Tín hiệu vui cho nền kinh tế

Ngoài ngân sách Nhà nước, có 3 kênh quan trọng dẫn vốn cho nền kinh tế gồm: Thị trường chứng khoán, hệ thống tín dụng (ngân hàng) và thị trường trái phiếu. Khi người dân “quay lưng” lại với 3 thị trường trên, đặc biệt là thị trường chứng khoán, hệ thống tín dụng đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang có vấn đề, sức sản xuất – kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp khó khăn. Nhưng khi, người dân quay trở lại gửi tiền vào ngân hàng thay vì mua vàng hay qua kênh bất động sản, chứng tỏ sức sống của doanh nghiệp đang hồi sinh.

Theo lý thuyết kinh điển của kinh tế học, ngoài chứng khoán, khi người dân gửi tiền vào ngân hàng, đồng tiền đó sẽ được cho cộng đồng doanh nghiệp vay để phục vụ quá trình sản xuất – kinh doanh. Doanh nghiệp sử dụng đồng tiền vay ngân hàng sẽ tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người lao động. Và chính người lao động lại tích lũy tiền gửi vào ngân hàng. Đồng tiền cứ thế xoay vòng. Khi dòng tiền không đổ vào ngân hàng lại chạy sang thị trường bất động sản, vàng, khi đó lòng tin với nền kinh tế bị giảm sút.

Trên nền tảng đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2024, tiền gửi của người dân tại hệ thống tín dụng đạt kỷ lục ở mức 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2023. Số liệu tổng hợp báo cáo tài chính quý I năm nay của 27 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng của toàn ngành ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi liên tục có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm.

Theo thống kê, 3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất trong quý vừa qua vẫn là các ngân hàng trong nhóm ngân hàng quốc doanh (BIDV, VietinBank và Vietcombank) với tổng số tiền đạt hơn 4,51 triệu tỷ đồng, tăng 544.621 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Con số này cũng chiếm đến gần 46% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.

Lãi suất tiền gửi tăng, kèm theo các chỉ số kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, khơi thông các điểm nghẽn để cộng đồng doanh nghiệp phát triển đang vào thực tiễn cuộc sống. Đây chính là mấu chốt quan trọng để hệ thống ngân hàng nâng lãi suất huy động, người dân có niềm tin gửi tiền vào ngân hàng. Dòng tiền được quay vòng đúng nguyên lý kinh tế.

Hy vọng tới đây, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản sẽ rất ít, số doanh nghiệp thành nghiệp mới tăng cao – bài toán lao động việc làm, thu nhập vì thế cũng được cải thiện. Nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Lê Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích