Tín hiệu khả quan từ thu hút đầu tư FDI
Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong bảy tháng của giai đoạn 2020-2024.
Khu công nghiệp DEEP-C (Hải Phòng), một trong những Khu công nghiệp được định hướng phát triển Khu công nghiệp xanh, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh THÙY DUNG) |
Điều đáng mừng là chất lượng dòng vốn FDI tăng mạnh nhờ các địa phương lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng. Hầu hết dự án FDI mới đều là dự án có chất lượng cao, tác động lan tỏa và hướng tới giải quyết việc làm cho lao động tay nghề cao.
Tăng trưởng ấn tượng
Thành phố Hải Phòng, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc là ba địa phương có tốc độ tăng trưởng số dự án, vốn đầu tư FDI thuộc tốp dẫn đầu cả nước trong 7 tháng qua. Tỉnh Bắc Ninh thu hút thêm 279 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 97 dự án so với cùng kỳ năm trước; đồng thời có 109 dự án điều chỉnh vốn. Riêng trong tháng 7, tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 35 dự án với tổng vốn đăng ký là 356,2 triệu USD. Bắc Ninh đang dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 2,58 tỷ USD, gấp 3,1 lần cùng kỳ năm trước.
Thành phố Hải Phòng cũng thu hút 68 dự án FDI cấp mới, 38 dự án điều chỉnh tăng thêm với tổng vốn hơn 1 tỷ USD, nâng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn Hải Phòng đến thời điểm này lên 975 dự án với tổng vốn đầu tư 30,65 tỷ USD. Cùng thời gian, tỉnh Vĩnh Phúc cấp mới cho 26 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 175,16 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 26 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 298,07 triệu USD; thực hiện 243,8 triệu USD.
Sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bujeon Viet Nam Electronics (Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). (Ảnh: NGỌC TRÂM) |
Đạt được kết quả nêu trên, không thể phủ nhận nỗ lực của các địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cùng việc đổi mới xúc tiến đầu tư. Chọn Bắc Ninh là địa bàn đứng chân đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, quá trình sản xuất gặp không ít khó khăn, song Công ty Trách nhiệm hữu hạn Talway Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành tích cực từ phía các cơ quan, đơn vị địa phương. Tháng 2 vừa qua, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp Nam Sơn-Hạp Lĩnh (Bắc Ninh). “Việc Tập đoàn mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh không chỉ phản ánh niềm tin vào môi trường kinh doanh và sự phát triển lâu dài của Bắc Ninh, mà còn thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền tỉnh đối với sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Yang Yong, Tổng Giám đốc công ty nhận xét.
Hơn 10 năm trở lại đây, Bắc Ninh chỉ chấp nhận dự án FDI chất lượng cao, tác động lan tỏa và hướng tới giải quyết việc làm cho lao động có tay nghề. Tỉnh nhất quán thực hiện mô hình “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng” (dự án sử dụng ít đất, ít lao động; vốn đầu tư FDI cao, công nghệ cao, hiệu quả cao; tỉnh sẵn sàng mặt bằng, sẵn sàng nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cơ chế, sẵn sàng hỗ trợ giải quyết khó khăn).
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tổ chức tại Hàn Quốc vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã trao chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho dự án sản xuất thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư Amkor Technology Singapore Holding PTE.LTD, mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD. Sau khi điều chỉnh, nhà máy có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích gần 6.400 ha, trong đó có 12 khu đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 60%. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vương Quốc Tuấn khẳng định: Tỉnh chủ động lựa chọn, mời gọi đầu tư theo định hướng; sẵn sàng tạo quỹ đất cho các dự án đầu tư với kết cấu hạ tầng đồng bộ; tiếp tục cải thiện và nâng cao vị thế của trung tâm sản xuất công nghiệp trên nền tảng sản xuất thông minh, gắn với chuyển đổi, phát triển xanh,…
Thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới
Chính quyền thành phố Hải Phòng luôn đồng hành, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đôn đốc, hỗ trợ dự án Nhà máy V3 của Công ty LG Innotek Việt Nam Hải Phòng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG) |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tú cho biết, để duy trì đà tăng trưởng dòng vốn FDI, thành phố đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi và sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong đó, thành phố duy trì vị trí thứ ba cả nước về xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đứng thứ hai cả nước về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index). Thành phố tập trung hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống giao thông kết nối vùng, mở mang thêm nhiều khu công nghiệp mới, nhằm tạo hấp dẫn và thuận lợi cho các nhà đầu tư,…
Tiếp nối thành công các cuộc xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đầu tháng 8 vừa qua, đoàn cán bộ xúc tiến đầu tư của thành phố Hải Phòng do Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu dẫn đầu đã có chương trình xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc. Nhiều biên bản hợp tác ghi nhớ giữa hai bên đã được ký. Dịp này, Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn cho các doanh nghiệp Trung Quốc thêm gần 200 triệu USD ở các lĩnh vực: Sản phẩm năng lượng mặt trời, linh kiện điện tử công nghệ cao,…
Khu công nghiệp DEEP-C (Hải Phòng), một trong những Khu công nghiệp được định hướng phát triển Khu công nghiệp xanh, hiện là địa chỉ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh: THÙY DUNG) |
Hải Phòng thực hiện chiến lược tập trung thu hút dòng FDI thế hệ mới, thu hút đầu tư có chọn lọc và chủ động sàng lọc để lựa chọn các dự án và nhà đầu tư chất lượng cao. Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, tỷ lệ các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đạt hơn 93%; suất đầu tư trung bình trong các khu công nghiệp tại Hải Phòng đạt 12 triệu USD/ha, bằng 2,6 lần bình quân cả nước. Năm 2024, thành phố đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư các ngành nghề thuộc ba trụ cột kinh tế đã được xác định (gồm cảng biển, logistics, công nghiệp công nghệ cao),…
Thành phố Hải Phòng đang tiếp tục đầu tư, mở rộng Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 6.200 ha. Bên cạnh đó, hoàn tất thủ tục, trình cấp có thẩm quyền thành lập Khu kinh tế ven biển phía nam, thuộc địa bàn quận Đồ Sơn và các huyện Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng,… quy mô diện tích 20 nghìn ha. Khi hình thành, khu kinh tế này sẽ khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng, kết nối với các địa phương lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông trao đổi về thu hút đầu tư với Khu công nghiệp Bá Thiện 2. (Ảnh: HÀ HỒNG HÀ) |
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Quang, với định hướng thu hút FDI xanh của Việt Nam, tỉnh chủ động hạn chế một số dự án gây ô nhiễm môi trường, nhất là các dự án trong lĩnh vực da giày, cao-su, dệt nhuộm, giấy,… Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng dự án Khu công nghiệp Phúc Yên (định hướng thu hút các dự án công nghệ cao, thông minh). Tại quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh Vĩnh Phúc có 24 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.800 ha, sau năm 2030 tăng lên 7.000 ha và đạt ngưỡng 10.000 ha vào năm 2050.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn CNCTech và Công ty cổ phần Signetics. (Ảnh: HÀ HỒNG HÀ) |
Trong số 16 khu công nghiệp đã thành lập của Vĩnh Phúc, có 9 khu công nghiệp đã đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng và đi vào hoạt động. Tỉnh vẫn còn nhiều dư địa để thu hút dòng vốn đầu tư FDI thế hệ mới. Về tỉnh nhận nhiệm vụ thời gian chưa lâu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông rất sốt sắng với công tác thu hút đầu tư FDI, lắng nghe và có chỉ đạo kịp thời, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các khu công nghiệp, có cơ chế ưu đãi thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Thời gian tới, Vĩnh Phúc xác định tập trung gỡ vướng về thủ tục đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có mặt bằng sạch, bảo đảm cơ sở hạ tầng cần thiết, thu hút các dự án FDI xanh.
Nguồn: Báo xây dựng