Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng

(Xây dựng) – Theo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng thuận lợi hơn, nhất là trong quý II và được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tích cực này trong thời gian tới.

Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng
Nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu, chỉ số PMI của ngành sản xuất được cải thiện (Ảnh minh hoạ).

VCCI vừa có báo cáo chuyên đề về tình hình phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo, nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu. Kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng tích cực kích thích doanh nghiệp phát triển, ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng trưởng dương trở lại sau năm 2023 sụt giảm. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm.

Chỉ số PMI của ngành sản xuất được cải thiện. Hoạt động của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng thuận lợi hơn, nhất là trong quý II và được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tích cực này trong thời gian tới.

Đặc biệt, xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng trong quý III/2024 được dự báo tích cực hơn so với các quý đầu năm. Cụ thể, chỉ số cân bằng chung được dự báo dương 0,7% (so với âm 4,3% của quý II/2024 và âm 25,9% của quý I/2024).

Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng
Hoạt động của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng ngày càng thuận lợi hơn (Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, VCCI cũng phân tích, tình hình phát triển doanh nghiệp cũng xuất hiện nhiều vấn đề. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục tăng nhanh hơn lượng gia nhập.

Tốc độ doanh nghiệp rút khỏi thị trường (10,29%) đang nhanh hơn tốc độ gia nhập (5,34%).

Cũng theo VCCI, đây là tín hiệu không mấy tích cực, phần nào phản ánh thực tế là các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Điển hình, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng dù cũng có sự cải thiện trong quý II/2024 so với quý I/2024 nhưng còn hạn chế.

Chỉ số cân bằng chung của các doanh nghiệp ngành xây dựng trong quý II/2024 còn âm 4,3% so với quý I/2024, phản ánh tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tăng vẫn thấp hơn tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giảm.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2024 được nhận diện rõ hơn thông qua phân tích lần lượt từng yếu tố liên quan đến sản xuất kinh doanh.

Trong đó, hợp đồng xây dựng mới được cải thiện khi nhận định của các doanh nghiệp trong quý II/2024 tích cực hơn so với quý I/2024. 24,1% doanh nghiệp nhận định tăng trong quý II so với 15,1% doanh nghiệp trong quý I năm nay; trong khi tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giảm lần lượt là 25,8% so với 40,3%.

Tỷ lệ doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động tăng đã tăng lên từ 13% trong quý I/2024 lên 29,9% trong quý II/2024. Ngược lại, nhận định giảm tương ứng giảm từ 31% xuống còn 18,0% doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động giữ nguyên giữa hai kỳ khảo sát còn cao và tăng lên, từ 56,0% lên 61,0%.

Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng
Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 7% cần thực hiện nhiều giải pháp (Ảnh minh hoạ).

Tỷ lệ lớn doanh nghiệp (31,1% và 44,5%) cho rằng chi phí sản xuất tăng, cao hơn so vo với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giữ nguyên (35,7% và 37,6% doanh nghiệp) giữa các kỳ khảo sát. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất giảm đã giảm mạnh giữa hai kỳ khảo sát, từ 33,2% trong quý I/2024 xuống còn 17,9% doanh nghiệp trong quý II/2024.

Những yếu tố tác động thiếu tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong 6 tháng đầu năm nay như: Giá nguyên vật liệu tăng cao, nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng thời hạn, thời tiết không thuận lợi, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, không biết đến thông tin đấu thầu…

VCCI nhận định, vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp mới thành lập đã có năm thứ ba liên tiếp sụt giảm, chỉ đạt 9,25 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Quy mô doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục bị thu hẹp, xét theo yếu tố vốn. Trong bối cảnh quốc tế bất định như hiện nay, thị trường vàng lại trở nên sôi động những tháng đầu năm đã khiến nguồn vốn từ doanh nghiệp thiếu tích cực so với những năm trước đây.

Mặc dù ghi nhận mức tăng khiêm tốn so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2024, nhưng số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đã quay lại mức tăng trưởng dương 3,86%, với 39.130 doanh nghiệp.

Trong khi đó, lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng nhanh (18,59% so với năm trước), với 71.356 doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp lựa chọn phương án tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, đồng nghĩa với việc vẫn còn kế hoạch quay trở lại hoạt động.

VCCI cho biết thêm, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đang có dấu hiệu tăng tốc, với gần 10.200 doanh nghiệp trong 6 tháng (tăng 15,42% so với năm 2023). Đây cũng là năm có số doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong giai đoạn 2015-2024.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khảo sát khoảng 30.000 doanh nghiệp cho thấy khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nhu cầu thị trường thấp, sức mua yếu, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao.

Vì vậy, cơ quan này cho rằng, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 7%, cần hiện các giải pháp trọng tâm là khẩn trương cụ thể hóa, đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để áp dụng ngay các luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở từ 1/8; sớm thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích