Tìm vật liệu thay thế trong xây dựng công trình giao thông

Tìm vật liệu thay thế trong xây dựng công trình giao thông

Nguồn vật liệu xây dựng công trình giao thông truyền thống như đất, cát đang dần trở nên khan hiếm, cần tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Việc xây dựng các công trình giao thông, nhất là đường cao tốc thường cần sử dụng nhiều loại vật liệu xây dựng khác nhau. Tuy nhiên, nguồn vật liệu truyền thống như đất, cát đang dần trở nên khan hiếm. Vì vậy việc tìm kiếm các giải pháp thay thế và tận dụng hiệu quả vật liệu xây dựng là trở nên cấp bách.

Đối với những khu vực địa hình phức tạp như đồi núi hoặc trung du, việc sử dụng vật liệu địa phương có thể giải quyết một phần vấn đề. Tuy nhiên, đối với các vùng đồng bằng, thường gặp phải nền đất yếu, đòi hỏi giải pháp đặc biệt như thay đất hoặc xử lý nền bằng cách nâng cao độ nền, yêu cầu một lượng lớn vật liệu đất và cát cần sử dụng.

Tìm vật liệu thay thế trong xây dựng công trình giao thông
Ảnh minh hoạ. ITN

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực giải quyết một phần khó khăn về nguồn vật liệu san lấp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng cộng 64 giấy phép khai thác cát đã được Bộ Xây dựng cấp, tuy nhiên, lượng cát còn lại hiện tại chỉ đủ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu cho các dự án đường cao tốc và chưa tính đến các dự án đường bộ khác.

Tại Hội thảo “Giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông,” do Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội ngày 27/9 vừa qua, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đưa ra 3 giải pháp sử dụng vật liệu xây dựng thay thế. Đó là: sử dụng cát biển làm cát san lấp, sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp và nền đường ô tô, sử dụng bê-tông cốt thép làm đường trên cao.

Giải pháp sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng đã được triển khai thành công ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Singapore và một số nước Trung Đông. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tiến hành thử nghiệm sử dụng cát biển để xây dựng đường ô tô và đã có kết quả tích cực.

Việc kết hợp tro xỉ nhiệt điện và cát mặn để xây dựng nền đường ven biển và hải đảo cũng được nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thử nghiệm và cho kết quả khả thi. Giải pháp này có tiềm năng giúp giảm khả năng tiêu thụ cát tự nhiên và có giá thành cạnh tranh, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lâm – Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn kỹ thuật và kiến trúc công trình giao thông đề xuất giải pháp làm cầu cạn là một trong những phương án ưu việt nhất, cho phép giải quyết nhiều thách thức cùng một lúc, từ vấn đề khan hiếm cát đến giảm tác động đến môi trường tự nhiên.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích