Tín chỉ Carbon – ‘chìa khóa’ cho tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp
Doanh nghiệp lớn vào cuộc chơi
Hiện nay, doanh nghiệp (DN) đang rục rịch chuẩn bị hành trang để bước vào “cuộc đua” khốc liệt trong việc giảm phát thải ròng bằng 0. Nhiều DN đã có động thái mạnh mẽ, chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải như: Cung cấp và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, không carbon với giá cả phải chăng, chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất,…
Lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, thời gian qua, công nghệ và quy trình sản xuất tại các nhà máy của URC Việt Nam liên tục được cải tiến, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Trong sản xuất, công ty đã áp dụng bộ nguyên tắc 3R (Reduce “tiết giảm” – Reuse “tái sử dụng” – Recycle “tái chế”) để gia tăng hiệu quả trong quá trình quản lý tài nguyên, sử dụng năng lượng và đầu tư vào sản xuất.
Trong khi đó, tại nhà máy Công ty Nhựa Duy Tân Bình Dương đang dần chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Cụ thể, với công suất 2,17 MWp, hệ thống này sẽ tạo ra khoảng 3.000.000 kWh điện mặt trời mỗi năm, giúp Nhựa Duy Tân giảm phát thải khoảng 2.000 tấn CO2/năm. Ngoài việc tạo ra nguồn năng lượng sạch, giúp giảm phát thải, dự án điện mặt trời còn giúp công ty tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất, từ đó tối ưu lợi nhuận, đồng thời cho phép giảm giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nhà máy tái chế Nhựa Duy Tân đang góp phần làm giảm thiểu lượng rác thải nhựa nhằm đáp ứng nhu cầu xanh hóa của thế giới.
Không ngó lơ trước thời cuộc, Unilever Việt Nam nhạy bén nắm bắt cơ hội vàng từ việc giảm phát thải. Với mong muốn đạt mục tiêu Netzero tập đoàn đề ra, Unilever Việt Nam đã có những phương pháp tiếp cận phù hợp, bao gồm kiểm soát hoạt động trong chuỗi vận hành, từ đó tiến đến tối ưu phát thải trên toàn bộ chuỗi giá trị (value chain).
Cụ thể, trong hoạt động vận hành nội bộ, Unilever Việt Nam sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng từ viên nén sinh khối (biomass) được tái chế từ phụ phẩm nông nghiệp thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch (diesel) để vận hành cho tất cả nhà máy trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Unilever đã bổ sung chứng chỉ năng lượng tái tạo IREC đối với nguồn điện đang sử dụng tại tất cả nhà máy và văn phòng thuộc tập đoàn. Điều này có nghĩa là toàn bộ lượng carbon phát thải qua điện năng tiêu thụ được xem là carbon tích cực. Đồng thời, Unilever còn kết hợp với Nhựa Duy Tân để tái chế, tái sinh bao bì hạn chế sử dụng nhựa nguyên sinh, từ đó góp phần giảm thiểu phát thải CO2 từ sản phẩm.
Nhiều sản phẩm của Unilever Việt Nam có vỏ chai được làm từ nhựa tái chế – PCR, chẳng hạn: Nước giặt Omo Matic cửa trên có chứa 50% PCR; các sản phẩm Comfort cho da nhạy cảm, nước rửa chén Sunlight Mềm Dịu, Sunlight Chanh 100, nước lau sàn Sunlight Thiên Nhiên, Cif Thiên Nhiên, Lifebuoy lau sàn, nước tẩy bồn cầu Vim xanh đều có chứa 100% PCR.
Phần lớn DN đã chủ động sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và triển khai các giải pháp giảm phát thải… Tuy nhiên, việc ứng phó với biến đổi khí hậu chưa phải ưu tiên hàng đầu của DN. Điều DN cần là được hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật, các chương trình đào tạo, tập huấn, dịch vụ tư vấn kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải cũng như có thêm nguồn tài chính để thực hiện các hành động giảm nhẹ.
Trao đổi tại một hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Hiện nay, Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thiện các quy định kỹ thuật cũng như xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để DN thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Với vai trò quan trọng của DN trong nền kinh tế, việc thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của DN phải đảm bảo sự cân bằng và phát triển của doanh nghiệp.
Cơ hội chuyển mình từ tín chỉ carbon
Cộng đồng DN đóng vai trò cực kỳ quan trọng, không chỉ là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển đổi thách thức thành cơ hội. Hay nói cách khác, tín chỉ carbon đang trở thành khái niệm quan trọng trong “cuộc đua” chống biến khí hậu và bảo vệ môi trường. Theo lộ trình thị trường carbon được vạch sẵn, nước ta sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức vào năm 2028. Nếu sớm thực hiện, DN sẽ được hưởng lợi, cùng với đó việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng sẽ dễ dàng hơn.
Ông Marc S. Forni – Chuyên gia Phụ trách Quản lý Rủi ro Thảm họa, Ngân hàng Thế giới đánh giá, thị trường tín chỉ carbon hiện nay “nhiều tiềm năng, lắm cơ hội”, dung lượng thị trường khá lớn. Hiện tại, hầu hết quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục tiêu Net Zero, điều này thúc đẩy rất lớn cho thị trường carbon.
Còn theo ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), các doanh nghiệp quyết tâm, mạnh dạn có biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động giảm phát thải hướng tới Net Zero sẽ nhận được rất nhiều cơ hội. Đó là, giúp các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, sản xuất ít phát thải, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Xu hướng tiêu dùng ngày càng chuyển dịch về sản phẩm và dịch vụ có lượng carbon thấp là điều cần thiết cho DN hiện nay, nó tạo cơ hội, nền tảng để DN phát triển. Phần lớn khách hàng ngày càng trở nên nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến môi trường và bền vững. Vì thế, để đạt được kết quả như kỳ vọng, thay vì coi đó là trách nhiệm, DN nên nhìn nhận rằng đây là cơ hội chiến lược để định hình lại hình ảnh của họ trong tâm trí khách hàng và cộng đồng kinh doanh. Việc đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ có lượng carbon thấp không chỉ là biện pháp bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để thúc đẩy doanh số bán hàng.
Bên cạnh đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ có lượng carbon thấp thì các DN, tổ chức chủ động tham gia vào hoạt động giảm lượng carbon bằng việc chuyển đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ sạch sẽ hơn, thúc đẩy sự sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp và dịch vụ xanh.
Nhiều địa phương đã có nguồn thu nhập đáng kể nhờ việc bán tín chỉ carbon từ rừng.
Tín chỉ carbon mở ra cơ hội tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường. Mới đây, tỉnh Quảng Trị đã thu hơn 51 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon của rừng. Theo đó, trung bình mỗi ha rừng tự nhiên được chi trả khoảng 120 ngàn đồng tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Theo lộ trình, giai đoạn 2023 đến 2025, Quảng Trị bán tín chỉ carbon từ 100 nghìn ha rừng tự nhiên thu về trên 51 tỷ đồng.
Việt Nam hiện có 14,7 triệu ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ trên 42% là nơi hấp thụ lớn carbon, được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon rừng. Rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50 đến 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu.
Hiện nay, các quốc gia, tổ chức có thể hợp tác mua bán tín chỉ carbon để đạt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và công bằng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và ý thức về môi trường ngày càng cải thiện, tín chỉ carbon không chỉ là công cụ để kiểm soát khí nhà kính mà còn là “đòn bẩy” quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững và tạo ra những cơ hội mới cho DN, cộng đồng và toàn xã hội. Những DN tiên phong trong chuyển đổi sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và đón đầu xu hướng của thế giới.
Ngọc Anh – Kim Thoa