Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/8/2023
Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/8/2023
Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 17/8/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…
Tập trung phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại Công điện số 23 ngày 21/07/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Bộ GTVT cũng yêu cầu thường xuyên rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, nhất là khu vực miền núi, trung du Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu để có phương án chủ động đảm bảo giao thông và an toàn giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các trục giao thông chính.
Các đơn vị cần chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố sạt lở trên các trục giao thông chính.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, máy móc, thiết bị, vật tư để chủ động khắc phục sự số sạt lở, thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.
Đặc biệt, cần chú ý việc bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình trong quá trình triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai và đảm bảo giao thông. Các đơn vị tổ chức duy trì trực ban 24/24h khi có sự cố, thiên tai và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ GTVT.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 17 – 18/8/2023, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10 – 30 mm, có nơi trên 50 mm; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Các vùng trũng, thấp mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng. Khu vực vùng núi nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Trận mưa lũ đêm 5 ráng sáng 6/8 vừa qua tại Mù Cang Chải đã làm sạt lở taluy dương 225 vị trí trên Quốc lộ 32 với khối lượng 59.900m3; sạt lở taluy âm nền, mặt đường 475m tại 22 vị trí; xói lở gây mất mặt đường 70m tại 2 vị trí; chiều dài hộ lan bị hư hỏng khoảng 3500md và công trình thoát nước (cống thoát nước, rãnh dọc gia cố bê tông xi măng) và hệ thống ATGT (hộ lan tôn lượn sóng, biển báo các loại). Thiệt hại 38.988 triệu đồng.
Khắc phục sự cố vỡ cống xả tràn Hồ thải quặng đuôi Nhà máy tuyển đồng Tả Phời
CMSC Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về sự cố vỡ cống xả tràn tại Hồ thải quặng đuôi Nhà máy tuyển đồng Tả Phời (Lào Cai).
Theo TKV, trong những ngày đầu tháng 8, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Lào Cai có diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài, với tổng lưu lượng từ ngày 01/8/2023 đến 12 giờ ngày 08/8/2023 khoảng 443 mm; đặc biệt tại xã Tả Phời (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã có trên 30 điểm sạt lở đất cùng với nhiều điểm ngập úng.
Nguyên nhân sự cố vỡ cống thoát nước xả tràn tại Hồ thải quặng đuôi Nhà máy tuyển của Công ty cổ phần đồng Tả Phời xảy vào hồi 08 giờ 30 ngày 08/8/2023 là do mưa lớn kéo dài (trận mưa đêm ngày 07/8/2023 có lưu lượng từ 168- 186mm), lượng nước chảy từ các khe suối thượng nguồn và lưu vực quanh hồ thải tăng đột biến chảy vào hồ. Sự cố đã làm ảnh hưởng đến 46 hộ (trong đó có 24 hộ có nhà cửa, vật kiến trúc), tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 3,1 ha.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, TKV đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết sự cố; yêu cầu Công ty cổ phần đồng Tả Phời phối hợp với các cấp chính quyền địa phương di dời toàn bộ người dân đến vị trí an toàn (bố trí chỗ ở, sinh hoạt, cung cấp nước uống, lương thực…); đồng thời đã điều động nhân lực, thiết bị của các đơn vị thuộc TKV tại địa bàn tỉnh Lào Cai đến hiện trường để phối hợp, hỗ trợ giải quyết sự cố. Đến thời điểm khoảng 13giờ 30 phút ngày 08/8, đã cơ bản đã khắc phục dòng chảy và đã triệt tiêu nguồn nước từ hồ thải quặng đuôi chảy ra môi trường.
Đến nay, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương cơ bản hoàn thành công tác dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vật kiến trúc của 24 hộ dân để các hộ dân sớm trở lại sinh hoạt bình thường; kiểm đếm, đánh giá thiệt hại về tài sản, hoa màu, vật nuôi… làm cơ sở bồi thường thỏa đáng cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng theo quy định; đã xây dựng xong Phương án thủ tiêu sự cố, Phương án thoát nước chảy tràn mặt hồ thải khi xảy ra mưa lớn, Phương án gia cố đập hồ phòng ngừa sự cố.
Trong thời gian tới, TKV sẽ chỉ đạo Công ty khẩn trương tổ chức thi công và hoàn thành các công trình khắc phục sự cố theo các Phương án nêu trên trước ngày 20/8/2023 để báo cáo các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cho phép Nhà máy tuyển hoạt động trở lại; đồng thời tổ chức, chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố.
Mặc dù đây là sự cố bất khả kháng do thiên tai gây ra, song TKV sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát để nghiêm túc chấn chỉnh, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện sai phạm; đồng thời sẽ tổ chức rà soát lại toàn bộ các hệ thống hồ, đập trong toàn Tập đoàn nhằm không để xảy ra sự cố tương tự.
Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ cống Hồ thải quặng đuôi Nhà máy tuyển của Công ty cổ phần đồng Tả Phời (Lào Cai), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có công văn yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đạo các đơn vị liên quan bằng mọi biện pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng của sự cố tới môi trường, đời sống của người dân. Khẩn trương khắc phục sự cố, bồi thường thỏa đáng những thiệt hại cho người dân, các tổ chức bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng yêu cầu TKV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khác khẩn trương kiểm tra, rà soát các hồ, đập, mỏ khai thác, bãi thải…, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Hà Nội lập tổ ‘đặc nhiệm’ gỡ vướng cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án, ngày 16/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thành lập Tổ công tác đặc biệt.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ là Tổ trưởng Tổ công tác. Các Tổ phó là hai Phó chủ tịch Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền. Các thành viên khác gồm đại diện của các sở, ngành như Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng, Thuế. Trong một số trường hợp cần thiết, Tổ trưởng có thể mời thêm các đơn vị khác, chuyên gia để tham vấn ý kiến.
Tổ công tác sẽ tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án (bao gồm dự án trong nước, ODA, FDI, đối tác công tư PPP). Ở những vấn đề vượt thẩm quyền, Tổ sẽ tổng hợp, báo cáo lên các cấp cao hơn để tháo gỡ.
Tổ công tác cũng sẽ nghiên cứu, tìm cách cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án; thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới; đồng thời xử lý sớm các sai phạm nếu có.
Đầu tháng 7, Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng cả năm là 7%. Như vậy, quý 3 GRDP địa phương phải tăng từ 7,54%, quý 4 từ 8,23%.
Để đạt được mục tiêu này, những giải pháp Hà Nội đặt ra là phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (đặc biệt công trình trọng điểm); thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; đảm bảo vốn cho nền kinh tế; cung cấp điện an toàn, ổn định; sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi, giao đất, cho thuê đất.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với những nỗ lực, kinh tế Hà Nội 6 tháng đầu năm và tháng 7 có những chuyển biến tích cực. Trong đó, đáng chú ý là thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt trên 220.000 tỉ đồng, bằng 62,4% dự toán pháp lệnh năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa Thủ đô đạt 207,2 nghìn tỉ đồng, thu từ xuất nhập khẩu đạt 11,3 nghìn tỉ đồng và các nguồn thu khác.
Nổi bật, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 41,6 nghìn tỉ đồng, bằng 70,6% dự toán năm, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,7 nghìn tỉ đồng, đạt 58% dự toán năm, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 43.000 tỉ đồng; đạt 58% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 21,3 nghìn tỉ đồng, đạt 55,4% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022…
Cũng trong 7 tháng đầu năm, Hà Nội đã triển khai một số dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với địa phương như: Dự án Xây dựng Hệ thống Xử lý Nước thải Yên Xá, tổng mức đầu tư đạt 16.293,4 tỉ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 716,3 tỉ đồng; Dự án Xây dựng Tuyến đường sắt Đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, tổng mức đầu tư đạt 32.910 tỉ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 701,8 tỉ đồng.
Hyundai thu hồi hơn 63.100 xe vì lỗi bơm dầu
Theo TTXVN, các mẫu xe được Hyundai thông báo thu hồi gồm: loại Palisade 2023-2024, Sonata, Tucson, Elantra và Kona 2023 được sản xuất để bán ở Canada và Mỹ. Trong số này có khoảng 11.120 xe ở Canada và số còn lại ở thị trường Mỹ.
Người phát ngôn của Hyundai, Jennifer McCarthy cho biết việc thu hồi xe là biện pháp bảo đảm an toàn, do sự cố bơm dầu vào hệ thống chuyển động có khả năng gây hỏa hoạn. Chủ sở hữu vẫn có thể sử dụng các xe đó, nhưng nên đỗ ở ngoài đường, tránh xa các công trình cho đến khi hoàn tất việc thu hồi khắc phục sự cố.
Hyundai sẽ thông báo đến các chủ xe trong diện thu hồi qua email, trong đó sẽ có hướng dẫn mang xe đến đại lý của Hyundai để kiểm tra và thay thế bộ điều khiển bơm dầu điện miễn phí.
Theo Hyundai khu vực Bắc Mỹ, hiện chưa có bất kỳ báo cáo nào về các vụ tai nạn hay thương vong liên quan tới những xe được đề xuất thu hồi do lỗi bơm dầu ở Canada và Mỹ. Khách hàng có thể nhập số VIN nhận dạng xe tại địa chỉ Recalls.HyundaiCanada.com để xác định xe có nằm trong diện thu hồi hay không.
Bộ Giao thông vận tải Canada cũng đã xác nhận việc thu hồi 11.120 xe Hyundai ở nước này và cho rằng đây không phải là vấn đề có thể xem nhẹ.
Trong một thông tin liên quan, hãng Kia, cùng công ty mẹ với Hyundai, cũng đã thông báo một đợt thu hồi tương tự ảnh hưởng đến khoảng 10.000 xe ở Canada. Hãng này cho biết những chiếc xe được đề xuất thu hồi do chập mạch, có thể gây cháy và hỏng xe.
Vụ bắt cóc cháu bé 7 tuổi ở Hà Nội: Khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Đức Trung
Liên quan đến vụ bắt cóc cháu bé ở phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), ngày 17/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với đối tượng Nguyễn Đức Trung (SN 1992, ở thôn Hòa Thịnh, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), để điều tra về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cơ quan Công an, qua đấu tranh khai thác bước đầu, Trung khai nhận do nợ nần nên nảy sinh ý định bắt trẻ em để đòi tiền chuộc.
Qua xác minh nhân thân, cơ quan Công an xác định được trước khi gây án, Nguyễn Đức Trung công tác tại Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và có cấp hàm Thượng úy.
Căn cứ tài liệu điều tra, lời khai của đối tượng, Công an TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Vĩnh Phúc tước danh hiệu Công an Nhân dân theo quy định về việc xử lý kỷ luật trong lực lượng Công an Nhân dân đối với Nguyễn Đức Trung.
Ngày 15/8, Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc, đã ký quyết định về việc kỷ luật cán bộ bằng hình thức tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với Nguyễn Đức Trung.
Chủ tịch UBND TP HCM cho ý kiến về gia hạn dự án ‘Công ty PepsiCo Việt Nam’
Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố (lần 4).
Theo đó, về việc gia hạn thời hạn hoạt động Dự án của Công ty Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo việc hỗ trợ đầu tư toàn bộ dự án Mở rộng giao lộ đường Lê Văn Khương và đường Thới An 03 (phường Thới An, quận 12) không là điều kiện để xem xét gia hạn thời hạn hoạt động dự án “Công ty PepsiCo Việt Nam”.
Chủ tịch UBND thành phố giao UBND quận 12 đề xuất phương án đầu tư dự án Mở rộng giao lộ đường Lê Văn Khương và đường Thới An 03 để đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn trật tự lòng lề đường, đáp ứng nhu cầu giao thông cho khu vực; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30-8.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao tham mưu UBND thành phố về nguồn vốn đầu tư (ngân sách, khoản hỗ trợ của Công ty PepsiCo Việt Nam…) và chủ trương đầu tư dự án Mở rộng giao lộ đường Lê Văn Khương và đường Thới An 03 theo quy định.
Đối với dự án xây dựng chung cư 926 Võ Văn Kiệt và cao ốc 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), Chủ tịch UBND thành phố thống nhất chủ trương chấm dứt thực hiện hai dự án trên theo các văn bản pháp lý trước đây.
Chủ tịch UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất thủ tục chấm dứt, thu hồi tất cả văn bản pháp lý thực hiện dự án, đảm bảo chặt chẽ, theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, sở này phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát pháp lý, đề xuất phương án thực hiện (đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất) đối với hai dự án trên.
Chủ trương của TP HCM đối với hai dự án này là tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó,Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo gỡ vướng liên quan đến việc điều chỉnh dự án chung cư và thương mại Metro Star tại số 360 Xa lộ Hà Nội (đường Võ Nguyên Giáp hiện nay) thuộc phường Phước Long A, TP Thủ Đức của Công ty CP Đầu tư Metro Star.
Văn bản kết luận Kiểm toán Nhà nước đã xem xét giải trình và thống nhất không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của khu đất số 360 Xa lộ Hà Nội khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Chi cục Tài chính doanh nghiệp cũng đã rà soát, có ý kiến cụ thể về pháp lý, trình tự thủ tục đã thực hiện cũng như thẩm quyền liên quan việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, cộng với ý kiến của thành viên tổ công tác về pháp lý quá trình thực hiện dự án phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan tại thời điểm ban hành.
Do đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của Sở Tư pháp, tham mưu, đề xuất UBND thành phố về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này theo quy định hiện hành, trình UBND thành phố trước ngày 20-8.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị