Tín chỉ nhựa có phải là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác nhựa?
Tín chỉ nhựa có phải là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác nhựa?
Tín chỉ nhựa, một khái niệm tương tự tín chỉ carbon, liên quan đến việc các công ty hoặc cá nhân trả tiền cho một trọng lượng nhựa nhất định sẽ được thu gom ở một nơi nào đó trên thế giới, để có thể sản xuất hoặc sử dụng lượng nhựa tương đương.
Tín chỉ nhựa, một khái niệm tương tự tín chỉ carbon, liên quan đến việc các công ty hoặc cá nhân trả tiền cho một trọng lượng nhựa nhất định sẽ được thu gom ở một nơi nào đó trên thế giới, để có thể sản xuất hoặc sử dụng lượng nhựa tương đương. Các công ty hóa dầu và hàng tiêu dùng đang vận động hành lang nhằm đưa điều khoản về tín chỉ nhựa vào một thỏa thuận chống ô nhiễm nhựa có tính ràng buộc pháp lý đầu tiên của Liên hợp quốc (LHQ). Nhưng các nhóm bảo vệ môi trường lo ngoại, loại tín chỉ sẽ được sử dụng để tài trợ cho các giải pháp như đốt rác nhựa.
Sở hữu nhãn hiệu nước đóng chai Evian và Volvic, Danone (Pháp) là một trong những tập đoàn tiêu dùng lớn thử nghiệm sử dụng tín chỉ nhựa để chi trả cho một dự án thu hồi hàng chục nghìn tấn nhựa ở Indonesia. Dự án này được triển khai thông qua sự hợp tác với Chương trình giảm ô nhiễm rác nhựa của tổ chức đăng ký và chứng nhận bù đắp môi trường Verra (Mỹ).
Tuy nhiên, Danone đã rút khỏi dự án sau khi người dân địa phương khiếu nại về tình trạng ô nhiễm và bệnh tật do hoạt động xử lý rác nhựa của dự án, theo điều tra của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace).
Các nhà sản xuất nhựa lớn, dẫn đầu là các công ty hóa dầu và các tập đoàn kinh doanh hàng tiêu dùng đang vận động để có được những nhượng bộ trong vòng đàm phán của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) của LHQ về Hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa ô nhiễm nhựa toàn cầu tại Ottawa, Canada trong tuần này.
Tương tự như khái niệm bù đắp carbon, tín chỉ nhựa là một cơ chế tài chính cho phép các công ty cân bằng lượng rác nhựa mà họ thu gom với lượng rác nhựa mà họ tạo ra. Về mặt lý thuyết, tín chỉ nhựa sẽ giúp loại bỏ lượng nhựa họ sản xuất hoặc sử dụng. Tín chỉ nhựa cũng có thể giao dịch trên thị trường.
Verra là một trong những tổ chức ủng hộ đưa điều khoản về tín chỉ nhựa vào Hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu . Trong văn bản đề xuất gửi cho INC-4, Verra lập luận rằng hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý này nên thúc đẩy việc sử dụng “tín chỉ nhựa có chuẩn mực cao”.
Verra cũng tổ chức các sự kiện bên lề tại các cuộc đàm phán ở Ottawa để quảng bá “trái phiếu liên kết giảm rác nhựa” cùng với Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại Indonesia, Danone đã hợp tác với Công ty quản lý rác thải Reciki để thành lập 5 cơ sở tái chế rác nhựa trên khắp đất nước do đối tác địa phương sở hữu và điều hành. Nhưng vào tháng 5 năm ngoái, Verra dừng chi trả cho dự án sau khi có “những nhận xét thực chất từ các bên liên quan”, theo tài liệu mà Greenpeace thu thập được.
Tại các cơ sở này, rác nhựa sẽ được xử lý bằng cách tái chế cơ học, biến nhựa có giá trị thấp thành “nhiên liệu có nguồn gốc từ rác nhựa” và được tạo ra từ quá trình đốt và nén.
Trong đơn khiếu nại gửi cho cả Verra và Danone, người dân địa phương phàn nàn, cơ sở tái chế nằm quá gần khu dân cư. Họ nói về nhiều vấn đề sức khỏe như đau đầu, buồn nôn, khó thở, khó ngủ và chóng mặt do hít phải khói từ cơ sở này. Họ cho biết, một chất lỏng có mùi hôi đã thấm từ cơ sở tái chế vào sân của nhà dân.
Danone không bình luận về các đơn khiếu nại cụ thể nhưng cho biết công ty ủng hộ một hiệp ước chống ô nhiễm nhựa đầy tham vọng và ràng buộc về mặt pháp lý.
Yuyun Ismawati, người sáng lập tổ chức bảo vệ môi trường Nexus3 Foundation ở Indonesia cho rằng, tín chỉ nhựa sẽ cho phép các tập đoàn doanh nghiệp tài trợ cho các giải pháp gây tổn hại, chẳng hạn như đốt rác nhựa.
“Phương pháp xử lý rác nhựa này giải phóng các hóa chất độc hại trong nhựa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác đối với cộng đồng”, bà nói
Một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Break Free from Plastic cho thấy, 86% dự án trên Sàn giao dịch tín chỉ nhựa (PCX Markets) ở Philippines tạo ra tín chỉ nhựa từ việc đốt rác nhựa.
“Đốt rác thải để sản xuất nhiên liệu hoặc nguyên liệu thô khác thường là lựa chọn khả thi duy nhất đối với những vật liệu không thể tái chế. Đây là phương pháp thu hồi năng lượng từ rác thải nhựa được quốc tế chấp nhận và được sử dụng rộng rãi ở châu Âu cũng như các thị trường khác trên thế giới”, Sebastian DiGrande, CEO của PCX Markets nói
Break Free from Plastic cũng ước tính 22% dự án tạo tín chỉ nhựa trong cơ sở dữ liệu Verra có liên quan đến việc đốt rác nhựa. Verra cho biết cho đến nay, tổ chức này chưa cấp chứng nhận cho bất cứ tín chỉ nhựa nào được tạo ra bằng cách đốt rác nhựa được thu gom.
Verra khẳng định đã xem xét các ý kiến của các bên liên quan một cách “cực kỳ nghiêm túc” và đã tạm dừng dự án tín dụng nhựa của Danone sau khi nhận được khiếu nại của người dân địa phương. Tổ chức này nói thêm rằng, dự án của Danone được đăng ký chỉ cho “mục đích kiểm toán” và chưa bao giờ cấp tín chỉ nhựa cho dự án. Verra khẳng định, việc chỉ dựa vào tín dụng nhựa không thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm nhựa.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị