Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/1/2024

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/1/2024

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 12/1/2024 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…

Đề nghị kỷ luật Đảng ủy Sở Y tế tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2010 – 2015

Tin trên VOV, tại Hội nghị lần thứ 33, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai vừa xem xét, đề nghị kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Lý do xem xét kỷ luật vì Đảng ủy Sở Y tế Lào Cai các nhiệm kỳ 2005 – 2010 và 2010 – 2015 đã vi phạm quy định của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát để tập thể lãnh đạo sở vi phạm quy chế làm việc, Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản trực thuộc sở này và các cán bộ, đảng viên trực tiếp tham gia quản lý các gói thầu vi phạm quy định của pháp luật trong công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị thuộc các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.

tm-img-alt
Hội nghị của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025

Thời gian Công ty AIC trúng thầu cung cấp thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai được xác định rơi vào giai đoạn từ năm 2008 – 2014.

Bên cạnh việc xử lý tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai cũng thảo luận, biểu quyết hình thức kỷ luật đối với 12 đảng viên vi phạm thuộc các Đảng bộ Sở Y tế (7 trường hợp), Sở Tài chính (2 trường hợp), Sở Xây dựng (2 trường hợp), Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai (1 trường hợp).

Tuy nhiên, căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm thì thời hiệu kỷ luật đã hết, nên không ban hành quyết định kỷ luật.

Do đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng nói trên và 2 đảng viên vi phạm theo thẩm quyền.

Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh bị phạt 3 năm tù vụ Việt Á

PLO đưa tin, Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh Chu Ngọc Anh có hành vi trái pháp luật giúp Công ty Việt Á được cấp phép lưu hành, quảng bá, đánh bóng hình ảnh, thương hiệu test xét nghiệm…

Chiều 12/1, HĐXX tuyên án đối với 38 bị cáo vụ Việt Á. HĐXX tuyên phạt bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng KH&CN 3 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Trước đó, khi luận tội, đại diện VKS đề nghị mức án 3-4 năm đối với ông Chu Ngọc Anh.

Cùng tội danh này, bị cáo Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng nhận án 3 năm tù.

HĐXX nhận định ông Chu Ngọc Anh cũng như các bị cáo khác đều có thái độ khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực với CQĐT, tự nguyện khắc phục hậu quả, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ…

tm-img-alt
Cựu bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh. Ảnh: CTV

Theo cáo trạng, ông Chu Ngọc Anh và cựu thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc biết rõ Đề tài thuộc quyền sở hữu Nhà nước nhưng khi Trịnh Thanh Hùng (vụ phó Bộ KH&CN) tham mưu, vẫn ký các Quyết định giao Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu Đề tài.

Ông Phạm Công Tạc đã ký Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu giai đoạn 1 Đề tài trái quy định, dẫn đến Công ty Việt Á sử dụng biên bản nghiệm thu, lập hồ sơ đăng ký và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm trái quy định của pháp luật, để Công ty Việt Á sản xuất, tiêu thụ, thu lời bất chính.

Ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc đã không thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Cựu bộ trưởng Bộ KH&CN còn đề nghị khen thưởng cho Công ty Việt Á; đồng ý để Phạm Công Tạc chủ trì tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí, hỗ trợ truyền thông về kết quả nghiên cứu và cấp số lưu hành Test xét nghiệm; quảng bá, đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho Công ty Việt Á… gây thất thoát số tiền 18,98 tỉ đồng ngân sách Nhà nước.

Ông Chu Ngọc Anh được ông chủ Việt Á đưa cảm ơn 200.000 USD; Phạm Công Tạc được cảm ơn 50.000 USD.

Hành vi của ông Chu Ngọc Anh và cấp phó cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Nghệ An: Một ngày 44 quyết định xử phạt doanh nghiệp khai thác cát sỏi

Tiền Phong đưa tin, huyện Tân Kỳ hiện có 16 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi được cấp phép. Tuy nhiên, do 1 doanh nghiệp vừa dừng hoạt động và 1 doanh nghiệp vừa được Sở TN&MT tỉnh Nghệ An kiểm tra, nên vừa qua, UBND huyện đã lập đoàn liên ngành, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi ở 14 doanh nghiệp còn lại.

Kết quả kiểm tra cho thấy, doanh nghiệp nào cũng có vi phạm. Do đó, chỉ trong 1 ngày, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 doanh nghiệp, với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.

tm-img-alt
Bãi tập kết cát trái phép ngay dưới chân cầu Phú Sơn, huyện Tân Kỳ

Điển hình như Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Vũ Trường Giang bị xử phạt 53 triệu đồng; Công ty TNHH Hoàng Hải bị xử phạt 120 triệu đồng; Công ty TNHH Thành Phát Nghệ An và Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Đức Hoàng cùng bị phạt 125 triệu đồng;…

Nguyên nhân là do tất cả doanh nghiệp này đang vi phạm những vấn đề liên quan đến hoạt động trên lĩnh vực khai thác cát, sỏi. Cụ thể, về thuê đất hoạt động khoáng sản, có 7 doanh nghiệp lấn chiếm đất để sử dụng làm bãi tập kết, nhà điều hành khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất; 2 doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đăng ký đất đai lần đầu đối với khu vực mỏ khai thác.

Về an toàn lao động, có 4 doanh nghiệp không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật; 1 doanh nghiệp không khai báo khi đưa vào sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, lao động; có 5 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Đáng nói hơn cả, đó là về quy trình quy phạm khai thác, tất cả 14 doanh nghiệp đều vi phạm quy định trong lĩnh vực bến thủy nội địa như: Không đăng ký phương tiện khai thác; không đăng kiểm lại phương tiện; đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động, khai thác khi chưa được đăng kiểm; không có văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi xây dựng cải tạo nâng cấp bến thủy nội địa…

Sau khi có kết quả kiểm tra, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành thông báo gửi các doanh nghiệp, trong đó giao đơn vị tiến hành khắc phục các tồn tại hoàn thành trước ngày 30/1/2024; đồng thời giao các phòng ban, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra đôn đốc giám sát việc khắc phục tồn tại của các doanh nghiệp.

Quân đội khắc phục thiệt hại cho người dân sau vụ máy bay rơi

Đại đoàn kết đưa tin, sau vụ rơi máy bay tại Quảng Nam, Sư đoàn 372 cử lực lượng đến các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả.

Sáng 12/1, nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 372, thuộc Quân chủng Phòng không không quân đã đến khối phố Bình Ninh, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để khắc phục nhà cửa của người dân bị hư hỏng do vụ rơi máy bay trưa 9/1.

tm-img-alt
Chiến sĩ Sư đoàn 372 tháo dỡ tôn hư hỏng thay lợp lại tôn mới cho nhà dân.

Tại đây, các chiến sĩ của sư đoàn 372 đã tháo dỡ mái tôn của gia đình bà Nguyễn Thị Hiền (52 tuổi) bị hư hỏng để lợp lại tôn mới.

Bà Hiền cho biết: “Sau khi máy bay rơi, tôi phát hiện mái tôn nhà sau của gia đình bị thủng nhiều chỗ. Lực lượng chức năng đã đến kiểm tra và thống nhất thay mới tất cả phần tôn của gia đình tôi đã bị hư hỏng. Việc làm này kịp thời, tôi rất mừng và chân thành cảm ơn”.

Sư đoàn 372 đã quyết định lợp lại mái ngói mới cho ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Thanh Chính (70 tuổi), xây mới 3 căn phòng bị sập.

“Sư đoàn 372 đồng ý lợp lại toàn bộ mái nhà bằng ngói mới, đổ mới một dầm xung quanh. Những phòng bị ảnh hưởng được sư đoàn xây mới hoàn toàn. Việc làm kịp thời, chu đáo này khiến chúng tôi rất hài lòng”, ông Chính nói.

Sư đoàn 372 còn đền bù thiệt hại về hoa màu, cây cối trong vườn nhà của người dân bị hư hại. Dự kiến, việc khắc phục được hoàn thành trước Tết Nguyên đán để người dân đón Tết.

Ngày 9/1, ở địa phận phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn xảy ra vụ rơi máy bay quân sự không gây thiệt hại về người, nhưng làm sập mái nhà của một hộ dân.

Bình Dương vận hành nhà máy đốt rác thải sinh hoạt để phát điện

Ngày 12/1, Công ty cổ phần Tổng công ty Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy đốt rác phát điện 5MW và nâng công suất phân loại, tái chế, xử lý rác lên 2.520 tấn/ngày.

Nhà máy này nằm trong Khu liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

tm-img-alt
Lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Bình Dương cắt băng khánh thành nhà máy. Ảnh: LA

Nhà máy này đi vào hoạt động nâng công suất tiếp nhận phân loại, xử lý rác từ 2.350 tấn lên 2.520 tấn/ngày. Trong đó xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt làm phân hữu cơ 840 tấn/ngày, lò đốt rác có kết hợp phát điện công suất có khả năng đốt rác lên 400 tấn/ngày.

Trong đó, có một lò công suất 200 tấn/ngày kết hợp phát điện công suất 5MW đáp ứng 80%, nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương.

Nhà máy được xây dựng nhằm bảo đảm khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương, biến toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày thành nhiều sản phẩm khoa học, hữu ích gồm năng lượng tái tạo (điện), phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng, phù hợp với xu hướng “rác là tài nguyên” và kinh tế tuần hoàn hiện nay.

Được biết, nhà máy có tổng vốn đầu tư 835 tỉ đồng. Trong đó, dự án sử dụng từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) 20 triệu đô la Mỹ (tương đương 480 tỉ đồng).

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích