Tìm hiểu phân tầng chăm sóc và điều trị COVID-19 tại Hàn Quốc
Tìm hiểu phân tầng chăm sóc và điều trị COVID-19 tại Hàn Quốc
Ngoài việc tổ chức sàng lọc COVID-19 rộng rãi và theo dõi tiếp xúc nghiêm ngặt, tổ chức phân tầng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 đã được áp dụng hiệu quả tại các bệnh viện ở Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng mạnh bởi COVID-19 từ rất sớm, và đây là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ngoài Trung Quốc ngay từ khi dịch bắt đầu. Tuy nhiên, với những nỗ lực và các quy định nghiêm ngặt, số trường hợp mới mắc đã giảm bớt. Đáng chú ý hơn, tần suất tử vong ở Hàn Quốc là 2,1% so với tỷ lệ tử vong chung là 6-7% trên toàn thế giới. Ngoài việc tổ chức sàng lọc COVID-19 rộng rãi và theo dõi tiếp xúc nghiêm ngặt, tổ chức phân tầng chăm sóc bệnh nhân đã được áp dụng hiệu quả tại các bệnh viện trong chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Trong đợt bùng phát Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) ở Hàn Quốc vào năm 2015, Hàn Quốc là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất (ngoài Trung Đông). Tỷ lệ lây nhiễm liên quan đến bệnh viện là 40–90%, và tỷ lệ tử vong được báo cáo là 19%. Trong thời gian bùng phát dịch MERS, các hoạt động như đội đặc nhiệm MERS, chuyển đổi công năng một số bệnh viện dành riêng cho MERS và các bệnh viện chăm sóc hô hấp đã được triển khai để giảm nhiễm trùng bệnh viện và tránh đóng cửa bệnh viện do lây lan. Trong đợt bùng phát COVID-19, Hàn Quốc đã áp dụng các chiến lược đó ngay từ đầu, ngoài ra, Hàn Quốc còn triển khai thêm các cơ sở COVID-19 trong cộng đồng và trung tâm cấp cứu COVID-19 chuyên tiếp nhận các trường hợp nguy kịch khi vượt quá khả năng của các cơ sở điều trị khác.
Phân tầng chăm sóc bệnh nhân COVID-19
Trong đợt bùng phát lớn ở Daegu, tâm chấn của COVID-19 ở Hàn Quốc, tình trạng thiếu giường tại các bệnh viện đã làm tăng tỷ lệ tử vong do bệnh nhân không được tiếp nhận và chăm sóc kịp thời. Tăng thêm số giường và phân bổ lại nhân viên y tế và các cơ sở y tế tham gia tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 được xác định là những công việc cấp bách tại Hàn Quốc tại thời điểm lúc bấy giờ.
Việc chọn loại cơ sở để quyết định đưa người bệnh đến điều trị đã được xác định một cách chiến lược bằng sự phối hợp giữa nhóm quản lý y tế tại các địa phương và nhóm đặc nhiệm. Cụ thể, ngay khi phát hiện trường hợp F0 mới, thông tin này được chuyển ngay đến đội đặc nhiệm COVID-19 và đội quản lý COVID-19 địa phương. Nhóm quản lý COVID-19 địa phương sẽ chỉ định bệnh nhân đến các bệnh viện tùy theo mức độ bệnh và tình trạng bệnh viện còn trống giường.
Các địa điểm chăm sóc được chia thành các khu vực khác nhau, bao gồm: (1) cách ly chăm sóc tại nhà, (2) cách ly chăm sóc tại các cơ sở COVID-19 cộng đồng, (3) cách ly điều trị tại các bệnh viện COVID-19 được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19, (4) và cách ly điều trị tại các bệnh viện đa khoa tuyến 1 (tương đương bệnh viện tuyến huyện), tuyến 2 (tương đương bệnh viện tuyến tỉnh) và tuyến 3 (tương đương bệnh viện tuyến trung ương). Việc chọn lựa cơ sở điều trị nào là tuỳ thuộc vào kết quả phân loại bệnh nhân, cách tổ chức này đã giúp chia sẽ gánh nặng quá tải và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
Cơ sở COVID-19 cộng đồng
Cơ sở COVID-19 cộng đồng được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 3/2020 tại Daegu giúp theo dõi và chăm sóc những bệnh nhân nhẹ bằng cách sử dụng các cơ sở hạ tầng phi y tế sẵn có và nguồn lực chăm sóc sức khỏe tối thiểu.
Tại Daegu, khi lượng bệnh nhân tăng đột biến có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu giường bệnh tại các bệnh viện, giải pháp được vận dụng là những bệnh nhân nhẹ được cách ly tại nhà, nhưng vẫn cần được theo dõi. Các cơ sở cộng đồng ban đầu được sử dụng cho các mục đích phi y tế, chẳng hạn như các trung tâm đào tạo, khu nghỉ dưỡng và ký túc xá, đã được sử dụng làm nơi cách ly cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ. Những bệnh nhân không cần thở oxy, đặc biệt là những bệnh nhân dưới 65 tuổi không mắc các bệnh nền, là những đối tượng được chọn để theo dõi tại các cơ sở COVID-19 cộng đồng.
Tại các cơ sở COVID-19 cộng đồng, người bệnh tự báo cáo ngày 2 lần về nhiệt độ cơ thể và bất kỳ có triệu chứng mới nào bằng ứng dụng trên thiết bị di động hoặc điện thoại. Các thông tin tình hình sức khoẻ của người bệnh được theo dõi bởi nhân viên y tế. Chụp X-quang phổi, đo SpO2, xét nghiệm RT-PCR, cung cấp các thuốc đơn giản như thuốc hạ sốt có thể được thực hiện tại các cơ sở COVID-19 cộng đồng. Khi phát hiện người bệnh xuất hiện các triệu chứng có ý nghĩa lâm sàng, họ được chuyển đến bệnh viện.
Bằng cách vận hành hệ thống các cơ sở COVID-19 cộng đồng đã giúp cho các bệnh viện có thể đảm bảo đủ số giường dành cho những bệnh nhân cần điều trị hoặc chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, những bệnh nhân COVID-19 nhẹ cũng có thể nhanh chóng chuyển nặng khi được cách ly tại nhà. Những bệnh nhân này do được kết nối theo dõi tại các cơ sở cộng đồng, nên được chuyển đến bệnh viện ngay lập tức. Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã có hơn 14 cơ sở COVID-19 cộng đồng đã hoạt động thành công và con số này tiếp tục tăng lên.
Bệnh viện điều trị COVID-19 và Trung tâm cấp cứu COVID-19
Các bệnh viện điều trị COVID-19 là những bệnh viện chỉ chuyên tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Phần lớn là các bệnh viện công lập, và một số bệnh viện tư nhân tuyến 2 và tuyến 3 cũng tham gia vào nhóm này. Tổng cộng, có 67 bệnh viện cung cấp hơn 7.000 giường bệnh đã trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 trên toàn quốc. Các bệnh viện chuyên dụng COVID-19 điều trị bệnh nhân từ trung bình đến nặng hoặc nguy kịch tùy thuộc vào năng lực của mỗi cơ sở. Ví dụ, Bệnh viện Dongsan ở Daegu, một điểm nóng về COVID-19, có hơn 400 giường để chăm sóc chủ yếu cho những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Nếu số lượng nhân viên chăm sóc sức khỏe và nguồn lực không đủ, họ có thể được điều động đến từ các bệnh viện khác.
Tại Hàn Quốc, hầu hết bệnh nhân COVID-19 được chẩn đoán tại các địa điểm sàng lọc COVID-19, và hiện nay Hàn Quốc đã có hơn 600 điểm sàng lọc. Các điểm sàng lọc này giúp người dân dễ dàng tiếp cận để sàng lọc COVID-19, điều này đồng nghĩa với việc giúp cho người bệnh được chẩn đoán sớm và được điều trị sớm, ngăn ngừa các các trường hợp đã mắc COVID-19 (nhưng không biết) đến phòng cấp cứu bất ngờ.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, bệnh nhân COVID-19 có thể đột ngột xấu đi trước khi nhập viện. Trung tâm cấp cứu COVID-19 là trung tâm dành cho những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cần được điều trị cấp cứu. Các trung tâm cấp cứu COVID-19 thường là các phòng cấp cứu của các bệnh viện nhóm 3 với các phòng cách ly áp lực âm.
Thông qua việc sử dụng các bệnh viện điều trị COVID-19 và các trung tâm cấp cứu COVID-19, người bệnh đã được chăm sóc tập trung, nhân viên y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân được phân bổ hợp lý để giải quyết ổ dịch. Ngoài ra, các bệnh viện khác vẫn hoạt động và có thể chăm sóc những bệnh nhân mắc các bệnh khác và các tình huống khẩn cấp khác.
Bệnh viện tách đôi
Mục đích của bệnh viện này là hạn chế sự tiếp xúc không cần thiết giữa những bệnh nhân hô hấp có thể bị nhiễm COVID-19 và những bệnh nhân khác để giảm thiểu sự lây truyền COVID-19 trong bệnh viện. Ngoài ra, những bệnh nhân không có các triệu chứng về hô hấp có thể được điều trị thích hợp mà không phải lo lắng về việc phơi nhiễm không mong muốn với COVID-19 trong bệnh viện.
Lối vào và vị trí của phòng khám bệnh đường hô hấp tách biệt với bệnh viện chính, và đường vận chuyển của bệnh nhân mắc bệnh hô hấp cũng tách biệt với đường đi của những bệnh nhân khác. Nếu bệnh nhân bị nghi ngờ mắc COVID-19 dựa trên các triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ học, họ sẽ được đưa đến địa điểm sàng lọc COVID-19 trước tiên và sau đó là bệnh viện chuyên dụng COVID-19, không phải phòng khám ngoại trú hoặc khoa nội trú của bộ phận chăm sóc hô hấp.
Hầu hết bệnh nhân đã được xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập viện khoa hô hấp. Dựa trên các triệu chứng của họ, bệnh nhân có các triệu chứng về hô hấp phải ở trên sàn nhà của họ hoặc trong phòng riêng của họ. Trong số khoảng 3.600 bệnh viện trên toàn quốc, hơn 300 bệnh viện đã thay đổi cơ sở vật chất để hoạt động theo mô hình bệnh viện tách đôi trong thời gian bùng phát COVID-19. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, đôi khi vẫn xảy ra tình trạng nhiễm trùng bệnh viện không mong muốn./.
PV(T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị