Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/11/2023

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/11/2023

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 14/11/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…

Không khí lạnh liên tiếp tràn về miền Bắc, miền Trung có nơi mưa trên 600 mm

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo khoảng đêm 15-11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

Ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét về đêm và sáng. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 14-17 độ C, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 11-14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.

tm-img-alt
Bắc Bộ tiếp tục đón không khí lạnh tăng cường, có nơi rét dưới 10 độ C; ở Trung Bộ có nơi mưa trên 600 mm

Trên biển, từ đêm 15-11, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc lại mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao 4-6 m, biển động mạnh.

Từ ngày 16-11, vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 3-6 m, biển động mạnh; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-4 m, biển động.

Từ chiều ngày 14/11 đến chiều ngày 16/11, ở khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm, có nơi trên 600 mm.

Khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 150-250 mm, có nơi trên 400 mm; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Từ đêm 15/11 đến chiều ngày 16/11, khu vực Nam Nghệ An đến Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 200 mm.

Ngoài ra, từ chiều ngày 14/11 đến chiều ngày 16/11, ở phía Đông của khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa từ 50-80 mm, có nơi trên 100 mm.

Cảnh báo từ đêm 16 đến 17/11, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại các khu đô thị.

Hà Nội đề xuất tăng lợi nhuận xây nhà xã hội lên 15 – 20%

Theo thông tin tại Hội nghị Tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, nhu cầu trên địa bàn trong giai đoạn 2021 – 2023 là 6,8 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đề án xây một triệu căn nhà xã hội, Thủ tướng cũng giao chỉ tiêu cho thành phố phát triển 56.200 căn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguồn lực thu hút chủ đầu tư tham gia rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu mua và phát triển nhà ở xã hội. Do đó, Sở đề xuất nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư xây nhà xã hội lên 15 – 20%, thay vì mức cũ 10% vốn không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Đây cũng là mong muốn của nhiều chủ đầu tư trên thị trường.

Về điều kiện phát triển nhà xã hội, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị vẫn giữ quy định doanh nghiệp làm nhà xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại, thay vì cắt đi như trong dự thảo Luật Nhà ở Chính phủ trình Quốc hội. Sở đánh giá đây là cơ chế ưu đãi quan trọng để thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia. Đồng thời, đây cũng là cơ sở hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà.

Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá việc lựa chọn doanh nghiệp làm nhà ở xã hội theo quy trình trong Luật Đấu thầu 2023 vẫn lâu, trong khi dự án cần chọn chủ đầu tư và triển khai sớm mới hiệu quả. Sở đề xuất Luật Đấu thầu có quy định riêng về việc chọn chủ đầu tư qua hình thức bốc thăm giống nhiều nước trên thế giới đang triển khai, giúp rút ngắn thời gian.

“Sở đánh giá đây là cơ chế ưu đãi quan trọng để thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia. Đây cũng là cơ sở hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà” – đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nêu.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng cho rằng việc lựa chọn doanh nghiệp làm nhà ở xã hội theo quy trình trong Luật Đấu thầu 2023 vẫn mất nhiều thời gian, trong khi dự án cần chọn chủ đầu tư và triển khai sớm mới hiệu quả. Vì vậy, Sở đề xuất Luật Đấu thầu cần có quy định riêng về việc chọn chủ đầu tư qua hình thức bốc thăm giống nhiều nước trên thế giới đang triển khai, giúp rút ngắn thời gian.

Đối với tiêu chí vay phát triển nhà xã hội, nhà công nhân trong gói 120.000 tỷ đồng, Sở Xây dựng đề xuất có giải pháp ưu đãi về thời gian vay, lãi suất, thủ tục pháp lý. Điển hình, dự án nhà xã hội trước đó phải đáp ứng tiêu chí giải phóng mặt bằng xong, có giấy phép xây dựng mới được vay gói tín dụng trên. Lãnh đạo Sở cho rằng, dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất đã đạt điều kiện để ngân hàng xem xét cho vay.

Trước đó, trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, có nhiều ý kiến đề xuất nâng mức lợi nhuận lên 15%, tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng việc này sẽ làm nâng giá bán nhà cho người thu nhập thấp. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cũng thấy lợi nhuận 10% là chấp nhận được.

Theo Bộ Xây dựng, việc doanh nghiệp đang cần lúc này là các địa phương phải tích cực vào cuộc để cải cách hành chính thì lúc đó sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.

Sạt lở bờ sông Vu Gia (Quảng Nam), nguy cơ cô lập gần 200 hộ dân

Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, ngày 14/11, chính quyền và người dân thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc tập trung khắc phục điểm sạt lở dài gần 100m bên bờ sông Vu Gia. Tình trạng sạt lở tại khu vực này diễn biến phức tạp từ năm ngoái, địa phương đã làm kè chống sạt lở nhưng mùa mưa này sạt lở tiếp tục gia tăng.

Theo ông Phan Phước Mơ, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, nước lũ dâng cao, ăn sâu vào đất liền hơn 1m, có nơi tạo nên “hàm ếch” sâu hơn 2m, nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm.

tm-img-alt
Người dân cẩn thận chèn chống, gia cố tuyến kè tạm

“Trước hết, chúng tôi sử dụng phương pháp đóng cây tre, dùng bao tải bỏ cát chèn chống sâu vào các “hàm ếch” của cả đoạn bờ sông 96m bị sạt lở này. Nếu con đường này bị sạt lở thì giao thông bị chia cắt hoàn toàn vì đây là con đường độc đạo, 200 hộ dân khu vực này sẽ bị cô lập hoàn toàn”, ông Phan Phước Mơ nói.

Cứ sau một đợt mưa lớn, nước sông Vu Gia dâng cao, chảy xiết, khoét sâu vào làng, sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Hàng chục hộ dân thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc lo sợ nước lũ xói từng mảng bờ sông và đất sản xuất, chưa biết ngày nào thì nhà cửa đổ nhào xuống sông…

Lãnh đạo huyện Đại Lộc đã tổ chức đoàn khảo sát, đưa ra phương án khắc phục tạm thời bằng đóng cọc tre, bao tải cát để giữ chân mái taluy.

Khởi tố Tổng giám đốc Công ty CP cao su Sơn La và đồng phạm

Tin trên VOV, ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can là Trương Minh Tuấn và Đỗ Thị Duyên về “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.

tm-img-alt
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La thi hành lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Minh Tuấn(dấu X).

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can là Trương Minh Tuấn (SN 1964, thường trú tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La và Đỗ Thị Duyên (SN 1987, thường trú tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), là Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính lao động tiền lương về “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự. 

Theo cơ quan Công an, trong giai đoạn năm 2021-2022, Trương Minh Tuấn đã nhiều lần chỉ đạo Đỗ Thị Duyên mua hóa đơn ghi khống nội dung.  Hành vi nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.

Các quyết định khởi tố và lệnh bắt, khám xét được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La phê chuẩn. Quá trình bắt giữ, khám xét đảm bảo đúng pháp luật.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Ngành điện hoàn thành công trình khắc phục sau bão lụt khu vực sạt lở tại huyện Nam Giang

Tin trên Báo Quảng Nam, điện lực Nam Giang vừa hoàn thành thi công công trình khắc phục bão lụt năm 2022, bị ảnh hưởng bởi các cơn bão trong tháng 9 và 10 năm 2022 tnhằm đảm bảo lưới điện vận hành an toàn lâu dài.

Với quy mô cải tạo 1.168 mét đường dây 35kV xuất tuyến 374T2.TMY trạm biến áp 220kV Thạnh Mỹ, cung cấp điện cho khu vực xã Zuôih huyện Nam Giang phục vụ cấp điện cho khu dân cư thuộc 2 thôn Pà Rum A, Pà Rum B và công trình thủy điện Sông Bung 2. Công trình xây dựng mới 10 vị trí dọc tuyến đường giao thông để di dời 1 vị trí ra khỏi khu vực sạt lở.

tm-img-alt

Ông Trần Thế Hùng – Giám đốc Điện lực Nam Giang cho biết ngay từ khi có quyết định giao nhiệm vụ thi công đơn vị đã chủ động khảo sát, lập kế hoạch cụ thể cũng như đăng ký công tác lưới. Sau hai ngày thi công, mặc dù địa hình đồi núi hiểm trở, thời tiết mưa giông vào buổi chiều gây nhiều trở ngại trong công tác thi công, nhất là việc di dời hai khoảng trụ 202-202 và 199-200 gặp nhiều khó khăn do khoảng vượt lớn trên 300m, tuy nhiên đơn vị đã hoàn thành công tác thi công đảm bảo tiến độ, cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

Được biết, công trình khắc phục sau bão lụt khu vực Điện lực Nam Giang năm 2022 được Công ty Điện lực Quảng Nam phê duyệt với tổng giá trị đầu tư hơn 981 triệu đồng, nhằm khắc phục trị trí xung yếu trụ 202 do sạt lở. Công trình sớm thi công hoàn thành đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định cũng như chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2023.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích