2023.
“Sau khi rà soát, đơn vị vận hành, khai thác lập, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông, trình UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt theo thẩm quyền. Trước khi phê duyệt, cần thỏa thuận với Bộ GTVT theo đúng quy định”, văn bản nêu.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị