Tin được không: Cà phê nhưng lại không chứa caffeine
Tin được không: Cà phê nhưng lại không chứa caffeine
Viện Nông nghiệp Campinas (IAC) tại Brazil đang thực hiện một kế hoạch khó tin, đó là tạo ra các giống cà phê Arabica mà không chứa caffeine tự nhiên.
Dự án lai tạo giống cà phê mới sẽ kéo dài hai thập kỷ.
Nhiều người thích uống cà phê nhưng lại e ngại caffein có trong cà phê. Vì vậy họ tìm đến các loại cà phê được khử caffein. Tuy nhiên hiện tại, mới chỉ có các sản phẩm cà phê khử caffein bằng quá trình hóa học hoặc công nghiệp.
Các nhà nghiên cứu tin tưởng, nếu thành công, các giống cà phê mới sẽ có thị trường tiêu thụ rộng lớn ở châu Âu và Mỹ.
IAC là một trong những trung tâm nghiên cứu cà phê hàng đầu trên thế giới. Tổ chức này đã cung cấp nhiều cây cà phê năng suất cao, giúp Brazil trở thành cường quốc trên thị trường cà phê toàn cầu, cung cấp hơn 1/3 sản lượng cà phê thương mại.
Caffeine là chất kích thích tự nhiên được tìm thấy trong cây trà, cà phê và cacao. Chúng hoạt động bằng cách kích thích não và hệ thần kinh trung ương, giúp con người tỉnh táo và ngăn ngừa sự mệt mỏi. Lượng caffeine trong mỗi cốc cà phê phụ thuộc vào nhãn hiệu, cách chế biến.
Bên cạnh nhiều tác dụng đối với sức khoẻ, caffeine cũng mang đến một số tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng quá nhiều caffeine bao gồm: gây nghiện, lo lắng, bồn chồn, run rẩy, nhịp tim không đều và khó ngủ.
Quá nhiều caffeine cũng có thể gây đau đầu, đau nửa đầu, huyết áp cao ở một số người, gây ra sự hoang mang, ảo giác, nôn hoặc có thể dẫn đến tử vong do co giật. Ngoài ra, caffeine có thể dễ dàng vượt qua nhau thai, có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc nhẹ cân. Phụ nữ mang thai nên hạn chế tiêu thụ caffeine. Đáng chú ý là caffeine có thể tương tác với một số loại thuốc.
Tiêu thụ 400 mg caffeine mỗi ngày là an toàn. Tương đương với 2 hoặc 4 tách cà phê mỗi ngày.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị