Tìm kiếm công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng của ngành công nghiệp

Ngày 11/9, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) trực thuộc Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Năng suất Đài Loan (CPC) tổ chức Diễn đàn công nghệ xanh bền vững Việt Nam – Đài Loan 2024 tại TP.HCM.

Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các hoạt động bền vững và hiệu quả năng lượng, chia sẻ hiểu biết sâu sắc về kinh tế tuần hoàn, tự động hóa và năng suất xanh, cung cấp khuôn khổ để giảm tác động đến môi trường đồng thời thúc đẩy năng suất và khả năng phục hồi, tạo cơ hội để học hỏi kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng toàn cầu và khám phá công nghệ bền vững mới nhất giữa các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Đài Loan và Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm SMEDEC 2 phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm SMEDEC 2 khẳng định, công nghệ xanh bền vững đang là một trong những xu hướng phát triển quan trọng tại Việt Nam, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hướng đến phát triển bền vững. Việc thúc đẩy công nghệ xanh bền vững không chỉ giúp Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Do đó, Diễn đàn công nghệ xanh bền vững Việt Nam – Đài Loan 2024 được tổ chức nhằm đem đến những thông tin bổ ích nhất cho doanh nghiệp vừa đạt mục tiêu thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các hoạt động bền vững và hiệu quả năng lượng giữa các DNVVN tại Đài Loan và Việt Nam. Đồng thời, tạo cơ hội để doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng toàn cầu và khám phá công nghệ bền vững mới nhất.

“Diễn đàn hôm nay là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhìn nhận, chia sẻ những thành tựu và kinh nghiệm trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ xanh, từ đó xây dựng giải pháp hữu hiệu, hướng đến một tương lai xanh, sạch, bền vững hơn cho Việt Nam và khu vực” – bà Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh và hy vọng, thông qua diễn đàn này, doanh nghiệp sẽ tìm thấy những ý tưởng mới, những sáng kiến đột phá và cùng nhau hợp tác để đưa những ý tưởng đó vào thực tiễn, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

PGS. TS Nguyễn Lữ Phương, Phó Trưởng khoa Môi trường, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia sẻ về công cụ Extended Producer Responsibility – EPR.

Chia sẻ về các xu hướng, ứng dụng của tái chế nhựa và lợi ích giảm thiểu carbon theo kinh nghiệm của Đài Loan, ông Paul Lin – Giám Đốc điều hành Công ty TNHH Công nghiệp toàn cầu Poseidon, Đài Loan nhấn mạnh, các ngành công nghiệp có thể biến chất thải nhựa thành tài nguyên có giá trị bằng cách sử dụng công nghệ tái chế hoá học và công nghệ phân loại nhựa cho nhựa, chia sẻ các hoạt động nhiệt phân và chuyển đổi thành sản phẩm có giá trị tiên tiến sau cùng như nhiên liệu thay thế naptha tuần hoàn, dầu nhiên liệu tái tạo và carbon đen tái chế.

Trong đó, ông Paul Lin nhấn mạnh về công nghệ lõi sử dụng tái chế gỗ nhựa sẽ mang lại giá trị cao với công nghệ năng lượng xanh đổi mới với nhiều điểm ưu việt như: Không cần đốt cháy, có chính sách hỗ trợ để giải quyết tốt xung đột giữa chính phủ với khu vực tư nhân và xã hội; Sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bất kể là SRF hay gỗ nhựa; Quy trình sản xuất đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của kinh tế tuần hoàn cũng như các tiêu chuẩn cao của chính sách bảo vệ môi trường và toàn bộ quy trình đạt đến mức giảm thiểu và bù đắp phát thải carbon, đáp ứng tiêu chuẩn áp dụng cho Chứng chỉ Năng lượng xanh.

Ông Paul Lin – Giám Đốc điều hành, Công ty TNHH Công nghiệp toàn cầu Poseidon, Đài Loan chia sẻ tại Diễn đàn.

Theo ông Paul Lin, khi doanh nghiệp tích cực hướng tới mục tiêu “Net Zero”, việc quản lý điện của doanh nghiệp đang trải qua sự chuyển đổi quan trọng. Việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và quản lý toàn diện “kiểm kê carbon” sẽ trở thành điểm mấu chốt của xu hướng trong tương lai.

Đồng thời, ông Chen-Fang Lin, Quản lý cấp cao, Công ty TNHH Năng lượng Foxwell cho rằng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành năng lượng là rất lớn, màu mỡ. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ về việc tối ưu hoá hệ thống sưởi ấm, hiệu quả sử dụng năng lượng của lò hơi, hồi nhiệt thải để phát triển điện, thu hồi nhiệt thải từ máy nén khí và tái sử dụng năng lượng nhiệt thực tế.

Kim Thoa

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích